top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Một số nhận thức về biểu hiện của Tâm Tật Đố trong quá trình tu luyện

Đã cập nhật: 19 thg 4, 2019

[2019/03/26] HỮU NHÂN



MỞ ĐẦU:

Trước khi đi vào bàn luận về một số biểu hiện của Tâm Tật Đố, tôi xin nhấn mạnh trước là đây chỉ là sở ngộ dựa trên kinh nghiệm tu luyện trên thực tiễn của bản thân tôi, nó ắt vẫn còn nhiều hạn chế và có thể cần phải bổ sung hoặc chỉnh sửa thêm nữa. Tôi nghĩ rằng nêu những kinh nghiệm này ra cũng là một điểm hữu ích để chúng ta cùng nhìn sâu hơn và phân tích về biểu hiện của cái tâm nguy hiểm này. Lẽ dĩ nhiên, chia sẻ rốt cuộc cũng chỉ là để học viên có thể có những nhìn nhận đa diện hơn về một loại tâm chấp trước, nó dù sao vẫn tồn tại tính hạn chế về tầng thứ của người viết; nhưng nội hàm của Đại Pháp lại là vô biên nên rõ ràng học viên phải lấy Pháp làm thầy.


NỘI DUNG:

Biểu hiện của Tâm Tật Đố theo thể ngộ nông cạn của cá nhân tôi thì tôi tạm tóm lược thành quan điểm chủ đạo, đó là: Không muốn ai hơn mình. Từ quan điểm chủ đạo này tôi sẽ phân chia ra thành nhiều biểu hiện khác nhau để dễ hình dung, đây chỉ là tóm lược dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên có thể có chỗ còn sơ sài. Dưới đây là một số ví dụ:

1. Thấy ai có điều gì tốt, được lợi hơn, được khen tụng hơn thì cảm thấy bất bình trong tâm

Điểm tốt, lợi hơn ở đây tôi tạm chia thành 2 nơi xuất xứ: (1) Do những đặc điểm tự thân của người đó, (2) Do những gì người đó được đối đãi, được hưởng.

- Đặc điểm tự thân của một người: Đó có thể kể đến như là cao hơn, đẹp hơn, nước da trắng trẻo hơn, tóc mượt hơn, dáng người thanh mảnh, giọng nói êm dịu v..v. (Đó là về đặc điểm cơ thể) - Còn có thể kể thêm nữa là khả năng làm việc, khả năng ăn nói, khả năng diễn đạt, kỹ năng học, tu luyện tốt hơn, nhận thức về Pháp tốt hơn v..v (Đó là đặc điểm về tài năng của bản thân).

- Do sự tác động khách quan từ bên ngoài: Đó có thể kể đến như là nhà to đẹp hơn, công việc tốt hơn, lương cao hơn, xe đẹp hơn, điện thoại sành điệu hơn, người yêu đẹp hơn, vợ xinh hơn, con cái giỏi hơn, có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc hơn, được sếp ưu ái hơn, không bị cực khổ như mình, có hoàn cảnh chứng thực Pháp tốt hơn mình, bài viết được like share nhiều hơn, nhiều người vào khen hơn mình v..v

Tật đố theo hiểu biết nông cạn của tôi là ở tất cả những đặc điểm kể trên, tất nhiên còn do sự phân biệt về giới tính. Bất kể ai mà có những thứ kể trên cao hơn những gì bản thân đang có thì đều có thể bị tâm Tật Đố can nhiễu. Nó theo thể ngộ của tôi vốn là một dạng thức sinh mệnh sống tồn tại trong tâm người tu luyện. Hễ nếu nó thấy không vừa, không được như ý nó thì nó liền bất bình, nó sẽ phản ánh sự bất bình đó vào tâm khảm người tu, làm người ta cảm giác cũng bất bình theo nó. Thường thường thì khi bất bình nó hay phản ánh một vài tư tưởng vào tâm người tu, tuy đa dạng nhưng có thể tạm gói gọn lại nội dung đại ý như sau:


a) Tìm cách thôi thúc người ta bằng mọi cách nhanh chóng đạt được như những người xung quanh (vốn hơn mình), ít nhất phải bề ngoài không khác gì, còn "nội thất" bên trong thì có thể là hàng second-hand cũng được vì những thứ đó có thể che giấu được: Đây là tiền đề cho cái thói đua đòi dễ thấy của người Việt Nam, câu nói "bằng bạn bằng bè" mà nhiều bậc phụ huynh hay dùng khi nói với đứa con của mình chính là phản ánh từ tâm Tật Đố của họ. Hễ thấy người ta có cái gì tốt thì bản thân cũng muốn có. Không có không chịu được. Cái "nỗi khổ" không chịu được kia theo tôi chính là do cái Tâm Tật Đố kia đang thao túng người ta, nó phản ánh cái "nỗi khổ" của nó vào não họ, làm họ khó chịu, khiến họ tưởng rằng chính họ khó chịu, nhưng kỳ thực là không phải. Thực ra ở góc độ khác, nó còn sinh ra cái thói "ảo tưởng" bản thân cũng có thể làm được như người khác, kiểu như "họ làm được thì mình cũng làm được". Ví như thấy người kia mở cửa hàng kinh doanh kiếm tiền rất khá, họ phỏng theo y hệt nhưng lại chả kinh doanh được mấy (vì mệnh của họ không nhất thiết là sẽ kinh doanh được tốt, có thể Đức của họ không đủ). Có nhiều kẻ kinh doanh đa cấp lừa đảo còn đánh vào cái tâm lý này, lấy những ví dụ về trường hợp bỏ học Đại học đi lập công ty như của Bill Gate hay các đại gia khác để dụ người ta làm theo (nhưng đâu phải ai trong mệnh cũng được như Bill Gate?). Từ đó khiến họ bỏ tiền ra đầu tư hòng mong "thành công không kém gì" các đại gia được mô tả bên trên. Ví dụ như ra đường bản thân đi xe Wave, thấy nhiều người đi xe Airblade, xe Lead thì bản thân cũng muốn có xe tay ga như người ta, nếu có tiền ít thì thôi mua Click hay Nouvo xài tạm, có tiền nhiều thì thậm chí mua hẳn Liberty, SH cho sang để "không thua kém ai".


Ví dụ nữa là những thói quen mua sắm bất chấp, mua sắm chi tiêu bạt mạng chạy theo mốt thời thượng của nhiều nữ nhân kỳ thực tôi nghĩ cũng một phần lớn do cái tâm Tật Đố muốn bằng chị bằng em thúc đẩy nên. Nhiều người trong họ mua quần áo đẹp, son phấn, nước hoa nhiều khi không phải để mặc hay sử dụng, mà một phần trong đó nhiều khi chỉ để "không thua kém" là chính (tức là những thứ thời thượng họ đều có, còn dùng hay không thì .. không nhất thiết, có khi dùng một hai lần rồi vứt xó), nên có nhiều người mua đồ chất đống trong nhà nhưng lại chả mấy khi dùng đến.


Với người tu luyện thì cũng tương tự, bản thân học viên lên mạng đọc thấy nhiều học viên ở các nước Phương Tây hay ở Mỹ tổ chức các hoạt động rầm rộ, rất công phu. Bản thân ở Việt Nam thì lại không có điều kiện như vậy, vì chính quyền nhiều khi không cho phép. Nhưng vì Tâm Tật Đố không muốn thua kém học viên nước ngoài nên thậm chí còn tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để thực hiện, kể cả vi phạm pháp luật cũng làm. Từ những pha diễn chui, chụp và quay video tại nơi đồng không mông quạnh rồi cắt ghép clip lên trang tin truyền thông đến những pha lách luật, bất chấp lợi dụng cả những hoạt động của tôn giáo khác để "quảng bá" Đại Pháp rồi đăng tin rầm rộ làm như thể ở Việt Nam cũng không kém cạnh gì học viên năm châu. Theo tôi nghĩ đó chẳng phải là do học viên không thực tu, Tâm Tật Đố không bỏ được, không lý trí, vì tính hơn thua, bằng bạn bằng bè, bằng chị bằng em đó thao túng nhưng lại được ngụy trang bằng nhiều lý do đẹp đẽ như vì chúng sinh, vì cứu người, vì hồng truyền Đại Pháp gây họa loạn còn gì? Thực chất là những thứ "vì..." kia chỉ là hợp thức hóa cho cái Tâm Tật Đố không buông bỏ được của họ, có điều họ giấu nó rất kín, dùng những lời nói êm dịu đẹp đẽ bề ngoài để che đậy đi khiến người xung quanh khó lòng nhận ra.

b) Tìm cách moi ra điểm yếu khác của người khác mà có thứ gì đó hơn mình nhằm hạ họ xuống ngang hoặc thấp hơn mình, nếu không tìm được thì có thể ngụy tạo hoặc tung tin thất thiệt, chuyện bé xé ra to: nếu họ hoàn hảo ở công việc thì tìm điểm yếu ở gia đình họ, nếu gia đình cũng hoàn hảo thì tìm ở năng lực của họ, ở tính cách của họ. Nó sẽ chủ động tự bới thông tin trong quá trình người tu quen biết họ từ quá khứ, tìm và nắm những điểm yếu đó của họ rồi nó sẽ phản ánh trong tư tưởng của người tu. Biểu hiện là người tu nhớ lại những chuyện xưa cũ mà có liên hệ đến những cái xấu của những người kia. Nhưng những thứ đó là vật chất sản sinh ra bởi tâm Tật đố, nó không phải do người tu nghĩ, không phải do bản tính tiên thiên của người tu nghĩ ra. Mục đích của nó là khiến cho người tu giải tỏa cái bất bình kia đi bằng cách nghĩ theo nó, hùa theo nó, cũng chế giễu những người kia trong tâm đại khái như là “Họ trông thế thôi nhưng cũng thế này thế kia mà, đời có ai hoàn hảo đâu”, “Tưởng thế nào, hóa ra cũng chỉ vậy mà thôi” v..v. Họ càng thỏa mãn trong tâm thì họ càng bị nó - Tâm Tật Đố điều khiển vững chắc, vì họ coi những suy nghĩ kia của nó cũng là chính họ suy nghĩ. Không phân tách ra được. Trong lối hành vi ngụy biện thì có một dạng thức giống như hàm ý của câu "bỏ bóng đá người" - Tức là khi tranh luận mà cảm thấy thua kém, đuối lý hơn thì bắt đầu quay sang không tranh luận về vấn đề chính nữa (bỏ bóng) mà lại tấn công hay công kích cá nhân người đang tranh luận với mình, lôi những điều không tốt của họ từ quá khứ cho đến hiện tại ra để bàn luận để ngầm hạ thấp uy tín của người ta xuống (đá người).

Nhưng nếu họ không tìm được, thì vì cái tâm kia nó không chịu được cảm giác thua kém người khác, nó sẽ trở nên liều mạng hơn mà đổ vào đầu người tu những dạng tư tưởng xấu như nói xấu, nghĩ xấu, chơi đểu, thậm chí tung tin thất thiệt để hạ bệ người kia xuống. Trong giới kinh doanh có phương thức gọi là cạnh tranh không lành mạnh như giật khách, tung tin thất thiệt để bôi nhọ uy tín đối thủ, giả làm người mua hàng rồi nhận xét không hay về sản phẩm của đối thủ v..v theo quan điểm của tôi cũng là biểu hiện của dạng tâm lý trên. Hành vi chụp mũ một ai đó là A, B, C khi không hề có bất cứ dẫn chứng gì, mà tùy tiện kết luận chắc nịch (thực ra bản thân họ có thể biết rõ là người kia không phải thế nhưng họ vẫn chủ đích làm vậy) thì theo tôi đó cũng là do cái Tâm Tật Đố khi không tìm được lý lẽ hay cái không tốt của người khác đem ra sử dụng được thì nó sẽ làm liều .. chụp mũ, tức là cứ gán cái mũ xấu cho người ta, hòng hạ thấp họ xuống.


Ví dụ: Có một trường hợp học viên hồi xưa có làm trong hạng mục sách bản quyền Đại Pháp, khi đó có vài người ngỏ ý muốn tham gia nhập và vận chuyển sách đến tay các học viên ở Việt Nam, một học viên A vì lúc đó chuyên đi giao sách vì sợ mất vị thế, sợ bị cạnh tranh, sợ mất mối, sợ mất ảnh hưởng trong học viên nên đã tùy tiện chụp mũ những người ngỏ ý muốn tham gia nhập và vận chuyển sách kia là an ninh, là có vấn đề gì gì đó với những học viên đang quản lý hạng mục, để ngăn không cho những người kia tham gia hạng mục vận chuyển sách đến học viên nữa. Sau này khi vị học viên A đó bị phát giác ra là thu tiền bất chính trong hạng mục giao sách và bị các học viên chấm dứt việc giao sách, vị học viên A này đột ngột quay ngoắt 180 độ tìm đến đúng những người mà trước đó vị này chụp mũ là an ninh, là thế lọ thế chai kia và nói đại ý là "nếu bạn có tâm nguyện nhập sách về Việt Nam, thì chúng ta là một". Rủi một điều là chính những vị kia lại đem ảnh chụp tin nhắn học viên A này gửi chuyển tiếp lại đúng cho những học viên quản lý hạng mục giao sách mà học viên A tham gia trước đó. Thế nên mới khiến cho những vị học viên này nhận ra được bộ mặt lật lọng, tráo trở của học viên A ra sao. Cái mũ "an ninh, v..v" ban đầu học viên A chụp lên là không phải có mục đích tốt đẹp gì, đều xuất phát từ tâm Tật Đố không muốn người khác hơn mình, thực ra việc làm hạng mục này vừa khiến cho học viên A đạt được Danh - có tiếng là vì học viên mà giao sách tới tận nơi không ngại nắng mưa khổ cực, làm rất nhiều học viên cảm động. Đạt được Lợi - đó là nhiều học viên thấy học viên A khổ quá, phó xuất nhiều vì cộng đồng mà ủng hộ tiền, hỗ trợ tiền. Do vừa được danh, vừa được lợi như vậy nên học viên A không muốn mất "thị phần" vào tay người khác.

c) Tìm cách bơm thổi những điểm mạnh của bản thân đem ra tự huyễn hoặc bản thân cũng không phải dạng vừa: nó sẽ liên tục đổ vào đầu của người tu những hình ảnh, suy nghĩ hay trí nhớ về những lần người tu được khen ngợi, được tung hô, làm được cái gì đó v..v. Nó đánh trúng cái tâm trạng bất bình vì thua kém người đó của học viên do chưa nhận thức ra được cái “bất bình” kia không phải là của họ mà là của tâm Tật Đố. Họ càng bất bình trong tâm thì khi nó đổ những thứ bơm thổi này lên sẽ khiến họ lâng lâng, cảm thấy tự đắc, đắc chí lắm, cảm thấy họ có giá trị lắm, rồi đem những thứ đó ra hãnh diện, dần dần sinh ra tâm kiêu ngạo, cho rằng ít người hơn được như họ hoặc ít người biết nhiều như họ về một phương diện nào đó.

Ví như trong trường hợp mà Sư Phụ có giảng về ông Thân Công Báo tật đố với ông Khương Tử Nha trong Chuyển Pháp Luân (bài Tâm Tật Đố). Tôi sau khi đọc xong bài giảng Pháp có thể ngộ nông cạn như sau (tất nhiên chỉ là quan điểm cá nhân): Khi ông Thân Công Báo biết được Nguyên Thủy Thiên Tôn đem việc Phong Thần cho Khương Tử Nha thì cái tâm tật đố của ông Thân Công Báo nổi lên, nó vừa tìm những lý do để hạ thấp ông Khương Tử Nha xuống như là chê ông này vừa già vừa không có bản sự gì. Rồi nó bơm thổi tư tưởng của ông Thân Công Báo lên về những bản sự của chính ổng để đem ra so sánh như là tự chặt đầu mình rồi vẫn nối lại được v..v. Chính vì việc Phong Thần đó có lợi ích gì đó tốt nên rõ ràng ông Thân Công Báo mới bị tâm tật đố thao túng như vậy, nếu giả sử đó là một công việc vừa khổ, vừa nhọc, chả có lợi ích gì thì hỏi ông Thân Công Báo có tật đố hay không? Tôi chỉ giả sử (có thể không đúng) Lúc đó có thể ông này sẽ nghĩ “Thôi việc này phải do Khương Tử Nha mới làm được, tôi tài hèn sức mọn không đảm đương được”. Ông này ngoài miệng lúc đó có thể nói tốt, nhưng sở dĩ nói tốt là vì muốn đẩy cái khổ đó đi cho người khác, không muốn bản thân phải chịu khổ hơn người khác, khổ hơn người khác cũng bằng như thua kém người khác, để cho người ta sướng hơn mình. Có câu trong bài hát hay được nhắc đến "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai" - Thực tế tôi nghĩ cái ý nghĩ né khó tìm dễ, đùn đẩy việc khó cho người khác cũng có thể một phần lớn là do cái Tâm Tật Đố này khởi tác dụng. Người tu khi thực tế làm công tác hay có hiện tượng bị đùn việc khổ cực, theo thể ngộ của tôi thì rất có thể chính là để khiến họ buông bỏ cái tâm Tật Đố vốn ẩn sâu trong họ ra, sẽ có thể khiến họ bất bình vì nghĩ bản thân chịu khổ còn người khác thì an nhàn, từ đó mà khiến họ nhận ra họ đang bị cái tâm đó thao túng rồi tống khứ bớt tâm Tật Đố đó ra.


Còn nếu biết việc Phong Thần có lợi ích lớn thì ông này có thể sẽ phản ứng ngược lại. Thực tế cũng vì quá tật đố vì không được Nguyên Thủy Thiên Tôn giao cho bảng Phong Thần nên đã cố tình tìm cách đi loạn phá Khương Tử Nha, Khương Tử Nha phò Chu Văn Vương (Cơ Xương) thì Thân Công Báo phò Trụ Vương. Mục đích loạn phá Khương Tử Nha theo thiển ngộ của tôi là do ông Thân Công Báo muốn chứng minh rằng việc phân bảng Phong Thần cho Khương Tử Nha là sai lầm, đáng lẽ phải phân cho ông ý, nhưng vì quá uất ức do không được phân, cũng không muốn làm kẻ thứ hai sau Khương Tử Nha làm bảng Phong Thần nên ông Thân Công Báo có thể với tâm lý “Ta không được thì mi cũng đừng hòng đạt được, mi nào có tài cán gì hơn ta, làm sao có thể đảm đương được vinh diệu đó, ta không phục, ta sẽ phá ngươi, nếu phá mà ngươi vẫn vượt qua được thì ta mới phục”. Kỳ thực, tôi thể ngộ rằng những tư tưởng mà tôi giả thiết có thể xảy ra đó nảy lên trong đầu ông Thân Công Báo, đều là do cái tâm Tật Đố của ông ý điều khiển và thao túng, phần bản tính tiên thiên của ông ý lúc đó bị che lấp đi rồi. (Tất nhiên có thể còn do nhiều nguyên nhân thâm sâu khác khiến ông Thân Công Báo buộc phải làm thế, để diễn vai diễn đó, tạo ra nền tảng văn hóa, ở đây tôi chỉ ví dụ dưới góc độ tâm chấp trước để tiện trao đổi, còn sự thể thực chất ra sao khi đó thì tôi cũng không rõ).

Thực ra tật đố về những gì một người nào đó hơn mình thì tôi nghĩ cũng có dạng thức là tật đố về những gì một người nào đó “bớt khổ” hơn mình. Nó chỉ là sự suy luận rộng ra mà thôi, ví như ai đó được thiên vị hơn, được sếp ưu ái hơn làm những công việc nhàn hạ hơn, không phải khổ cực nhiều. Còn bản thân thì lại phải làm nhiều việc nặng nhọc, phức tạp, cần nhiều chất xám hơn – Nhưng, lương thưởng của người kia lại chả thua kém mình, bản thân có thể cảm thấy tật đố không chịu được. Chỉ khi nào họ khổ ngang mình hoặc khổ hơn cả mình thì tâm lý của bản thân mới bình hòa trở lại được. Vì sao? Vì lúc đó cái tâm Tật Đố kia nó biết họ là không sướng bằng mình, mình bớt khổ hơn họ.

2. Thấy ai đó có tiềm năng vượt mình thì lo sợ, khó chịu trong tâm

Loại này thì thường thường tuy cũng có nhưng có thể ít được nhận ra rõ rệt hơn dạng thức kể trên. Vì nó thường phải trải qua một quá trình, cảm nhận rõ sự thay đổi từ người khác thì mới dần dần phát sinh tâm Tật Đố, ngay từ đầu thì có thể không.

Thông thường, một ai đó mà có nhiều thứ “dưới” mình thì tâm của bản thân sẽ cảm thấy khá “bình hòa”, thậm chí còn biểu hiện rất khách quan, nghĩ và thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Nhưng, nếu bản thân cảm thấy họ có tiềm năng phát triển tốt, thậm chí đe đọa vị trí hay những gì mà bản thân đang có thì loại Tâm Tật Đố kia sẽ bắt đầu phát tác. Nó sẽ bắt đầu biểu hiện sự khó chịu vào trong tâm. Trước đây khi người kia học việc mình thì họ có thể còn nhiệt tình hướng dẫn, nhưng về sau này khi cảm thấy sự tiến bộ nhanh chóng của người đó, bản thân thường cảm thấy e sợ rằng sẽ có ngày người này vượt mình nên trong tâm cảm thấy khó chịu. Nhất là nếu cái vị trí hiện tại của bản thân đem lại rất nhiều lợi ích, danh vọng thì cái tâm Tật Đố kia lại càng khó chịu và e sợ hơn nữa, nó sợ mất đi nhiều thứ tốt, rồi sẽ trở nên yếu kém hơn những người xung quanh. Do đó, có thể nó sẽ bắt đầu đổ vào tâm người tu những ý nghĩ “chơi xấu” khi có dịp. Đại khái như là khiến cho họ khuyên can đểu người kia để họ không biết mà mắc lỗi nhưng người kia lại không thể trách được họ. Theo lối nói của người thường đó gọi là chiêu “gắp lửa bỏ tay người”. Hay âm thầm nói xấu người kia với những đồng nghiệp xung quanh để cô lập họ, rồi chuyện bé xé to v..v. Tôi nói ở đây chỉ là một kiểu ví dụ để dễ hình dung, còn trong cuộc sống thì nó muôn hình muôn vẻ nhưng dạng thức nó hoạt động thì có thể tạm hình dung như vậy, tất nhiên cũng chỉ để tham khảo. Có một số điển tích về dạng tật đố này của người xưa, mọi người có thể tìm hiểu thêm để có thể nhìn ra được biểu hiện của nó (Click để xem)


Còn nếu nói về biểu hiện của loại tâm này trong cộng đồng người tu, thì có lẽ học viên từng có ít nhiều cũng từng nghe khi có một vài người tu trong quá trình trao đổi, nhất là khi quan điểm hai bên khác nhau, một người bị dồn vào thế đuối lý thì họ thường sử dụng câu nói đại khái như là “em hướng nội đi”, “bạn hướng nội đi”, “chị hướng nội đi” v..v – tức là thay vì tiếp tục trao đổi, nếu sai thì nhận. Nhưng khổ là họ (thường là người lớn tuổi hơn hoặc tu lâu hơn) không muốn thừa nhận mình sai, vì nếu thừa nhận mình sai thì họ nghĩ sẽ bị coi thường, nhất là với người mà trước đó họ nghĩ hoặc ngầm cho rằng hiểu Pháp không bằng họ, không sâu bằng họ bắt bẻ, họ càng không muốn thừa nhận mình sai trước người đó vì sợ mất mặt và cũng sợ từ đó trở đi sẽ mất thể diện, không còn uy như hồi mới đầu còn dẫn dắt, hướng dẫn họ nữa. Đây là kiểu nói mang tính “bịt miệng”, hoặc áp luôn lỗi sai về phía người nghe, không cần phải tranh luận thêm nữa, đại khái là hướng nội = mắc lỗi sai, có chấp trước, họ bảo người ta hướng nội thì tức là người ta sai, có chấp trước còn bản thân họ thì không có vấn đề gì.

Còn một dạng thức nữa, mà có thể hay gặp trong quá trình phụ huynh dạy dỗ con em mình. Khi phụ huynh đang nói về vấn đề gì đó, bị con em mình bật lại, nhưng khổ cái có lúc đúng là nó lại nói có lý, phụ huynh (có lẽ trong thâm tâm họ biết họ sai – phía bản tính của họ biết họ sai nhưng cái tâm chấp trước kia lại không nghĩ vậy) vì không muốn thừa nhận mình sai nên thường hay đáp một câu kiểu như “trứng mà đòi khôn hơn vịt à?”, “mẹ sống từng này tuổi mà cần con dạy khôn à?”. Trong câu nói đó vừa có chấp trước về tâm hư vinh – sợ mất hình tượng, thể diện trước mắt con, sợ sau này không còn uy để dạy được nó nữa; có cả chấp trước về tự mãn – tự ảo tưởng mặc định tuyệt đối cho rằng bản thân phụ huynh luôn khôn hơn con nít và cả tâm tật đố - không muốn thua kém đứa con nít. Cả 3 loại tâm chấp trước này dồn bức lại và tạo ra câu nói kia.

Trong phạm trù công việc, thì biểu hiện dễ nhận thấy nhất là hiện tượng tranh nhau giành giật mối lợi, tranh nhau nịnh sếp để … được phần lợi hơn, không muốn bị thua kém. Thực ra trong hoàn cảnh này cũng có tồn tại tâm lý truy cầu lợi ích, nhưng tôi nghĩ cũng có cả tâm tật đố không muốn thua kém đồng nghiệp khác về lợi ích. Ví dụ thế này: Ông Sếp giao công việc báo cáo về hoạt động kiểm kê công nợ cho nhân viên A, một nhân viên là B khác làm cùng phòng do thấy sếp quá mức sủng ái A, liên tục hỏi han A về tình hình công việc chứ không còn hỏi mình như hồi trước nữa. Do việc kiểm kê công nợ giữa A và công việc thu hồi công nợ của B là có mối liên hệ. Vì nhân viên B muốn giành lại sự ưu ái của sếp nên trong quá trình nhân viên A báo cáo, B thậm chí chen vào nói thay cho A, có khi A đang báo cáo đến đoạn tìm kiếm thông tin phải chờ một lúc thì B đã nhảy vào nói hộ cho rồi. Nhân viên A cảm thấy như vị thế của mình khi đó trong mắt sếp dường như bị đe dọa, cảm thấy lợi ích của mình bị ảnh hưởng nên tỏ ra rất khó chịu, trong tâm liên bất bình và nghĩ “Tại sao công việc của tôi ông lại cứ thích chen vào, việc ai người nấy lo chứ?”. Thế là giữa 2 nhân viên này xảy ra mâu thuẫn. Nếu nhân viên A là học viên thì có lẽ sự việc này đến là để xem A có buông bỏ được cái tâm về sợ mất lợi ích và tâm tật đố sợ người khác hơn mình về lợi ích hay không? Tôi từng trải nghiệm hoàn cảnh kiểu như trên và quả thật đúng là chỉ sau khi tâm chấp trước được nhận ra và tống khứ kiên trì trong vài ngày thì sự tình đột nhiên cải biến theo cách không thể nào mà hiểu được, nhưng lúc đang trong mâu thuẫn thì đúng là cảm giác rất khó chịu, rất bế tắc.

3. Cười/chế giễu/mỉa mai trên sự đau khổ, thất thế hay si ngốc của người khác, coi thường người khác

Thực ra tâm tật đố không chỉ xuất hiện với những ai mà có cái gì đó tốt hơn bản thân mình, mà kể cả với người gặp chuyện thất thế, chuyện rủi ro hay tai nạn nào đó thì tâm tật đố cũng khiến bản thân cảm thấy “khoan khoái” trong tâm. Tất nhiên, có thể biểu hiện của cái tâm này nó sẽ không quá rõ ràng để người tu nhận ra khi đó, thậm chí người tu bề mặt khi nghe tin người đó gặp chuyện không hay còn tỏ vẻ thông cảm, chia buồn v..v. Nhưng sâu trong tâm là một sự khoan khoái dễ chịu vì do cái tâm Tật Đố kia phản ánh ra. Nó không chỉ với những người hơn mình mà nó còn thể hiện ra với ngay cả những người kém hơn mình. Nó biểu hiện một dạng thức coi thường người khác. Kiểu như "Nó làm gì có khả năng đó", "Nó mà làm được gì", "Tôi biết rõ tên này chả tốt đẹp gì đâu" v..v

Thông thường, để không bị gán cho cái mác “ghen ăn tức ở” thì người ta khi bị cái Tâm Tật Đố điều khiển sẽ tinh vi hơn trong cách biểu hiện. Kiểu như là nói ẩn ý, nói đùa, nói vui. Họ làm vậy là vì nếu có lỡ bị người khác phản ánh lại thì họ cũng có thể tự bao biện rằng họ chỉ … nói vui thôi mà? Đâu có ý gì đâu? Nhưng đó chỉ là phương pháp tự bảo vệ phòng khi có biến họ cố ý giăng ra trước mà thôi. Kỳ thực cách thức chế giễu, cười cợt thông qua kiểu trêu đùa, nói vui này là hay được áp dụng nhất vì người bị chế giễu không thể phản ứng lại được vì nếu không sẽ bị người kia đập ngược lại là “tôi chỉ đùa thôi mà, làm gì mà phải căng thẳng lên thế?”. Từ “nói vui” ở đây là để thòng, để nói rằng sự chế giễu kia của họ là không có ác ý, nhưng sâu bên trong tâm của họ thì không hẳn như vậy, cái Tâm Tật Đố đó là có ác ý, nó khoái chí vì có thể hạ thấp người khác xuống. Thực ra còn nhiều kiểu mỉa mai ngầm khác, người ta hiểu được ý mỉa mai trong đó nhưng cũng không làm gì được, ví dụ gặp một người quá cổ hủ về mặt công nghệ thì họ ví von người đó theo những từ ngữ kiểu như “người đặc biệt”, “của hiếm”, “giờ tìm được người như bác khó lắm” v..v nhưng kỳ thực ẩn ý trong đó là có ý mỉa mai, chế giễu họ. Nó cũng na ná như tâm cầu hư vinh, cầu danh vậy, càng được khen thì càng khoái trá, càng cao hứng, nhưng nếu không ai khen, không ai tung hô thì gục đầu ủ dột. Bản chất của cái tâm Tật Đố này là không muốn ai hơn nó, do đó ở một góc độ nào đó tôi cho rằng nếu người kia càng thấp hơn nó thì nó càng khoái chí.

Trong xã hội hiện nay có một kiểu nghệ thuật gọi là Hài kịch. Kỳ thực, theo thiển ngộ của tôi đó không khác gì là một nơi làm bùng phát và “hợp thức hóa” việc chế giễu của Tâm Tật Đố cả. Những người đi diễn hài họ nhắm vào cái tâm lý muốn hơn người khác của đám đông người xem, họ càng diễn sao cho hạ thấp bản thân xuống, làm cho bản thân ngờ nghệch, trở nên ngu dốt thì người xem càng khoái trí. Người ta bảo rằng xem hài là để giải trí, kỳ thực tôi nghĩ rằng họ xem hài là để cho cái tâm Tật Đố kia giải trí thì đúng hơn. Họ thường nói là hài phản ánh hiện thực xã hội, nhắm vào những bất công xã hội, đả kích những cái chướng tai gai mắt của người dân. Nhưng ở một góc độ nào đó, hài cũng là một nơi người ta phát tiết cái tâm Tật Đố ra, nơi đó người ta cảm thấy mình hơn người khác, cảm thấy mình có giá trị hơn người khác và thấy những thứ si ngốc của những nhân vật trong những tiểu phẩm thật quả là quá đáng cười. Nhưng tôi nghĩ vì ai cũng như vậy nên họ cho rằng cười khi xem hài là bình thường, không có vấn đề gì, lâu dần e là nó đã trở thành tự nhiên mất rồi. Về sau này khi đi ra đường, khi sinh sống, nói chuyện mà họ bắt gặp hay nghe nói về những hiện tượng hay ai đó mà có vẻ thấp hơn họ, thì rất dễ nhận ra là họ sẽ quay sang cười đùa, chế giễu. Đôi khi chỉ đơn giản là một tiếng bật cười thôi cũng rất có thể là có tâm Tật Đố ẩn sâu trong đó. Khi họ cười tức có thể là cái Tâm Tật đố kia nó đang khoan khoái vì thấy người khác yếu hơn nó, nó sẽ phản ánh sự khoan khoái này lên tâm người ta, nó giống như một cảm giác sai khi hút thuốc lá vậy, nên họ dần cho rằng cười đùa là một thang thuốc bổ, nhưng rất nhiều khi có những phạm trù mà cười đùa họ tạo nghiệp mà không biết, nhất là cười đùa về phương diện quan hệ nam nữ. Lúc này cái quan niệm "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" kia có lẽ không còn đúng nữa, mà có khi phải là "một nụ cười bằng mười thang thuốc độc" thì đúng hơn. Cho nên tôi nghĩ, càng tu lên cao thì tiêu chuẩn tu luyện càng nghiêm khắc hơn, do đó cũng càng phải quản chặt tâm và cũng phải để ý từng lời nói hay biểu hiện của bản thân, đôi khi chỉ là cười đùa nhưng vấn đề ẩn đằng sau không đơn giản đâu.


Còn cái gọi là cười hay vui mừng khi thấy người khác đắc được gì đó tốt, tôi thấy rất nhiều khi những người mà mình cười đó đều là người thân hay có lợi ích với họ thì họ mới biểu hiện như vậy. Ví như một người con thi đỗ đại học thì cha mẹ cười vui chúc mừng, nhưng nếu con người hàng xóm thi đỗ thì liệu họ có cười vui như vậy hay không? Hay như một cá nhân trong ekip lợi ích thăng quan tiến chức, thì gần như tất cả những thành viên trong ekip đó cũng sẽ vui mừng vì sau này sẽ có được lợi ích cao hơn đúng không (Tất nhiên vẫn có Tật Đố ngầm trong đó, nhưng vì chưa đủ điều kiện và hoàn cảnh để nó phát tác ra)? Liệu có thể Cười khi người mình Tật đố đắc được điều tốt? Nếu có thể làm vậy thì có lẽ phải diệt trừ cái Tâm Tật đố kia trước đã.

4. Trở nên ích kỷ, dễ nóng giận và hay đổ lỗi cho người xung quanh hoặc ngoại cảnh vì những sai sót của mình

Vì tâm tật đố khiến một người bất bình khi thua kém người khác và vui mừng khi người khác gặp điều không tốt. Nó cũng khiến bản thân người có tâm tật đố không chịu nổi khi bị phê bình, bởi có thể không nhất định họ là hoàn hảo hết mọi phương diện. Khi bị phơi bày cái sai, cái không tốt của bản thân họ ra thì ngoài việc họ bị mất mặt, ảnh hưởng đến cái tâm cầu hư danh ra thì họ cũng khó chịu vì nếu họ thừa nhận họ sai thì chẳng lẽ họ cũng ngang như tự hạ thấp mình xuống? Bởi tâm Tật Đố kia không muốn thua kém người khác, và việc nhận sai cũng ngang với chấp nhận thua kém người khác nên nó ắt sẽ phản ánh sự bực tức, khó chịu vào trong tâm người tu. Nó sẽ tìm cách kể lể hoàn cảnh, bao biện hoặc bí quá sẽ bới lông tìm vết những cái sai của chính người phê bình họ đổ vào đầu bản thân. Biểu hiện bề ngoài là người có tâm tật đố khi bị phê bình thường tìm cách quanh co đổ lỗi cho người khác hoặc thậm chí công kích ngược lại người đã phê bình họ (Tất nhiên cũng có cả tâm hư vinh, sợ mất hình ảnh, sợ mất danh khởi tác dụng trong lúc đó). Câu nói nổi tiếng hay được sử dụng đó là “Ông tự xem lại mình đi rồi hãng nói người khác”, hoặc “Tự mình làm tốt đi đã rồi hẵng nói người khác”, “Ông làm được như tôi chưa, cống hiến được như tôi chưa mà đi phê bình tôi” v..v. Đó là nó (Tâm Tật Đố) tìm những điểm yếu của người khác, đem ra công kích để nhằm hạ thấp những người đó xuống ngang với mình, để nếu bản thân có mắc lỗi sai thật thì cũng không có thua kém gì với những người đã phê bình mình. Tôi nghĩ có thể cũng chính cái tâm này khiến người tu luyện khó buông bỏ và sửa cái sai của bản thân mình, thậm chí dù họ có ý thức rõ cái sai đó nhưng họ cũng rất ngại ngùng hay chần chừ sửa chữa vì vẫn còn bị tâm Tật đố gây cản trở, họ vẫn còn bứt rứt không muốn thua kém những người kia.

Vì Tâm Tật Đố không muốn ai hơn mình, nên nó cũng lấy bản thân làm trung tâm, chỉ muốn cái gì tốt cũng thuộc về mình, không muốn thứ tốt thuộc về người ta vì nó sợ người ta sẽ hơn nó, dần dần nó tăng trưởng cái tâm lý ích kỷ chỉ nghĩ cho lợi ích của chính mình. Vì nó không muốn thua kém người khác nên khái niệm chịu thiệt, chịu khổ càng không hề tồn tại trong suy nghĩ của nó. Nếu nó phải chịu thiệt, phải chịu khổ hay gặp bất lợi hơn người khác thì nó sẽ khiến cho người ta trở nên dễ cáu giận. Ví dụ như đi ăn nhà hàng, bản thân mình vào trước nhưng phải chờ rất lâu mới được phục vụ, người kia vừa vào ngồi cái đã được phục vụ tận tình, bản thân liên tỏ ra khó chịu và quay sang kiếm cớ gây chuyện với nhân viên nhà hàng như là thái độ phục vụ không tốt hay chất lượng quản lý kém khiến khách phải chờ v..v. Những người hay cáu gắt, hay nóng giận tôi nghĩ có thể nguyên nhân chủ yếu chính là do cái tâm Tật Đố này gây ra. Vì họ quá xem trọng lợi ích của bản thân và không muốn chịu thiệt, chịu khổ hơn người khác, không muốn người khác động đến lợi ích của họ, thứ gì họ càng xem trọng thì càng không muốn người khác động vào nên chỉ cần hơi gặp chuyện không vừa ý thì họ có thể trở nên cáu giận, sự cáu giận của họ là vì cái tâm Tật Đố kia nó sợ thua thiệt, thua kém người khác thao túng họ. Nó nóng giận và quay sang đổ lỗi cho người gây ra sự khó chịu, không thuận ý của nó.


VD: Khi một ông A đi ăn bún buổi sáng, ngồi cùng bàn với một ông B (2 ông này không quen biết nhau). Trên bàn có một hộp giấy ăn, ông B khi vừa đến ngồi xuống cầm ngay hộp giấy ăn đó dịch về sát phía mình và giữ khư khư hộp giấy ăn đó. Ông A ngồi đối diện cảm thấy khó chịu, trong đầu nảy ra ý nghĩ "Người đâu bất lịch sự, lớn đầu rồi hành xử như trẻ con". - Trong vụ việc này, nếu ông A là người tu luyện thì có thể sự việc đó tôi nghĩ là đến để giúp ông A buông bỏ tâm Tật Đố. Vì sao, vì nó động đến cái gọi là "thua thiệt về lợi ích vật chất". Moi cái tâm Tật Đố không muốn thua kém người khác ra nhưng khi lên đến bề mặt thì nó lại được ngụy trang bằng cách cho rằng ông B là "bất lịch sự", chính là để xem ông A có nhận ra cái Tâm đó nó đang cố gắng thao túng mình hay không? Nhận ra được thì ông A khi bỏ nó đi có thể sẽ lại cảm thấy không khó chịu nữa, vị B kia có thể cũng sẽ trả lại hộp giấy chứ không ôm khư khư nữa. Người thường có thể cho rằng ông A khi đó khó chịu với ông B là đúng, nhưng để bỏ tâm Tật Đố thì ông A phản ứng ra như vậy lại không nhất định là đúng, bởi rõ ràng tôi thể ngộ phải thông qua mâu thuẫn mà đề cao lên đúng không, có ai suốt ngay vui vẻ cười đùa với mình mà đề cao lên được đâu? - Có thể lấy ví dụ tương tự như là khi đang xếp đồ mua hàng thì có người chen ngang lên trước mình, đi ăn bị phục vụ lâu, con cái không nghe lời v..v. Đại khái là gặp đủ thứ va chạm lợi ích thiết thân, một phần trong đó tôi nghĩ cũng đều là để bỏ tâm Tật Đố trong đó.

5. Lời khen, xu nịnh có tác dụng “bổ trợ” tâm tự mãn, hư vinh nhưng cũng đồng thời “tăng lực” cho tâm Tật Đố Nhân tiện khi đang phân tích qua về lời khen đối với tâm Tật Đố thì tôi cũng mạn phép nói sơ qua chút về Tâm Hư Vinh và Tâm Tự Mãn một chút:

Tâm hư vinh theo tôi kinh nghiệm thì là một dạng chấp trước vào bồi đắp và bảo vệ cái hình tượng tốt đẹp của một người, “tốt đẹp” đó nó có nhiều cách hiểu: Có thể là giỏi giang, ga lăng, nhà giàu, đẹp trai, xinh gái, có năng lực tốt, tu luyện tốt, thành tích chứng thực Pháp tốt v..v. Nó – Tâm Hư Vinh là càng muốn theo đuổi trong việc tạo dựng và phát triển nhiều dạng hình tượng, có người vừa muốn tạo ra hình tượng tu tốt, vừa muốn tạo ra hình tượng nhân viên giỏi tại công ty. v..v. Tại sao nó muốn theo đuổi trong việc tạo dựng và phát triển những dạng hình tượng đó? Vì nó truy cầu lời khen, lời ca tụng, lời tung hô, sự sùng bái - Đó là những thứ “hư” – Không nhìn thấy được, không thật v..v. Ngược lại, ai mà chê bai họ, làm mất hình tượng của họ thì họ có thể sinh tâm oán hận, nghiến răng kèn kẹt và tìm cách trả thù người làm họ mất mặt. Cái tâm này không thích bị chê, bị phê bình, không phải họ không biết họ sai nhưng vấn đề là họ sợ mất cái hình tượng họ đã mất công tạo nên. Cho nên mới có thể loại là góp ý nhưng yêu cầu phải làm tế nhị, phải làm kín chứ không muốn bị góp ý công khai, cái sai đó chỉ muốn ít người biết thôi, không muốn bị nhiều người biết vì sợ mất hình tượng. Với người tu luyện mà có tâm hư vinh mạnh thì khi chịu nhận góp ý thì còn truy cầu lời góp ý đó phải Thiện, phải Từ bi thì họ mới tiếp thu được, kỳ thực là họ biết họ sai rồi nhưng phải giữ thể diện cho họ.


Nếu một dạng hình tượng nào đó mà không có tác dụng gì, không có giá trị gì, chả được ai khen, ai để ý thì thông thường nó sẽ không bỏ công sức đầu tư vào loại hình tượng đó. VD: Làm việc từ thiện. Có người có tâm hư vinh mạnh thì khi làm từ thiện họ muốn phải có ảnh chụp cận cảnh họ phát quà cho người nghèo rồi sau đó được đăng báo kể lể là họ quan tâm đến người nghèo thế lọ thế chai. Còn nếu người ít tâm hư vinh, thì họ âm thầm làm, không kể lể công lao hay ghi danh, thậm chí còn yêu cầu vô danh. Do vậy, bảo người có tâm hư vinh mạnh làm những việc âm thầm, không có chụp ảnh đăng báo, chả ai biết họ là ai thì họ thường né tránh không làm. Người càng muốn giữ hình tượng thì cũng có thể sẽ tìm mọi cách để bảo vệ hình tượng đó khỏi bị sụp đổ. Giống như ví dụ tôi nhớ khi Sư Phụ giảng (tôi nhớ đại ý) về vị khí công sư giả khi trị bệnh không được thì sẵn sàng chấp nhận chịu thay căn bệnh đó cho người bệnh - chỉ về để bảo vệ cái danh "khí công sư", nghe người ta gọi mình một câu "khí công sư" thì cảm thấy rất khoan khoái, dễ chịu. Còn trị bệnh không được, bị mất hình tượng thì cảm thấy buồn phiền, chán nản, gục đầu ủ dột. Tôi thể ngộ rằng cái "khoan khoái", "ủ dột" đó là do cái tâm hư vinh kia nó phản ánh ra giống như nghiệp tư tưởng phản ánh lời thóa mạ người khác vô tư tưởng người ta vậy. Nhưng, nó không phải là suy nghĩ của bản tính người đó, nếu trong tâm càng cao hứng thì tôi nghĩ nó điều khiển chủ nguyên thần càng vững chắc và không tống khư nó đi được. Chỉ khi người tu Đại Pháp phân biệt được những tư ưởng kia không phải là họ nghĩ, bài xích nó, không nghe theo nó thì tôi thể ngộ rằng lúc đó Sư Phụ mới giúp tống khứ đi được, nhưng cũng là tống khứ từng chút một chứ không phải một lần là hết sạch, chỉ là nó sẽ càng lúc càng yếu đi thôi. Người thường thì tôi nghĩ họ có thể rất khó nhận ra, mà có nhận ra cũng khó mà tống khứ nó đi dược bởi vì tự bản thân họ không có lực lượng để làm việc ấy, trừ phi họ tu luyện.

Tâm Tự mãn – thì có thể tạm suy ngay ra từ cấu tạo từ. “Tự Mãn” – Mãn tức là đầy, tự mãn giống như tự cho rằng mình là một cốc nữa đã đầy. Còn khiêm nhường hay còn gọi là “Tự Khiêm” thì tự cho rằng mình còn chưa đầy, còn yếu. Vì người có tâm Tự Mãn, họ tự cho rằng mình đã “đầy” nên họ không thể tiếp thu thêm được, nếu có đổ thêm nước vào cái cốc đầy thì nó chỉ có tràn ra thêm thôi. Cũng tức là người có tâm Tự Mãn họ rất bảo thủ, không thể bao dung những tư tưởng trái ngược mình, vì họ tự cho rằng bản thân họ là đúng. Họ cũng trở nên tuyệt đối hóa cái nhìn của bản thân mình với sự vật, con người xung quanh nên dần dần những khiếm khuyết trong nhận thức của họ sẽ bộc lộ ra qua thời gian. Phàm những người làm việc gì cũng thuận lợi, làm việc gì cũng dễ dàng hoặc làm gì cũng tốt, phán đoán điều gì cũng xảy ra như những gì tiên liệu thì rất dễ sinh ra ảo tưởng rằng bản thân mình có “tài”, có “bản sự”. Nhưng có một điều rằng những thứ mà họ cho là thuận lợi hay cái gì cũng hoàn thành dễ dàng đó có thể rất nhiều khi là do một nguyên nhân khác – đó là Đức của họ tích từ nhiều kiếp hoán đổi được. Nhưng họ vì ở trong mê, không thấy được sự thật đó nên lại bị cái tâm Tự Mãn kia nó huyễn hoặc trong tâm rằng họ có bản sự. Họ lại bị nhồi nhét nhiều thứ lý luận bài xích sự tồn tại của Thần, hoặc duy vật, thích khoa học nên lại càng cho rằng làm được những việc đó là do bản sự của chính họ, thế là họ bị tâm Tự Mãn kia thao túng dần, thời gian lâu nó thậm chí còn trở thành một bộ phận tư tưởng của họ, họ mặc định những gì nó nghĩ, nó phản ánh vào đầu đều là họ nghĩ.

Đặc điểm của loại tâm này là phát tán sự “ảo tưởng” do sự giãn cách bởi cái mê với cái chân lý của vũ trụ. Thực ra, cái Mê này trong quá trình học Pháp, tôi thể ngộ ra rằng ở ngay tại từng tầng không gian cao hơn cũng vẫn còn tồn tại, những sinh mệnh bên trên họ chỉ thấu triệt mọi thứ từ tầng của họ trở xuống, còn cao hơn thì họ không biết, nên họ cho rằng chính những gì họ biết, họ nhìn thấy là đúng đắn tuyệt đối, nhưng như những gì Sư Phụ đã giảng tôi nhớ đại ý không nguyên văn là nó còn sai khác nhiều. Khi một người tu luyện họ muốn nhận thức mới hơn, nhận thức cao hơn thì tôi thể ngộ họ phải thoát khỏi cái sự ức chế cản trở của tâm Tự Mãn kia. Nếu không thì không đạt tiêu chuẩn của Pháp tại tầng cao hơn thì họ sẽ không được cho phép đề cao lên (Tất nhiên còn xét tới nhiều phương diện khác nữa chứ không phải chỉ nói riêng về tâm Tự Mãn). Tôi thể ngộ rằng càng tu lên cao thì một người tu càng thấy bản thân mình còn quá nhỏ bé so với chân tướng thực sự của vũ trụ, họ nhận ra những gì họ quan niệm định cứng trước đây là sai. Ví như trước đây khi họ chưa tu họ cho rằng thành công của họ là do bản sự của chính họ, khi tu luyện đề cao lên, họ thấy được rằng nhiều khi sự việc thành công không hẳn là hoàn toàn do bản sự của họ mà do mà do một sự tình nào đó đột nhiên nảy sinh không theo dự đoán của họ, rồi đề cao lên nữa họ lại thấy nhiều việc hoàn thành đôi khi không còn phụ thuộc vào năng lực của họ nữa, dần dần cái niềm tin cho rằng mọi thành công do bản sự của họ càng ngày càng bị yếu dần đi, cũng tức là cái tâm Tự Mãn đó cũng bị làm cho yếu dần đi, phía bản tính của họ ngày càng phát xuất ra nhiều lên, bắt đầu nhận thức ra được chân lý, thấy rằng họ quá nhỏ bé so với những gì đang diễn ra trong vũ trụ này.

Tất nhiên, sự “ảo tưởng” rằng bản thân họ đầy này đương nhiên cũng rất thích lời khen, sự sùng bái, xu nịnh bởi những thứ đó càng làm củng cố niềm tin rằng những gì mà họ tự cho là họ đúng, họ tốt là chân lý. Nếu họ là người tu luyện thì dần dần họ thậm chí còn tự cho rằng mình tu luyện hẳn là rất tốt, rồi dần dần thậm chí còn cho rằng họ có bản sự này nọ, lớn nữa thì thậm chí còn cho rằng họ còn xuất sắc hơn cả Đại Pháp. Ma ở không gian khác tôi nghĩ rất có thể họ sẽ thấy sự ảo tưởng này của người tu, thế là cứ dùi vào cái sơ hở đó đổ đủ thứ bơm thổi về bản sự của họ vào tâm não của người tu, khen họ đủ kiểu, thậm chí còn nói vào đầu họ đại thể như là “mình quả là xuất sắc”, “mình là thế lọ thế chai”. Càng như thế thì cái tâm Tự Mãn càng phình to ra, như thế thì tương đương họ không còn đạt tiêu chuẩn mà họ vốn tu lên từ trước đó, họ có thể sẽ bị rớt tầng xuống vì tôi nhớ giống như ví dụ mà Sư Phụ giảng trong Pháp (đại ý, không nguyên văn) về một chai nước, càng đổ nhiều thứ xấu ra khỏi chai thì nó càng nổi lên trên; tôi có thể ngộ nông cạn rằng cái chai đó có thể nổi lên thì cũng có thể hạ xuống, tùy thuộc vào việc những chất dơ bẩn trong chai đó được đẩy bớt ra hay tích lũy nhiều thêm. Mà càng chìm xuống dưới thì tôi nghĩ những tư duy, suy nghĩ của họ lại bắt đầu tiệm cận với tư tưởng của người thường, lại bắt đầu bị những tư tưởng của người thường can nhiễu và thậm chí còn suy xét vấn đề chính bởi tư tưởng của người thường nếu cái tâm Tự Mãn kia càng phình to trầm trọng. Họ càng cứng đầu tự cho rằng họ đúng và không nghe khuyên can thì có thể lại càng nhanh rớt xuống. Nếu ảo tượng quá nặng, đến mức thành như Tự Tâm Sinh Ma thì Sư Phụ có giảng tôi nhớ rằng (đại ý) là họ có thể rớt xuống đến đáy và rất khó tự vực lên được. Có người khi đó nhầm tưởng rằng chủ ý thức của mình rất mạnh, không chịu sự định hướng của người khác, kỳ thực là họ bị cái tâm Tự Mãn kia thao túng quá chặt, chặt đến mức họ tuyệt đối hóa những gì họ nghĩ và thay vì họ suy nghĩ một cách khách quan, họ tìm mọi cách bài xích tư tưởng trái ngược họ, họ xem cái quá trình bài xích đó là quá trình thể hiện ý chí mạnh mẽ của chủ ý thức, thực ra lúc đó tôi nghĩ là cái ý chí của tâm Tự Mãn đang thao túng họ mạnh mẽ chứ không phải phía bản tính của họ mạnh mẽ, bản tính của họ đầu hàng từ lâu rồi.

Còn nói về Tâm Tật Đố, nó không hẳn là sự ảo tưởng, nó nhận biết rõ sự hơn thua giữa nó và người khác và nó nhấn mạnh vào sự hơn thua đó, kỳ thực tôi nghĩ nó rất thực tế. Ví như nếu nó thấy người khác được khen về sự học hành tốt của một người nào đó, nó liền bất bình trong tâm, nó phản ánh sự bất bình đó vào tâm người ta. Nó cho rằng “tại sao không khen tôi, tôi cũng học tốt không kém”. Tức là nó muốn rằng nếu khen thì phải khen cả nó, nếu chỉ khen mỗi người kia thì nó không phục, vì nó tự cho rằng nó không thua kém gì người kia.

Học viên trong quá trình tu luyện có kiến giải, hay kinh nghiệm nào đó, nếu họ thấy rằng ý kiến hay kiến giải của học viên nào đó không bằng mình, không hợp lý, khách quan và sâu bằng mình nhưng lại được số đông ủng hộ, họ cũng có thể bị cái Tâm Tật Đố do không phục mà phản ánh sự bất bình vào tâm của họ. Hay giữa sự lựa chọn làm vị trí nào đó, họ cho rằng trước đây họ đã cống hiến nhiều cho Đại Pháp, làm được nhiều việc thì rõ ràng vị trí đó phải dành cho họ, nhưng lại bị một học viên khác lấy mất, tâm họ bất bình không phục và có thể nghĩ “tại sao lại chọn cô ấy, tôi làm được bao nhiêu việc, có nhiều kinh nghiệm, tu cũng lâu hơn cô ấy, tại sao không chọn tôi?”. Có người do quá bất bình thậm chí còn lôi kéo nhiều học viên khác tụ thành một nhóm riêng, không tuân theo nhóm cũ do học viên được chọn kia đảm nhận. Cái tâm Tật đố không muốn thua kém người khác sẽ tìm đủ mọi lý do để bao biện, để tỏ ra không phục và bất bình, nó sẽ phân tích và nghĩ hộ người tu rồi nó sẽ phản ánh các lý lẽ đó vào tâm người tu, kiểu như: Tôi tu lâu hơn (chấp về thời gian tu), tôi ngộ Pháp tốt hơn (chấp vào tầng thứ tu luyện), tôi làm được nhiều hơn (chấp vào thành tích công việc), tôi trải nghiệm nhiều hơn (chấp vào kinh nghiệm), tôi biết nhiều hơn (chấp vào hiểu biết), tôi giỏi kỹ năng này hơn (chấp vào kỹ năng) v..v. Trừ phi người nào đó ở mọi mặt phương diện đều hơn hẳn thì nó sẽ tạm ỉm đi, nhưng nó sẽ biểu hiện sang căn bệnh “Mắt đỏ” – tức là mắt nhìn chằm chằm vào người hơn họ kia, tạm thời bây giờ họ chưa có cớ hay lý do, thì họ sẽ theo dõi sát sao mỗi biểu hiện hay lời nói của người đó để bắt lỗi về sau, rồi thậm chí còn phóng đại những cái lỗi đó ra để hạ thấp họ.

Nếu nó mà được khen, thì tất nhiên nó sẽ ngầm hoan hỷ trong tâm, nên cái gốc của tâm hoan hỷ đó nhiều khi theo tôi nghĩ có nguồn gốc từ cái tâm Tật Đố, tất nhiên cũng có phần xuất phát từ tâm Tự Mãn hay Hư Danh nữa, còn cần tùy xem sự việc mà bản thân người bị tâm Tật Đố điều khiển kia được khen là sự việc gì, phân tích sâu xuống thì có thể sẽ thấy được là vì sao họ cảm thấy Hoan Hỷ. Bản thân việc tiêu trừ cái tâm Hoan Hỷ đó (tất nhiên nó cũng là một dạng sinh mệnh sống trong tâm người tu) nhiều khi chưa hẳn là diệt tận gốc, vì tôi nghĩ ắt phải có chấp trước vào thứ gì đó mà họ cho là tốt với họ thì khi được thứ tốt như được khen, được tung hô thì mới hoan hỷ.

Tôi chỉ ví dụ thế này: Bản thân bị sếp phân cho một công việc vất vả, rất phức tạp, bản thân cũng không muốn nhận nhưng vì sếp ép nên miễn cưỡng phải nhận, các đồng nghiệp ngoài phòng không cùng chuyên môn với họ thấy thế tưởng là họ được sếp ưu ái nên phân việc lớn nên tung hô, khen ngợi họ bảo rằng họ phải tốt số lắm mới được phân (còn đồng nghiệp cùng phòng có khi mồm thì và tiếc nuối vì không được sếp phân, nhưng trong tâm thì hoan hỷ vì thoát được kiếp nạn việc khó). Lúc này tôi nghĩ họ mà được khen thì không những không hoan hỷ một chút nào hết mà thậm chí còn quay ra than thở kiểu như “Các ông không biết đấy thôi, chứ việc này nhìn tưởng ngon nhưng khó nhằn lắm, không dễ xơi đâu, có khi làm không được còn bị ăn chửi ý”.

Ở một số quốc gia Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc. Nếu họ mà thực sự đạt được lợi ích, thì thông thường họ lại kiềm chế không tỏ ra hoan hỷ, thậm chí còn cố ý giấu nhẹm cái tốt mà họ đạt được đó đi không để người ta biết. Như quan chức tham nhũng thì có lợi ích thì lén lén lút lút che đậy thật kỹ vì sợ người ngoài biết họ sẽ thấy bất bình trong tâm (vì không được lợi ích lớn như vậy) và với danh nghĩa phơi bày tham nhũng họ sẽ tìm cách phá rối. Cho nên, thông thường họ muốn thành tựu trong tham nhũng họ phải lôi kéo nhiều người, làm họ cho cũng được lợi ích để họ không bất bình mà phản đối. Vì họ biết rõ, nếu những thứ tốt của họ mà bị lộ ra thì người xung quanh sẽ bất bình trong tâm vì cảm thấy thua thiệt, cảm thấy không bằng người ta. Có một dạng thức phổ biến thế này: Khi ai đó đạt được thứ gì đó tốt, được khen thưởng, hay mua điện thoại mới mà nhiều người biết, họ mà không “khao” một chầu thì kiểu gì cũng sẽ bị nhắc khéo “Mua điện thoại mới mà không khao à?”. Thực ra, giữa cái việc ai đó mua điện thoại và việc khao người ta nó chả liên quan gì, việc “khao” đó chỉ là nhằm giải tỏa cái bất bình của cái Tâm Tật Đố trong tâm người ta thôi, nó như thể là phải thể hiện sự “chịu thiệt” nhất định trước mặt mọi người thì tâm mọi người mới bình hòa chút lại được. Nếu người tu buông bỏ cái Tâm Tật Đố này càng nhiều thì thay vì chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân thì có thể họ sẽ ngược lại quan tâm đến người khác nhiều hơn, biết nghĩ và thông cảm cho người khác nhiều hơn, cũng có khả năng chịu thiệt chịu khổ, khả năng Nhẫn nại cũng nhiều hơn. Họ có thể sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều khi thấy có người tu khác vượt trội hơn mình hay bản thân bị đặt vào hoàn cảnh bất công, không thuận lợi. Tất nhiên tôi nghĩ buông bỏ cái tâm này là cần phải qua một quá trình trường kỳ mới dứt hẳn được, không phải chỉ qua vài quan ải, vài khảo nghiệm là không còn tâm Tật Đố nào nữa. Kỳ thực tôi thể ngộ rằng nó còn ẩn chứa trong nhiều phương diện của cuộc sống, chỉ là chưa có hoàn cảnh mà do Pháp Thân của Sư Phụ an bài moi nó đả xuất ra bề mặt cho chúng ta thấy mà thôi.

Trên đây là nhận thức về tâm Tật Đố của tôi tại tầng thứ sở tại, vì thể ngộ còn hạn chế nên có thể sẽ còn có nhiều điểm khiếm khuyết cần bổ sung chỉnh sửa. Rất hy vọng nhận được sự góp ý của học viên.

bottom of page