top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Hai dạng biểu hiện của chấp trước

Đã cập nhật: 6 thg 6

[06/04/2023] Lê Minh


Con người ta khi tiếp xúc với xã hội, thông thường sẽ phản ánh ra hai thái cực: ThíchKhông thích. Nếu thích, thì sẽ sinh ra sự vừa ý, sự hoan hỷ; Nếu không thích, thì sẽ sinh ra sự khó chịu, oán hận.


VD: Bản thân đang vội, thời gian không có nhiều, đi xe trên đường tự nhiên gặp phải mấy ông bà đi xe chậm chắn đường hoặc tự nhiên có tai nạn giao thông khiến đường bị tắc - Vì thế sẽ khiến bản thân cảm thấy khó chịu, bực bội. Cũng trường hợp này nhưng nếu gặp cung đường thuận lợi, lại toàn gặp đèn xanh không phải dừng xe - Thì tự nhiên bản thân sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, vui vẻ.


Tôi khi học Pháp thì hiểu được rằng cái sự thích hay không thích mà chúng ta biểu hiện ra thực tế hầu như đều là do các chủng tâm chấp trước ẩn trong tư tưởng gây ra; Ở đây là điểm then chốt cần phân biệt rõ, nhiều người khi mới bắt đầu tu luyện, họ đã quen với việc cho rằng những biểu hiện cảm xúc thích hay không thích cái gì đó là chính tư tưởng của bản thân họ - Nhưng rất nhiều khi là không phải, hầu hết trong số đó đều là do tâm chấp trước phản ánh ra.


Chính là vì họ tưởng rằng tư tưởng của chấp trước phản ánh ra trong đầu mình chính là tư tưởng của họ, họ không phân biệt được sự khác biệt đó, nên mới bị nó lèo lái. Tu luyện theo tôi học Pháp thì hiểu rằng là phải nhận ra các chủng loại tâm chấp trước đó (VD tâm cầu danh, tâm cầu lợi, tâm khoe khoang, tâm sắc dục, tâm tật đố, tâm hiếu kỳ, tâm nghi hoặc, tâm tranh đấu, tâm lười nhác, tâm tà dâm v..v) rồi bài trừ chúng đi, làm liên tục như vậy trong suốt quá trình tu luyện sao cho đến khi đạt tiêu chuẩn viên mãn thì thôi.


Thông thường, chúng ta chỉ để ý đến các chấp trước khi chúng ta khó chịu, như là bị ai đó gây mâu thuẫn, bị lăng mạ, bị đối xử bất công. Những lúc như vậy, thì các chủng tâm liên quan đến các mâu thuẫn đó sẽ phản ánh ra sự khó chịu, bức bối do không được thỏa mãn; Chúng cũng sẽ sinh ra các loại tư tưởng mạ lị người ta [Người mà gây mâu thuẫn với chúng ta], chửi bới người ta, hoặc tìm những điểm xấu của người khác rồi dìm họ xuống, mục đích cũng là muốn tư tưởng của người tu đồng tình với nó, từ đó nó tiếp tục tồn tại và kiểm soát người tu.


Còn khi các loại tâm chấp trước được thỏa mãn, hay chính là gặp chuyện thuận lợi, chuyện vừa ý, được đối xử tốt v..v thì thực tế các chủng tâm chấp trước liên quan cũng sẽ có phản ứng, chính là phản ánh ra sự dễ chịu, khoan khoái, vui vẻ, hoan hỷ, tự đắc chí v..v. Nhưng, các loại biểu hiện này của tâm chấp trước lại ít khi được chú ý vì chúng mang đến sự dễ chịu đối với người ta.


Có thể có người cũng từng tự nhắc mình rằng, chúng ta chớ có cao hứng, chớ có giải đãi, chớ có tự mãn, chớ có hoan hỷ v..v khi gặp chuyện vừa ý, thuận lợi. Nhưng đó bất quá cũng chỉ là tự răn bản thân cần chú ý, chứ ít khi người tu thực sự đi tìm và bỏ chấp trước khi gặp trạng thái như vậy.


Mà bản thân việc tu bỏ chấp trước, đầu tiên là phải để nó xuất ra, phải để nó lộ diện, phản ánh ra trạng thái [khó chịu/thỏa mãn] thì chúng ta mới có thể nhận diện được rồi bài trừ nó. Chứ cứ tự răn bản thân là chớ có cao hứng, chớ có khó chịu v..v nó như thể là chúng ta sợ bản thân mình có chấp trước, sợ chấp trước khi nó phản ánh ra, thay vì cứ để lúc nó phản ánh ra để nhận diện rồi bài trừ, thì lại tìm cách tự ép bản thân phải dìm các trạng thái cảm xúc khi chấp trước phản ánh đó xuống để về lại trạng thái bình thường – Đó không phải là tu, mà là kìm nén cảm xúc do chấp trước mang lại, đè nén nó xuống chứ không phải là buông bỏ nó đi.


VD: Có một kiểu người, họ đi làm công chức, thời kỳ đầu họ phải pha chè rót nước, làm việc lặt vặt cho lãnh đạo. Tư tưởng của họ rất khó chịu, nhưng họ biết tỏ ra khó chịu thì lãnh đạo sẽ không vừa ý, có thể vì thế mà ảnh hưởng đến đường quan lộ sau này của họ. Do vậy, họ cố gắng kìm nén sự khó chịu đó lại, lâu dần họ tạo ra được một cái vỏ bọc với người ngoài là dù bị gây khó dễ ra sao thì vẫn cười rất tươi, không tỏ ra khó chịu gì cả, họ đã rèn luyện để đạt được cái bản sự đó; Nhưng, không phải đó là họ bỏ đi chấp trước, mà họ đã rèn cho mình khả năng chôn giấu chấp trước đó xuống, rèn cho mình khả năng kiểm soát cảm xúc sao cho tức giận cũng không biểu lộ ra.


Kiểu người này, dẫu có tu cũng không hẳn là dễ dàng, bởi vì họ cứ gặp ai làm họ khó chịu thì họ thay vì thả lỏng cảm xúc đó ra, để nhận diện chấp trước mà bỏ, thì họ lại quen đè nén cái cảm xúc đó lại theo bản năng - gọi là giấu đi chấp trước; Thành ra họ thấy trong tâm họ không có khó chịu gì mấy, rồi họ ảo tưởng rằng mình không có chấp trước gì hết. Thực ra họ có rất nhiều, nhưng là họ quen chôn giấu cảm xúc quá tốt nên không dễ nhận ra.


Có người mới tu, thì họ hiểu được rằng họ có nhiều chấp trước, nên họ không ngại ngần gì trong việc thừa nhận việc họ có chấp trước, ngay cả giữa các học viên mà làm thế thì cũng không có vấn đề gì (đây là không xét những trường hợp cá biệt, tính cách đặc thù). Nhưng khi tu lâu, thời gian tu nhiều lên, nhất là bản thân người tu cũng từng có thành tích gì đó mà được học viên khác khen ngợi, họ thường sẽ bị rào cản của tâm cầu danh can nhiễu; Đại khái là họ sợ bị chê, sợ bị mất mặt trước các học viên rằng tu lâu thế rồi mà vẫn còn nhiều chấp trước (Ý là tu lâu rồi thì phải ít chấp trước đi chứ?).


Trong quá trình tu luyện, người tu vì sợ mất danh, sợ mắc tâm tranh đấu mà né tránh mâu thuẫn, cũng là né tránh hoàn cảnh moi chấp trước ra để nhận diện và bài trừ chúng, qua đó không đạt được mục đích đề cao tâm tính [Tất nhiên, không phải chúng ta cố tình đi tìm mâu thuẫn, mà là mâu thuẫn khi nó xảy đến thì chúng ta phản ứng ra sao?]

Thế nên, họ thường tìm cách tự huyễn hoặc bản thân mình là không có chấp trước hoặc phủ nhận lời góp ý của học viên khác rằng họ là không có chấp trước. Nếu là học viên tu lâu năm hơn họ góp ý thì có thể họ còn nghe mặc dù có thể họ vẫn sợ mất mặt (vì tránh voi chẳng xấu mặt nào) - Nhưng nếu là học viên tu không lâu bằng họ, đặc biệt lại còn là học viên mới góp ý thì họ sẽ cực lực phủ nhận, vì họ sợ mất mặt, sợ bị chê cười; Thường thì họ sẽ tìm ngược lại lỗi lầm nào đó trong quá khứ của người góp ý, tìm điểm yếu nào đó của họ rồi chụp mũ, cả vú lấp miệng em, công kích ngược lại người góp ý, nặng hơn nữa là họ cãi gàn không cần biết đúng sai v..v. Thực tế là tâm cầu danh kia đang phản ánh ra nỗi sợ và thúc đẩy họ làm những hành vi tự bảo vệ bản thân nhưng họ lại không nhận ra và bỏ nó đi. Đây là tự lừa mình dối người, né tránh mâu thuẫn để đề cao tâm tính.


Thực tế, tôi học Pháp thì hiểu rằng, bỏ tâm chấp trước nó giống như bóc từng lớp, từng lớp ra vậy. Cứ mỗi một lần gặp khảo nghiệm hay ma nạn, là chúng ta mới chỉ bóc một hoặc một vài lớp chấp trước ra thôi, chúng vẫn còn rất nhiều, tận cho đến khi chúng ta tu thành rồi thì mới hết. Tức là dù mới tu hay tu lâu, thì những chấp trước như cầu danh, cầu lợi, sắc dục, tranh đấu, khoe khoang v..v vẫn còn rất nhiều, chỉ là nó ít dần đi trong quá trình tu luyện và người tu dần dần sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn, không dễ bị chấp trước thao túng nữa, chứ không phải là nó không còn.


Cho nên trạng thái của người tu lâu càng nên phải giống người mới tu; Vì thường tu lâu thì sẽ dễ tự chủ quan, tự mãn cho rằng mình không còn nhiều chấp trước nữa, không còn chú trọng thực tu nhiều như hồi mới vào tu nữa - từ đó khiến tốc độ tu luyện của họ chậm dần đi; Lúc này, họ bắt đầu thích phân đẳng cấp dựa vào số năm tu để chỉ đạo hoặc để làm màu với người tu khác, khoe khoang về hiểu biết và thành tích của họ, thực tế là tâm tự mãn và cầu danh đang phát tác.


Quay trở lại vấn đề về việc tâm chấp trước phản ánh ra khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, tôi thử lấy ví dụ: Khi nhận được tiền lương thưởng đột xuất do có thành tích tốt trong công việc, ắt sẽ khiến tâm cầu lợi ích và tâm tự mãn, tâm cầu danh phản ánh ra sự hoan hỷ, vui mừng trong tâm (Vì tâm cầu lợi chính là truy cầu lợi ích, càng được nhiều lợi ích như tiền tài thì càng tốt; Tâm tự mãn chính là được chứng thực khả năng của bản thân, rằng bản thân có bản sự, có khả năng làm việc tốt; Tâm cầu danh chính là được khen, được thưởng, được công nhận về thành tích do bản sự của mình mà ra).


Chính cái cảm xúc đó là biểu hiện của chấp trước vào lợi ích, tự mãn, cầu danh đang được moi ra. Vì vậy khi đã nhận diện xong, chúng ta phải bỏ chúng đi bằng cách bài trừ chúng trong tư tưởng. Chúng ta không cần phải e ngại gì, cứ việc thừa nhận bản thân chúng ta đang có cái cảm xúc đó, cứ để tự nhiên cho nó xuất ra và việc còn lại là tìm và bài trừ chấp trước. Chứ không phải là ngay lúc nhận tiền thưởng, chúng ta sợ mắc tâm hoan hỷ, nên tự răn bản thân chớ có hoan hỷ, rồi cố gắng kìm nén, giấu diếm cảm xúc sao cho không để bản thân hoan hỷ. Đó vừa không phải là bỏ chấp trước, mà còn là biểu hiện của việc sợ có tâm chấp trước, có tâm cầu danh về việc tu luyện.


Có người còn chối bỏ, thậm chí còn không thừa nhận đó là chấp trước, họ cảm thấy được tiền thưởng thì vui mừng là chuyện bình thường, là chuyện đương nhiên, thậm chí còn cho rằng cần gì phải làm quá lên - nếu là người không tu luyện, thì thường sẽ nhìn nhận như vậy. Kỳ thực, ngay chính cái lúc đó mà họ không sớm nhận diện và bài trừ, thì chấp trước kia là đang bắt đầu được dung dưỡng và sẽ dần dần phình to ra. Nó càng phình to ra, thì bản thân người tu sẽ lại càng dễ bị nó khống chế tư tưởng hơn, sẽ khiến họ về sau sẽ càng muốn truy cầu được gặp điều thuận lợi, vừa ý hơn. Gặp chuyện khó chịu sẽ càng bất bình, càng dễ sinh oán hận hơn.


Sư Phụ có giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng: [Người thường] Họ càng [sống] tốt thì càng tự tư, càng muốn chiếm hữu nhiều và họ càng xa rời đặc tính vũ trụ, họ tiến đến diệt vong. [Chuyển Pháp Luân - Bài giảng thứ 3]


Tôi thử lấy ví dụ: Chúng ta hãy nhìn đứa trẻ con nhà giàu, bố mẹ chúng càng chiều chuộng chúng, thì chẳng phải càng khiến các tâm chấp trước của chúng phình to ra, cũng chẳng phải là khiến tư tâm, các dạng chấp trước ích kỷ của chúng lớn mạnh hơn đúng không? Mà tâm chấp trước càng lớn mạnh, thì tôi hiểu rằng chúng lại càng không nghĩ gì đến người xung quanh, chỉ muốn thỏa mãn dục vọng của riêng bản thân mình mà thôi.


Cho nên trẻ con nhà giàu bố mẹ càng chiều (hay cũng là thỏa mãn chấp trước của nó), thì càng làm hư nó, nó sẽ càng ngày càng không coi ai ra gì, càng ích kỷ, chỉ thích được chiều, được nịnh - nhưng hễ không vừa ý nó là nó sẽ phá quấy, gào thét, đập phá v..v - Đó chẳng phải biểu hiện của việc bị chấp trước khống chế mạnh tư tưởng là gì?


Chấp trước mà cứ để yên, dung dưỡng cho nó phình to không phải là không có hậu quả gì, với người thường thì tôi sẽ không phân tích sâu; Nhưng với người tu, nếu nó phình to đến mức nhất định, thì tôi học Pháp hiểu rằng có thể sẽ có ma nạn được Pháp thân Sư Phụ tạo ra để trừ bỏ chấp trước đó.


Người thực sự chú trọng tu luyện, thì tôi nghĩ rằng họ nên luôn để ý mọi sự việc xảy đến với mình hàng ngày và tự đặt câu hỏi xem mình có vấn đề gì không? Tức là hễ thấy có xuất hiện chấp trước thì bài trừ nó ngay dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào (thuận lợi hay không thuận lợi), không để nó phình to ra; Nếu tu mà không để ý, còn chủ quan không xem trọng, để đến lúc Pháp thân Sư Phụ phải điểm hóa cho biết, lúc đó mới nhận ra thì thường là có một đống chấp trước đã được tích tụ, việc bài trừ thường sẽ vất vả và mất nhiều thời gian hơn.


Nhận thức cá nhân.

Kommentare


Die Kommentarfunktion wurde abgeschaltet.
bottom of page