top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Tâm Hư vinh

Đã cập nhật: 11 thg 3, 2020

[10/10/2019] Vô Danh


Lời dẫn:


Là con người thì ai cũng thích sự hư vinh - đại khái là thấy thoải mái, dễ chịu khi nghe lời khen, lời cùng quan điểm, lời tung hô, lời nói nhẹ nhàng và cảm thấy khó chịu, bực tức, nóng giận thậm chí oán hận khi nghe lời chê, phê bình, nặng lời v..v. Không xét những trường hợp đặc thù thì hầu như ai ai cũng có dạng thức truy cầu này, chỉ là ở mức độ nhiều ít khác nhau.


Có người thì rất nhanh tỏ rõ sự khó chịu khi nghe lời trái ý; Nhưng cũng không ít người từng trải, do kinh nghiệm về khả năng rủi ro gặp phải ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh tốt đẹp mà họ đang nỗ lực xây dựng nếu họ tùy tiện biểu hiện bộc phát sự khó chịu - nên họ biết kìm nén và giấu kỹ sự khó chịu đó trong tâm và tìm cách ngụy trang bên ngoài bằng vẻ mặt hòa ái để đánh lừa người khác - ở góc độ nào đó thì có thể dẫn đến hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng”, “mâu thuẫn ngầm” giữa người với người.


Đối với lời khen, thì có người biểu hiện rõ ra sự thích thú, hoan hỷ. Nhưng cũng có không ít người biết rõ nếu tùy tiện tỏ ra hoan hỷ thái quá thì sẽ bị cho là “nông cạn”, “tự cao tự đại”, họ sợ điều tiếng thị phi gièm pha do người đời đố kị tạo ra ảnh hưởng đến danh tiếng. Sự từng trải của họ khiến cho họ cố gắng tỏ ra khiêm tốn và tiết chế hơn để cố gắng né tránh những rủi ro kể trên và cũng qua đó được cái tiếng là “có hàm dưỡng”, “thâm trầm”.


Ở đây tôi không có ý nói về việc sống nơi người thường ra sao mà điều tôi muốn nhắm đến: Là người tu luyện Đại Pháp thì tôi nghĩ cái tâm truy cầu hư vinh này ắt phải tống khứ.


Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng trong hiểu biết hạn hẹp đưa ra góc nhìn về tâm hư vinh, kinh nghiệm nhận biết và một số hệ lụy do loại tâm này mang lại trong quá trình tu luyện lẫn chứng thực Pháp.


Nội dung:


Đặc điểm của tâm hư vinh và kinh nghiệm nhận biết


Trước tiên, tôi xin nói rõ rằng những gì tôi trao đổi trong bài viết này hoàn toàn xuất phát từ hiểu biết, kinh nghiệm, sở ngộ tại tầng thứ hiện tại của bản thân tôi. Tôi nghĩ học viên cũng ý thức rất rõ rằng nội hàm của Đại Pháp còn thâm sâu hơn nữa. Do vậy, nội dung được chia sẻ, phân tích dưới đây chỉ có tác dụng tham khảo.


Đã gọi là một dạng tâm chấp trước, thì tôi thông qua học Pháp hiểu được rằng đó cũng là một sinh mệnh hiện hữu ở không gian khác. Nếu là một sinh mệnh thì có thể nó sẽ biết tư duy độc lập, nhưng cũng giống như bao sinh mệnh khác, tôi thể ngộ là nó cũng có một “bản tính”. Tôi dùng từ “bản tính” có thể chưa thực sự khớp lắm, chủ yếu chỉ để nói dạng sinh mệnh này nó về bản chất là truy cầu những thứ tốt đẹp, có lợi và ghét những thứ mà ảnh hưởng tiêu cực đến nó.


Nếu nó gặp những thứ thuận với truy cầu của nó, thì nó sẽ sinh ra sự hoan hỷ và phản ánh vào đại não của người tu luyện, tôi nhớ dạng thức này giống đại khái như trường hợp trong Chuyển Pháp Luân mà Sư Phụ giảng về hiện tượng khi hút thuốc tạo ra cảm giác sai là khiến đầu óc thoải mái và tập trung hơn vậy.


Nếu nó gặp những thứ trái với truy cầu của nó, thì nó sẽ sinh ra sự oán hận và cũng phản ánh vào đại não của người tu luyện. Tôi nhớ có một trường hợp chuyển hóa nghiệp lực mà Sư Phụ giảng đại ý là một ông chồng vừa vào nhà đã bị bà vợ cho một trận vào đầu. Sau đó người chồng có hỏi tại sao bà vợ lại nổi nóng thế vì ông chồng luyện công thì đâu có can dự gì đến bà vợ. Bà vợ sau khi hạ hỏa thì trả lời rằng bản thân bà này cũng không hiểu vì sao lúc đó lại nóng giận như vậy.


Sư Phụ có giảng đại ý về trường hợp này tôi nhớ không nguyên văn là: nghiệp lực rơi vào ai thì người đó thấy khó chịu. Tôi thể ngộ là sự khó chịu/nóng giận đó là do nghiệp lực gây ra. Chính nó tạo ra cái sự khó chịu đó và phản ánh vào đại não bà vợ, qua đó cố điều khiển chủ nguyên thần bà này làm theo nó. Vì bà vợ không phải là người tu luyện nên rất khó hoặc chỉ lờ mờ nhận ra sự khác biệt – thể hiện ở việc sau khi nóng giận chính bà này cũng “không hiểu vì sao” lúc đó bà này đột nhiên lại cảm thấy bốc hỏa khó chịu. Qua đó cũng cho thấy khả năng chống chọi và bài xích sự thao túng do nghiệp lực của người thường trong tư tưởng cũng rất yếu, thậm chí gần như không có.


Nói sâu hơn một chút, tôi nghĩ cái sự oán hận mà tâm hư vinh đổ vào đại não người tu khi gặp những thứ trái với ý muốn của nó (như khi bị chê bai, nói không hay, khinh thường v..v) - ở một góc độ nào đó - cũng tựa như trường hợp bà vợ bên trên vậy. Đã là oán hận thì cái vật chất này có thể sẽ tạo ra sự nóng giận, bực tức trong tâm người tu. Nếu học viên ngay lúc đó nhận thức ra và bài xích lại nó, thì tôi thể ngộ nông cạn rằng Pháp thân của Sư Phụ sẽ giúp đỡ tiêu trừ một chút cái tâm hư vinh lẫn oán hận đó đi, nhưng vẫn để lại một bộ phận để thử xem bản thân học viên có kiên trì bài xích đến cùng không hay chỉ nhất thời nhận ra rồi sau lại thuận theo nó? Tức là tôi hiểu đó là đang thử xem ngộ tính của học viên có thực sự vững chắc không? – Tôi thể ngộ rằng nó cũng có phần giống như trường hợp tiêu trừ nghiệp tư tưởng mà Sư Phụ đã giảng trong Pháp vậy.


Nếu là người thường, thì có thể họ sẽ cố gắng Nhẫn chịu, đè nén cái sự phẫn uất và bực dọc trong tâm đó lại, kiểu gần giống như trường hợp tôi nhớ trong Chuyển Pháp Luân có đề cập là khí công sư khi trị bệnh thì thực chất chỉ trì hoãn hay đẩy cái bệnh đó quay ngược vào bên trong thân thể bệnh nhân chứ không triệt để tiêu trừ nó đi. Cách làm này của người thường sẽ khiến biểu hiện bề ngoài của họ vẫn như thể là rất thoải mái, không khó chịu gì – giống như người trị bệnh bằng khí công thì căn bệnh hiện tại của họ đã khỏi – nhưng thực tế trong tâm họ cực kỳ khó chịu, cái sự oán hận sôi sục trong tâm đó sẽ khiến họ dễ trở thành cái gọi là “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn” – nó cũng giống như người đi trị bệnh bằng khí công, tôi hiểu là vị khí công sư kia không thực sự trị mà chỉ trì hoãn cái bệnh đó lại, bây giờ không bị thì tương lai bị. Như vậy, cái chấp trước kia vẫn còn, chỉ là bị người thường cố gắng che đậy đi, giống như căn bệnh bị trì hoãn phát tác như bên trên đã đề cập.


Có người vì tập quán, văn hóa, lối sống hoặc vì nguyên nhân nào đó nên có thể đã quen với lối Nhẫn chịu đè nén kia, lúc họ mới tập Nhẫn chịu thì có thể còn tỏ ra uất ức lắm, thậm chí rơi cả nước mắt. Nhưng theo thời gian, dần dần cái khả năng này của họ tôi nghĩ nó có thể mạnh lên, lúc này họ dễ dàng chịu đựng hơn, người ngoài không dễ mà nhìn thấy sự khó chịu trên nét mặt của họ. Người tu luyện nếu không cẩn thận thậm chí có thể đánh đồng đó là người tu luyện rất tốt – nhưng tôi hiểu cái Nhẫn đó của họ không phải là Nhẫn của người tu luyện vốn là dựa trên sự nhận rõ cái tâm chấp trước kia không phải là họ, kiên trì chịu đựng bài xích và tống khứ nó ra khỏi tâm mình – mà nó chỉ đơn giản là họ đã quá quen với việc đè nén cái chấp trước đó sâu xuống, họ không biết hoặc không thừa nhận đó là chấp trước, họ Nhẫn là vì nếu họ biểu hiện khó chịu thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh lợi của họ (Cũng có người tu cố Nhẫn khi bị công kích nhưng không phải để bỏ chấp trước, mà có thể nhiều khi để không mất hình tượng đạo mạo trong mắt các học viên hâm mộ mình). Thành ra nhìn bề mặt thì giống như thể là họ đã buông bỏ chấp trước, nhưng bản chất bên trong thì có thể là không.


Có nhiều học viên tu lâu mà vẫn bị nghiệp bệnh hành hạ hay đột tử (không xét đến những trường hợp tu tốt nhưng vì có quá nhiều học viên không tu theo Pháp mà tu theo người tu tốt đó mà khiến họ phải rời đi sớm), rất có thể từ trước đến nay họ thuộc dạng tu Nhẫn như kiểu người thường tôi đề cập bên trên, vì họ không thực sự cải biến và tống khứ chấp trước nên họ có thể chưa được Pháp thân của Sư Phụ xem là người tu chân chính, và suy ra có thể là đường đời của họ vẫn là đường đời lúc trước khi họ bắt đầu tu luyện - tức là vẫn chưa được Pháp thân của Sư Phụ an bài lại. Nên đến lúc cần phải ra đi thì có thể họ vẫn phải ra đi thôi. Nhưng nhiều học viên quen biết những kiểu người tu này có thể vì vẻ bề ngoài của họ đánh lừa nên dễ nảy sinh nghi tâm rằng “tại sao họ tu luyện tốt thế mà vẫn ra đi?” – thực ra tôi nghĩ đó cũng có thể là một dạng thức mà bên trên kiểm nghiệm xem những học viên này có thực sự kiên định vào Đại Pháp hay không? Có tín tâm hay không? Nhưng “tín tâm”, “kiên định” nói ra đằng miệng thì dễ, ai cũng có thể nói được, nhưng vào thực tế thì mới thấy rõ. Nếu không thực tu, không lý giải Pháp một cách rõ ràng thì khi gặp những trường hợp “giả tu” kể trên thì rất dễ nảy sinh hoài nghi vào Đại Pháp, có nhiều trường hợp thậm chí về sau còn bỏ tu.


Tu luyện tôi hiểu vốn là “đãi cát tìm vàng”, vấn đề là học viên muốn trở thành vàng hay là biến thành cát? Tôi nghĩ không ai mặc định là vàng hay cát mà chỉ có là họ có muốn trở thành vàng hay cát mà thôi. Nhưng giữa “muốn” và “trở thành” lại là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Ai cũng muốn tu luyện viên mãn, nhưng tu thành hay không thì lại là chuyện khác. Có người vào tu nhưng mãi vẫn không chịu cải biến thực sự cái tâm, buông bỏ chấp trước thì có thể dù có tu lâu đến mấy thì vẫn mãi chỉ là cát. Cũng có người vào tu, lúc đầu cũng có cải biến cái tâm nhưng sau này tu lầm đường lạc lối, lệch sang phía tà nên có thể trong quá trình đang từ cát biến thành vàng thì họ bị rớt ngược hẳn về thành cát.


Quay trở lại phân tích thêm về việc nhận ra và bài xích sự oán hận do tâm hư vinh tạo ra. Có một số điểm mà tôi nghĩ không chỉ đơn giản là bài xích là xong.


Nếu cái tâm hư vinh kia nó là một sinh mệnh, thì nó cũng giống như nghiệp tư tưởng phản ánh sự chống cự khi bị chủ nguyên thần người tu bài xích – tất nhiên tâm chấp trước này nó không phải là nghiệp tư tưởng, ở đây tôi chỉ nói về cách thức hoạt động của nó. Nghiệp tư tưởng thì dễ nhận biết, nó sẽ cực lực phản ánh như tư tưởng mạ lị, chửi bới người khác vào tư tưởng người tu, thậm chí nó còn chửi thẳng chính bản thân người tu đó kiểu như “Mày ngu thế”, “Mày là đồ ngốc” v..v. Nhưng, với tâm chấp trước thì nó không đơn giản, nó sẽ dùng các thể loại lý luận ngụy biện hoặc gợi lại những mâu thuẫn đã có từ trước với người khác rồi đổ vào tư tưởng người tu để thuyết phục họ nghe theo nó; Thậm chí phức tạp hơn, tùy vào ngữ cảnh mà nó còn khiến nảy sinh thêm một số tâm chấp trước khác như Tật đố, Sắc dục v..v.


Ví dụ thế này:


Trong cuộc họp của công ty, trước mặt lãnh đạo, học viên A bị một người đồng nghiệp chỉ ra cái sai, nói bằng nhiều từ rất khó nghe, thậm chí còn mang ý hạ thấp, coi thường. Trong số những người dự cuộc họp còn có thêm cả một nữ đồng nghiệp mà đang có mối quan hệ tạm gọi là “yêu đương” với học viên A đó.


Như vậy, đầu tiên khi bị nghe người đồng nghiệp kia nói lời phê bình, thì nó đã khiến cái tâm hư vinh được moi ra. Tôi hiểu rằng, muốn cái tâm hư vinh đả xuất ra bề mặt giống như lôi bệnh ra từ gốc rễ thì có hai cách: Một là khen, hai là chê. Nhưng đả xuất ra mà không khống chế rồi bài xích thì rất dễ sẽ bị tâm hư vinh nó quay ngược lại thao túng. Muốn vượt quan thì tôi nghĩ cần phải tống khứ được tâm hư vinh khi được Pháp thân Sư Phụ an bài hoàn cảnh moi nó ra. Còn như nếu bị nó thao túng ngược trở lại, thì là rớt.


Trường hợp trong ví dụ này thì là học viên A bị chê, như vậy cái tâm hư vinh kia khi được moi ra sẽ phản ánh sự oán hận, khó chịu, bực tức vào trong tư tưởng của học viên A vì nó cảm thấy bị mất mặt, bị chê cười, ảnh hưởng đến hình ảnh. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là đầu não bốc hỏa, bộ phận ở vùng tim gan như sôi lên sùng sục, mạch máu căng lên, đầu óc rất căng thẳng. Đó là biểu hiện bề ngoài, còn trong tâm thì sao? Cái tâm hư vinh kia nó có thể sẽ lục trong ký ức của học viên A những lần bị người đồng nghiệp kia gây mâu thuẫn để kích thích thêm sự oán hận khiến học viên A sôi máu hơn, ngoài ra nó còn lôi cả những cái sai, yếu kém của người đồng nghiệp kia trong quá trình học viên A tiếp xúc hàng ngày nhận thức được đổ vào đại não của học viên A, mục đích của nó là kích động thêm cái tâm Tật đố, tạo ra sự bất bình, bất công.


Khi cái tâm Tật đố bị kích hoạt thì loại tâm này cũng giống như tâm Hư Vinh, nó cũng lại đổ sự khó chịu, bất bình của nó vào đại não của học viên A, biểu hiện dưới những dạng thức tư tưởng như “Nó có hơn gì mình đâu mà đòi chê mình, dự án XYZ trước đây nó làm còn bị sếp mắng là chất lượng yếu kém”, “Tên này chắc đố kị vì mình hay được sếp ưu ái nên nhân dịp này hắn trả thù dìm mình đây mà” v..v. – Nói đến đây tôi cũng xin nhấn mạnh một điểm: Tôi nghĩ rằng các dạng tâm chấp trước chúng hoàn toàn có khả năng ghi nhớ những sự việc đã xảy ra trong đời của một người, nên khi gặp mâu thuẫn, những thứ được gợi lại dễ làm người ta tưởng rằng đó là họ nhớ lại ký ức cũ, kỳ thực tôi cho đó chính là do tâm chấp trước chính nó nhớ những thứ đó và nó phản ánh những ký ức cụ thể nào đó để phục vụ cho mục đích kích động thuyết phục người ta nghe theo nó, chứ không phải chủ nguyên thần người ta nhớ lại.


Vì trong cuộc họp có mặt một ái nhân là vị nữ đồng nghiệp của học viên A. Đã là ái nhân thì đương nhiên là phải bị tâm sắc dục thao túng đến mức độ nhất định, nếu tâm sắc dục với vị ái nhân kia càng mạnh, cũng tức là nhan sắc và dáng vóc của vị nữ đồng nghiệp này thuộc dạng “miễn chê” thì bản thân cái tâm hư vinh kia khi bị tác động của lời phê bình cũng có thể sẽ tranh thủ đánh luôn vào tâm sắc dục, nữ nhân kia càng “miễn chê” bao nhiêu thì lực kích phát tâm sắc dục càng mạnh bấy nhiêu và ngược lại. Nếu giả sử bản thân vị học viên A này cũng chán vị nữ đồng nghiệp kia rồi, cũng muốn chia tay rồi nhưng chưa có cớ, thế thì rất khó để tâm hư vinh kia kích phát tâm sắc dục nổi lên.


Bản thân tâm sắc dục nó truy cầu gì? Chẳng phải truy cầu sở hữu nhan sắc và dục vọng muốn giao hoan với vị nữ nhân kia phải không? Nếu vì việc học viên A bị đồng nghiệp phê bình mà khiến cho vị nữ đồng nghiệp kia không còn hay giảm bớt tình yêu thì chẳng phải sẽ đánh động đến cái tâm sắc dục? Một người nếu bị tâm sắc dục điều khiển mạnh, mà lại khiến nó không đạt được mục đích, hay nói chính xác hơn là không có đối tượng khác giới nào thỏa mãn nó hoặc có nhưng đối tượng đó không thích họ thì nó sẽ phản ánh sự khó chịu lên không chỉ đại não mà còn có thể lên chính thân thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục của người đó.


Như vậy, khi tâm sắc dục bị tâm hư vinh đánh động, nó lo sợ rằng sẽ mất vị nữ nhân kia, rằng sẽ không còn cơ hội sở hữu nhan sắc hay cơ hội giao hoan với vị nữ nhân kia nữa. Nó sẽ phản ánh ra sự oán hận kẻ mà khiến cho nó phải gặp khổ sở, thiệt hại. Do đó, cũng giống như tâm tật đố, nó sẽ đổ liên tục những tư tưởng dơ dáy, thóa mạ vị đồng nghiệp kia, và phản ánh sự khó chịu lên chính thân thể của học viên A.


Nói sơ qua chỉ với một câu phê bình của vị đồng nghiệp kia, đã khiến cho ít nhất 3 loại tâm chấp trước phát tiết ra cùng một lúc. Sự oán hận lúc này không phải chỉ là của mỗi tâm Hư vinh mà còn là sự oán hận của cả tâm Tật đố và tâm Sắc dục mang đến.


Sự việc này diễn ra với học viên A, tôi nghĩ có thể cũng chính là hoàn cảnh để qua đó học viên A buông bỏ một lúc cả 3 tâm chấp trước này luôn. Muốn thế, học viên A phải không sợ mất mặt, dám nhận khuyết điểm nếu có, không bất bình và không chấp quá vào sắc dục (ý là kể cả vị nữ nhân kia có không còn yêu học viên A nữa cũng không vấn đề gì, nói theo lối người thường thì: Ok, thích thì chia tay). Còn nếu học viên A vẫn còn chấp quá vào một hoặc cả ba loại chấp trước trên, thì rất có thể sẽ rớt khảo nghiệm. Lúc đó thì tất nhiên là sẽ quay ra tranh cãi, gây gổ ngược lại với vị đồng nghiệp kia, ăn thua đủ để gỡ gạc lại hình ảnh, để không mất mặt trước lãnh đạo và vị nữ nhân kia. Nhưng nói lý thuyết là vậy, làm được trong thực tế thì … cực khó. Bởi để ức chế được sự phản ánh, bùng phát của cả 3 loại chấp trước kia trong thời gian ngắn là không dễ, khả năng Nhẫn phải tương đối tốt mới làm được (ý là Nhẫn để xả bỏ chấp trước, chứ không phải Nhẫn để đè nén chấp trước; Một loại tôi hiểu là Nhẫn trong tu luyện, là Nhẫn khi biết rõ chấp trước kia không phải là mình và ý thức rõ trong việc bài xích ra khỏi tư tưởng; Còn loại kia là Nhẫn của người thường, là vẫn coi những chấp trước kia là chính họ, chỉ là vì áp lực xã hội, sợ mất danh, mất hình ảnh, mất lợi ích nên mới Nhẫn).


Ngay cả khi học viên A giả sử ức chế vững trong suốt cuộc họp, tức là không phản ứng lại – thực tế tôi hiểu là học viên A còn phải cảm ơn vị đồng nghiệp kia vì đã giúp moi ra 3 loại tâm chấp trước kể trên. Thì sau cuộc họp và thậm chí vài ngày sau đó, cái tâm hư vinh và những tâm liên quan khác nó vẫn phản ánh những ý nghĩ, tư tưởng bực tức khó chịu hoặc gợi lại "khoảng khắc" vị đồng nghiệp kia phê bình vào đại não của học viên A. Tức là không phải chỉ ức chế xong trong cuộc họp thì đã là vượt quan hoàn toàn, tôi nghĩ không hẳn, mà nó vẫn còn chút tàn dư để thử xem học viên A Nhẫn có vững chắc không?


Tất nhiên, đó mới chỉ là nói một bộ phận nhỏ trong toàn bộ tổng thể cái tâm hư vinh bị tống khứ ra thôi. Cứ mỗi hoàn cảnh mâu thuẫn tôi hiểu là được Pháp thân Sư Phụ an bài moi ra một chút, giống như thi thoảng đẩy ra một vài cục nghiệp lực vậy, muốn tu dứt hoàn toàn tâm hư vinh hay các loại tâm khác, thì phải qua một quá trình, và cũng còn tùy tình huống của mỗi người. Nếu muốn tống khứ hết trong một lần duy nhất thì tôi nghĩ là rất khó, vì có thể tôi hiểu là do xích độ tâm tính của học viên không đủ, sẽ không vượt qua được. Do đó tôi thể ngộ là có thể tính phức tạp của khảo nghiệm sẽ đi từ dễ đến khó, tương ứng với xích độ tâm tính của học viên dần dần đi từ thấp đến cao. Mỗi một khảo nghiệm tôi cho rằng đôi khi có thể không hẳn chỉ để nhắm vào một loại tâm, mà có thể còn nhắm vào nhiều loại tâm cùng trong một lúc.


Nếu xích độ tâm tính không đáp ứng mà khảo nghiệm lại vượt quá tầm của học viên, thì theo quan điểm nông cạn của tôi có thể rất dễ sẽ khiến học viên bị tâm chấp trước thao túng, thậm chí còn biến thành xấu tệ hơn – giống như một người chịu quá nhiều áp bức bất công thời gian lâu mà không giải kết nút thắt trong tâm được thì dần dần cái sự phẫn uất sẽ có khả năng trở thành dạng thức như tính cách, làm cho họ như biến thành một người khác, đang từ vui vẻ trở thành hay cau có, gắt gỏng. Bản thân học viên, nếu kể cả khảo nghiệm vừa tầm nhưng rớt quan liên tục, không tự coi mình là người tu mà đối đãi, tâm chấp trước bị moi ra nhưng thời gian lâu không bỏ thì rất có thể cũng sẽ như trường hợp kể bên trên. Thực ra tôi nhớ ngay từ đầu trong Pháp Sư Phụ cũng đã giảng rất rõ về vấn đề không vượt được quan này, ở đây tôi chỉ đưa ra thể ngộ dựa trên lời giảng của Sư Phụ mà thôi (cụ thể trong bài “luyện công chiêu Ma”) – đại ý là khảo nghiệm lần đầu nếu không vượt qua, mà cũng không chú ý thì khảo nghiệm tiếp theo sẽ càng khó giữ vững hơn.


Hệ lụy


Nếu một người chấp trước mạnh vào hư vinh, hay nói cách khác là bị tâm hư vinh thao túng vững chắc thì rất nguy hiểm, đặc biệt là người tu luyện. Những vấn đề hệ lụy mà nếu là người thường gặp phải thì bất quá chỉ giới hạn trong phạm vi người thường, nhưng đã là người tu thì phạm vi rộng hơn nhiều.


Khi nghe lời khen, lời tung hô, lời nhẹ nhàng thì sự hoan hỷ, phấn kích do tâm Hư vinh phản ánh ra trong đại não rất dễ làm tăng trưởng cái tâm Tự mãn, gia tăng ảo tưởng về bản thân, mà hễ như vậy sẽ càng khiến nhu cầu hiển thị gia tăng, tâm hiển thị mạnh lên – bởi tâm Tự mãn kia nó cần có khán giả để nó cảm nhận được giá trị của chính nó, nếu không có ai khen, không có ai hâm mộ, bài viết trên facebook không có ai like và share, không ai biết đến sự tồn tại của nó thì nó có thể sẽ yếu dần đi. Nếu thời gian lâu không chú ý thì thậm chí còn khiến học viên tự tâm sinh Ma, cho rằng mình luôn đúng và cứ ai trái ý mình thì mặc định là sai. Phát triển mạnh hơn nữa, thì thậm chí họ coi thể ngộ của họ còn cao minh hơn cả Đại Pháp, những lời họ nói ra mặc định là chân lý. Khả năng hướng nội, nhìn ra cái sai của bản thân họ khi này là rất rất yếu.


Nếu các học viên mà đã quen nghe lời khen, lời tung hô, thì rất dễ - giả sử khi một số học viên bị học viên khác chỉ ra lỗi sai - dùng những lý lẽ sau đây:


- Tại sao những điểm tốt của tôi, những việc tôi làm được thì không nói, mà cứ nhắm hoài vào sai sót của tôi vậy?


- Tại sao cứ trao đổi là nói hay là tìm ra sai sót của tôi, các vị quá nhạy cảm rồi đó, tôi đâu thấy có vấn đề gì?


- Tại sao các vị không lo làm việc Đại Pháp mà cứ thích đi nói xấu đồng tu như vậy?


- Tại sao cứ nói tôi có chấp trước, tôi có thấy mình có chấp trước đâu?


- Nói chuyện với các vị thị phi quá, tôi về đọc sách tu luyện đây, không nói chuyện nữa.


v..v


Những lời này xuất ra, thì thực tế là những học viên khi bị người đồng môn chỉ ra lỗi sai kia – có thể đang bị chính cái tâm Hư vinh lèo lái. Cái hệ lụy mà tâm Hư vinh mang lại chính là khiến cho học viên càng ngày càng trở nên giảo hoạt và tìm cách né tránh đối diện với cái sai của bản thân.


Người tu luyện thì tôi hiểu rõ là cần phải buông bỏ tâm cầu danh, vậy cớ chi còn cầu người ta biết đến mình làm điều tốt? Chẳng phải rất nhiều học viên thời kỳ Sư Phụ còn truyền Pháp bên Trung Quốc trước năm 1999 đó, họ làm rất nhiều việc tốt có ích cho cộng đồng như đi đắp đê, sửa đường v..v nhưng toàn là âm thầm làm, không kể lể công lao, không nói cho ai biết đúng không? Học viên muốn tu lên thành Chư Phật, nhưng Chư Phật khi độ nhân đâu có cần phải thể hiện rõ ra cho người được độ biết Chư Phật đã phó xuất ra sao, đã làm những gì đúng không? Chẳng phải Sư Phụ trong Pháp đã giảng rất rõ đại ý (bài Vấn đề liên quan đến thiên mục) là họ độ nhân không nói điều kiện, không tính công và không kể thưởng, họ cũng không kể danh tiếng và nếu so với những nhân vật mẫu mực nơi người thường thì cao hơn hẳn vì nó hoàn toàn phát xuất từ tâm từ bi.


Như vậy, tôi thể ngộ rằng chẳng phải cái ý muốn người khác phải khen ngợi mình, công nhận những việc tốt mình làm đó – vừa vặn lại chính là tâm tự tư, hay cụ thể hơn là tâm Hư vinh hay sao? Học viên rõ là phải có ý muốn cầu những lời khen tụng đó thì mới trách móc học viên khác khi chỉ ra lỗi sai của bản thân mình tại sao không khen ngợi họ thay vì chỉ đi trách móc đúng không? Chư Phật đi độ nhân, giúp người hoàn toàn là lặng lẽ, không tính công, không kể danh tiếng; vậy mà người tu luyện muốn thành Phật mà hễ làm có chút điều tốt đã so kè, muốn hiển thị, muốn người khác ghi nhận, biết ơn thì hỏi đó là tu gì đây? Phải chăng học viên cũng muốn trở thành các bậc lãnh đạo đi phát quà cho nhân dân vùng nghèo đói cũng phải có băng rôn, bài viết chụp ảnh nhận quà trao tay?


Cá nhân tôi thấy rằng đến người thường, các bậc mạnh thường quân làm điều tốt, nhiều người còn âm thầm không ghi danh, không kể công lao được. Vậy mà người tu Đại Pháp, vốn là hướng đến cao hơn so với người thường mà mới làm được chút việc cho Đại Pháp hay một chút việc tốt nào đó trong xã hội đã muốn được học viên xung quanh ghi nhận, được người trong xã hội tán thưởng. Có người còn cố gắng chụp ảnh việc mình làm hoặc đăng bài kể lể công trạng rồi đăng rầm rộ trên mạng để thiên hạ biết đến? Chẳng phải đem so ra còn chẳng bằng người tốt nơi người thường đó sao? Người thường họ làm việc tốt có không ít người làm âm thầm, không ghi danh, học viên tu luyện cao hơn người thường mà chẳng lẽ hành vi còn không bằng người thường trong xã hội?





Đem hành vi khoe khoang khi làm được chút việc tốt của học viên tên Sử kia ra so sánh với việc giúp đỡ âm thầm, không ghi danh của người thường mà bản thân tôi là học viên còn thấy hổ thẹn.

Nguồn: VTV24


Nếu một người hiểu rõ sức nặng của tu luyện, ý thức rõ những mâu thuẫn gặp phải đều không ngẫu nhiên, là đến để giúp bản thân có cơ hội đề cao tâm tính thì họ sẽ hướng vào trong xét bản thân và tìm cho ra vấn đề, cho ra chấp trước đang được Pháp thân Sư Phụ nhắm đến. Khi chúng ta chưa nhận thức ra bản thân có tâm chấp trước tôi hiểu là vì (1) nó chưa có hoàn cảnh để moi ra hoặc (2) bản thân người tu đã tự coi tư tưởng của mình và của tâm chấp trước là một.


Ví dụ như khi chúng ta từ người thường mới bắt đầu tu lên, rất nhiều hành vi của chúng ta là sai với tiêu chuẩn người tu nhưng khi đó chúng ta chưa nhận ra, phải dần dần tu lên chúng ta mới ý thức đó là hành vi sai trái, cũng tức là chúng ta đã nhận thức ra cái ý nghĩ, tư tưởng cho rằng hành vi đó là đúng trong đầu não là do tâm chấp trước gây nên chứ không phải do chúng ta đúng không? Ví như lúc mới tu, chúng ta đi đường nhìn một cô gái đẹp và nói ra một câu “chào người đẹp”, lúc đó chúng ta chưa nghĩ lời nói đó là do tâm sắc dục thôi thúc vì tiêu chuẩn của chúng ta lúc đó vẫn là ở người thường và vẫn cho đó là không phải chấp trước, nhưng sau khi đề cao lên thì chúng ta mới biết là cái câu nói đó nó mang nặng tâm sắc dục đúng không?


Như vậy, khi gặp lời phê bình hay chỉ ra lỗi sai, chưa xét đến vấn đề đó có đúng hay không, thì chẳng phải cũng là hoàn cảnh để moi ra tâm hư vinh là gì? Vấn đề là khi gặp mâu thuẫn, bản thân người tu có thể vẫn cho là “tôi không có vấn đề gì” hoặc “tôi không quan tâm”. Họ không có vấn đề gì thì hỏi họ tu cái gì đây? Không có vấn đề gì thì chẳng phải họ viên mãn rồi sao? Thực tế cái lời nói đó của họ nó có thể chính là do họ đang bị tâm hư vinh thao túng phản ánh ra. Nó đổ những tư tưởng đó vào đầu não của người tu rồi họ cứ thế coi những ý nghĩ đó là do chính họ nghĩ ra, rồi cứ thế mà thuận theo xuất ra đằng miệng.


Bản thân học viên khi nói chuyện với học viên khác cảm thấy khó chịu khi cứ thấy mình bị moi móc ra lỗi sai, cảm giác người đối diện quá nhạy cảm. Thực ra nói đúng hơn là học viên đó quá chủ quan khi cho rằng bản thân họ không có vấn đề gì. Cái tư tưởng khiến họ nói người đối diện quá nhạy cảm đó có thể chính là lời ngụy biện của tâm hư vinh. Nó buộc phải làm vậy bởi nếu học viên mà hướng nội, nhìn ra nó, rồi bài xích nó thì nó sẽ bị tiêu diệt đúng không? Nó sẽ đổ đủ thứ suy nghĩ vào đầu não học viên khiến cho họ nghĩ là người đối diện “quá nhạy cảm”, “quá nghiêm trọng hóa vấn đề” v..v. Mục đích là để đánh lạc hướng chủ nguyên thần của người tu, khiến họ không dễ mà nhìn ra một thực tế rằng họ đang bị chính cái tâm Hư vinh kia điều khiển. Từ đó những lỗi sai khác, các tâm chấp trước khác họ cũng khó có thể nhận ra được.


Còn một số học viên mà cố tình né tránh mâu thuẫn, nói là về đóng cửa đọc sách tu luyện. Hỏi họ chỉ đọc sách thì có thể đề cao tâm tính lên được chăng? Nếu thế thì cần gì hoàn cảnh chuyển hóa nghiệp lực và đề cao tâm tính của họ? Mâu thuẫn giữa các học viên hay giữa học viên với người thường chẳng phải đều là đến để họ tiêu trừ đi nghiệp lực và tống khứ thêm tâm chấp trước đúng không? Vậy mà họ né tránh đề cao, né tránh đối diện với mâu thuẫn, lại cho đó là thị phi rồi về đọc sách tu luyện? Họ nói là họ đọc sách học Pháp nhưng đến chính nội dung về tu luyện được giảng ngay từ bài giảng đầu tiên họ còn không hiểu thì hỏi đọc nữa có tác dụng gì không? Hành vi né tránh mâu thuẫn, bảo là về đọc sách tu luyện kia tôi thấy nó không khác gì, về bản chất là giống như đúc với lối Nhẫn của người thường.


Phải chăng tu luyện họ muốn Pháp thân của Sư Phụ an bài cho họ sao cho vừa lòng họ? an bài sao cho người thường hay học viên gây mâu thuẫn với họ phải nói sao cho dễ nghe, sao cho lọt tai họ, sao cho thuận ý họ, phải rào trước đón sau để họ không bị sốc v..v.? Tu luyện là việc nghiêm túc mà họ coi nó như trò trẻ con hay sao? Hễ không vừa ý họ là họ giận dỗi và muốn người xung quanh phải vào an ủi, vỗ về, nói điều tốt về họ hay sao?


Trong bài Kinh văn « Ý kiến về Chính Pháp đề cập đến tại Hội nghị các phụ đạo viên tại Bắc Kinh [1995] » Sư Phụ cũng có giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng một số người mà loại tâm lý hiển thị ấy biểu hiện ra vô cùng nổi rõ và nếu phát triển tiếp nữa thì sẽ phá hoại Pháp, thậm chí còn gây ra một loại nhận thức sai lầm cho những ai chưa từng tham gia lớp học và những người ở điểm luyện công, thậm chí còn đi theo và hồ đồ không tỉnh táo làm loạn lung tung cả.


Cũng trong bài Kinh văn trên, Sư Phụ cũng đã chỉ ra (tôi nhớ đại ý, không nguyên văn) rằng tâm hiển thị ấy nếu phát triển tiếp thì nó sẽ làm tăng thêm truy cầu cá nhân về danh lợi, bởi vì nguyên vốn nó chính là từ đó, truy cầu danh lợi. Phát triển tiếp nữa thì sẽ lên cầm đầu, sẽ xưng đại vương; ‘Các vị phải nghe tôi! Ngay cả Lý Hồng Chí làm việc gì cũng phải nghe theo tôi’ ; Dù sao thì học viên cũng không biết, nên họ cứ nói thế và không chừng còn bảo rằng Lý Hồng Chí là ma! Rằng chỉ họ mới là quyết định.


Theo quan điểm và thể hội của cá nhân tôi, nếu học viên càng nghe lời khen, tung hô nhiều thì hệ lụy là chính những lời khen, tung hô đó sẽ đẩy học viên về giống như người thường, hay rơi rớt xuống như người thường vì họ không chịu được lời phê bình, không giữ được cái trạng thái đúng đắn nên có của một người tu khi đối diện với mâu thuẫn; Thậm chí vì càng nghe lời khen, sự hoan hỷ nảy sinh từ hư vinh làm cho tâm tự mãn, ảo tưởng tăng trưởng, thích hiển thị và khoe khoang nhiều hơn mà còn có thể khiến học viên thực hiện những hành vi loạn Pháp, định nghĩa Pháp v..v.


Vì cứ làm là được khen, không mấy ai nhắc đó là sai trái nên thậm chí nhiều học viên mới với cái tâm tật đố do sợ thua kém, cộng thêm muốn hiển thị bản thân cũng có năng lực, cũng tu tốt, cũng giảng chân tướng tốt nên làm theo rầm rộ mà không e dè gì, vì họ thấy nhiều người làm lại được khen nên họ tưởng đó là tốt.


Có những điều đáng lý không nên đem ra tuyên truyền, thì học viên do quá hồ hởi, thích hiển thị sự đặc biệt của người tu Pháp Luân Công lại phổ biến rộng khắp, kiểu như học viên Pháp Luân Công không sợ bệnh dịch, không sợ xe hơi đâm, không sợ lũ lụt v..v. Đó theo tôi thấy chẳng phải là phá hoại Pháp là gì? Người thường hỏi họ có lý giải được không? Hay họ lại phản cảm và nói Đại Pháp không ra gì?


Thực tế thì nếu muốn học viên nào đó nhanh rơi rớt, tôi kiến nghị cách dễ nhất và hiệu quả nhất: Khen họ càng nhiều càng tốt, họ làm sai cũng khen, làm đúng thì càng phải tung hô, bơm thổi họ lên mạnh hơn, nào là ngộ tính cao, nào là tu tinh tấn v..v. Khen họ càng nhiều, họ rơi rớt càng nhanh, càng dễ quay ra thực thi những việc loạn Pháp.


Kết luận:


Nếu nhìn vào một vương triều, khi bậc quân vương càng thích nghe lời khen, xu nịnh từ các quan lại phía dưới thì vương triều đó càng nhanh sụp đổ, điều này tôi nghĩ bản thân chúng ta nhìn qua về lịch sử các triều đại bên Trung Quốc là rõ, Ví dụ như cuối thời nhà Tùy, đầu thời nhà Đường. Chính những triều đại hoàng kim, thịnh thế tôi đọc lịch sử thì lại là khi bậc quân vương dám tiếp nhận lời can gián, lời phê bình và chỉ ra cái sai trong việc trị nước từ các bậc hiền thần, không nghe lời xu nịnh từ gian thần mà giết hại hiền thần.


Ví dụ như vua Đường Thái Tông luôn tiếp nhận lời can gián thẳng thắn từ Ngụy Trưng, thậm chí lắm lúc vị vua này còn bị Ngụy Trưng nói lời thẳng đến mức làm cho mất mặt trước văn võ bá quan, vì quá tức giận nên Đường Thái Tông có lần còn nói với chính Hoàng Hậu định tìm cách giết Ngụy Trưng để rửa hận trong lòng, nhưng sau đó khi nghe Hoàng Hậu can ngăn đã có thể bỏ qua oán hận cá nhân và tiếp tục nghe lời can gián của Ngụy Trưng, thậm chí đến việc cử hành hôn lễ cho công chúa cũng bị Ngụy Trưng góp ý chỉ ra điểm chưa đúng (nếu bình thường thì dễ sẽ bị coi là phạm thượng, soi mói).


Nói để thấy, chúng ta hay bàn về cái gọi là “hoàng kim”, “thịnh thế” của các triều đại, nhưng lý do vì sao các triều đại đó lại có thể đạt được thành tựu như vậy thì lại không phải là vấn đề đơn giản và thường không được nhấn mạnh. Vua Đường Thái Tông hiển nhiên là một vĩ nhân tài đức, chẳng phải nó thể hiện rất rõ qua khía cạnh dám tiếp nhận lời can gián dù khó nghe đó sao? Ông thực ra cũng có nhiều lần bực tức khó chịu khi bị Ngụy Trưng phê bình, nhưng trong phần lớn thời điểm khi tiếp nhận lời can gián ông vẫn có thể tiếp thu và khen ngợi những ai đã chỉ ra điểm chưa đúng của ông. Làm được những việc như vậy, đó mới chỉ là người thường chưa có tu luyện. Nếu đem so với một bộ phận không nhỏ các học viên tại Việt Nam hiện nay thì chắc còn xa lắm mới đạt đến.


Nếu nhìn vào một cộng đồng tu luyện, mà nhìn đâu cũng thấy lời khen, lời tung hô, mà chả thấy có mấy những lời phản biện, phê bình, chỉ ra cái sai. Thậm chí học viên hễ cứ thấy nơi nào nhiều tranh cãi là lại trốn đi tìm những nơi khác để yên tĩnh hơn, để đỡ thấy thị phi hơn. Kỳ thực, cộng đồng tu luyện đó tôi nghĩ là cực kỳ yếu kém. Trong bất kỳ một hoàn cảnh nào tôi nghĩ cũng luôn phải tồn tại lời phê bình, lời phản biện để chúng ta qua đó có cơ hội kịp nhận ra những mặt chưa tốt, chưa hoàn thiện để nhanh chóng sửa đổi, vì không ai trong số các học viên chúng ta khi đang trong quá trình tu luyện mà hoàn hảo hết cả. Nếu một cộng đồng tu luyện chỉ luôn thích tung hô, khen ngợi lẫn nhau, tâng bốc lẫn nhau thì thực tế cộng đồng đó, nếu nói nghiêm túc – không phải là một cộng đồng tu luyện chân chính. Rồi thì các lỗi sai trong cộng đồng sẽ được các học viên xem nhẹ, lỗi nghiêm trọng thì coi như vấn đề tu cá nhân và mặc kệ. Các lỗi lầm đó sẽ dần biến thành các khối ung nhọt phát triển lan tỏa đến từng học viên trong cộng đồng, làm bại hoại từng người một.


Hãy nhìn thử sang phía Trung Cộng, chẳng phải đó là một ví dụ quá thực tiễn hay sao? Bất cứ lỗi sai nào người dân chỉ ra liền bị bịt miệng, bị che đậy, trên mạng cũng tìm cách ngăn chặn những bài viết chỉ ra cái sai, cái hủ bại và coi đó là nói xấu chế độ; quan chức tham nhũng thì coi như chuyện bình thường, đến mức giờ hầu hết quan chức Trung Cộng ai ai cũng tham nhũng; Quan chức dâm ô, lừa đảo thì coi như là việc rút kinh nghiệm, bất quá là bị khiển trách (giống như lỗi sai nghiêm trọng trong cộng đồng thì bị coi là vấn đề tu cá nhân) v..v. Và giờ thì sao? Cái kết cục của Trung Cộng là sẽ đến đâu? Cái đó tôi không cần nói cũng đã quá rõ phải không? Cũng giống như bên Trung Cộng khi sắp đến lúc kết thúc, càng nhiều quan chức tham nhũng bị bắt, bị bỏ tù hoặc thậm chí tự tử; thì có lẽ với phía cộng đồng tu luyện như kể trên, tôi nghĩ có thể cũng không khác mấy đâu.


Cuối cùng, vẫn như lời nói ở phần đầu, những gì tôi chia sẻ, trao đổi và phân tích trên đây, chỉ là từ sở ngộ cũng như hiểu biết còn nông cạn, còn nội hàm của Đại Pháp là vô biên. Nội dung bài viết, chỉ để tham khảo. Nếu có gì chưa đúng, rất mong nhận được góp ý để tôi tiếp tục hoàn thiện. Những kinh nghiệm về tâm Hư vinh của tôi chắc chắn vẫn sẽ tồn tại nhiều điểm khiếm khuyết, hy vọng các học viên sau này trong quá trình thực tu sẽ tiếp tục phân tích và phát triển sâu thêm nữa.


*Bổ sung tham khảo thêm cuối bài:


Tôi xin đưa ra một phần trích dẫn của một bài viết phân tích với tựa đề "Nghìn người vâng dạ, không bằng một người nói thẳng" nói về nội dung của báo điện tử của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ngày 01/3/2016.


Nguồn dịch: Trang Nghiên cứu quốc tế (Link: Xem chi tiết )


-----------------


" ... Hầu như các cán bộ lãnh đạo do vi phạm kỷ luật và pháp luật mà bị xử lý đều nói đến chuyện cơ quan mình chưa thực hiện đầy đủ công tác giám sát nội bộ, nói rằng không ai nhắc nhở tôi, nếu năm ấy có người rỉ tai thì tôi cũng chưa tới mức phạm tội nặng như vậy.


Vấn đề nhỏ chẳng ai nhắc nhở, vấn đề lớn không ai phê bình, đến mức gây ra sai sót lớn, đó chính là “Nghìn người vâng dạ không bằng một người nói thẳng”!


— Lời TBT ĐCSTQ Tập Cận Bình phát biểu khi dự Họp sinh hoạt chuyên đề dân chủ của ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Bắc.

Nghìn người vâng dạ không bằng một người nói thẳng” – câu này có trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện” – là lời can gián mà nhân sĩ Triệu Lương thời Chiến Quốc nói với Thừa tướng Thương Ưởng triều nhà Tần. Triệu Lương muốn về dưới trướng Thương Ưởng, đã nêu ra một điều kiện tiên quyết: “Chung nhật chính ngôn nhi vô tru”, nói cách khác là suốt ngày nói thẳng nói thật mà không bị đả kích trả thù.


Triệu Lương còn nêu ra hai ví dụ điển hình có từ đời trước: Bên cạnh Chu Vũ Vương không thiếu những triều thần nói thẳng, cho nên cuối cùng Chu Vũ Vương đã hoàn thành sự nghiệp lớn; còn xung quanh vua Trụ nhà Ân toàn là bọn xu nịnh nên cuối cùng vua Trụ mất nước, mất mạng.


Thương Ưởng vui vẻ chấp nhận điều kiện ấy, đồng thời còn dẫn thêm đạo lý: “Mạo ngôn hoa dã, chí ngôn thực dã, khổ ngôn dược dã, cam ngôn tật dã” (dịch nghĩa: Lời giả dối không thật là hoa, lời chân thành là quả, lời thẳng thắn có vị đắng là thuốc, lời ngon ngọt là bệnh).


Thế nhưng trong các đời sau chỉ có Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Ngụy Trưng là hai người hiểu được câu chuyện này một cách thấu triệt nhất."


- Hết trích



bottom of page