top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Mạn đàm về quá trình tống khứ tâm chấp trước

Đã cập nhật: 12 thg 12, 2019

[03/07/2019] TỬ DƯƠNG




Sư Phụ trong Chuyển Pháp Luân đã giảng đại ý, không nguyên văn rằng tu luyện là một quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước.

Tôi thể ngộ rằng, muốn tống khứ được tâm chấp trước, điều trước tiên phải hiểu là: Đâu là chấp trước? và phân biệt chúng ra sao? Nếu không xác định rõ đâu là chấp trước thì rõ ràng rất khó để tống khứ. Nếu chúng ta chỉ nói chấp trước là những thứ như tâm sắc dục, tâm tật đố, tâm tự mãn, tâm cầu danh thì nó quá chung chung. Giống như việc đi giải đố, bắt tìm sói (chấp trước) trong đám cừu như trên hình đại diện, nhìn sơ qua thấy rất giống nhau, phải chú ý suy xét kỹ, dò thật kỹ thì mới thấy - thực tế thì nhận biết đâu là chấp trước còn phức tạp hơn thế. Nếu chúng ta lơ là hay không nghiêm túc tìm và hình thành cách nhận biết chấp trước thì rất có thể chúng ta còn tự cho là mình ... không hề còn chấp trước nào.

Thử lấy ví dụ:

Những tư tưởng nào, biểu hiện nào, hành vi nào, lời nói nào thì là thuộc về tâm sắc dục? Kinh nghiệm của tôi thì nhiều khi chỉ đơn giản là một lời đùa, trêu ghẹo hay một tin nhắn quan tâm thái quá cũng là thuộc về tâm sắc dục. Nếu là người thường, không tu hoặc người mới bắt đầu tu chưa lâu thì họ có thể sẽ phản đối, họ cho là “tôi đâu có làm gì vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm đạo đức, tôi chỉ đùa vui thôi mà”. Nó là đúng, nhưng chỉ đúng nếu xét ở tiêu chuẩn người thường. Nhưng, với người tu tôi nhớ Sư Phụ có giảng đại ý là phải dùng tiêu chuẩn cao để xét vấn đề. Nếu giả sử chúng ta nâng tiêu chuẩn về nhìn nhận tâm sắc dục kia lên một chút, quay đầu lại thì thấy có lẽ không nên đùa cợt như vậy, nó là không nghiêm túc; Nâng cao lên thêm nữa, thì thấy không những không nghiêm túc, mà còn là một hành vi rất dơ bẩn v..v.


Đó mới chỉ là xét ở một hành vi cụ thể là trêu đùa chứ nếu xét rộng ra thì còn nhiều nữa. Ví như một ánh mắt liếc nhìn trộm người nữ có nhan sắc đẹp (chỉ là ánh mắt thôi) – liệu có thuộc về phạm trù tâm sắc dục? Quan tâm thái quá, thân mật thái quá giữa những người khác giới mà đã có gia đình – liệu có thuộc về phạm trù sắc dục? Tùy tiện cầm tay, đụng chạm thân thể (tất nhiên không xét những trường hợp bất khả kháng như cứu người, vô tình bị ngã vào người khác v..v) giữa những người khác giới – liệu nó có thuộc về phạm trù sắc dục? Quá để ý vào đầu tóc, trang điểm, cách ăn mặc khi đi tiếp xúc với người khác giới - liệu nó có thuộc về phạm trù sắc dục? Nếu chúng ta sử dụng lối suy nghĩ, quan niệm và tiêu chuẩn người hiện nay, họ sẽ cho là quá đỗi bình thường, thậm chí không làm thế họ còn bảo là “có vấn đề về giới tính”. Nhưng nếu khi tu luyện, tiêu chuẩn tâm tính nâng cao lên, thì những thứ người thường bảo đúng, tôi thể ngộ nhiều khi lại là sai, lên cao nữa thì không những sai mà còn rất dơ bẩn.


Biểu hiện của tâm sắc dục không chỉ giới hạn ở những ví dụ về hành vi, ánh mắt, cử chỉ, lời nói bên trên, mà nó còn phản ánh ra trong tư tưởng. Tôi thể ngộ nó là một dạng sinh mệnh sống, nó có suy nghĩ và tư duy độc lập, và những gì nó truy cầu là sắc và dục. Khi chúng ta ra ngoài xã hội, tiếp xúc với người khác giới, chỉ cần vừa tiếp xúc với một nữ nhân/nam nhân có sắc đẹp là cái tâm sắc dục kia sẽ tự động kích hoạt và phản ánh những ý nghĩ, tư tưởng truy cầu sắc dục vào đầu não của người ta. Vì tiêu chuẩn của Thần quy định cho con người là rất nghiêm khắc, nhất là về phương diện sắc dục này, chỉ cần hơi động niệm sắc dục trong đầu thì rất có thể đã tạo rất nhiều nghiệp lực. Người thường họ không biết vấn đề này nên họ cứ vô tư mà dung dưỡng những ý nghĩ tà vạy, ví dụ như họ đi đường nhìn thấy nữ nhân nào đó liền xuất hiện trong đầu ý nghĩ giao hoan với nữ nhân đó – thế là tạo nghiệp! Thậm chí chỉ đơn giản là ý nghĩ khen người nữ kia đẹp (hoặc người nữ khen người nam là phong độ, đẹp trai) thôi cũng tạo nghiệp, bởi nếu không động tâm sắc thì sẽ không bị cái “đẹp” của nữ nhân/nam nhân kia làm cho phải khen (tất nhiên, nếu là người thường thì họ sẽ phản đối và cho là quá hà khắc, nhưng chúng ta là người tu). Là người tu, nếu không bài xích và phản đối cái tư tưởng đó khi nó vừa nảy sinh ra trong đầu, thì tôi chỉ e nghiệp tạo ra cũng không kém gì người thường đâu. Vấn đề là những ý nghĩ nảy sinh tà vạy về sắc dục đó lại không phải do bản thân người tu nghĩ ra, nó là tâm sắc dục nghĩ ra, nếu người tu không bài xích nó thì cũng ngang như bản thân người tu chấp nhận cái tư tưởng sắc dục đó là bản thân họ nghĩ, và như thế có thể tạo nghiệp lực ngay lập tức.


Nếu nói về phạm vi tư tưởng, thì nó không chỉ là những ý nghĩ tà vạy, nó còn là sự thôi thúc, cám dỗ người tu vi phạm tiêu chuẩn tu luyện. Nếu người tu bản thân bình thường tu tốt, khá nghiêm khắc về phương diện này, thì nó sẽ có dạng thức biểu hiện khác, cũng là truy cầu sắc dục, nhưng nó sẽ được “ngụy trang” bằng những cái lý lẽ, lý do rất “chính đáng”: Ví dụ nó muốn tiếp cận một người nam/người nữ nào đó có nhan sắc, nó đổ vào đầu người tu đó những ý nghĩ kiểu như “Mình qua phòng ông A giao lưu chút cho thoải mái đầu óc rồi lại về phòng làm việc tiếp” – nhưng bản thân người nam/nữ có nhan sắc đó lại đang làm việc trong phòng của ông A. Lý do vào phòng ông A giao lưu nó không hề liên quan gì đến người nam/nữ kia, nhưng nó chỉ là cái cớ để tâm sắc dục kia tiếp cận được người nam/nữ đó mà thôi.


Cái tâm sắc dục này nó cũng có thể tạo ra "ảo tưởng": "Người khác giới xinh đẹp/tuấn tú kia đang để ý đến mình chăng?" Thực ra, bản thân con người hiện nay vốn dĩ theo thể ngộ của tôi đã và đang bị Ma quỷ sắc dục điều khiển rất mạnh, biểu hiện rõ nhất là họ chuộng mặc những bộ quần áo bó sát người, hở da hở thịt, tóc tai nhuộm xanh đỏ, xịt nước hoa, trang sức v..v. Họ - người thường theo tôi nghĩ ít nhiều cũng bị chính cái tâm sắc dục và cả quỷ Dâm dục ở không gian khác tác động và điều khiển. Dù hữu ý hay vô ý thì hành vi của họ trong đời sống hằng ngày khi giao tiếp với người khác giới thì thường có nhân tố "khiêu gợi" ở trong đó, có người nếu mang tâm tự mãn lớn thậm chí còn hoan hỷ khi biết mình có "sức hút", thậm chí có vợ/chồng rồi vẫn có ý muốn "thả thính bốn phương". Cái ý muốn đó theo tôi nghĩ là có tâm sắc dục ở sâu thao túng họ, nó muốn truy cầu tinh huyết của con người tiết ra khi quan hệ xác thịt nên nó luôn muốn kích dẫn dục vọng của người nam/nữ để đạt được mục đích.


Do đó, bản thân học viên khi giao tiếp với người thường hay với chính các học viên khác giới khác, thì nếu họ cảm thấy có sự "quan tâm", "để ý" v..v đại khái là nhìn từ cử chỉ, hành vi, lời nói có vẻ thích họ từ người khác giới khác kia thì điều đó theo tôi chính là BẪY. Bản thân cái tâm sắc dục trong học viên khi nhìn nhận được sự "quan tâm" thái quá từ người khác giới xung quanh, nó cũng sẽ khởi tác dụng sản sinh ra một dạng tư tưởng tựa như "ảo tưởng", kiểu như: "Hay là anh ý/cô ý thích mình chăng?", "Hay là cô ý/anh ý có tình ý với mình?" v..v. Sự "bơm đểu" này nó cũng làm tăng trưởng cái tâm tự mãn về "sức hút" của bản thân, làm cho họ nảy sinh cảm giác hoan hỷ ngầm trong tâm. Thực ra tâm sắc dục kích phát khiến học viên quan tâm thái quá đến người khác giới và cũng chính nó ở trong học viên khác giới mà nhận được sự quan tâm kia cũng sinh ra ảo tưởng.


Bản thân Cựu Thế Lực cũng có thể an bài sẵn từ rất lâu, thậm chí trước khi học viên bước vào tu luyện rằng đến thời điểm nào đó sẽ có ai đó "để ý" đến họ, "thích" họ. Nếu học viên không chú ý, cảnh giác, mà để tâm sắc dục và tự mãn làm lu mờ lý trí thì rất có thể sẽ sập bẫy; Mà bẫy nào chứ bẫy này hễ mà đã dính thì cực khó thoát ra được. Cựu Thế Lực sẽ tìm mọi cách lợi dụng người thường hoặc học viên tu sai lệch mà mang nặng tâm sắc dục kia kéo họ rớt xuống. Lúc mới đầu có thể những người đó (được an bài kéo rớt học viên) còn e ngại, dè chừng, nhưng hễ học viên dính bẫy là họ sẽ biểu hiện hoàn toàn khác, sẽ như "hổ đói vồ môi" vậy. Điều khiển một con người đối với sinh mệnh cấp cao tôi thể ngộ là rất đỗi bình thường, nó dễ tự như điều khiển bù nhìn vậy.


Do đó, hễ học viên nếu đã bắt đầu tu luyện, thì tôi nghĩ nếu có người khác giới để ý, quan tâm thì nên chú ý cảnh giác, đấy rất có thể là bẫy. Học viên giữ tâm chính, giữ khoảng cách, kiên quyết cự tuyệt thì có thể thoát ra được và có thể đề cao do đã bài xích tâm sắc dục, không để nó khống chế. Giả như bất chợt có học viên nữ/nam nào đó vào một hôm đẹp trời cố gắng bắt chuyện một cách thái quá với mình, hỏi han đủ kiểu mà không chịu tự tư duy theo Pháp, hay là bản thân học viên được quản lý sếp vào làm chung phòng với một nữ nhân có sắc đẹp trong công ty v..v thì tôi nghĩ chắc tự bản thân học viên đó hiểu chuyện gì đang xảy ra rồi.


Người xưa tuân thủ nghiêm khắc tiêu chuẩn mà Thần đặt ra cho con người về quan hệ vợ chồng. Hễ đã có vợ chồng mà chỉ cần bỡn cợt, đùa vui với người nữ khác thôi thì đã bị Thần khép vào tội ngoại tình, tạo cực kỳ nhiều nghiệp. Ngày nay, người thường cho nó là thú vui chứ không biết hậu quả, chỉ đơn giản là vài dòng chat chít trêu đùa ... cho vui, không làm gì sai trái, vẫn có trách nhiệm với gia đình - Nhưng nó chỉ là lời ngụy biện mà thôi, tội lỗi của họ vẫn bị Thần cho vào sổ. Người tu thì có thể lấy lý do là "để phù hợp tối đa với xã hội người thường" (họ bẻ cong Pháp lý để chiều theo cái chấp trước không buông kia của họ), hoặc là "trao đổi chia sẻ để đề cao, quý họ nên mới trêu đùa" v..v

Ví dụ khác như là nữ học viên A mới vào tu, biết được nam học viên B đã tu tương đối lâu, có nhiều kinh nghiệm, cả hai đều đã có gia đình. Cái tâm sắc dục của nữ học viên A nó muốn tiếp cận với nam học viên B, nhưng nó thường ngụy trang để lừa học viên A theo kiểu như “Mình chỉ trao đổi để chia sẻ kinh nghiệm tu luyện với anh ấy thôi mà, mình đâu có làm gì bậy bạ”. Vấn đề là, cũng là trao đổi kinh nghiệm tu luyện, họ sao không tìm nữ học viên khác mà cứ lại tìm nam học viên B đó? Và nếu không trao đổi với nam học viên B đó họ có không tu luyện được chăng? Nếu dính bẫy của tâm sắc dục, ban đầu có thể cứ giao tiếp nhưng không có vấn đề gì, nhưng dần dần cái tâm sắc dục đó nó bắt đầu gia tăng điều khiển học viên, nó cứ từ từ âm thầm ngày qua ngày, đến một thời gian nhất định thì nó khiến nữ học viên A không thể rời được nam học viên B, biểu hiện bề ngoài là giữa họ nảy sinh tình cảm thân mật quá mức bình thường, cứ thế tiếp thì nó khiến hai học viên này phạm lỗi sắc dục.


Nếu một trong hai người mà không nhận ra sớm cái bẫy giăng ra đó, thì không chỉ đơn thuần là bị Quỷ sắc dục ở không gian khác thu thập khí tinh hoa, làm tăng trưởng sự kiểm soát của tâm sắc dục lên chủ nguyên thần; Mà nghiêm trọng hơn, đó lại là cái cớ để Cựu Thế Lực bức hại họ, lý do: Họ đã phạm lỗi sắc dục, một lỗi cực kỳ nghiêm trọng! Hậu quả là có thể khiến họ mất mạng. Nếu tâm học viên không chính, không cảnh giác thì rất dễ sẽ bị tâm sắc dục cho vào tử lộ bất kỳ lúc nào, ở đây còn chưa nói đến vấn đề tạo nghiệp nếu giữa 2 người đã có vợ/chồng - nghiệp sinh ra do ngoại tình về tư tưởng, tức là đã có vợ/chồng rồi mà vẫn đi quyến luyến, hâm mộ, thích người khác giới khác, điều này căn cứ vào tiêu chuẩn của Thần chứ không phải căn cứ vào nhận thức đúng/sai của họ. Nếu giữa học viên và học viên (khác giới) mà không chú ý, không nghiêm khắc mà vẫn thích cợt nhả, vui đùa, trêu ghẹo v..v dưới cái lý do "chia sẻ, giúp đỡ nhau đề cao". Thì họ nên chuẩn bị tinh thần mua vé du lịch một chiều.


Cũng nói thêm, có một số học viên khi học Pháp xong, ra ngoài xã hội tiếp xúc với nhiều hành vi đã bại hoại của con người hiện nay có thể sẽ cảm thấy sốc và chán chường, cảm thấy áp lực, muốn né tránh và tìm những nơi "thanh tịnh" để tu. Cách tu đó theo tôi hiểu là tu "phó nguyên thần" vốn né tránh mâu thuẫn, vào nơi thâm sơn cùng cốc để tu luyện. Tu Đại Pháp theo Sư Phụ giảng đại ý là tu Chủ nguyên thần, bản thân học viên tôi nghĩ là họ phải qua chính những ma sát thực tế đó, dám đối diện với nó mà vượt qua, thì mới tu được chắc chắn nhất. Nói ở một góc độ khác, bản thân học viên nói là "sốc", "chán chường", "cảm thấy xã hội dơ bẩn" khi tiếp xúc bên ngoài hiện nay, thì thực tế ẩn sâu trong học viên còn cả một đống những thứ chấp trước dơ bẩn đó, chỉ là nó chưa có điều kiện, hoàn cảnh để moi ra thôi. Theo những gì tôi học được từ Pháp, bản thân trong các Pháp môn tu Phó nguyên thần, tuy Chủ nguyên thần bị đánh mê, chỉ là kênh truyền tải thì Phó nguyên thần kia cũng phải tu luyện trong ma sát thực tế được an bài tại một không gian khác chứ họ cũng không thể trốn tránh được đâu, nếu không thì làm sao họ tu xuất ra được công? Học viên nào nói là sốc, chán chường, thấy dơ bẩn v..v thì nói thẳng ra là ý chí của họ quá yếu đuối; Giả sử giờ họ tu ở một nơi thanh vắng, Ma mà đến dọa nạt họ chắc họ cũng sốc, sợ, hoảng loạn mà bỏ tu luôn quá.


Như vậy, qua mô tả về những phương diện liên quan đến tâm sắc dục bên trên, tôi nghĩ chúng ta cũng đã đủ thấy “ngợp”. Chỉ với một loại tâm đó thôi mà nó biểu hiện thiên biến vạn hóa, nếu chúng ta không nghiêm túc xét kỹ từng niệm đầu và xem ẩn đằng sau nó có phải là tâm sắc dục hay không thì rất nguy hiểm. Rồi thì cả hành vi, lời nói mà nhiều khi chúng ta đã quá quen, trở thành như những câu xã giao hàng ngày như là “chào người đẹp”, “dạo này trông anh phong độ quá” v..v. Nếu cũng xét về tâm tự mãn, tâm hư vinh, tâm tật đố thì nó còn nhiều thế nào? Các chủng loại tâm chấp trước đó cũng như tâm sắc dục, chúng cũng là sinh mệnh sống, chúng cũng biết tư duy, chúng cũng biết cách gian xảo ngụy trang để lèo lái người tu.


Về đặc điểm của việc tu bỏ chấp trước


Tôi thể ngộ, bản thân mỗi loại tâm chấp trước nó có thể mô tả để dễ hình dung giống như một khối cầu hoặc như vòng tuổi của cây vậy (tôi chỉ ví dụ, có thể ở không gian khác nó không hẳn như vậy).

Ảnh minh họa

Cứ mỗi lần khảo nghiệm được an bài bởi Pháp thân Sư Phụ nhắm vào một hoặc một vài loại tâm nào đó thì giống như chúng ta mài đi một chút cái khối cầu đó hoặc bớt đi một lớp vòng tuổi của cây, chúng ta tu luyện trường kỳ thì cũng là mài cái khối cầu đó liên tục, vậy mài đến bao giờ? Tôi thể ngộ là mài đến khi nào mà Sư Phụ cho phép tu thành thì thôi.


Mỗi loại tâm chấp trước tôi hiểu là nó tồn tại xuyên suốt cả quá trình tu luyện của một người, do đó miễn là người tu còn đang sinh sống ở đây thì tôi nghĩ họ còn phải tiếp tục tu bỏ thêm cho đến khi tu thành. Nếu ai đó tự nhận rằng bản thân họ không còn chấp trước gì nữa trong khi họ vẫn đang sống ở đây thì tôi chỉ e họ đang tự lừa mình dối người. Tôi khi học Pháp thì biết rằng mỗi khi chúng ta tu đạt tiêu chuẩn đến một tầng nào đó, hay tôi hiểu là đã bỏ được một lượng chấp trước nào đó thì bộ phận tu đạt tiêu chuẩn ở tầng đó sẽ được Sư Phụ cho cách khai ra và tồn tại ở một không gian khác. Người tu càng cố gắng tu bỏ càng nhiều tâm chấp trước thì càng nhiều bộ phận sẽ được cách khai ra thêm, cứ cách khai ra như vậy từ tận vi quan bản nguyên nhất của sinh mệnh cho khi nào đến bề mặt người thường cũng đạt tiêu chuẩn, cũng tức là toàn bộ chính thể của người tu đó (từ vi quan lên đến bề mặt) đạt tiêu chuẩn thì là viên mãn. (Học viên có thể đọc bài giảng của Sư Phụ trong Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])


Do vậy, miễn là chúng ta vẫn còn đang sống tại cõi người, thì tôi thể ngộ rằng chúng ta luôn luôn có tâm chấp trước, mỗi khi chúng ta cách khai được một bộ phận mà đạt tiêu chuẩn thì phần còn lại ở cõi người này vẫn là còn đầy tâm người thường. Tôi khi học Pháp hiểu rằng nếu không có bộ phận tâm người thường đó thì chúng ta sẽ rất khó tiếp tục tu luyện tại nơi này, bộ phận mà đã đạt tiêu chuẩn thì họ đã được coi là Thần, họ có thể nhìn thấy đủ thứ bệnh độc trôi nổi trong không khí cũng như những hiện tượng chân thực bất hảo ở không gian khác nơi cõi người, nếu họ tiếp tục tu luyện tại đây thì rất có thể sẽ bị ô nhiễm mà rớt xuống, thế nên tôi mới thể ngộ rằng Sư Phụ phải cho họ (bộ phận tu thành đó) cách khai ra và lưu tại một không gian khác, chờ cho đến khi toàn bộ chỉnh thể của học viên đó tu thành thì mới hoàn toàn rời đi được. Còn bộ phận chưa tu thành, còn đang sống trong mê này, không nhìn thấy gì, còn đầy chấp trước thì vẫn có thể tiếp tục mà tu luyện. Ngoại trừ lúc phát chính niệm thì tôi thể ngộ bộ phận tu thành đó mới khởi tác dụng, nhưng nếu phía chưa tu thành bên phía người thường này mà giữ niệm không chính, hoặc không tập trung thì rất khó điều động được năng lượng từ phía bộ phận đã tu thành kia; còn lại thì tôi nghĩ họ (bộ phận đã tu thành) gần như ngồi im bất động.


Về quá trình tu bỏ tâm chấp trước


Muốn tu bỏ tâm chấp trước thì cá nhân tôi cho rằng đầu tiên phải nhận biết rõ đâu là chấp trước. Nếu với một người tu phổ thông, khi hiểu rằng nam nữ phải thụ thụ bất thân, đụng chạm tùy tiện là chấp trước sắc dục mà nói với người thường không tu hoặc mới tu chưa lâu thì họ có thể sẽ phản đối, cho rằng điều đó là bình thường, không phải chấp trước sắc dục. Quan điểm của tôi là chính vì chúng ta không cho rằng đó là chấp trước nên chúng ta vẫn là chưa bỏ đi được nó, vẫn còn đang bị nó kiểm soát, nếu tư tưởng của người tu thăng hoa lên, nhận ra cái tâm đó không phải là mình, nhận ra những tư tưởng vốn đang kiểm soát mình từ trước tới nay là không đúng, bài xích nó, thế thì họ có thể đề cao lên được (ít nhất là ở phương diện đó). Khi trong tâm người tu đã nhận rõ những tư tưởng kia là không đúng, là không phải do họ nghĩ ra và kiên trì bài xích nó thì lúc đó chính là quá trình tống khứ tâm chấp trước. Còn nếu họ chưa nhận ra, vẫn cho nó là chính họ nghĩ thì họ có thể không coi đó là chấp trước, minh chứng là họ có thể chưa đề cao.


Các tâm chấp trước vốn tồn tại và ẩn sâu trong tâm của người tu, hỏi chúng có tự nhiên phản ánh ra? Hay tự nhiên chúng ta đang uống trà nằm sofa mà nhận thức ra được chúng? Tôi nghĩ phải có hoàn cảnh tác động đến chúng, làm cho chúng phải phản ứng ra. Vậy hỏi hoàn cảnh đó làm sao có? Cái đó tôi thể ngộ là do Pháp thân của Sư Phụ an bài. Riêng với người cao tuổi, tôi học Pháp thì biết rằng có thể là những ký ức mâu thuẫn từ trước đây sẽ được phản ánh lên tư tưởng của họ, gợi lại những mâu thuẫn đó xem liệu bây giờ khi họ tu rồi thì sẽ phản ứng ra sao, không nhất thiết là họ phải mâu thuẫn trực tiếp với ai đó.


Ví dụ: Một học viên đi thi học kỳ, được điểm không tốt lắm, sau đó vị này bị nhiều bạn học chế giễu: “Bài thi dễ thế mà làm bị điểm thấp, sao mày ngu thế?”.


(Ảnh minh họa)

Vậy, ở đây rõ ràng không phải là ngẫu nhiên, tôi thể ngộ rằng thực ra nó là tất nhiên phải xảy ra khi một người muốn bước trên con đường tu luyện. Bị chửi và hạ thấp đương nhiên là khó chịu, vấn đề chính là tu bỏ cái sự “khó chịu” đó. Ở đây không phải là chúng ta Nhẫn theo kiểu ép cái sự khó chịu đó xuống hoặc cố quên nó đi theo cách mà người thường vẫn làm, mà chúng ta đối diện và trực tiếp bài trừ nguyên nhân gây ra cái sự khó chịu đó. Nhẫn theo kiểu người thường thì nó giống như chúng ta chỉ hơi khó chịu một chút đã vội uống thuốc ép cái căn nguyên của bệnh xuống hoặc theo phương thức khí công là dời căn bệnh đó sang khi khác bị, chứ không phải là chúng ta trị tận gốc căn bệnh đó - Mục đích là nhanh khỏi bệnh ở bề mặt (hay nhanh bình hòa cái tâm, để không cảm thấy khó chịu khi đụng phải mâu thuẫn). Muốn trị tận gốc căn bệnh đó thì phải tu luyện và phải ý thức rõ là do nghiệp lực gây ra, và tất nhiên chúng ta cũng phải chịu đựng khó chịu một chút vì Sư Phụ đã giảng đại ý là bất thất bất đắc. Cùng là hết cái sự khó chịu ở bề mặt, nhưng một bên thì vẫn tồn nghiệp lực (hay chấp trước) và chưa đề cao - do họ né tránh mâu thuẫn (hoặc Nhẫn theo kiểu người thường) hay ẩn nghiệp lực xuống; Một bên thì đã tiêu trừ tận gốc và đạt được đề cao.


Hỏi sự khó chịu đó có phải là bản thân chúng ta (ý nói chủ nguyên thần) tạo ra? Tôi thể ngộ là không phải. Vậy nó là từ đâu phản ánh ra mà đến mức nhói tim, quặn ruột như vậy? (tôi nói nhói tim là nói không chỉ nghĩa bóng mà còn cả nghĩa đen, đích xác là lúc bị ăn chửi thông thường chúng ta hay cảm thấy rất khó chịu ở vùng tim) – Đó chính là do tâm chấp trước phản ánh ra (cũng giống như nghiệp lực, chúng tuy theo sát chúng ta, kể cả khi chuyển sinh nhưng chúng lại không phải là chúng ta).


Nói đơn giản là thế này, tôi thể ngộ rằng tâm chấp trước nó là một sinh mệnh (nghiệp lực tự bản thân nó cũng là một dạng sinh mệnh), tôi tạm mô tả cho dễ hình dung là nó dính chặt vào tâm của chúng ta tựa như miếng cao dán salonpas vậy.


Ảnh minh họa

Nếu chúng ta bị nó lèo lái nhiều, bản thân chủ nguyên thần cũng rất đồng tình với cái chấp trước đó thì nó giống như ta dán miếng cao dán đó vào vùng da nhiều lông vậy (chỉ có ý minh họa), nếu chủ nguyên thần ít đồng tình, thậm chí còn bài xích chút ít (kiểu như trước đó bị dục vọng sai khiến nhưng sau đó cắn rứt lương tâm vậy) nó thì giống như dán miếng cao đó vào vùng da ít lông. Khi buông bỏ chấp trước thì chúng ta phải ý thức rõ miếng cao dán đó không phải là một phần thân thể của chúng ta, mà nó là thứ được dán lên (hình thành hậu thiên). Khi chúng ta bị ăn chửi, nó giống như có người muốn bóc cái miếng cao dán trên thân chúng ta ra, hỏi lúc bóc miếng cao dán đó ra có đau không? Thì lúc cần moi cái tâm đó ra tôi thể ngộ tất phải làm nó bị tổn thương, khiến nó bị đau, khó chịu, chứ nếu làm nó dễ chịu thì moi nó ra kiểu gì đây? Nếu người tu bản thân họ từ trước tới giờ cũng rất đồng tình với chấp trước đó, thậm chí giờ thành cả thói quen tự nhiên thì lúc cần moi nó ra, tống khứ nó ra nó đương nhiên sẽ “khó chịu” hơn là so với người từ trước tới giờ ít đồng tình với chấp trước đó.


Vậy, biết nó là chấp trước cần bỏ thì nó là loại chấp trước gì? Tôi nghĩ chúng ta cần nói vào chi tiết, vào cách nhận biết chứ không nói chung chung nó là chấp trước. Theo kinh nghiệm tu luyện còn nông cạn của tôi, nó động chạm vào ít nhất là 3 loại tâm cùng một lúc. Tức là qua một câu chửi mang tính hạ thấp “Sao mày ngu thế, bài dễ thế mà không làm được” nó động chạm và moi ra ít nhất 3 loại tâm, hỏi đó là tâm gì? (1) Tâm hư vinh, (2) Tâm tự mãn, (3) Tâm tật đố. Tôi sẽ cố gắng trong khả năng có thể thử phân tích nó ra xem, mọi người có thể tham khảo:


- Tâm hư vinh: Đặc điểm của loại tâm này là nó ưa thích nghe lời khen, lời tán tụng, lời tung hô, lời nói tốt v..v đại khái là nghe hoặc nhìn thấy những thứ “có lợi” cho mình. Nó chỉ thích khen, nhưng nó lại rất ghét bị chê, bị nhục mạ, bị coi thường, bị chỉ ra cái sai, bị phê bình v..v. Chính vì thế khi bị ăn chửi “Mày ngu thế” thì ngay lập tức cái tâm này sẽ được moi ra (tất nhiên moi ra một phần nhỏ thôi, tôi nghĩ ẩn xuống sâu trong tâm còn nhiều lắm). Khi nó khó chịu thì nó sẽ sản sinh ra một thứ oán hận người đã chửi mình. Tất nhiên, nó sẽ phản ánh cái sự khó chịu đó lên thân thể của học viên.


Cũng để nói thêm, nếu là học viên khi bị nghe góp ý, chịu sự phê bình của học viên khác thì thường hay theo phản xạ nhằm vào lời phê bình và cố lảng tránh nội dung góp ý. Bề mặt họ hay nói là - "lời của bạn không Thiện, không từ bi", thậm chí còn bảo đó là "nói xấu họ" - Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, nó rất có thể là do cái tâm hư vinh vốn quen thích nghe lời khen, tung hô và ghét nghe lời chê, phê bình, góp ý kia phản ánh ra nhưng được ngụy trang dưới cái vỏ bọc "thiện, từ bi", nó còn ngụy biện đánh đồng sự góp ý = nói xấu. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì khi chúng ta trong khảo nghiệm tâm tính và có thể bị người thường chửi sấp mặt, chúng ta liệu có quay sang yêu cầu họ phải chửi sao cho "thiện", chửi sao cho "từ bi"? Người thường chửi mà chúng ta vẫn phải "mạ bất hoàn khẩu", phải hướng vào trong vô điều kiện để xả bỏ chấp trước, nhưng với người tu thì bây giờ lại có hiện tượng thành "mạ hữu hoàn khẩu", xả bỏ chấp trước phải có điều kiện.


- Tâm tự mãn: Đặc điểm của loại tâm này là nó luôn ảo tưởng rằng nó có bản sự, có khả năng nào đó, có năng lực nào đó. Càng nhiều lời khen về năng lực/bản sự v..v hay càng được nhờ vả giúp đỡ thì nó càng ảo tưởng rằng nó là tốt, là đúng đắn. Nếu trước đó học viên này được nhiều người khen về khả năng học tập tốt, mà vì bài kiểm tra này làm không tốt mà bị ăn chửi “Mày ngu thế” thì nó sẽ làm tổn thương cái tâm tự mãn này. Khi cái tâm tự mãn này khó chịu, nó cũng phản ánh ra sự khó chịu đó lên thân người tu, nhưng nó cũng tìm cách gợi lại những lần mà nó được khen trước đây để tự an ủi mình. Những ký ức hay ý niệm nào đó bỗng nhiên nảy sinh trong đầu học viên như là nhớ lại các khoảnh khắc được khen ngợi vì bản sự gì đó thì tôi nghĩ không hẳn do học viên tự nghĩ ra đâu, mà là tâm tự mãn nó tự tìm và phản ánh lên đầu não học viên, làm cho họ cảm thấy khoan khoái trong tâm, nghĩ rằng bản thân họ cũng không phải là thứ bất tài vô dụng.


- Tâm tật đố: Đặc điểm của loại tâm này là nó luôn muốn hơn người khác và không muốn ai cao hay tốt hơn nó. Nếu người ta cao hơn nó, tốt hơn nó thì nó sẽ rất khó chịu. Thông thường thì nó sẽ tìm những điểm yếu, những điểm không hay của người ta để phản ánh lên tư tưởng của học viên nhằm cố gắng hạ thấp giá trị của người mà nó cho rằng cao hơn hoặc có xu hướng cao hơn nó. Nếu học viên không ý thức rõ là cái tâm này đang khởi tác dụng thì họ có thể sẽ dùng chính những thứ mà tâm tật đố phản ánh ra trong tâm đó đem ra thành lời nói. Ví dụ, khi vừa bị ăn “chửi”, bản thân có thể phản ánh ra “Mày thì hơn gì tao, trước đây mày cũng bị điểm kém đó thôi”, “Dạ vâng, tao ngu, mày thì giỏi lắm đấy, cũng bình thường thôi”, “Ừ thì tao ngu môn này, nhưng ít ra tao cũng không ngu môn A (môn A là môn đứa học sinh kia bị điểm thấp)” v..v. Tất nhiên, khi bị coi thường thì cái tâm này nó cũng khó chịu, và nó cũng như 2 cái tâm bên trên, cũng phản ánh ra trên thân học viên.

Nếu người chửi học viên mà là người từng được chính học viên này giúp đỡ (kiểu cho chép bài, nhắc bài, giúp làm bài tập hộ v..v) thì lời chửi kia còn kích động cái tâm này hơn nữa, tại sao? Bởi đã đi giúp, cho nhắc bài, hay chép bài thì cái tâm tật đố đó đã ngầm coi rằng bản thân đứa đi chửi kia là kém hơn nó. Bây giờ bị chính đứa mà cái tâm tật đố đó cho rằng kém hơn mình lại chửi và hạ thấp mình xuống như vậy hỏi nó có khó chịu không? Trường hợp này nó còn khiến học viên cảm thấy bị “bẽ mặt/mất mặt”, động cả đến cái tâm hư vinh và tâm tự mãn (ảo tưởng rằng bản thân có năng lực nên mới có thể nhắc bài bạn, giúp đỡ họ). Nếu bị một đứa chửi mình như vậy hỏi một người bình thường có tiếp tục đi nhắc bài hay giúp đỡ họ, tôi nghĩ nếu là người hiện nay thì phần nhiều là vì oán hận mà cạch mặt chứ đừng nói là giúp. Do đó, nếu bản thân học viên trước đây từng giúp đỡ mà giờ lại bị ăn chửi bởi cùng một đứa thì rõ ràng cái cảm giác căm phẫn, bất bình nó còn gia tăng hơn nhiều, họ bất bình vì đã giúp đứa đó mà nó không biết ơn, không biết an ủi mình khi bị điểm kém mà còn quay sang chửi mình (gia tăng tâm tật đố).


Như vậy, cùng một câu chửi mà nó sẽ khiến trong tâm học viên trở nên hỗn loạn do sự khó chịu của ít nhất 3 loại tâm kể trên. Mà càng khó chịu tức là lượng chấp trước bị động chạm đến càng nhiều. Học viên muốn đề cao tôi nghĩ là ngay lúc đó họ phải hiểu những cái tư tưởng bất hảo muốn quay sang đả kích hay thống hận đứa đã chửi họ đó – thực chất không phải là họ nghĩ, mà là các chủng chấp trước kể trên nó nghĩ. Họ cũng không phải khó chịu, mà là các chủng chấp trước kể trên khó chịu và phản ánh vào thân học viên. Nếu họ Nhẫn và ức chế vững 3 loại tâm này, bài xích lại chúng thì chính là lúc chúng được tiêu trừ đi và dần dần bị tống khứ, nó gần như một trận chiến chính – tà xảy ra trong nội tâm người tu vậy. Nếu người tu nhận ra nhanh và kiên trì bài xích những tư tưởng bất hảo phản ánh trong tâm thì quá trình đề cao sẽ có thể nhanh kết thúc. Nếu người tu nhận ra chậm hoặc thậm chí thuận theo chấp trước thì sẽ mất rất nhiều thời gian hoặc không đạt được đề cao. Nếu tự người tu không nhận ra, thì tôi thể ngộ rằng có thể Pháp thân Sư Phụ sẽ an bài một số điểm hóa (gợi ý), có thể vô tình nghe ai nói, hoặc thông qua miệng của ai đó nói, giấc mơ v..v (tất nhiên học viên không được quá chấp trước vào những dạng điểm hóa đó). Có người sau này tôi biết là chấp trước vào việc điểm hóa mạnh đến độ quỳ xin quẻ xăm/tung đồng xu trước tượng Sư Phụ.

Thực ra những điều phân tích trên cũng là nhờ Sư Phụ giảng tôi mới dần ý thức và có sở ngộ ra được (tất nhiên chỉ là tham khảo thôi). Tôi nhớ Sư Phụ từng giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng Người tu luyện trong quá khứ đều không thực sự loại bỏ tâm chấp trước, họ chỉ là áp chế hoặc ức chế những tâm và tư tưởng không tốt đó; Chỉ có đệ tử tu luyện Đại Pháp mới thực sự đang loại bỏ triệt để hết thảy các chấp trước, bởi vì chỉ có Đại Pháp mới có thể làm được ... Vì tâm chấp trước và tư tưởng không tốt của người tu luyện không ngừng giảm bớt, trên biểu hiện cũng càng ngày càng yếu, vậy thì sự khác biệt giữa biểu hiện của người tu luyện với người thường sẽ càng ngày càng lớn. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])


Tôi thể ngộ điều này chỉ có thể xảy ra với người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Với người thường thì đơn giản là vô vọng một phần vì (theo tôi hiểu) họ không có đủ lực lượng để tiêu trừ sự tác động của những tâm chấp trước đó, một phần vì họ còn không cho đó là chấp trước và vì sao cần bỏ. Tôi nghĩ rằng miễn là ngay lúc học viên nhận thức ra được những tư tưởng kia nảy sinh trong tâm họ - không phải là họ, phân định rõ ra và nỗ lực bài trừ thì Pháp thân của Sư Phụ mới có thể giúp tiêu trừ bớt những thứ đó đi. Họ càng bài xích mạnh mẽ những thứ bất hảo đó trong tâm thì càng giúp Pháp thân của Sư Phụ dễ dàng tiêu trừ chúng, nếu không có sự giúp đỡ của Pháp thân Sư Phụ thì chỉ dựa vào tự thân học viên bài trừ thì rất khó, lực lượng trợ giúp học viên đó rõ ràng là đến từ Đại Pháp và Pháp thân Sư Phụ.


Tất nhiên, không phải nói như trên thì có thể hiểu là cứ hễ nhìn ra bản thân đang có chấp trước vào vấn đề gì đó thì ngay lập tức sẽ được Pháp thân Sư Phụ trừ bỏ ngay, tôi thể ngộ nó đâu dễ dàng như vậy? Ngay như trừ bỏ nghiệp tư tưởng, trong Pháp Sư Phụ có giảng tôi nhớ đại ý, không nguyên văn là chỉ khi học viên bài trừ nó, phản đối nó mạnh mẽ trong tâm thì lúc đó Pháp thân của Sư Phụ mới giúp đỡ tiêu trừ đại bộ phận nghiệp tư tưởng này; tức là trước đó phải xem xem là bản thân học viên có "chủ động" trong việc nhận thức và bài trừ tư tưởng xấu đó hay không? Có kiên định không? Khi đạt đủ tiêu chuẩn rồi thì mới được Pháp thân của Sư Phụ giúp tiêu trừ.


Lối nói cứ hễ nhận ra đó là nghiệp tư tưởng, chả cần chủ động bài trừ, phản đối gì, hễ nhận ra là được Pháp thân Sư Phụ giúp tiêu trừ, tôi nghĩ là không đúng. Với tâm chấp trước cũng vậy, để nhận thức đó là chấp trước là một điều kiện cần, là bước đầu, nhưng sau đó bản thân học viên sẽ phải trải qua một quá trình đấu tranh bài trừ những tư tưởng do chấp trước đó phản ánh vào tư tưởng, và rồi dần dần sau đó mới có thể được Pháp thân của Sư Phụ giúp đỡ tiêu trừ bớt đi, chứ không phải cứ hễ học viên nhận ra là sẽ được bài trừ hết, nếu thế tôi hiểu là chả còn gì để học viên tu nữa? Làm sao để biết học viên ngộ ra vấn đề có vững chắc hay không? Tôi thể ngộ là bản thân học viên phải tự chứng minh việc mình ngộ Đạo ra sao thông qua việc bài trừ tư tưởng xấu, phản đối nó trong tâm khi gặp mâu thuẫn trong tu luyện ở thực tế. Nếu cố tình biểu hiện như thể là bản thân đang bài trừ và cố gắng hy vọng Pháp thân Sư Phụ thấy được và giúp đỡ thì đó là loại tâm lý giảo hoạt, cố ý giả bộ đang tu để lừa Pháp thân Sư Phụ, như vậy thì tôi nghĩ rất có thể sẽ tu như không - lý do là vì Sư Phụ đã giảng rất rõ trong bài "Vấn đề hữu sở cầu" đại ý, không nguyên văn là Pháp thân của Sư Phụ biết rất rõ học viên đang nghĩ gì, thậm chí từ trước lúc học viên nghĩ thì đã có thể biết được rồi.



Việc tu luyện tôi nghĩ cần thực hành nghiêm khắc, không phải nói lý thuyết suông hoặc làm một cách qua loa hình thức; Hay vận dụng lối hình thức khôn khéo kiểu "lấy lòng" thượng cấp để qua mặt Pháp thân của Sư Phụ. Đem những lối tư tưởng tà vạy, giảo hoạt, lươn lẹo bất chính đó mà đối đãi với tu luyện thì không những mang tội bất kính với Sư Phụ và Đại Pháp, mà còn có thể tu mà như không. Bề ngoài học viên có thể giả bộ như người tu chân chính, như thể hiểu rất rõ việc tu, nhưng nếu sâu trong tâm học viên mà không thực chất thay đổi thì bề ngoài dẫu đẹp đẽ đến mấy cũng không có giá trị gì. Học viên có thể đọc lại bài "Kim Phật" mà có bình chú của Sư Phụ.


Về nhận thức khảo nghiệm khi moi chấp trước ra


Khảo nghiệm khi moi chấp trước ra theo kinh nghiệm tu luyện của tôi thì đôi lúc nó khá phi thực tế nếu mới nhìn qua, nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ hoặc khi đã nhận ra được chấp trước, thì nó không hề phi thực tế một chút nào.


Sở dĩ tôi nói là phi thực tế, đó là khi học viên gặp phải những mâu thuẫn để moi chấp trước ra, thì thường là lý đúng lại thuộc về chính họ (còn nếu họ sai thì không nói làm gì). Họ biết họ chẳng làm gì sai, thế mà vẫn tìm họ gây sự? Họ biết rõ họ sống có trước có sau, thế mà vẫn bị đồn thổi là sống không ra gì? Trong dạng thức này nếu học viên quá chấp vào đúng/sai bề mặt thì rất khó vứt bỏ chấp trước. Hỏi chấp trước đó là gì? Thông thường là tâm Tật đố (cảm thấy bất công), tâm cầu hư vinh (sợ bị chê cười).


Nếu bản thân không làm gì sai mà vẫn bị mắng, thậm chí chỉ là lỗi nhỏ thôi cũng bị ăn mắng như thế là lỗi đó rất nghiêm trọng, liệu bản thân có cảm thấy bất bình? Đại ý như là “sao trước đây tôi làm được nhiều việc tốt thì chả thấy ai khen, giờ tôi có bị dính tí lỗi là cả đám nhào lên rồi nâng cao quan điểm như vậy?” – Họ cảm thấy bị đối xử bất công, trong tâm họ không phục. Thực ra chính là nếu muốn moi cái tâm Tật đố đó ra, thì hoàn cảnh nó phải là tạo ra sự “bất công”. Nếu không bất công, thì cũng không có mâu thuẫn phải không? Muốn moi cái tâm cầu hư danh, hư vinh thì phải tạo ra thị phi, nói xấu đúng không? Nếu không có những hoàn cảnh đó, thế thì lôi cái tâm đó ra kiểu gì đây? Tất nhiên, nếu việc những người xung quanh tỏ ra khó chịu vì bản thân học viên tu không tốt, biểu hiện cực đoan khiến những người xung quanh đó không lý giải được thì nó lại là vấn đề khác. Ở đây tôi chỉ đang tập trung phân tích ở góc độ tu luyện cá nhân, còn trong thời kỳ Chính Pháp thì nó không còn chỉ đơn giản là giới hạn trong phạm vi tu cá nhân nữa, vấn đề này có lẽ nên để bàn luận ở một bài viết khác.


Do đó, có những trường hợp kể cả bản thân có nắm cái lý đúng, nhưng nếu cứ chấp vào đúng/sai bề mặt là rất khó nhận ra họ đang bị cái loại tâm chấp trước điều khiển. Ví như có một đoàn đi làm visa để đi công tác nước ngoài, cả đoàn không ai bị, mỗi mình học viên A bị nhân viên sứ quán đánh sai thông tin trên visa khiến một mình học viên này phải ở lại vài ngày để sửa lại visa rồi mới được đi. Liệu học viên A có khó chịu? Tại sao có mấy cái kỹ thuật tưởng chừng như bé tí ti đó mà họ làm cũng không xong? Rõ ràng là lỗi của họ, nhưng đến khi ra Đại sứ quán làm lại visa thì họ không những không xin lỗi mà vẫn còn tỏ ra hách dịch, lại càng khiến học viên A điên tiết hơn. Nếu là người tu, rõ là đang moi cái chấp trước Tật đố đó ra, khi bất bình thì rất dễ sinh oán hận người đã khiến họ phải chịu thiệt, càng như thế thì khi học viên cứ mãi chấp vào cái đúng/sai bề mặt thì lại càng dễ quay sang gây chuyện với nhân viên ở Đại sứ quán.


Thông thường khi tâm chấp trước bị đụng đến, thì rất dễ là nó sẽ phản ứng mạnh đến nỗi kiểm soát hoàn toàn chủ nguyên thần, lúc đó tôi nghĩ chính là cần chủ ý thức phải mạnh để bài xích cái chấp trước đang bị moi ra đó, cần phải có sự phó xuất. Tất nhiên, sẽ có những lúc học viên vấp ngã, không kiểm soát được mà sau này tỉnh ra hối hận khôn thấu, nhưng đó theo tôi hiểu mới là tu luyện - Bản thân chính là đã ý thức rõ mình bị điều khiển, ý thức rõ mình có chỗ chưa tốt, chẳng phải tâm tính phải đề cao lên rồi mới nhận ra được mình làm sai đúng không? Tu luyện là một quá trình trường kỳ, Sư Phụ đã giảng rất rõ đại ý là rất khó chỉ qua một đêm mà có thể thành Phật được.

Nhưng nếu quay ngược lại, xét dưới góc độ tu luyện thì việc người nhân viên ở Đại sứ quán đó gõ sai thông tin trên Visa phải chăng là được “hữu ý” an bài rồi? Tôi hiểu rằng điều khiển một người thường với sinh mệnh cao cấp là một chuyện rất dễ dàng. Cũng rất có thể trong một tiền kiếp nào đó bản thân anh/cô học viên kia từng mắc nợ anh nhân viên Đại sứ quán đó, nên nhân dịp này vừa kết toán nợ nần, vừa tranh thủ moi chấp trước của học viên A kia ra. Nếu học viên A ý thức rõ là đang nhắm vào cái tâm Tật đố đó, khi Nhẫn ức chế vững sự khó chịu do cái tâm đó mang lại, khi đã vượt được quan, thì thông thường lại thấy sự cố kia không có gì đáng phải quan tâm cả, thậm chí còn phải cảm ơn nhân viên Đại sứ quán đã gõ sai thông tin và còn tỏ ra hách dịch theo kiểu "hách từ trong nôi", vì nếu họ không làm vậy, không tạo ra sự cố như thế thì lấy gì để tu?


Tôi có thể ngộ rằng Pháp thân của Sư Phụ sẽ tạo ra và tận dụng mọi hoàn cảnh để giúp moi những cái tâm đang ẩn sâu trong học viên ra, bất kể học viên có là đang làm những việc đúng đắn nhất như là duy hộ Pháp hay chứng thực Pháp. Dù ở bề mặt, theo cái lý của người thường chúng ta có thể không sai, nhưng những sự việc đó thực ra lại nhắm tới cái chấp trước đang cần moi ra kia.


Do đó, khi gặp phải mâu thuẫn, dù là người thường tạo ra hay học viên tạo ra, họ nói đúng hay sai, lý đúng thuộc về mình hay không thì nếu chúng ta cứ nhìn vào bề mặt, cứ chấp vào đúng/sai đó thì rất khó để bỏ đi cái tâm chấp trước mà đang được nhắm đến (Tất nhiên nếu họ nói đúng, mình đúng là làm sai thì rõ ràng là phải sửa và cũng phải tìm chấp trước khiến mình làm sai). Việc chúng ta khó chịu, bản thân nó đã là phản ánh của chấp trước, chúng ta nên lùi một bước, trầm tĩnh suy nghĩ xem sự khó chịu đó là do cái tâm nào tạo ra? Chúng ta có cảm thấy mất mặt không? Có cảm thấy bất công không? v..v. Nhiều khi bị góp ý sai, thiếu khách quan cũng chỉ để tạo ra cái hoàn cảnh để moi chấp trước kia ra, nếu chúng ta cứ dùi vào cái việc họ nói không đúng thì rất khó bỏ được cái tâm kia (thường là tâm hư vinh không thích bị chê, bị phê bình; là tâm tự mãn tự cho là mình tu tốt, giờ bị góp ý là tu sai thì tất yếu sẽ tỏ ra khó chịu, và còn cả tâm tật đố không muốn người khác hơn mình v..v).

Có người khi bị động mâu thuẫn thì họ nói là họ không khó chịu, nhưng tôi nghĩ bản thân việc họ nói ra là họ “không khó chịu” đó đã là cái tâm chấp trước rồi, vì nếu tâm họ thực sự bất động, thì họ cần gì phải đi thanh minh với người khác là họ có khó chịu hay không? Việc họ nói họ không khó chịu đó chỉ là họ đang cố gắng che đậy đi cái việc tu bỏ chấp trước, hoặc là họ không muốn mất mặt, không muốn đối diện với cái chấp trước đó nên có thể mới nói như vậy. Không có sự việc gì xảy ra là ngẫu nhiên, nó hẳn là phải có lý do thì mới xảy ra, nếu xảy đến với người tu, thì tất yếu là nhắm đến cái tâm nào đó đến lúc phải bỏ đi. Và lối nói "không thấy khó chịu" đó cũng là quá chủ quan khi thực tế chấp trước của chúng ta vẫn còn rất nhiều và ẩn rất sâu.


Tôi nghĩ chúng ta nên phải luôn ý thức mình đang còn đầy tâm chấp trước, luôn trong trạng thái sẵn sàng đối mặt với mâu thuẫn để tìm ra chấp trước cần bỏ. Nếu tự cho là mình không còn chấp trước hoặc chủ quan cho rằng bản thân trong sự việc đó không có cái tâm đó thì tôi nghĩ có lẽ họ đang cố tìm cách thay vì đối mặt và xem xét kỹ tâm của mình thì họ lại né tránh nó, nếu họ không hướng thật sâu xuống xem xét kỹ từng hành vi lời nói của mình thì rất khó nhìn ra cái tâm nào đang ẩn sâu đằng sau vì có những thứ đã trở thành tự nhiên rồi. Chấp trước là luôn có, chỉ là chúng ta có nghiêm túc suy xét kỹ lại, hướng vào bên trong để tìm ra nó hay không? Nếu chúng ta không muốn buông bỏ, không muốn đối mặt và tìm đủ cớ né tránh thì chúng ta đề cao làm sao được?


Việc tu luyện tôi nghĩ không phải là việc đơn giản, nó không phải là thứ có thể nói ra cửa miệng như học vẹt hoặc hô hào khẩu hiệu, hay là cứ chúc nhau tinh tấn là có thể làm được. Nó là cả một quá trình liên tục phải đối mặt với những loại tâm chấp trước ẩn sâu trong bản thân chúng ta, vật lộn liên tục với nhiều tư tưởng tà vạy và cả những cơn khó chịu đau thấu tim can để trục bỏ chúng ra, phải trục bỏ cả tâm oán hận những người đã chỉ ra cái sai cho chúng ta, gây sự với chúng ta, làm chúng ta mất mặt v..v. Phải thường hằng để ý kỹ từng ý niệm, từng lời nói, hành vi của chúng ta xem liệu có chấp trước nào đằng sau đó hay không?


Chấp trước vốn là có nhiều loại, mà mỗi loại lại thiên biến vạn hóa; chúng đều có khả năng “ngụy trang” bởi những tư tưởng, ý nghĩ rất cao thượng và đẹp đẽ để dẫn dụ lèo lái người tu làm sai. Thực tu hay không, tôi nghĩ cần xem người đó có đang nỗ lực hướng vào bên trong để tìm ra thêm tâm chấp trước hay không? Những tâm chấp trước sau khi vật lộn và bài xích chúng ra, thì vẫn chỉ là một phần nhỏ so với một lượng lớn vẫn còn ẩn sâu trong tâm người tu. Nếu chúng ta chủ quan chỉ vì vài lần vượt quan tốt mà cho rằng mình tu cũng tương đối rồi thì rất nguy hiểm, càng tu lên trên thì biểu hiện của các loại tâm chấp trước càng được ngụy trang và càng khó nhận ra hơn, nếu chúng ta không nâng cao tiêu chuẩn tu luyện nghiêm khắc hơn một cách trường kỳ thì rất khó đề cao.


Như vậy, nói là hướng vào bên trong tìm chấp trước, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng qua những gì tôi trải nghiệm thì quả thực không đơn giản chút nào hết. Nhiều người tu luyện giai đoạn đầu thì rất nhiệt huyết, khó khăn nào cũng như không thể cản nổi, nhưng càng về sau thì dường như họ càng đuối hơn, việc tu luyện với họ dần trở thành những việc mang tính hình thức, có người thậm chí bỏ tu - một vài trong số các nguyên nhân chính tôi nghĩ là do (1) họ quá coi nhẹ và đơn giản hóa việc tu luyện cũng như (2) không nghiêm túc, lười nhác trong việc kiên trì đào sâu trong tâm để tìm kiếm và phân biệt nhiều hơn các chủng dạng tâm chấp trước.


Trên đây là nhìn nhận của cá nhân tôi về quá trình tống khứ tâm chấp trước, lẽ dĩ nhiên đó là từ thể ngộ còn nông cạn của bản thân và có thể còn nhiều hạn chế. Rất mong nhận được thêm góp ý từ các học viên.


bottom of page