top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Về hạng mục gọi điện thoại giảng thanh chân tướng cho người Trung Quốc (RTC) tại Việt Nam

Đã cập nhật: 5 thg 12, 2021

[12/03/2021] Ban Biên Tập Website | * Update [23/05/2021]

Trong khoảng thời gian tầm gần 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện một hạng mục gọi là "Chạy chương trình tự động để gọi điện thoại giảng chân tướng" cho người Trung Quốc ở Đại lục. Bản thân hạng mục này thực tế trong cộng đồng học viên thế giới đã tồn tại và hoạt động từ khá lâu (còn được biết đến dưới cái tên hạng mục RTC).


Hạng mục loại này theo chúng tôi được biết thì có 02 dạng phổ biến trong cộng đồng học viên như sau:

- Dạng gọi điện thoại giảng chân tướng trên thế giới hiện đang thực thi: Học viên nếu muốn tham gia sẽ mua thẻ điện thoại (như sim điện thoại & thẻ cào) với giá trị có thể là $10, $20, $30, (1$ ~ 23.800 vnđ) … tùy vào điều kiện tài chính rồi tiến hành nhắn tin hoặc gọi điện thoại để nói chuyện trực tiếp với người Trung Quốc ở Đại lục để giảng chân tướng. Cách làm này minh bạch rõ ràng khi học viên biết khoản phó xuất bằng tiền của mình sẽ được dùng để làm gì (mua thẻ điện thoại – hoặc có thể người phụ trách hạng mục sẽ mua giúp) và các số điện thoại ở Đại lục là có thật (vì chính họ gọi và nói chuyện trực tiếp hoặc nhắn tin), do đó kết quả cũng khá rõ ràng.


Hạng mục này minh bạch ở chỗ: (1) họ có số điện thoại thuê bao hẳn hoi (có sim & thẻ điện thoại), có thể là gói giá cực rẻ hoặc tương đối … và (2) gọi hay nhắn tin một cách minh bạch chứ không phải làm lụi hay núp bóng. Hạng mục này do đó cũng đòi hỏi học viên phải biết được tiếng Trung để giao tiếp và phải chịu khó dành thời gian để gọi điện thoại hoặc nhắn tin. Đây là hình thức khá phổ biến.


- Dạng gọi điện thoại giảng chân tướng ở Việt Nam đang làm: Theo giải thích của các học viên thực thi hạng mục này thời gian trước thì đây là một chương trình được chạy tự động trên máy tính, dựa trên thuê bao đường line (băng thông truyền dữ liệu thông qua một trung gian hay máy chủ nào đó ở nước ngoài), và tiến hành gọi điện thoại cho các số điên thoại bất kỳ ở đại lục, sau khi kết nối thì chương trình sẽ tự động phát đoạn ghi âm sẵn bằng tiếng Trung để giảng chân tướng rồi thu thập kết quả. Cách làm này không yêu cầu học viên tham gia phải biết tiếng Trung (vì máy đã nói), chỉ cần bỏ thời gian ngồi để canh máy tính chạy chương trình là được.


Theo đó, các học viên được kêu gọi phó xuất tiền hàng tháng cho người đứng đầu (như đóng hụi) để thực hiện hạng mục này – trước đây theo chúng tôi được biết thì một nhóm như vậy sẽ quản lý khoảng 6-8 máy (bây giờ thì đã lên đến khoảng trên 10 máy/nhóm), mà không hề biết chi tiết khoản tiền của mình là để làm gì.


 

Các học viên có thể tham khảo thêm bài viết sau để nắm rõ hơn các khuất tất về hạng mục RTC tại Việt Nam (Link).

 

Thời gian gần đây, chúng tôi có được biết một số thông tin thêm về hạng mục gọi điện thoại giảng thanh chân tướng cho người Trung Quốc tại Việt Nam. Cụ thể:


- Số tiền hiện nay phải bỏ ra để duy trì hệ thống RTC (kể cả trong thời gian vài năm trở lại đây) trong một ngày được ước tính vào hàng triệu đồng (tức là khoảng vài chục triệu đồng/tháng tùy số đường dây của mỗi nhóm); Thông thường, theo chúng tôi tìm hiểu thì mỗi đường dây để duy trì hàng tháng phải tốn chi phí hơn chục triệu đồng, có nhóm chỉ dùng một đường dây, có nhóm dùng nhiều hơn từ 3-5 đường dây. Khoản chi phí này có xu hướng tăng lên qua các năm từ khoảng sau năm 2015 đến bây giờ;


- Không ít học viên bỏ bê công việc để tham gia hạng mục RTC, đã có những trường hợp nghỉ việc hoặc bị đuổi việc;


- Thời gian trước đây, vào tầm những năm 2017-2018, chúng tôi còn được biết một vị nữ học viên ở Sài Gòn, tham gia hạng mục này nhiệt tình đến mức bỏ đến hơn 10 triệu đồng/tháng, sau đó bị kiệt quệ chỉ còn da bọc xương, vị này cũng bị bệnh rất nặng và đã bị gia đình cấm cản không cho tham gia tu luyện Pháp Luân Công nữa;


- Những người làm chủ hạng mục RTC tại Việt Nam này rất hay đi tìm những học viên nào nhà có điều kiện khá giả, thời gian trước đây họ còn cho người đi đến nhiều tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương v..v để âm thầm khảo sát trước rồi mới nhắm đến lôi kéo những học viên cụ thể [ý là có nhà cửa bề thế, có nhiều tiền] tham gia. Họ thường lấy việc tích uy đức khi cứu người Trung Quốc ra để dẫn dụ học viên nhẹ dạ cả tin;


- Hạng mục này thường sẽ được nhắm vào đối tượng học viên ít có kỹ năng về Công nghệ Thông tin.


Ở Việt Nam, trong cộng đồng người tu Pháp Luân Công thì không nhiều người thành thạo tiếng Trung. Trước đây ngoài cách là phát một đoạn băng thâu âm lời giảng chân tướng ra để phát tự động khi gọi điện thoại cho người Trung Quốc thì bây giờ chúng tôi có được biết là đã có hẳn một phần mềm hỗ trợ nào đó chuyên dịch lời từ tiếng Việt sang tiếng Trung cho học viên để có thể giao tiếp thẳng với người Trung Quốc.


Phần mềm dịch thuật hiện nay chúng tôi tìm hiểu thì hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nếu chỉ là những câu giao tiếp thông thường, chào hỏi, tìm đường thì không sao; Nhưng nếu để giảng chân tướng đòi hỏi phải dùng những câu dài và phức tạp, thậm chí còn phải sử dụng nhiều từ chuyên môn thì những phần mềm dịch thuật kiểu này thông thường rất khó dịch ra được một cách đầy đủ và sát nghĩa – nếu không muốn nói – thậm chí nhiều khi còn dịch sai và trật lất khiến người nghe không hiểu đúng ý người nói muốn đề cập đến là gì.


Thêm nữa, trong hoạt động giao tiếp thông thường, khi mình nói thì người nghe sẽ phản hồi lại. Vậy làm sao để biết người Trung Quốc ở phía đầu dây kia có nghe hiểu lời mình nói hay không? Và khi người Trung Quốc phản hồi lại thì bên học viên chúng ta nghe dịch thuật có đúng nghĩa lời họ nói hay không? Giả thiết nếu thực sự được như thế, có thể dịch hoàn hảo từ Việt sang Trung và từ Trung sang Việt thì có lẽ bây giờ người ta không cần phải đào tạo Đại Học các khóa học tiếng Trung làm gì nữa, cũng chẳng cần thuê phiên dịch nữa, vì chỉ cần mang phần mềm đó theo là xong, đỡ phải học, đỡ phải đào tạo.


Thực tế thì điều đó rất khó xảy ra. Lý do là vì những phần mềm này chúng tôi được biết chủ yếu được lập trình với bộ nhớ ngôn ngữ nhất định, nếu là hỗ trợ trong quá trình học tiếng Trung thì rất ổn, nhưng để thay thế hoàn toàn việc dịch thuật thì không thể - Lý do là bởi những thứ con người muốn dịch thuật thì lại vô cùng đa dạng và luôn biến đổi khiến những phần mềm đó không thể đáp ứng được hoàn toàn. Có nhiều nơi tại Trung Quốc thậm chí còn mang nặng văn hóa vùng miền trong cách chào hỏi, cách bắt chuyện, ngữ điệu (Những yếu tố này thực tế lại có thể tác động rất lớn đến hiệu quả của cuộc nói chuyện) - Liệu phần mềm dịch thuật có làm nổi điều đó không? Cái đó rõ ràng là không vì nó phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm tiếp xúc với người Trung Quốc của người nói.


Tạm gác lại những điểm khuất tất bất minh về hạng mục RTC tại Việt Nam, bây giờ nếu xét dưới góc độ tu luyện cá nhân trong cuộc sống hàng ngày và chứng thực Pháp, chúng tôi nghĩ các học viên cần nên phải có sự điều tiết một cách hợp lý; Chúng ta không thể chỉ cứ tập trung giảng chân tướng mà bỏ bê công việc, thậm chí để đến độ mất việc hoặc bị đuổi việc. Nếu như thế thì những người đồng nghiệp, lãnh đạo đơn vị mà học viên vừa bị thôi/đuổi việc đó sẽ nghĩ sao về Đại Pháp? Chẳng lẽ chúng sinh tại Việt Nam không đáng trân trọng bằng chúng sinh tại Trung Quốc?


Việc không ít học viên quá mải mê tham gia hạng mục RTC rồi tạo ra nhiều hệ lụy như phản ánh bên trên, chúng tôi thấy đã thể hiện rõ rằng những học viên đó chỉ lo cái ngọn mà bỏ quên cái gốc rồi. Cái gốc ở đây là việc tu cá nhân, đều đó chúng tôi nghĩ cần phải qua mài dũa trong quá trình sinh sống thực tế giữa người với người trong xã hội, qua những mâu thuẫn giữa đời thường để dần dần đề cao tâm tính (Tham khảo). Và khi tâm tính người tu liên tục đề cao thì việc giảng chân tướng hay chứng thực Pháp theo chúng tôi hiểu mới có thể đạt được hiệu quả tốt.


Nhiều học viên tham gia hạng mục rất nhiệt huyết, nhưng hễ nghe ai đó nói lời không hay hoặc nghe phê bình từ phía những người tu khác thì họ liền giãy nảy, nổi xung lên ngay, hoặc là tìm đủ cớ bao biện, hoặc là tìm cách tránh né v..v. Họ làm thì rất nhiều nhưng có vẻ trên thực tế là không có tu mấy (hoặc thậm chí họ còn hiểu sai rằng làm nhiều thế tức là tu), việc họ bỏ tiền tham gia hạng mục là rất dễ có mong muốn tích được nhiều uy đức, có cái danh để khoe khoang với học viên khác là bản thân có thể giảng chân tướng cho người Trung Quốc (ý là giảng chân tướng cho người Trung Quốc có nhiều uy đức hơn là giảng chân tướng cho người Việt Nam). Miệng họ nói ra toàn là điều tốt đấy, là vì cứu người này khác nhưng sâu trong tâm họ có lẽ cái tâm cầu danh, cái tâm cầu lợi, cái tâm vị tư ích kỷ, thích phân đẳng cấp, thích khoe mẽ xen lẫn với nhiều chấp trước khác vẫn giữ nguyên mà không có tống khứ đi được mấy. Hỏi với tình trạng tu luyện như vậy khi làm hạng mục liệu có thể khởi được tác dụng chính diện hay không? (Tham khảo bài "Kim Phật" có bình chú của Sư Phụ).


Nói về vấn đề chứng thực Pháp, chúng tôi nhớ Sư Phụ từng giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng chúng ta cần phải phù hợp tối đa với xã hội người thường. Do đó, chúng tôi nghĩ học viên cũng cần phải có một cuộc sống như người bình thường, có gia đình, có học hành, có công việc kiếm tiền duy trì cuộc sống ổn định, có giao tiếp, có quan hệ xã hội như người bình thường; Nếu cứ tỏ ra lập dị, quá cực đoan, khác thường như là bỏ bê công việc, ví như lãnh đạo phân công việc gì làm cũng không xong, gia đình con cái cũng không có trách nhiệm v..v thì người ta sẽ nghĩ sao về học viên và Đại Pháp đây?


Theo quan điểm của chúng tôi, học viên Việt Nam phần đông còn đang tồn tại quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến tu luyện cá nhân, chúng ta nên biết việc tu luyện và hoàn cảnh chứng thực Pháp của mình đang ở đâu để mà lựa chọn hướng đi cho đúng. Với tình thế ở một quốc gia đặc thù như Việt Nam, Sư Phụ đã từng có yêu cầu như sau:


Đệ tử: Xin hỏi Sư tôn, với chính trị hiện nay ở Việt Nam, cũng cần giảng chân tướng hướng về Đại Lục không?


Sư phụ có giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng nếu đệ tử Đại Pháp ở một hoàn cảnh chính trị đặc thù thì có thể làm tốt những việc quanh mình cũng là khả dĩ. Không có hoàn cảnh và điều kiện thì không cần làm cố ...



Do đó, với tình hình chung của học viên Việt Nam hiện nay - Tu luyện cá nhân còn hạn chế, không nhiều người biết tiếng Trung, lại không rành về công nghệ để biết rõ số tiền bản thân bỏ ra có đạt đúng mục đích giảng chân tướng hay không? - Chúng tôi nghĩ học viên tốt nhất trước tiên nên cố gắng làm tốt việc chứng thực Pháp cho chính những người quanh mình, làm tốt từ người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp v..v trước đã. Làm tốt rồi sau này có điều kiện hãy mở rộng ra dần, chúng ta không cần vội vàng, chậm nhưng chắc, tuy chậm nhưng ít nhất thì chúng ta còn đang khởi được tác dụng chính diện trong chứng thực Pháp. Cứ làm nhanh, vội vàng, tu còn chưa tốt mà cứ ham làm nhiều không khéo còn có thể làm ra những hành vi phá hoại Đại Pháp không tự biết (Ví dụ).


Quá trình chứng thực Pháp cho những người quanh mình đó, chúng tôi nghĩ cũng là một quá trình đòi hỏi học viên phải liên tục đề cao tâm tính, cải biến từ cách nói năng, cách sống, cách làm việc v..v sao cho dần trở nên tốt hơn thì mới có thể khiến người xung quanh có cơ sở mà từ đó nhận ra được vẻ đẹp và có cái nhìn tích cực về Đại Pháp.


Điều này nói ra trên lý thuyết thì dễ, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì khi vào thực tế lại không hề dễ dàng một chút nào, nói không ngoa là chuyện vấp ngã sứt đầu mẻ trán, đổ mồ hôi sôi nước mắt xảy ra rất nhiều. Để từ người thường trở thành người tốt và sau đó dần dần đạt tiêu chuẩn người tu luyện thực sự quả thực không đơn giản (Ví dụ).


Những điều căn bản mà tưởng chừng như đơn giản đó làm còn chưa tốt, tu luyện bản thân còn nhiều vấn đề chưa giải quyết ổn thỏa mà lại cứ cắm đầu tham gia hạng mục này khác, để rồi đem lại nhiều hệ lụy đáng tiếc thì rất dễ học viên sẽ thành cứu người thì ít mà hại người hại mình thì nhiều, được thì chẳng thấy đâu nhưng mất thì lại quá nhiều. Nói thẳng ra, giữa người Việt với nhau mà còn chưa giảng chân tướng và chứng thực Pháp được tốt thì nói gì đến giảng chân tướng rồi khuyên tam thoái cho người Trung Quốc?


Chúng tôi biết thực tế hiện nay có những học viên không tham gia hạng mục gì, họ chỉ đơn giản lo tập trung cho gia đình, công việc v..v; Họ tự giới thiệu họ là người tu Đại Pháp và không lôi kéo ai, âm thầm tu ngay trong quá trình sinh sống hàng ngày đó, tu qua những mâu thuẫn hàng ngày giữa người với người, biết quan tâm đến người khác v..v nên dần đã đạt được những hiệu ứng tích cực: Người thân và đồng nghiệp của họ đã bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về Đại Pháp, thậm chí ngay cả khi nghe thông tin bài xích từ nhiều kênh media trong nước họ cũng lý trí nhận ra có học viên này học viên nọ nhưng bản chất Đại Pháp là tốt. (Tất nhiên, nếu bản thân học viên mà không tu tốt thì hỏi những người thân xung quanh đó của họ có thể lý trí nhận thức ra điểm khác biệt đó hay không? Rõ ràng là rất khó)



Những điều đó liệu có thể chỉ qua vài câu nói giới thiệu Đại Pháp là tốt thì đạt được hay không? Hay là phải qua một quá trình tu luyện thực chất, tự chứng minh qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử, cách làm việc trường kỳ v..v mà nên? Vấn đề này chúng tôi nghĩ các học viên có thể tự mình suy xét ra được.


Trân trọng./.

BBT Website.


 

@Update lần 01 - [23/05/2021]:


Hiện nay, theo chúng tôi được biết, trong cộng đồng học viên đang có nhiều người tu tham gia vào hạng mục giảng chân tướng cho người Trung Quốc trên Telegram. Về vấn đề này, trước tiên, chúng tôi xin chia sẻ lại thông báo của BBT Minh Huệ tiếng Trung có liên quan:




Căn cứ vào Thông báo của BBT Minh Huệ tiếng Trung, chúng tôi xin đưa ra một số quan điểm như sau:


- Telegram hay các ứng dụng Chat khác như WeChat, Skype v..v đều là những phần mềm có thể theo dõi người dùng. Thậm chí ngay bản thân điện thoại thông minh hiện nay (Smartphone) cũng đều có ẩn trong mình chức năng đó (chỉ là các tổ chức sản xuất các sản phẩm này không bao giờ công khai điều này ra bên ngoài). Do đó, bất kể một ứng dụng chat tự xưng là bảo mật nhưng có thể họ vẫn âm thầm theo dõi và thu thập thông tin từ phía người dùng. Đó vừa là để phục vụ mục đích nghiên cứu hành vi người dùng của họ, vừa để bán thông tin cho các bên thứ ba từ đó tạo ra lợi nhuận.


Nguồn: Genk


- Giảng chân tướng cho người Trung Quốc mà thông qua Telegram hay các phần mềm tương tự, đương nhiên là sẽ rất dễ gây lộ thông tin của cả 2 phía đối với sự theo dõi của ĐCSTQ. Từ đó sẽ gây nguy hại tới sự an toàn cũng như nguy cơ lộ thông tin được trao đổi giữa các học viên.


- Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng, học viên nếu có kỹ năng, hiểu biết về tiếng Trung, có kinh nghiệm trong tiếp chuyện và trao đổi với người Trung Quốc cũng như có điều kiện tài chính dư dả v..v thì có thể lý trí lựa hoàn cảnh phù hợp mà làm; Hoặc cũng có thể tham gia hạng mục RTC bằng cách nói chuyện trực tiếp (Chứ không phải qua phần mềm dịch thuật hay qua file ghi âm lời giảng chân tướng sẵn). Tất nhiên học viên cũng nên phải có hiểu biết nhất định về công nghệ, lý do là để biết rõ tiền mình bỏ ra có được chi trả minh bạch cũng như đúng mục đích hay không? (Tránh tiếp tay cho các thành phần lừa đảo lợi dụng hạng mục để mưu lợi) Nếu bản thân thấy không chắc chắn hoặc thấy có điểm khuất tất thì học viên hoàn toàn có thể từ chối tham gia.


Nhưng nếu giảng chân tướng qua các phần mềm/ứng dụng chat thì theo chúng tôi thấy - tốt nhất không nên tham gia, vì rất dễ bị lộ thông tin. Thực tế, theo hiểu biết của chúng tôi, thì phía người nghe chân tướng ở bên Trung Quốc khi dùng Smartphone để chat qua Telegram v..v vốn có thể là đã và đang bị ĐCSTQ theo dõi chặt chẽ; Học viên mà nói chuyện với họ thì hỏi liệu có không bị truy dấu vết? Nếu ĐCSTQ mà biết học viên tiếp cận với người bên Trung Quốc thì liệu những người nghe chân tướng sau đó có không bị ĐCSTQ "làm phiền" hay "nhắc nhở"?


Còn trong trường hợp nếu không có điều kiện, không rành tiếng Trung hoặc không có tài chính dư dả thì có thể lựa chọn cách thức khác để chứng thực Pháp, như là với những người xung quanh mình (bạn bè, gia đình, họ hàng). Không có điều kiện giảng chân tướng cho người Trung Quốc, thì có thể làm với người Việt xung quanh mình chúng tôi thấy rằng cũng khả dĩ. Cứ miễn cưỡng phải làm trong khi bản thân điều kiện không đủ thì chúng tôi thấy đó ngược lại là chấp trước; Phải chăng học viên làm vì danh? Vì uy đức hay khi cứu người Trung Quốc nghe sang hơn? Để khiến học viên khác kính nể mình hơn? Hay vì tật đố không muốn thua kém học viên khác?

bottom of page