top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Hồi chuông cảnh báo sau vụ việc của CLB Tình người

Đã cập nhật: 2 thg 4, 2021

[01/4/2021] Đông Lai

Dẫn nhập:


Tu luyện cá nhân theo tôi nghĩ vốn đã là một vấn đề không đơn giản, tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp thì lại càng phức tạp hơn nữa. Chúng ta không chỉ vừa phải tu cho tốt bản thân, lại phải đảm đương việc giảng thanh chân tướng chứng thực sự tốt đẹp của Đại Pháp đến người dân trong xã hội.


Muốn làm được như vậy, tôi nghĩ tiền đề chúng ta phải là một người tốt, và tất nhiên không được có biểu hiện gì khác thường hay lập dị; Sau đó từ người tốt chúng ta cố gắng trở nên tốt hơn nữa, tiêu chuẩn đạo đức càng ngày càng phải nâng cao hơn. Chính những điều đó sẽ được chúng ta thể hiện qua hành vi ứng xử, qua kết quả làm việc, học tập, lời ăn tiếng nói v..v ngày qua ngày. Chúng ta phải trở thành những người có phong thái cao, từ đó dần dần mới gây được tác dụng chính diện, tạo ra được thiện cảm trong con mắt của người dân. Lúc đó họ mới có thể nhìn nhận được rằng Đại Pháp là tốt vì có thể cải biến một người trở nên tốt hơn, có ích hơn cho xã hội.


Nhưng để có thể trở thành người tốt hơn đó, chúng ta lại cần phải tu bản thân cho tốt. Nếu bản thân một học viên mà tu sai lệch, trở nên cực đoan hay đi ngược lại yêu cầu của Sư Phụ thì hậu quả sẽ rất khó lường. Nhất là nếu đặt trong bối cảnh xã hội mà xuất hiện nhiều hiện tượng hỗn loạn, lừa đảo liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, thì vấn đề này lại càng nghiêm trọng hơn nữa.


Nội dung:


Hiện nay không chỉ trên bình diện thế giới, mà ngay ở Việt Nam cũng đã và đang xuất hiện nhiều dạng thức lừa đảo, kinh doanh trục lợi trên lĩnh vực tín ngưỡng/tôn giáo, người ta gọi những dạng thức này là « đa cấp tâm linh ». Theo nhiều nguồn tin cho biết thì những ai tham gia vào các dạng tổ chức kiểu như trên đều chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định, VD : Có người thì mất tiền, có người thì lục đục thậm chí tan vỡ gia đình, có người thì mất việc hay vỡ nợ, có người thì mắc bệnh v..v. Những dạng thức lừa đảo này đều đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.


Ở Việt Nam thời gian gần đây có xuất hiện một kiểu hình thức tương tự mà giới báo chí trong nước phải tốn không ít giấy mực : CLB Tình người.


CLB Tình người này theo tôi tìm hiểu thì được thành lập vào khoảng năm 2011, trong giai đoạn đầu thì CLB này phát triển bình thường, cũng không có gì nổi bật. Thế nhưng đặc biệt là từ năm 2018 trở lại đây thì lại phát triển mạnh ở cả khu vực miền Bắc và miền Nam, họ rất hay tổ chức các buổi « thiện nguyện » tại nhiều nơi. Tính cả nước thì số lượng người tham gia CLB Tình người được một trong những người đứng đầu tổ chức này tạm thống kê là vào khoảng trên dưới 100.000 người.


Hoạt động "thiện nguyện" của CLB Tình người

Phương thức hoạt động, giáo lý của những người đứng đầu CLB Tình người nếu chỉ giống như Hội Thánh Đức Chúa Trời hay Tân Thiên Địa thì không có gì đáng phải đem ra bàn trong bài viết này. Vấn đề là ở chỗ, cách thức hoạt động, định hướng và dẫn dắt học viên của CLB này theo tôi thấy thì giống phải đến hơn 95% nếu đem so với cách thức hoạt động hiện nay của hệ thống PĐV, LLV tại Việt Nam.


Họ cũng giảng về vấn đề « nghiệp lực », rồi giảng về « hành sứ mệnh » (đi gieo duyên cho nhiều người và kéo người ta đến với CLB), họ cũng quảng bá rằng người ta bị bệnh là do « nghiệp quả » và học viên có thể dùng « bó đũa thần để trị bách bệnh ». Theo tôi tìm hiểu thì biết người đứng đầu CLB Tình người này từng có nói rằng đại ý nhân loại đáng lý đã bị diệt vong vào năm 2000, nhưng « mẹ Phật mẫu địa » đã xin « Ngọc hoàng vua cha » gia hạn đến năm 2012 cho loài người tu gấp, lẽ ra 2012 là tận thế nhưng do vào năm 2011 phía CLB này xin nên « vua cha » gia hạn tiếp đến 2020. Bản thân người đứng đầu CLB này cũng dùng nhiều từ ngữ dễ gây liên tưởng đến nội dung trong Kinh sách Đại Pháp, VD : « 9 chữ vàng », « Pháp Luân thường chuyển », « Pháp bảo » v..v.


Theo nguồn tin từ báo chí cho biết, đã có nhiều gia đình tan vỡ, công việc kinh doanh phá sản, thậm chí có người phải vay lãi lấy tiền để đi « giải vong theo », « tạo phúc », « trả nghiệp ». Những người tham gia CLB này gần như lúc nào cũng giành phần lớn thời gian để đi « hành sứ mệnh », không chỉ tốn thời gian sinh hoạt tại CLB, nhiều người còn thường xuyên « hành lễ » tại nhà, bất kể ai can ngăn thì đều được coi là vong ma phá phách, cản trở con đường tu tập của mình.



Đặc biệt, CLB này còn lôi kéo được không ít người có địa vị cao trong xã hội, từ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, giám đốc bệnh viện, phóng viên truyền hình đến cả trong ngành quân đội v..v, những người này sau đó cũng tích cực dùng ảnh hưởng của mình để đi « gieo duyên » , lôi kéo nhiều người vào CLB.



Chỉ nói sơ qua vài đặc điểm cũng như biểu hiện của những thành viên trong CLB Tình người, bản thân tôi thấy có quá nhiều nét giống so với biểu hiện của không ít học viên hiện nay trong cộng đồng. Cụ thể :


- Thường xuyên lấy việc khỏi bệnh thần kỳ, khỏi bệnh nan y ra quảng bá không chỉ trong nội bộ mà còn đem ra nói công khai ngoài xã hội. Có nơi còn kêu gọi niệm 9 chữ trị bách bệnh, niệm 9 chữ tránh Covid; Ai góp ý phê bình cách làm này là không lý trí, đi ngược yêu cầu của Sư Phụ thì đều bị nói là đang "cản trở học viên cứu người"; - Tham khảo: Link 1 | Link 2 | Link 3


Hàng loạt các trang thông tin của học viên tuyên truyền "khỏi bệnh thần kỳ" (Google search theo từ khóa "khỏi bệnh thần kỳ")

- Bỏ quá nhiều thời gian vào làm việc thứ 3 đến nỗi gia đình và công việc bị bỏ bê, hành xử thất thường khiến người xung quanh khó lý giải. Nhiều học viên nhẹ thì lục đục gia đình, nặng thì ly dị; Có người thì bị mất việc, bị đuổi học; Có người thì thậm chí bỏ quá nhiều tiền tham gia hạng mục đến khánh kiệt và vỡ nợ; - Tham khảo: Link 1 | Link 2




- Nhiều hạng mục thu rất nhiều tiền của học viên mà không công khai minh bạch, có những hạng mục mà thậm chí học viên chỉ có quyên tiền nhưng không hề biết số tiền mình quyên đã được dùng vào những việc gì; - Tham khảo: Link 1 | Link 2 | Link 3


- Cũng sử dụng hoạt động « thiện nguyện » (mưa lũ miền Trung, lên vùng sâu vùng xa) để đi quảng bá Đại Pháp; - Tham khảo: Link


CLB Tình người rất năng nổ đi các nơi làm "thiện nguyện", phương thức làm của họ cũng giống na ná vs cách làm của học viên, trong ảnh ở đây là so sánh với đoàn Hồng Ân.

- Cũng sử dụng những người nổi tiếng vào tu luyện để quảng bá cho Đại Pháp;


Đại Kỷ Nguyên (giờ đã bị khai trừ khỏi tổng bộ Epoch Times) trước đây rất năng nổ trong việc tìm những người nổi tiếng là học viên đứng ra quảng bá Đại Pháp

* Tìm hiểu thêm về vụ việc của Đại Kỷ Nguyên: - Link 1 | Link 2



- Học viên hay có lối nói « mỗi người một thể ngộ », thì những thành viên trong CLB Tình người cũng có « mỗi người một cách ngộ ». - Tham khảo: Link



v..v


Như vậy, có thể thấy nếu một người ý thức được CLB Tình người là lừa đảo, sai trái thì khi tiếp xúc với những hoạt động của học viên trong cộng đồng, người này rất dễ sẽ thấy có gì đó tương đồng với phương thức hoạt động của CLB Tình người. Chính vì lẽ đó mà có thể sẽ tạo ra sự bài xích, phản cảm trong tư tưởng của họ khi tìm hiểu về Pháp Luân Công. Nếu trước đó người ta đã nghe nhiều thông tin tiêu cực về học viên thì sự tình có thể còn trở nên nghiêm trọng nữa.


Nếu học viên cứ tiếp tục với cách thức tu luyện và chứng thực Pháp như hiện nay, thì rõ ràng dần dần sẽ không ngoa khi nói rằng người dân sẽ đặt chung Pháp Luân Công với CLB Tình người là cùng một dạng thức. Khi cái quan niệm đó đã hình thành trong đầu người dân, thì tôi nghĩ là lúc này, học viên có nỗ lực quảng bá thế nào đi nữa cũng vô ích, mà càng làm nhiều không khéo lại càng làm tăng sự phản cảm trong xã hội. Lúc này thì chính quyền họ không cần làm gì, họ chỉ cần mặc kệ cho học viên tự phá chính mình là người dân sẽ càng ngày càng bài xích Pháp Luân Công. Khi mà phần lớn xã hội có cái nhìn tiêu cực về Pháp Luân Công, thì lúc đó bản thân học viên đến tự tu cá nhân còn khó, nói gì đến giảng thanh chân tướng cứu người?


Bản thân những người tham gia CLB tình người mà có biểu hiện loạn bậy giống học viên đó, liệu họ có được tính là người tu luyện? Rõ ràng là không, họ vẫn chỉ là người thường. Vậy suy rộng ra, có bao nhiêu học viên trong cộng đồng hiện nay thực sự đang tu luyện? Bao nhiêu học viên thực chất vẫn chỉ là người thường? Câu hỏi này tôi xin để độc giả là người tu có thể tự mình suy xét.


Xét ở góc độ tu luyện, cá nhân tôi thấy rằng sự xuất hiện của CLB Tình người này chính là:


- Một sự phản ánh khá tương đồng với hiện trạng một số lượng không nhỏ học viên trong cộng đồng người tu luyện Đại Pháp hiện nay tại Việt Nam;


- Là một dạng thức an bài để người tu chúng ta có tham chiếu tự nhìn vào, qua đó để biết chính mình đang có vấn đề ở đâu rồi tự quy chính. Nếu không tiếp nhận bài học này một cách chính diện thì tôi e rằng hậu quả chính là học viên không sớm thì muộn cũng sẽ bị xã hội đối đãi giống như những gì CLB Tình người đang gặp phải. Và như thế thì sẽ có rất nhiều người dân gặp nguy hiểm khi Chính Pháp kết thúc.


Kết luận:


Thời gian dành cho học viên tu luyện và giảng chân tướng theo tôi hiểu thì không còn nhiều. Để xã hội xuất hiện dạng thức như CLB Tình người như thế này thì bản thân đối ứng với cộng đồng tu luyện Đại Pháp tại Việt Nam tôi nghĩ ắt phải đang gặp quá nhiều vấn đề. Và cũng giống như khi một học viên đối diện với mâu thuẫn cá nhân, nếu học viên đó biết hướng nội mà tống khứ chấp trước, thì dù mâu thuẫn kia có nặng nề ra sao cũng có thể tự nhiên biến thành tốt đẹp trở lại - “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”; Nhưng, nếu học viên đó cứ làm theo ý mình, cứ dùng cách nghĩ của người thường mà tranh mà đấu, thì không khéo mâu thuẫn đó sẽ ngày càng trở nên phức tạp và khó vượt qua hơn.

Comments


bottom of page