top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Một số lối nói ngụy biện kinh điển trong cộng đồng học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam

Đã cập nhật: 5 thg 5, 2020

[04/10/2019] Doãn Đông


Lời dẫn:


Hiện nay đang tồn tại khá nhiều lối nói theo hình thức “câu cửa miệng” mà được một bộ phận không nhỏ học viên sử dụng, nó thời thượng đến mức mà tôi có cảm giác như học viên nào cũng muốn nói. Nhưng đáng buồn ở chỗ có vẻ như họ đang hiểu sai những câu cửa miệng đó, nói đúng hơn là họ dường như được một hệ thống nào đó định hướng để hễ khi gặp vấn đề là họ Auto (tự động) xuất ra đằng miệng.


Thành ra bây giờ tôi cảm giác những “câu cửa miệng” đó nó dần phát triển như một dạng thức văn hóa rồi; Một số học viên mới mà hồi đầu tôi quen thì thực tế họ còn không biết mấy câu đó, nhưng khi tiếp xúc với cộng đồng hay nói chính xác hơn là bộ phận học viên kể trên một thời gian thì không hiểu sao tự nhiên họ cũng có vẻ khoái sử dụng những câu cửa miệng đó.


Tuy nhiên, căn cứ vào những việc mà bộ phận những học viên kia làm và những câu cửa miệng họ hay sử dụng, tôi xét kỹ theo Pháp thì lại thấy dường như không có sự liên quan, mà thấy có vẻ như những câu cửa miệng đó nó lại trở thành những phương thức ngụy biện, đánh lạc hướng vấn đề thì đúng hơn.

Dựa theo hiểu biết nông cạn trong quá trình học Đại Pháp, trong bài viết này tôi xin thử đưa ra vài trường hợp phổ biến mà bộ phận học viên kể trên hay đem ra sử dụng và phân tích vì sao nó có vấn đề.


Nội dung:


1. "Thần chỉ xét nhân tâm"


Đây là một câu học viên hay đem ra sử dụng, nhất là trong khi họ làm sai, bị chất vấn thì họ thường nói là “Thần chỉ xét nhân tâm” (hoặc "chỉ xét cái Tâm") – ý là hành vi của họ có thể sai nhưng cái tâm của họ là tốt; Ví dụ như hành vi in lậu, vi phạm pháp luật, ăn chặn tiền bản quyền của Sư Phụ thì họ biết là sai, nhưng cái tâm muốn giúp đỡ học viên có sách đọc thì họ cho là tốt, và Thần chỉ xét nhân tâm có ý là họ sẽ được miễn trừ khỏi hậu quả do những hành vi sai trái bên trên gây ra.




Nhưng, có một điều then chốt họ có thể vô ý hoặc cố ý lờ đi, điều này Sư Phụ đã giảng rõ trong Tinh tấn yếu chỉ - đại ý đó là: Một sinh mệnh vô luận đã làm gì thì họ đều phải có trách nhiệm với điều ấy. Sư phụ là từ bi, đệ tử Đại Pháp đều đang cứu người, nhưng Chính Pháp là nghiêm túc.


Tôi thể ngộ nông cạn rằng, chưa xét đến cái câu nói kia có được dùng đúng hay không, nếu giả sử nhân tâm của học viên dẫu có tốt đến mấy, nhưng khi hành xử và biểu hiện nơi người thường mà gây hậu quả nghiêm trọng, ví như cố tình vi phạm pháp luật, làm trái với yêu cầu của Sư Phụ thì học viên vẫn phải chịu trách nhiệm như thường. Lý do rất đơn giản, trong Đại Viên Mãn Pháp (Phụ lục IV) – Sư Phụ đã yêu cầu học viên rất kỹ (ngay từ thời kỳ đầu học viên mới bước vào tu luyện) đại ý là phải nghiêm khắc tuân thủ chính sách pháp luật quốc gia của mình. Họ vi phạm pháp luật thì đương nhiên họ làm trái lời yêu cầu của Sư Phụ, đi ngược lại yêu cầu của Chính Pháp, vậy hỏi họ có phải chịu trách nhiệm hay không? Nhất là về vấn đề in lậu này thì Minh Huệ tiếng Trung đã ra thông cáo rất rõ.


Nói thêm về việc phải chịu trách nhiệm mà bản thân học viên làm sai gây ra, nhiều người cho rằng cứ cho như là họ sai đi, dù sao họ cũng tu Đại Pháp nên phải quy về Đại Pháp quản, tội trạng của họ dẫu nghiêm trọng thì địa ngục không quản được (ý là họ không sợ). Điều đó tôi nghĩ chỉ đúng với điều kiện: Họ là người tu chân chính, biết sai rồi nhanh chóng sửa chữa và thực sự ý thức hậu quả mình gây ra và cố gắng vãn hồi hết mức có thể.


Còn nếu bước vào mà tâm tính không chuyển biến từ căn bản; Hoặc họ một thời gian lâu không tu theo Đại Pháp mà tu theo người khác; Toàn làm ngược lại yêu cầu của Đại Pháp rồi còn tạo ra những lỗi lầm nghiêm trọng kể cả trong tu luyện cá nhân lẫn chứng thực Pháp mà không nhận thức ra hoặc cố tình lờ đi khi được các học viên góp ý chỉ rõ, cũng không chịu vãn hồi tổn thất; Trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi loạn Pháp v..v thì có thể họ vẫn phải đọa vào địa ngục như thường mà thôi. Thực tế thì đã có nhiều vụ học viên như vậy. (Link tham khảo: Click)


Nói xa hơn, câu “chỉ xét nhân tâm” kia tôi nhớ đó là nói về tôn chỉ truyền Pháp của Sư Phụ, cụ thể đại ý “mở rộng toàn diện, chỉ xét nhân tâm”, Sư Phụ đã giảng ra không nguyên văn là Đại Pháp khai truyền là bình đẳng đối với chúng sinh và không xét giai tầng, không xét chức vị mà chỉ xét nhân tâm, chỉ xét thái độ đối với Đại Pháp. “Chỉ xét nhân tâm” kia thực ra Sư Phụ cũng đã giải thích rất rõ đại khái đó là không kể đến chúng sinh trong lịch sử đã sai đến đâu, thì toàn bộ đều không xét đến, chính là xét đến thái độ đối với Chính Pháp hôm nay, chính là xét đến nhận thức về Đại Pháp.


Vấn đề then chốt ở đây, đó là học viên cố tình hiểu sai, lược bỏ bớt chữ “trong lịch sử”, tôi hiểu đó là những lỗi lầm thì “quá khứ” trước khi bước vào tu luyện thì miễn là có thái độ tốt với Đại Pháp thì được bỏ qua không xét đến. Nhưng nếu tội lỗi, sai lầm nảy sinh ra sau quá trình bước vào tu luyện, thì ở bên trên Sư Phụ đã giảng rất rõ đó là đều phải có trách nhiệm.


Còn nói vể “Thần chỉ xét nhân tâm”, câu này theo tôi được biết, chỉ duy nhất xuất hiện trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999] nhưng là nói về việc con người duy hộ tôn giáo, nhưng cái tâm lại không đạt đến tiêu chuẩn của người tu luyện thì vô ích. Nếu xét đúng ngữ cảnh của câu này thì rõ ràng không hề có cái ý nào nói là học viên làm sai thì được Thần miễn hết trách nhiệm, chỉ xét nhân tâm bao giờ cả.


Do đó, bản thân việc học viên đem sử dụng lối nói “Thần chỉ xét nhân tâm” khi bao biện cho hành vi sai trái thì rõ ràng là hoàn toàn lạc đề, nếu xét kỹ theo Pháp thì nói thẳng ra là họ còn hiểu sai lệch khi sử dụng lối nói đó. Có lẽ rất nhiều học viên được định hướng là sử dụng cách nói này khi bị người khác chỉ ra cái sai, tôi thấy rất nhiều trong số họ cứ dập khuôn giống nhau y như đúc, nhưng vì bị định hướng, chứ không phải là họ tự lý giải Pháp. Họ dường như đã quen tu theo chỉ đạo từ người khác, không tự mình tư duy độc lập nên những thứ họ đem ra sử dụng, thuyết nói rất nhiều khi đến chính họ có vẻ cũng không hiểu rõ, có nhiều trường hợp họ dùng sai cũng không biết.


2. "Cần phải có chính niệm"


Từ "chính niệm" này tôi có tìm hiểu thì dường như đang được sử dụng khá thịnh hành trong cộng đồng học viên, kiểu như: “Bạn phải có chính niệm”, “Em phải có chính niệm”, “Phải dùng chính niệm xét vấn đề” v..v. Chưa bàn đến việc người tu dùng từ này như thế nào, trong bối cảnh nào - ở đây tôi xin xét đến cách hiểu chung của "chính niệm", với mỗi học viên thì có thể diễn ra nhiều quan điểm thể ngộ khác nhau; Nhưng theo quan điểm của tôi, tựu chung lại thì dù thể ngộ ra sao thì: một niệm chỉ được coi là chính nếu nó PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU CỦA ĐẠI PHÁP, hoặc nói cách khác là PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU CỦA SƯ PHỤ.



Vì Đại Pháp là Đại Pháp của cả vũ trụ nên đương nhiên tôi hiểu rằng phải tuân theo đúng tiêu chuẩn của Đại Pháp mà Sư Phụ đã giảng thì niệm của học viên khi xuất ra mới được coi là CHÍNH. Nếu không tuân theo, làm sai hoặc đi ngược lại, thì ngược lại nó sẽ được coi là TÀ NIỆM. Không cần biết cái niệm đó học viên cho là tốt đến mấy, thiện đến mấy, chỉ cần xem nó có đúng với yêu cầu của Đại Pháp hay không.


- Với góc độ tu cá nhân


Học viên có chính niệm - tôi thể ngộ nông cạn là niệm đó phải tuân theo những gì được giảng trong Đại Pháp, VD: khi gặp vấn đề, mâu thuẫn thì cần xem bản thân có chấp trước gì cần bỏ, giả sử vừa ra đường bị ai đó gây sự, thì nếu xuất ra niệm đầu như là "không phải ngẫu nhiên mình bị người ta gây sự, ắt mình phải có chấp trước nào đó, có thể là tâm bất bình, oán hận v..v" - cái niệm đầu này tôi hiểu là tuân theo yêu cầu đề cao tâm tính mà Sư Phụ giảng trong Pháp, do đó đây có thể được xem như là một niệm chân chính, hay được coi là chính niệm.


Lấy một ví dụ khác, dạo gần đây ở Việt Nam ô nhiễm không khí khá nặng, một học viên A khi đến cơ quan thấy đồng nghiệp bảo "anh phải mua khẩu trang chống độc hàng xịn vào, không là ra ngoài hít thở là nhiễm bệnh đấy". Tôi nghĩ việc học viên A này bị đồng nghiệp bảo như vậy là không ngẫu nhiên. Đó chính là bài Test xem học viên A nhìn nhận vấn đề theo Pháp hay theo tư tưởng người thường. Tư tưởng người thường thì sợ bệnh tật, lo này lo kia, còn nếu theo Pháp thì rõ là học viên A sẽ hiểu là mấy thứ ô nhiễm kia không động đến được người tu chân chính.


Vấn đề là, cái niệm đầu tiên xuất ra của học viên A khi trả lời vị đồng nghiệp kia sẽ quyết định học viên A sẽ ra sao. Nếu niệm xuất ra là "không phải lo, mấy thứ đó không ảnh hưởng tới tôi, vì tôi là người tu luyện" (bề mặt có thể chỉ cười không nói gì nhưng trong đầu nghĩ như vậy) - thì đó là niệm đầu tuân theo đúng tiêu chuẩn mà Pháp đặt ra cho người tu, do vậy những thứ ô nhiễm kia đương nhiên sẽ không ảnh hưởng gì đến học viên A vì chúng chỉ có thể tác động ở tầng người thường mà thôi. Nhưng nếu học viên A xuất ra một niệm kiểu như "Ờ, mình phải đi mua khẩu trang thật, không thì có thể bị ô nhiễm" - tư tưởng này phù hợp với cảnh giới người thường nên đương nhiên những thứ ô nhiễm của người thường sẽ tác động được tới học viên A, theo quan điểm của tôi thực ra là do chính học viên A cho phép những thứ ô nhiễm đó tác động được đến mình.


Tất nhiên, trường hợp này không bao hàm việc người tu “cố tình” lừa Pháp thân của Sư Phụ, tức là trong lòng họ vẫn lo sợ nhưng vẫn cố lên gân trong tâm là “không phải lo, nó không ảnh hưởng đến minh”, tức là họ cho rằng miễn là Pháp thân của Sư Phụ thấy họ có niệm đó thì họ sẽ không sao. Cái đó ngược lại là tâm giảo hoạt, dùng chiêu trò lừa Pháp thân Sư Phụ (tất nhiên là tôi thể ngộ Pháp thân Sư Phụ biết quá rõ), họ chỉ cố tỏ ra là họ có chính niệm nhưng chính cái nỗi sợ mà họ cố kìm nén và che giấu chứ không bỏ đi đó đã cho thấy rõ họ “không chính”.


Tức là, niệm của người tu mà tuân theo Pháp, thì sẽ không gặp vấn đề, cũng có thể được coi là chính niệm. Nhưng nếu không tuân theo Pháp, mà lại nghĩ theo kiểu người thường đối đãi thì có thể sẽ gặp vấn đề, niệm đó với người thường thì có thể đúng, nhưng với người tu, lấy tiêu chuẩn tu luyện ra mà xét thì là niệm bất chính.


- Với góc độ chứng thực Pháp


Cũng giống như với góc độ tu luyện, trong quá trình chứng thực Pháp thì ý niệm của người tu xuất ra mà phù hợp với yêu cầu/tiêu chuẩn của Đại Pháp thì tôi hiểu đó sẽ được coi là chính niệm. Nhưng nó phức tạp hơn việc tu cá nhân, bởi vì để hiểu được tường tận yêu cầu của Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp thì không dễ. Điều này ngoài việc học viên phải học Pháp cho kỹ, thì cũng cần phải có khả năng phân biệt cái nào là đúng và sai với Pháp ở ngoài thực tế - tức là không phải chỉ học lý thuyết suông, phải có khả năng vận dụng vào thực tiễn.


Nếu cố tình không tuân thủ, cố tình làm sai với yêu cầu của Sư Phụ thì dù bao biện thế nào thì hành vi của học viên cũng không thể được coi là chính, tức là không phải chính hành, mà đã không phải chính hành thì suy ra thực chất là không có chính niệm. Bởi tôi hiểu là tư tưởng quyết định hành vi, nếu tư tưởng không chính thì ắt hành vi không chính.


Với một số nước thì tôi thấy Sư Phụ có những bài kinh văn/lời bình giảng riêng, nói riêng từng trường hợp; Điển hình như với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hay Đài Loan. Như vậy, nếu là học viên ở Việt Nam thì phải nghiêm khắc tuân thủ theo đúng yêu cầu của Sư Phụ với riêng tình hình ở Việt Nam, nếu không thì ắt tư tưởng trong đầu của họ không phải là chính niệm, mà có thể là tà niệm.


Tôi nghĩ sẽ là quá thừa khi ai ai trong số người tu chúng ta cũng phải tự hiểu rằng - không ai có thể nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn Sư Phụ được. Do đó một khi Sư Phụ đã đưa ra yêu cầu cụ thể nào đó thì tôi hiểu là đó chính là con đường đúng đắn nhất, toàn diện nhất, tốt đẹp nhất. Nếu học viên tự có cách đi khác, cho rằng không thể đi theo yêu cầu đó của Sư Phụ thì cũng tức là họ đang đi theo đường tà, bởi vì những gì mà họ nhìn nhận nó đương nhiên là quá thiển cận, họ đâu thể xét vấn đề toàn diện mọi mặt ở cả không gian bề mặt và ở tất cả không gian khác? Chưa kể việc họ cố tình làm còn có thể phá hoại an bài vốn tốt đẹp nhất từ đầu của Sư Phụ.


Ví dụ: Sư Phụ yêu cầu học viên Việt Nam đại ý trong kinh văn 2018 là không được giảng chân tướng quy mô lớn. Trong hoạt động giảng chân tướng thì tôi hiểu đương nhiên sẽ phải bao hàm cả hoạt động hồng Pháp, bởi người Việt Nam họ chưa từng trải qua quá trình cao trào khí công như trước năm 1999 ở Trung Quốc, họ chưa biết Pháp Luân Công là gì nên đương nhiên khi giảng chân tướng thì cần phải giới thiệu về Pháp Luân Công, lợi ích của môn tu luyện v..v. Do đó, bản thân việc học viên quảng bá Đại Pháp dưới bất kỳ phương thức nào có phạm vi lớn, giả sử như ở trên mạng xã hội, học viên chia sẻ và like là tất cả người thân/bạn bè của họ có thể đọc được, như vậy chính là đang làm với quy mô lớn vì với một bài hồng Pháp có thể chia sẻ trong thời gian ngắn tới cả ngàn người.


Việc học viên chia sẻ hay lan truyền các bài viết chứng thực Pháp, giảng chân tướng rầm rộ trên mạng thì đó liệu có được liệt vào chính niệm? Học viên có thể cho là tâm của mình tốt, vì cứu người nên nó ắt là chính niệm. Nhưng, ở đây nó rõ ràng là làm sai với yêu cầu của Sư Phụ, thì nói đơn giản, không cần phải giải thích lòng vòng - nó là TÀ NIỆM. Bản thân cái tâm cứu người nó là tốt, nhưng nó phải tuân theo yêu cầu của Pháp, của Sư Phụ chứ không phải tùy tiện thích gì làm nấy.



Học viên muốn biết đâu là chính niệm, đâu là tà niệm, theo quan điểm của tôi thì rất đơn giản: ĐỐI CHIẾU VỚI YÊU CẦU CỦA PHÁP! Nếu làm đúng và tuân theo thì là chính niệm, nếu làm sai, hoặc cố tình đi ngược lại thì đó là tà niệm. Nhưng, sẽ chỉ là đơn giản nếu bản thân học viên nắm rõ yêu cầu của Pháp, nếu nắm không rõ thì ngược lại: RẤT KHÓ. Cá nhân tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên khi Sư Phụ luôn yêu cầu đệ tử/học viên phải trường kỳ thường hằng học Pháp.


Đáng buồn ở hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp xuất hiện thậm chí còn dám bẻ cong lời của Sư Phụ, ví dụ như: “Kinh văn 2018 Sư Phụ gửi học viên Việt Nam thì có một bộ phận định hướng học viên là Kinh văn đó chỉ phù hợp trong năm 2018, còn bây giờ 2019 là không áp dụng được nữa”?! – Trong khi ở nội dung Kinh văn đó Sư Phụ CHƯA HỀ có lời nào nói là thời hạn áp dụng là bao lâu; nhiều trường hợp Pháp Sư Phụ giảng rõ ràng thì họ bẻ cong là “Còn nhiều nội hàm sâu hơn khác chưa ngộ đến”, Sư Phụ chưa từng công khai cho phép học viên in lậu thì ở Việt Nam có nhiều học viên còn dám bịa đặt là “Sư Phụ thương Việt Nam nên ưu tiên cho phép in lậu”, nhiều hạng mục còn phải cố mà gắn cái mác “được Sư Phụ hay Phật Học Hội thừa nhận”.



Nếu học viên học Pháp không kỹ, lý giải Pháp không sâu, hoặc cứ tùy tiện nghe ai nói gì liên làm theo nấy thì tôi e rất dễ là họ sẽ bị dụ. Rất nhiều hành vi mà các học viên biết là sai trái nhưng họ vẫn cố tình tìm cớ bẻ cong Pháp, tìm cách mê hoặc học viên để thấy rằng việc họ làm là … chấp nhận được, sau đó thậm chí còn coi đó là hành vi đúng đắn. Nhưng nếu xét kỹ theo Pháp, nó thực chất là HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN. Tu luyện tôi nghĩ cần phải minh bạch, rạch ròi, sai là sai, đúng là đúng chứ không có thể loại sai nhưng chấp nhận được, càng như thế sẽ chỉ càng tăng thêm cái sự giảo hoạt, gian trá trong tâm người tu mà thôi.


Học viên tôi nghĩ là cứ theo y nguyên lời giảng bề mặt nhất của Sư Phụ mà chiểu theo, nếu có thay đổi thì phải xem Thông tri của Minh Huệ tiếng Trung hoặc Sư Phụ sẽ có bài giảng riêng, ngoại trừ những ai không lý giải Pháp sâu mà bị dẫn dụ (cái đó thì lỗi phần lớn do chính học viên học Pháp không kỹ, tu không thực chất, thích tu theo người khác) thì bất kể ai mà cứ lôi cái gọi là “nội hàm sâu hơn” nào đó ra thì phải đặc biệt cẩn trọng.


Tôi nghĩ Đặc vụ 610 hoặc các thành phần đấu tranh chính trị mà trà trộn trong học viên có thể họ biết nếu cứ y nguyên câu chữ bề mặt trong Pháp của Sư Phụ thì rất khó dẫn dụ, dắt mũi và định hướng học viên. Ngoại trừ cách làm đoạn chương thủ nghĩa không xét ngữ cảnh thì phương thức “nội hàm thâm sâu hơn đằng sau câu chữ” là tôi thấy họ rất hay áp dụng. Bởi chỉ có cách đó họ mới hợp thức hóa việc bẻ cong Pháp lý, kéo học viên rời xa khỏi yêu cầu của Sư Phụ, thành ra Sư Phụ giảng một đằng, họ kéo học viên chạy theo một “nội hàm” khác thực thi một nẻo.


3. "Nhìn nhận ở cao tầng thì đúng, còn ở tầng thấp thì sai"


Đây là câu nói rất phổ biến trong cộng đồng người tu luyện Đại Pháp. Trong quá trình học Pháp, với hiểu biết còn nông cạn, tôi xin đưa ra quan điểm thế này:


Trong vấn đề về trị bệnh ở bệnh viện và bằng khí công thì tôi nhớ Sư Phụ cũng có giảng đại ý, không nguyên văn là: nếu như dựng lập các bệnh viện, phòng điều trị, trung tâm sức khỏe, thắng địa liệu dưỡng bằng khí công, thì một khi lập nên, thì trị bệnh của các khí công sư sẽ sụt xuống ngay, hiệu quả trị bệnh lập tức sẽ không được nữa. Sư Phụ cũng giảng rõ đại ý là vì họ đang ở nơi người thường, thì cũng phải cao như Pháp ở cõi người thường, hoà với trạng thái của người thường tại tầng ấy và hiệu quả trị bệnh của họ cũng giống như của bệnh viện.


Trong đoạn giảng Pháp này, tôi hiểu được ra 2 vấn đề:


- Những thứ liên quan đến cao tầng, thì không thể đem ra áp dụng tùy tiện ở nơi cõi người, nhất là trên diện rộng.


- Làm bất cứ điều gì ở nơi cõi người thì cũng phải phù hợp với Pháp ở cõi người. Kể cả có cố gắng làm khác đi thì cũng sẽ bị Pháp nơi cõi người ức chế để không khởi tác dụng như mong muốn.


Nếu giả sử, học viên lấy những điều ở cao tầng mà mình ngộ được đem ra ứng dụng hay thuyết nói ở cõi người, thì điều gì sẽ xảy ra? Rất đơn giản, họ có thể sẽ gặp phải sự ức chế của Pháp nơi cõi người, biểu hiện bề mặt là con người sẽ không lý giải được điều họ nói, sẽ không tin và bài xích họ. Nếu họ sử dụng công năng hay thần thông ra nơi xã hội người thường thì thần thông đó có thể sẽ bị ức chế đến mức không còn khởi được tác dụng như mong muốn. (Trừ phi họ sử dụng ở nơi không người, không ảnh hưởng đến xã hội người thường thì có thể được bên trên cho phép)


Nó cũng giống như trường hợp mà tôi nhớ Sư Phụ có giảng về người "khí công thái", đại khái là người này khi mở thiên mục ở tầng cao nào đó, họ chiểu theo điều mà sinh mệnh ở tầng đó cho là đúng mà đem ra áp dụng ở tầng người thường thì người thường bảo họ là sai, còn nếu lấy những gì mà người thường bảo là đúng mà áp dụng ở tầng cao kia thì sinh mệnh tầng cao đó lại cũng bảo họ là sai. Sư Phụ cũng có giảng rất rõ đại ý là những người khí công thái đó sau khi gặp vấn đề mâu thuẫn này đã hiểu ra khác biệt về tầng thứ, và những điều khác biệt đó nên cất ở trong tâm, không nên nói ra, cân bằng quan hệ hai bên.


Do đó, khi chúng ta tu luyện và chứng thực Pháp ở nơi cõi người thì tôi thể ngộ là dù những thứ ở nơi này nếu đem so với tiêu chuẩn ở tầng cao là sai thì chúng ta cũng vẫn phải đảm bảo "cân bằng" cân nhắc việc hành xử làm sao để phù hợp với trạng thái nơi cõi người. Nếu chúng ta cố tình đi ngược lại, ví như có học viên bảo rằng hành động vừa rồi của tôi nếu xét ở cao tầng thì thấy đúng, còn ở tầng thấp thì thấy sai nên tôi cứ làm (kể cả nó có gây ra sự hiểu nhầm, phản cảm, không lý giải được từ người thường) thì rõ là họ KHÔNG HIỂU PHÁP.


Chúng ta đi cứu người, mà nếu điều chúng ta làm, chúng ta nói mà khiến người thường không lý giải nổi, phản cảm, rồi dẫn tới bài xích thì hỏi chúng ta cứu cái gì đây? Những gì chúng ta ngộ ra, tư tưởng, đương nhiên đều là vượt khỏi nhận thức của người thường. Nhưng, muốn cứu người thường thì lại phải nói, phải làm những thứ mà ở tầng thứ của họ có thể lý giải được, giống như phương thức chữa bệnh bằng khí công đó tôi hiểu rằng nếu chữa trị diện rộng (không phải cục bộ ít người mà không gây ảnh hưởng đến xã hội) thì đâu thể ép người thường phải đề cao tầng thì mới chữa, mà ngược lại là bản thân việc chữa bệnh bằng khí công vốn ở cao tầng đó cũng phải hạ xuống cho bằng với trạng thái nơi cõi người có phải không? Nếu học viên cứ lôi những tử tưởng ở cao tầng đem ra sử dụng tùy tiện để chứng thực Pháp (không xét những trường hợp cục bộ đặc thù, ở đây là xét diện rộng, trường hợp phổ thông), rồi nói là người thường phải ngộ thì hậu quả rất nhiều khi chính là sẽ như trường hợp khí công thái bên trên, là người thường sẽ có thể cho học viên là "tẩu hỏa nhập ma", là bị "dở hơi", “tâm thần”.


Hành vi khiến người thường phản cảm, không lý giải được, thì dù viện lý do gì, tầng cao đến mấy, sai đúng thế nào về nhận thức thì cũng là đi ngược với yêu cầu của Sư Phụ, vì Sư Phụ đã giảng rất rõ đại ý là không được giảng cao, và cũng không được phá hoại trạng thái nơi người thường; Thậm chí theo như yêu cầu của Sư Phụ trong Đại viên mãn Pháp thì học viên còn phải nghiêm khắc tuân thủ chính sách pháp luật nơi người thường, tôi thể ngộ là nếu chúng ta muốn người thường nhìn nhận chúng ta là người tốt, từ đó hiểu rằng Đại Pháp là tốt mà đến pháp luật cõi người chúng ta cũng không tuân thủ thì họ làm sao nhìn nhận chúng ta là người tốt đây?


Cái lý do mà học viên khi làm sai, áp dụng các phương thức cực đoan tùy tiện không phù hợp hoàn cảnh, không có sự cân nhắc nên hay không nên mà đem vấn đề tư tưởng nhìn nhận thế nào ra rồi bao biện là "tầng cao thì thấy đúng, tầng thấp thì thấy sai" đó, nếu nói nghiêm túc thì đó là tà ngộ. Sự đúng sai giữa nhìn nhận vấn đề ở các tầng là một chuyện - học viên chỉ nên để ở trong đầu, nhưng khi biểu hiện ra lời nói và hành xử ra sao cho phù hợp để không gây hiểu nhầm/phản cảm/bài xích ở nơi cõi người thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác, cái đó mới phải vận dụng trí huệ. Một số học viên lại cố tình nhập nhằng đánh đồng 2 vấn đề này làm một, kỳ thực có thể là họ đã ngộ Pháp sai lệch. Nếu nói thẳng ra là họ vịn vào việc họ ngộ cao tầng để né vấn đề chứng thực Pháp sai lầm trước đó, như một kiểu biện bạch để cho đỡ mất mặt.


4. "Ngộ đến đâu thì làm đến đó"


Còn có lối nói nữa cũng khá phổ biến mà tương tự với lối nói trên đó là: "Ngộ đến đâu thì làm đến đó". Thể ngộ của học viên dẫu có cao siêu đến đâu đi chăng nữa, thì hành vi và lời nói ở bề mặt cũng phải đảm bảo làm sao cho người xung quanh có thể lý giải được, sao cho không khiến người ta nảy sinh tâm lý bài xích, nếu không làm được điều này thì đảm bảo thể ngộ của họ là có vấn đề, hoặc cũng có thể là thể ngộ đó nó lại trở thành phương tiện che đậy cái chấp trước nào đó của họ - như khoe khoang hiển thị, cầu danh, thể hiện sự đặc biệt, thể hiện bản sự v..v. Ý là họ thích khoe khoang thành tích, muốn được các học viên khác khen ngợi, muốn được thể hiện tài năng của họ nhưng họ không nói thẳng ra mà thường nói là họ … ngộ như vậy.




Ngoài ra, nói về ngộ thì cũng có 2 dạng mà tôi hiểu là CHÍNH NGỘ và TÀ NGỘ; Vì cùng là Pháp của Sư Phụ nhưng nếu một người đem chấp trước ra để học thì có thể rất dễ sinh ra tà ngộ, kiểu như họ có tâm truy cầu tìm những lời giảng của Sư Phụ để hợp thức hóa cho chấp trước của họ. Cái truy cầu đó nó cũng là một dạng sinh mệnh và nó ẩn rất sâu, thậm chí đến chính bản thân học viên cũng có thể không dễ mà nhận ra khi họ học Pháp.


Cùng là học Pháp, nhưng tôi hiểu rõ ràng không phải ai ai cũng đều có thể dụng tâm cho chính, không truy cầu gì khi học Pháp, có người thậm chí học Pháp mà tư tưởng để trên mây, có người tuy nói là học Pháp nhưng kỳ thực là đi học theo thể ngộ của học viên nổi tiếng mà họ hâm mộ. Nhiều học viên nói là họ học Pháp và ngộ ra như thế như thế, nhưng trong quá trình học Pháp thì cái tâm họ thế nào? Điều đó rất khó nói.


Xét bản thân cái ngộ của học viên có CHÍNH hay không, thì cũng đơn giản như ở vấn đề chính niệm, cũng phải xem nó có đi ngược lại với yêu cầu của Đại Pháp hay không trước đã, nếu họ ngộ ra những thứ mà không tuân theo yêu cầu của Sư Phụ, thì chưa cần biết họ làm cái gì, cái tư tưởng mà họ cho là ngộ đó cũng đã là sai rồi. Đem tư tưởng này mà làm các việc, thì làm cái gì cũng dễ sẽ là điều bất chính vì bản thân cái tư tưởng nó không tuân theo Đại Pháp. Dưới đây là một ví dụ điển hình.


Những cổ thư mà Sư Phụ có nhắc đến trong Chuyển Pháp Luân thì Sư Phụ đã nói rất rõ đại ý là đừng nên đọc, sách khí công thì còn nói rõ hơn là không được đọc. Vậy mà có người còn ngộ ra thể nào là "rất cần đến các cổ thư đó" vì đó là Pháp lý cao tầng v..v. Sư phụ đã giảng rất rõ, ở bề mặt chữ nghĩa cũng quá dễ hiểu, ấy thế mà vẫn có những trường hợp cho là "nội hàm cao tầng", "thể ngộ cao tầng" dẫn dụ học viên đi ngược hẳn lại, đó không phải tà ngộ thì là gì?
Những cổ thư mà Sư Phụ có nhắc đến trong Chuyển Pháp Luân thì Sư Phụ đã nói rất rõ đại ý là đừng nên đọc, sách khí công thì còn nói rõ hơn là không được đọc. Vậy mà có người còn ngộ ra thể nào là "rất cần đến các cổ thư đó" vì đó là Pháp lý cao tầng v..v. Sư phụ đã giảng rất rõ, ở bề mặt chữ nghĩa cũng quá dễ hiểu, ấy thế mà vẫn có những trường hợp cho là "nội hàm cao tầng", "thể ngộ cao tầng" dẫn dụ học viên đi ngược hẳn lại, đó không phải tà ngộ thì là gì?

Nếu có học viên gây ra họa loạn, khiến nhiều người lý giải sai lệch về Đại Pháp, mà họ lại đem cái lý do "ngộ đến đâu thì làm đến đó" ra bao biện. Kỳ thực, cũng giống như trường hợp bên trên, những học viên này theo quan điểm của tôi là họ hoặc là học Pháp không kỹ, nhận thức Pháp sai lệch nên hành vi của họ mới khiến người xung quanh không lý giải được và sinh ra bài xích; hoặc là họ biết họ làm sai nhưng không muốn nhận sai, sợ mất mặt, mất danh nên theo trào lưu thấy người khác nói vậy thì họ cũng ăn theo nói gàn trong khi thực tế, họ có thể còn không hiểu chính điều họ vừa nói là gì.


5. "Mỗi người có một thể ngộ"


Theo những gì tôi được biết, lối nói này thực tế không phải mấy năm gần đây mới xuất hiện, mà nó đã được áp dụng khá phổ biến từ giai đoạn 2010-2012, tức là vào thời điểm cao trào của Hắc hội Thập Tam chân truyền đệ tử do Chưởng môn nhân Phạm Xuân Giao lãnh đạo. Hầu hết những ai đi và nghe theo cách làm của Giao khi gặp phải chất vấn của học viên khác thì đều sử dụng lối nói này.


Cho đến nay thì khi Phạm Xuân Giao đã bị Phật Học Hội bên Mỹ phơi bày là thành phần phá hoại (2013) đã được 6 năm, nhưng lối nói này vẫn rất thịnh hành, mặc dù trước đó khi Phạm Xuân Giao chưa bị phơi bày thì rất nhiều người ủng hộ Giao cũng ưa chuộng lối nói "mỗi người có một thể ngộ" này để bảo vệ cách làm của Giao - Nhưng sau khi Phật Học Hội ra thông báo thì không hiểu sao họ lại không nói thể ngộ gì nữa mà quay ngoắt 180 độ làm nghiêm chính thanh minh kể lể bản thân chấp vào tình, bị lừa, bị dẫn dụ, thống thiết thế lọ thế chai - thế mà trước đó khi học viên góp ý thì họ vẫn còn rất cứng là "mỗi người có một thể ngộ".



Nói qua như vậy cũng để chỉ ra vấn đề là có vẻ như những người đứng đằng sau ekip của Giao vẫn đang hoạt động rất năng nổ trong cộng đồng học viên tại Việt Nam hiện nay, tất nhiên cũng phải kể đến những học viên nào trước đây "lỡ" (trước khi Giao bị lộ diện thì họ gọi đó là thể ngộ, sau khi Giao bị lộ diện thì họ gọi là ... lỡ) ủng hộ Giao có thể cũng góp phần không nhỏ đem cái lối nói bất hủ đó phát triển mạnh cho đến tận hôm nay. Phạm Xuân Giao tuy bị bại lộ thân phận, nhưng di sản của Giao dường như vẫn còn là khối ung nhọt quá khó bỏ.


Người tu luyện ở các tầng thứ khác nhau thì tôi hiểu có thể sẽ có những nhận thức về cùng một vấn đề khác nhau. Nhưng, tôi hiểu đó là những thứ CHÍNH NGỘ. Vì những gì học viên ngộ cao đến mấy, cũng là bao hàm trong Đại Pháp, do đó nó ắt phải phù hợp với Đại Pháp hay yêu cầu của Sư Phụ tại các tầng thứ khác nhau. Cựu Thế Lực cũng có một bộ phận ở tầng rất cao, nhưng cũng chỉ vì họ cố tình làm ngược lại yêu cầu của Sư Phụ, họ cho là họ thể ngộ được như vậy, kể cả sau khi được Sư Phụ giảng Pháp thì họ vẫn không thay đổi - nên họ mới trở thành Ma can nhiễu Chính Pháp có phải vậy không?


Mỗi người có thể có một thể ngộ khác nhau, nhưng nếu thể ngộ đó mà đi ngược lại với yêu cầu của Pháp thì đó ắt là tà ngộ. Nếu là tà ngộ thì sẽ chỉ có là càng làm càng phá, hỏi họ phá cái gì? chẳng phải phá hoại thanh danh của Đại Pháp ở nơi cõi người đó sao? phá hoại an bài của Sư Phụ trong Chính Pháp đó sao? Đại Pháp thì họ đương nhiên không phá được nhưng hành vi do tư tưởng tà ngộ dẫn dắt sẽ khiến vô số người thường vì phản cảm mà bài xích Đại Pháp, từ đó bị đào thải. Mỗi người có một thể ngộ, nhưng ngộ không cẩn thận thì rất dễ tà ngộ giống như Phạm Xuân Giao vậy. Không phải cứ nói ra "thể ngộ" thì lúc nào cũng là Chính ngộ đâu.


Do đó, nếu đánh đồng TÀ NGỘ và CHÍNH NGỘ vào làm một, nói chung chung là “thể ngộ” thì đó có thể chính là hình thức ngụy biện khi bị học viên chỉ ra cái sai. Nếu một người tu mà trong quá trình chứng thực Pháp cực đoan khiến nhiều người xung quanh phản cảm, không lý giải được rồi lại sinh ra tư tưởng không tốt về Đại Pháp thì rất có thể là vì chính học viên đó đang tà ngộ nên mới dẫn đến hiện tượng như vậy.


Nếu học viên thấy người cùng tu khác mà tà ngộ thì rõ là không thể để yên, nhẹ thì phải chỉ ra cho họ thấy điểm sai, nếu kiên trì hồi lâu mà họ cố tình không nghe, vẫn thích gì làm nấy thì lúc đó không thể coi họ là học viên được nữa (họ đâu có làm theo lời Sư Phụ), vì nếu để yên cho họ tiếp tục thì cũng tương đương với để họ đi hại người, phá hoại thanh danh Đại Pháp vậy - Dẫu cho bề mặt họ vẫn đang nói tốt cho Đại Pháp, rằng họ mang tâm cứu người ra sao (Giống như Phạm Xuân Giao trước đây). Sư Phụ chẳng phải đã giảng rất rõ? đại ý là có người phá hoại là vừa nói Ông tốt vừa can nhiễu Ông, loại phá hoại này là khó phân biệt ra nhất, là ghê gớm nhất. (Xem lại Bài học giáo huấn từ Phật giáo)


Do đó, nếu có học viên nào khi bị chỉ ra cái sai, họ không dám nói cụ thể hay bàn luận về cái sai của họ (vì sao sai, sai ở đâu v..v) mà hay Auto - nói “mỗi người có một thể ngộ” chung chung, thậm chí giả sử nếu có gặng hỏi kỹ thể ngộ của họ như thế nào mà họ cũng không dám nói rõ ràng, có đúng với yêu cầu của Pháp hay không? Thì tôi e rằng những trường hợp này rất nhiều khi hoặc là không có gì trong đầu, vì cứ làm theo người khác nhưng sợ bị chê là không hiểu Pháp nên cứ làm liều nói “mỗi người có một thể ngộ” (thực ra họ chả ngộ ra cái gì hết, họ toàn dập khuôn làm theo người khác, giống kiểu thời năm 2009 dân tình đổ xô đi chơi chứng khoán, có nhiều người một chút kiến thức về chứng khoán cũng không có nhưng cũng thích đi theo trào lưu đầu tư cổ phiếu. Rất nhiều người sau đó kinh tế khủng hoảng nên khiến họ lỗ nặng, phải bán nhà, thế chấp tài sản, thậm chí phải đi trốn nợ), hoặc là đang bị tà ngộ; Chỉ là họ chơi chữ, tìm cách ngụy biện đánh trống lảng rồi tảng lờ đi mà thôi.


6. "Đúng/Sai đã có Đại Pháp, Sư Phụ quản, không đến lượt cá nhân nào cả"



Đây cũng là một dạng ngụy biện khá phổ biến khác. Câu này nhiều học viên nói thoạt nghe thì có vẻ đúng, nhưng nếu xét kỹ, thì thực tế lại là sai một cách rất nghiêm trọng, thậm chí còn có ý bất kính với Sư Phụ. Cụ thể :


- Nếu đặt ngược lại lời ngụy biện của những học viên kia, rằng đúng/sai đều do Sư Phụ và Đại Pháp quản. Như vậy nếu họ làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng giả như sát sinh, giết người, trộm cắp thì đều do Đại Pháp và Sư Phụ quản? Quản ở đây chẳng phải là có ý muốn quy hết mọi trách nhiệm sang cho Sư Phụ và Đại Pháp? Vì ý là họ nếu đang làm sai, Đại Pháp và Sư Phụ không đến can ngăn họ nên sau này có gì hậu quả thì Đại Pháp và Sư Phụ sẽ phải chịu trách nhiệm (vì đã để yên cho họ làm sai) đó sao?


Vậy thì giả sử học viên thấy một học viên khác đang chứng thực Pháp cực đoan, ví như đang ăn cắp bản quyền của người khác như hạng mục Đại Kỷ Nguyên ở Việt Nam mà cũng lờ đi, không góp ý, không chỉ ra vì cho rằng mình không đủ tư cách, không đến lượt học viên quản, cho rằng mọi việc do Sư Phụ và Đại Pháp quản, vậy sau này người thường họ phỉ báng hạng mục, rồi quy kết luôn sang cho Đại Pháp thì cũng là tất nhiên phải không? Và nếu có cơ hội để chỉ ra lỗi sai đó, để học viên làm sai nhận ra mà đi vãn hồi bớt hậu quả thì cũng mặc kệ, cho là Sư Phụ và Đại Pháp quản luôn có phải không? Cũng để nói rằng học viên thích làm gì tùy thích, thích chứng thực Pháp một cách cực đoan tùy thích để rồi không ai được phép góp ý, chỉ ra cái sai của họ, và hậu quả thì đều do Sư Phụ và Đại Pháp gánh hết? Vậy thì cần gì học viên phải duy hộ Đại Pháp nữa?


Như vậy, chẳng phải đã đi ngược lại với yêu cầu của Sư Phụ trong bài "Pháp Định" - Tinh Tấn Yếu Chỉ hay sao? Sư Phụ đã giảng rõ rằng (đại ý, không nguyên văn) là: Tự học viên duy hộ Đại Pháp sẽ vĩnh viễn là trách nhiệm của học viên Đại Pháp.


Bây giờ, theo lối nói kia của học viên, họ triệt tiêu đi hết cái trách nhiệm duy hộ Đại Pháp của học viên, và bắt học viên phải đứng nhìn họ làm sai, gây hậu quả để rồi Sư Phụ và Đại Pháp gánh hết, chẳng phải đúng thế hay sao?



- Học viên trong quá trình tu luyện, nếu thấy học viên khác làm điều gì sai, có thể gây hậu quả nghiêm trọng liệu có được phép góp ý hay không? Rõ ràng là có và thậm chí Sư Phụ trong các bài Kinh văn có giảng (đại ý) rằng người phụ trách gặp vấn đề thì học viên nên chỉ ra một cách nghiêm túc (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [2004]). Cũng tại bài Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006] thì Sư Phụ cũng giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng thường có học viên nói: ‘có học viên biết bản thân mình có ‘bệnh’, có vấn đề, nhưng không để người khác nói [phê bình]’; Tuy Sư phụ không chủ trưởng học viên đi trách học viên khác, Nhưng học viên khác đó nếu thấy là có vấn đề hoặc ảnh hưởng đến giảng chân tướng, ảnh hưởng đến việc phối hợp thì cũng nên nói; Pháp thân của Sư Phụ cũng sẽ thông qua miệng của học viên kia để điểm hoá.


Ngoài ra, cũng trong bài Kinh văn Los Angeles [2006], Sư Phụ cũng có cảnh báo (đại ý, không nguyên văn) rằng học viên nhất định phải chú ý từ nay trở đi, ai lại không để người khác nói [phê bình] nữa, người đó là không tinh tấn; ai không để người ta nói [phê bình], người đó có biểu hiện ra không phải là trạng thái của người tu luyện; ít nhất là về điểm này. Ai nếu vẫn không vượt qua được quan ải này — thì đó đã là quá nguy hiểm rồi! Bởi vì đó là điều căn bản nhất của người tu luyện, cũng là thứ cần thiết phải bỏ đi nhất, cũng nhất định phải được vứt bỏ; không bỏ thì học viên không đến viên mãn được. Không nên trở thành người thường đang làm sự việc của đệ tử Đại Pháp.


Hơn nữa, về vấn đề học viên biện giải (bao biện, ngụy biện, đánh trống lảng) khi bị góp ý thì cũng trong bài Kinh văn Los Angeles [2006], Sư Phụ cũng đã chỉ ra rất rõ rằng:


Đệ tử: Thời xưa có nhiều chuyện cổ cao thượng về vua và người sáng suốt mà bị chỉ trích, [nhưng] lại cảm tạ không oán; [con] cảm thấy bản thân mình về phương diện tiếp thu phê bình là chưa tu được đủ vững vàng. Có lúc không thể giao tiếp tốt, là vì đặt tâm vào việc biện giải [bao biện].


Sư phụ có giảng (đại ý, không nguyên văn) là khi nói về biện giải, Sư Phụ lại nhớ lại là có người nói với Sư Phụ, và Sư Phụ cũng quả thực nhìn thấy tình huống ấy, cũng có người bảo Sư Phụ, nói rằng học viên Trung Quốc và Đài Loan đối đãi vấn đề là khác biệt. Học viên Đài Loan có một việc làm chưa tốt, thì học viên nói với họ họ liền nghe; họ sẽ không biện giải. Nhưng học viên Trung Quốc có một việc làm chưa tốt, thì khi bị chỉ ra họ lập tức nói: Bạn không biết đó thôi, lúc đó là tình huống này, là như thế này thế kia. Họ (học viên Trung Quốc) biết rằng trực tiếp phản bác (lại người góp ý) khi đã là người tu luyện thì không hay và họ tránh vòng qua đi, họ chuyển sang góc khác để biện giải. Sai tức là sai rồi, hãy thẳng thắn. Ai dám thừa nhận lỗi lầm thì mới được người khác tôn trọng và bội phục, Thần đều bội phục. Nếu ai từ con đường này đi đến cuối cùng, chư Thần hỏi rằng chư vị lúc bị mọi người phê bình chư vị thì chư vị đều đối đãi đúng đắn phải không? Hãy cho chúng tôi coi? Không có. Chư vị nói ‘Tôi không làm sai gì cả, không ai phê bình tôi cả’. Có thể vậy không?


Do đó, cá nhân tôi hiểu rằng, nếu những hành vi của học viên đó thực sự là sai hoặc có vấn đề cần phải suy xét lại mà họ lại nói là học viên khác không cần quản, đã có Sư Phụ/Đại Pháp quản, vậy thì hỏi họ cần gì phải tu nữa? Ai góp ý cho họ họ cũng đẩy hết ra thế thì hỏi họ tu gì nữa? Chẳng phải họ đúng hết rồi hay sao? Và theo cái cách họ nói là nếu họ Sai thì phải do đích thân Sư Phụ (quản) chỉ ra thì họ mới thừa nhận, nó chẳng phải mâu thuẫn với yêu cầu của Sư Phụ là khi gặp vấn đề trong tu luyện hay gặp bất cứ chuyện gì thì đầu tiên phải hướng nội tìm hay sao (học viên tham khảo bài "Thế nào là đệ tử Đại Pháp")? Họ đã không hướng nội, xem xét lại một cách lý trí về hành vi của mình có vấn đề gì hay không, đã vậy còn cố tình lờ đi yêu cầu "hướng nội tu" đó của Sư Phụ mà đẩy mâu thuẫn ra rồi còn như bắt ép Sư Phụ phải chỉ ra công khai họ sai họ mới tâm phục. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự việc gì họ làm cũng phải để Sư Phụ chỉ ra công khai - thì hỏi họ còn tu gì nữa?


Ngoài ra Sư Phụ chẳng phải đã từng giảng rõ là "dĩ Pháp vi Sư" (lấy Pháp làm Thầy) có phải không? Vậy chẳng phải đúng/sai thì học viên cứ căn cứ vào Pháp mà đối chiếu có phải không? Chứ đâu cần cứ có vấn đề gì là phải đi hỏi Sư Phụ, cả thế giới có trên dưới trăm triệu học viên mà nếu ai có vấn đề chẳng lẽ Sư Phụ cũng phải đến tận nơi hay gọi điện thoại chỉ rõ? Vậy nếu học viên căn cứ vào Pháp mà chỉ ra đúng hành vi của họ là có vấn đề, hoặc đi ngược với yêu cầu của Pháp thì chẳng phải đã quá đủ để học viên làm sai kia cần nhìn lại về hành vi của bản thân mình hay sao? Nếu đúng theo lối nói của họ, rằng không cần học viên quản, vậy thì cũng không cần học viên phải "dĩ Pháp vi Sư" làm gì nữa, cũng chẳng cần tu nữa vì cứ có việc gì họ cũng bắt phải đích thân Sư Phụ chỉ rõ ra cho họ.


Chẳng phải trong Chuyển Pháp Luân – Bài "người đại căn khí", Sư Phụ đã từng giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng có người hỏi các vấn đề càng ngày càng cụ thể; các vấn đề sinh hoạt ra làm sao cũng để Sư Phụ giải đáp, thì bản thân học viên tu luyện gì nữa! Học viên phải tự mình mà tu, tự mình mà ngộ; nếu Sư Phụ giảng hết cả ra rồi, thì học viên tu gì nữa.


- Nếu theo đúng tinh thần mà họ nói, đúng/sai do Sư Phụ và Đại Pháp quản, thế thì cần gì Minh Huệ tiếng Trung (do Sư Phụ quản) phải phơi bày những hành vi sai trái, loạn Pháp trong nội bộ học viên từ trước cho đến nay? Cần gì Phật Học Hội bên Mỹ phải chỉ đích danh hành vi loạn Pháp của Phạm Xuân Giao tại Việt Nam? Cần gì Minh Huệ tiếng Trung phải phát ra các cảnh báo đề phòng lừa đảo trong cộng đồng học viên? Chẳng phải họ cũng nên tự cho rằng họ không có tư cách, việc của cộng đồng không cần đến lượt họ quản?






Do đó, rõ ràng có thể thấy những gì mà học viên đem lối nói như trên để ngụy biện là hoàn toàn đi ngược lại những gì Sư Phụ đã giảng. Tôi thông qua học Pháp thì thấy Sư Phụ cũng chưa từng giảng rằng đúng/sai gì cũng phải do Đại Pháp hay Sư Phụ quản và chỉ ra công khai bao giờ, cũng chưa từng giảng học viên không được quản nhưng hiện tượng sai trái, loạn Pháp trong nội bộ. Thậm chí chính Minh Huệ tiếng Trung (do Sư Phụ quản) trong một thông báo về hành vi thu tiền gây quỹ trái phép (ảnh bên trên) còn kêu gọi học viên nếu thấy có nơi nào phát sinh thì có thể phơi bày ra. Vậy mà những vị học viên bên trên dám nói không đến lượt học viên quản, quả là quá ư tầm bậy.


Như vậy để thấy lối nói ngụy biện trên là rất nguy hiểm, nó vừa triệt tiêu đi hoàn cảnh để học viên đề cao trong mâu thuẫn, triệt tiêu đi việc hướng nội của chính học viên đang làm sai mà nghiêm trọng hơn, nó còn như cố tình đổ hết mọi trách nhiệm, hậu quả lên Sư Phụ và Đại Pháp, theo tôi thấy thì đó không khác gì là một dạng thức bất kính với Sư Phụ.


Kết luận:


Nếu học viên ai ai cũng học Pháp cho kỹ - kỹ ở đây ý tôi muốn nói là cần hiểu rõ và vận dụng được vào thực tiễn chứ không phải học như học vẹt hô khẩu hiệu bề mặt để thể hiện cho giống học viên; Chính vì không hiểu rõ nhưng lại giấu, thế nên khi học viên thấy người khác chia sẻ hay bảo gì là cứ thế làm theo răm rắp mà không hề có một chút tư duy phản biện nào. Nếu học viên có thể lý giải cho sâu thì tôi nghĩ trong tương lai dẫu có thêm nhiều lối nói khác nảy sinh trong cộng đồng thì cũng không khó để nhận biết đúng/sai. Vì tôi nhớ Sư Phụ đã giảng rất rõ, đại ý là Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá và Pháp có thể kiên định chính niệm .


Do đó, học Pháp và tu luyện thực chất - tôi thể ngộ - đó là chìa khóa then chốt. Nếu học viên không học Pháp, mà học theo người khác, bề ngoài có vẻ tu tinh tấn nhưng nội tâm không cải biến thì rất khó để nhận biết được những dụ dỗ, mê hoặc của những thành phần phá hoại trong nội bộ sau này. Dù không muốn thấy học viên lâm vào cảnh nguy hiểm - nhất là với học viên mới, nhưng tôi cũng chỉ có thể tận lực trong hiểu biết và khả năng hạn hẹp mà cảnh báo, thực ra đều có ở trong Pháp hết rồi, rất nhiều học viên tôi biết họ có thể nhận ra ngay vấn đề nhưng cũng không ít học viên đến tận bây giờ vẫn còn rất hồ đồ. Tu luyện tôi hiểu cuối cùng rốt ráo vẫn là là việc tự thân các học viên phải lo lấy, không ai tu thay được. Không thể mãi trông mong vào ngoại lực trong khi bản thân học viên không có trách nhiệm với chính mình.


Những gì tôi chia sẻ và phân tích trong bài viết đều dựa trên thể ngộ còn nông cạn, nếu có gì cần chỉnh sửa hay bổ sung, rất mong nhận được góp ý.


** Một số ví dụ tham khảo cần lưu ý trong quá trình chứng thực Pháp:


* (Những yêu cầu của Đại Pháp về phương diện tu luyện cá nhân thì đề nghị các học viên nên đọc kỹ lại Chuyển Pháp Luân, Tinh Tấn Yếu Chỉ v.v. Tôi xin phép không đề cập đến vì để tránh tăng thêm độ dài bài viết.)


- Trong Phần Phụ Lục của Đại viên mãn Pháp, Sư Phụ có giảng đại ý là học viên phải nghiêm khắc tuân thủ chính sách pháp luật quốc gia, tuyệt đối không được can thiệp đến chính trị quốc gia và càng không được tham dự vào hoạt động đấu tranh có tính chính trị v..v.


- Trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm tu luyện hay hồng truyền Đại Pháp thì Sư Phụ đã giảng rất rõ trong bài "Các học viên Pháp Luân Đại Pháp truyền công như thế nào" về vấn đề không được trộm Pháp, hay lấy lời của Sư Phụ giảng mà biến thành như lời của bản thân. Ngoài ra, Phật Học Hội cũng đã thông tri cấm chỉ học viên đăng các bài giảng Pháp, video luyện công, nhạc luyện công, nhạc Phổ Độ - Tế Thế v..v lên Website người thường lẫn Website cá nhân. Hiện nay nhiều học viên cố tình không nghe theo, đăng cả video hướng dẫn luyện công của Sư Phụ lên Youtube, nhiều học viên góp ý cũng lờ đi không nghe và còn lấy cớ là vì để giúp nhiều người Đắc Pháp hơn. Việc trộm Pháp, học viên có thể tham khảo ví dụ sau (Click)


- Theo Thông cáo của Ban Biên Tập Minh Huệ tiếng Trung (do Sư Phụ quản) - Căn cứ vào luật sở hữu bản quyền, học viên không được tự ý không có phép mà sao chép, xuất bản, phát hành những băng tiếng băng hình giảng Pháp và kinh sách Đại Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí; không được tự ý sao chép và phát hành nhạc luyện công của Pháp Luân Đại Pháp, nhạc Phổ Độ và Tế Thế của Đại Pháp. Hễ có nhu cầu xuất bản phát hành, thì trước hết phải có ủy quyền chính thức của Sư phụ Lý Hồng Chí, nếu không thì là vi phạm bản quyền và là hành vi loạn Pháp.


- Theo bài giảng Về vấn đề thu tiền gây quỹ, Sư Phụ đã giảng rõ đại ý là không được tuỳ tiện thu tiền và chi trì trong học viên. Ban Biên Tập Minh Huệ tiếng Trung cũng đã có Thông báo nêu rõ dẫu dưới danh nghĩa nào đi nữa mà thu tiền trong các đệ tử Đại Pháp thảy đều là hành vi phá hoại Pháp. Tất cả các đệ tử chân tu cần nhận thức thật rõ ràng về vấn đề này. Nếu có ai lấy danh nghĩa đệ tử Đại Pháp để thu tiền, thì mọi người đều cần có trách nhiệm vạch mặt và ngăn chặn hành vi phá hoại này.


- Trong Kinh văn Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2007, Sư Phụ có giảng rõ, đại ý không nguyên văn là: Còn có học viên vẫn thường lấy danh nghĩa của Sư phụ và nói Sư phụ bảo rằng họ thế này thế kia, rằng Sư phụ đã nói thế này thế kia, rằng Sư phụ bảo chư vị thế này thế kia. Sư Phụ cũng nói rõ là Sư Phụ không hề bảo ai thế này thế kia cả; phàm là như vậy, đều là dùng danh nghĩa của Sư phụ vì chỗ dụng tâm của bản thân họ. Sư Phụ cũng giảng rằng ngay cả khi Sư Phụ lúc giải quyết vấn đề đã nói ai đó nên thực hiện như thế nào, nếu họ giảng ra giữa các học viên, thì họ cũng là đang gây tác dụng phá hoại. Sư Phụ cũng dặn học viên nhớ kỹ hễ là người lấy danh nghĩa của Sư Phụ thì đều là đang làm điều xấu.


- Tôi nhớ trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014 (Link) Sư Phụ có giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng nếu học viên định thành lập một công ty hay muốn làm một hạng mục, thì dù học viên có cảm thấy rằng đó là hạng mục đệ tử Đại Pháp đi nữa thì học viên cũng đều phải trước tiên kiện toàn chế độ tài chính kế toán rồi hãy làm! Nếu không thì đừng làm! Học viên cần phải có chế độ quản lý nghiêm khắc!


- Trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015 (Link), ở mục Hỏi-Đáp của một học viên tại Cáp Nhĩ Tân (tôi nhớ đại ý, không phải nguyên văn) khi được hỏi về những việc như thu tiền v..v và có nói rằng rất nhiều học viên vẫn chưa tỉnh ra được, họ không đi vãn hồi tổn thất mà lại còn biểu hiện ra như thể là tinh tấn lắm, trên thực tế là né tránh và che giấu --- thì Sư Phụ có giảng rõ là (đại ý, không nguyên văn) có những người lẫn vào Đại Pháp, dùi vào sơ hở trong Đại Pháp, hoặc là lợi dụng sự lương thiện của đệ tử Đại Pháp mà dùi vào; Sư Phụ cũng giảng rằng (đại ý, không nguyên văn) là khi một học viên tán đồng, trợ giúp tiền bạc cho ai đó thì nhất định phải biết rõ họ làm gì, biết một cách hết sức rõ ràng, nếu không thì học viên không thể làm thế; Sư Phụ nói rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng học viên tuy chỉ đưa tiền cho họ nhưng cũng bằng như ủng hộ họ làm như vậy, học viên cũng là sai và cựu thế lực sẽ không coi học viên khi đó là bị lừa dối, mà sẽ nhìn nhận học viên là cùng một nhóm, là ủng hộ những người đó.


- Theo Thông tri của Ban Biên Tập Minh Huệ tiếng Trung, Không được nghiên cứu phát triển, quảng bá và kinh doanh tiền số (Digital Currency: Bitcoin, Flashcoin v..v) trong các học viên Đại Pháp và đệ tử Đại Pháp; Đệ tử Đại Pháp không được tham dự những hoạt động như vậy; Lại càng không được mượn danh nghĩa của Sư phụ. Những người vi phạm chính là đang làm loạn Pháp.


- Thông báo của Ban Biên Tập Minh Huệ tiếng Trung về hoạt động diễn giảng loạn Pháp, đại ý: Giữa các học viên mà làm các việc như mở các diễn giảng chuyên hoặc đi tua giao lưu chia sẻ thì chính là loạn Pháp.


- Gần đây nhất là bài Kinh văn gửi học viên Việt Nam ngày 27/11/2018, học viên có thể tự mình tìm hiểu.


v..v

bottom of page