top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Mâu thuẫn chính là hoàn cảnh đề cao tâm tính

Đã cập nhật: 6 thg 6

[21/4/2023] Đông Lai


Tôi trong quá trình tu luyện, khi giao tiếp với người thường hay kể cả với học viên, dù trong các mối quan hệ nào, thì cũng đều hay gặp rất nhiều mâu thuẫn. Thời kỳ đầu mới tu, lúc đó tôi chưa có lý giải gì về tu luyện, đọc sách xong thì chỉ cảm thấy bản thân là nên sống tốt; Nếu có gặp mâu thuẫn, lúc đó tôi chỉ hơi lờ mờ ý thức được có cái gì đó không đúng khi tự nhiên có người gây sự với mình, cảm thấy bầu không khí rất căng thẳng, nhưng ngay sau đó tôi vẫn đi gây sự lại với họ. Đại khái giống như ví dụ Sư Phụ giảng trong sách Chuyển Pháp Luân, đó là có người vừa ra khỏi lễ đường thì liền trở lại là họ khi xưa, lại vì danh lợi mà đi tranh đấu với người ta.


Về sau, khi tiếp tục thực hành tu luyện trong thực tiễn, tôi bắt đầu để ý hơn những sự "là lạ, không đúng đó", khi họ gây sự với tôi, tôi bắt đầu thay vì như trước đây giống như họ, đó là quay sang gây hấn lại, thì tôi bắt đầu suy nghĩ "hay đây là đến khảo nghiệm mình giống như trong sách nói?" - Tức là bắt đầu tôi có nhận thức rõ hơn về tu luyện, chứ không còn lơ mơ như giai đoạn hồi đầu mới bước vào tu nữa. Rồi tiếp tục dần dần về sau khi gặp mâu thuẫn, tôi càng để ý hơn đến những gì Sư Phụ giảng trong Pháp, tôi lúc này thay vì đi gây hấn với người ta, thì bắt đầu tập Nhẫn, tức là Nhẫn chịu khi bị người khác chửi bới, gây hấn hay gặp oan ức. Tất nhiên, giai đoạn này có lúc tôi Nhẫn được, cũng có lúc chỉ Nhẫn được một chút thì sau lại mất kiểm soát rồi lại đi cãi lộn lại với người ta. Nhưng thường khi Nhẫn thì tôi hay ứa nước mắt, cảm giác như mình phải chịu tủi nhục vậy.


Thực hành nhiều lên, bắt đầu tôi cảm thấy việc Nhẫn đó nó nhiều khi chỉ kiềm chế bớt cái khó chịu trong tâm tôi. Có lúc tuy Nhẫn được tốt, không gây sự với người ta, nhưng sau đó rất nhiều khi trong tâm tôi vẫn phảng phất những hình ảnh mà người kia lúc gây hấn với tôi, nó làm tôi vẫn tức sôi máu trong tâm, trong đầu vẫn đầy sự oán hận người đã gây sự với tôi; Thậm chí trong tư tưởng còn xuất hiện cảnh tôi trừng trị lại họ, làm tôi hả hê. Tức là dù Nhẫn tốt bề mặt, nhưng trong tâm tôi vẫn không hề cảm thấy an yên một chút nào, tôi lúc đó không khác mấy một quả lựu đạn, chỉ cần ai đó thêm dầu vào lửa, rút chốt an toàn ra là tôi có thể bộc phát cơn tức giận bất kỳ lúc nào. Dù có nhẫn được, có thể làm tạm yên cảm xúc nhất thời nóng giận, thi thoảng khi sự việc đó được gợi nhớ lại trong tâm, tôi vẫn cảm thấy khó chịu.


Ảnh minh họa

Lại phải qua một thời gian thực hành tương đối lâu, dần dần tôi mới hiểu ra cốt lõi vấn đề chính là nằm ở cái tâm của mình. Tôi chỉ Nhẫn bề mặt, nhưng cái tâm chấp trước vốn là gốc rễ của mọi sự khó chịu, giằng xé trong tâm tôi thì nó lại không hề bị động đến. Tôi tưởng rằng mình cứ Nhẫn chịu khi bị gây hấn, bị chửi bới, bị lăng mạ thì tức là tôi đang được Đức, đang tiêu Nghiệp, là tôi đang đề cao như trong sách Chuyển Pháp Luân giảng. Kỳ thực là không, tôi không hề đề cao một chút nào, có người thấy tôi Nhẫn tốt, còn khen tôi tinh tấn, nhưng tự tôi biết, trạng thái của tôi không phải là tu luyện chân chính, mà là giả tu! Bề ngoài tưởng có vẻ như đang tu luyện, nhưng thực ra thì không, cái tâm trong bản chất kia không hề cải biến chút gì hết.


Hiểu được vấn đề, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc buông bỏ tâm chấp trước. Nói là "buông bỏ cái tâm chấp trước", kỳ thực nói thì dễ, làm thì không dễ. Tôi lúc đó không rõ tâm chấp trước nó tròn méo hay biểu hiện nó ra làm sao, suy nghĩ mãi không ra, thế là tôi lại cắm đầu vào tự thực hành trong thực tế, khi đụng mâu thuẫn thì bắt đầu xem tâm mình phản ứng thế nào?


Hồi xưa tôi không hay để ý chuyện này, nhưng từ lúc thực sự bỏ công phu vào thực hành thì mới thấy đúng là có rất nhiều sự khó chịu. Lúc này tôi mới bắt đầu hiểu rõ hơn về vấn đề nghiệp tư tưởng mà Sư Phụ giảng trong Pháp, mới dần dần ý thức ra những tư tưởng chửi bới người ta trong đầu tôi không phải là tôi tự nghĩ ra mà là do nghiệp tư tưởng và những chấp trước kia phản ánh ra. Dần dần, khi gặp mâu thuẫn, thay vì thuận theo nó để xả cơn giận bằng việc gây hấn với người ta, tôi dần dần tự đặt câu hỏi: "Vì sao mình lại có cảm giác khó chịu?", "Vậy tại sao lúc họ khen mình thì mình lại không khó chịu?", "Vậy cảm giác khó chịu kia có thực sự là mình khó chịu hay không?".


Sau đó, tôi lại tiếp tục bỏ thêm thời gian suy nghĩ sâu xuống, tìm xem gốc rễ của cái sự khó chịu kia đến từ đâu? Thì tôi phát hiện ra rằng, có rất nhiều. Bao gồm là tâm cầu danh, tâm tự mãn, tâm hư vinh v..v. Nhưng giai đoạn đầu tôi chỉ biết được là có một hoặc một vài chấp trước như vậy. Nhiều khi có nhiều mâu thuẫn đến cùng một lúc, não tôi trở nên rất hoảng loạn không biết phải làm gì hay bắt đầu từ đâu. Thế là tôi bắt đầu tập ghi ra giấy, lúc đầu tôi gặp mâu thuẫn gì thì ghi ra hôm đó tôi ghi chú lại theo gạch đầu dòng, đến tối về tôi hay đem ra xem xét lại, suy ngẫm xem gặp mâu thuẫn đó thì tôi có chấp trước gì.


ảnh minh họa

Hồi mới đầu tu, tôi chỉ có thể từng khảo nghiệm đến thì giải quyết từng đợt một, nhưng sau này có lúc vài khảo nghiệm diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nên tôi chưa quen với một loạt tổ hợp nạn đến dồn dập như vậy, nạn này chưa kịp định hình thì nạn khác đã tới. Cách giải quyết khi đó của tôi là cứ ghi chú từng nạn đơn lẻ ra gạch đầu dòng, rồi khi tĩnh tâm lại tôi xem xét phân tích từng nạn một, xem rằng tôi có tâm gì đằng sau, có những lúc việc phân tích này làm tôi mất cả tuần chỉ với một vấn đề rất nhỏ nhặt. Tất nhiên, ghi chú như vậy không có nghĩa là quan đó tôi đã vượt qua tốt, có quan tôi chưa vượt qua được thì tôi vẫn ghi chú lại cho nhớ rồi sau suy xét lại để không bị quên đi mất, coi như rút kinh nghiệm để lần sau vượt quan tốt hơn.


Dần dần, tôi bắt đầu hiểu hơn về đặc điểm của các loại chấp trước khi học Pháp. Ví dụ như tâm cầu danh trong sách Chuyển Pháp Luân mô tả (đại ý) là khi một vị khí công sư được khen về việc mình có bản sự nào đó như trị được bệnh thì sẽ biểu hiện ra sự hoan hỷ, khoan khoái tự đắc, còn khi trị không được thì gục đầu ủ dột, chán chường. Ở cơ quan, có ai đó nói xấu, động đến danh của mình thì mình oán hận và muốn chơi lại họ; Rồi thì tâm tật đố không muốn thừa nhận mặt tốt của ai đó, không muốn ai hơn mình, bất bình khi được đối đãi không công bằng; Tâm khoe khoang khi bản thân có bản sự đang ngồi thiền thì bay lên, muốn được người ta khen ngợi mình v..v.


Khi đã hiểu được đại khái đặc điểm của các loại tâm này, khi gặp mâu thuẫn thì tôi sẽ tự hỏi vậy họ đã khiến cái tâm nào của mình khó chịu? Họ chửi mình, chẳng phải động đến danh của mình là gì? Vậy cái tâm cầu danh đó sẽ bị tổn hại, nó có hận người đã tổn hại nó không? Rõ ràng là có; Bản thân mình bình thường vẫn đối xử tốt với họ, giờ họ đột nhiên chửi mình, vậy mình có bất bình không? Có cảm thấy thua thiệt không? Có lại oán hận họ vì đối xử không đẹp với mình không? Rõ ràng là có. Thực hành nhiều lên thì tư duy của tôi cũng rõ ràng hơn, tôi cũng dễ nhận ra các loại tư tưởng trong đầu mình hơn lúc hồi đầu mới tu còn rất hỗn loạn. Lúc này tôi không cần phải sử dụng cách thức ghi chú nữa mà gặp quan nào tôi tìm cách hướng vào trong giải quyết luôn vấn đề đó. Tất nhiên, trong thực tế vẫn có những lúc tôi làm không tốt, nhưng ít nhất tôi biết tôi đang đi đúng đường và tôi cần phải nỗ lực thực hành tu tâm tính hơn nữa.


Khi tôi thừa nhận bản thân mình có những tâm đó, và trong đầu phát ra một niệm muốn phân tách rõ những cảm giác khó chịu kia không phải là do tôi phản ánh ra, mà là do chấp trước kể trên phản ánh ra, nó không phải là tôi và tôi muốn bài trừ nó ra khỏi tư tưởng. Kiên trì như vậy một chút, thì tự nhiên hoàn cảnh xung quanh thay đổi, cái cảm giác nặng nề khi họ chửi tôi kia không còn thấy mấy nữa. Lúc này, những ý nghĩ chửi bới người đã gây sự với tôi cũng bớt dần đi, trong tâm tôi cảm giác rõ sự khó chịu kia đang vơi bớt dần đi. Lúc này, qua nhiều lần thực hành, ngã sứt đầu mẻ trán, tôi mới dần thấm lời Sư Phụ, đó là phải thực sự cảm ơn người đã gây hấn với mình - Vì nhờ có họ mà mình mới nhận ra mình có chấp trước mà bỏ. Nhưng nếu tu theo kiểu Nhẫn bề mặt kia thì tôi không thể nào làm được vậy.


Có đôi khi trong cuộc mâu thuẫn, người chiếm lý thắng là tôi, nhưng họ vẫn cứ gây sự với tôi, tôi sau đó mới nhận ra rằng đúng/sai chỉ là hoàn cảnh được tạo ra để tôi tu bỏ chấp trước, ai đúng ai sai mà chẳng được, quan trọng là tâm chấp trước kia cần bỏ đi. Nói là vậy, nhưng cũng có lúc trong thực tế chứng kiến cảnh người khác sai lè lè mà họ vẫn cố cãi cho bằng được, còn chửi bới tôi nên khiến tôi có lúc nhịn không được quay ra cãi tay đôi với họ. Sau đó tĩnh tâm lại thì mới biết mình sai, họ đến để giúp mình bỏ tâm chấp trước, mà mình không tranh thủ mà tận dụng, không cảm ơn họ còn đi gây hấn với họ. (Tất nhiên là cảm ơn họ trong tâm, không nhất thiết phải nói ra miệng)


Cứ tiếp tục như vậy, tôi bắt đầu đào sâu hơn với nhiều dạng chấp trước khác nhau. Tiếp tục đào sâu hơn thì dần dần tôi hình thành thói quen tự xem xét tư tưởng của mình, xem niệm đầu phát sinh ra có vấn đề gì không? Nó có phải là chấp trước ẩn giấu không. Vì càng tu lên, tôi có cảm nhận rằng các chấp trước ẩn giấu càng kỹ hơn, nó cũng bắt đầu biết ngụy trang thành thứ trông tưởng là có vẻ tốt, thậm chí có liên quan đến tu luyện; Nhưng nếu xét kỹ, thì ẩn giấu phía dưới lại chính là thứ xấu, là tâm chấp trước.


VD: Tôi có biết một anh học viên (tạm gọi là anh A) và một chị học viên (tạm gọi là chị B). Cả hai đều đã có gia đình, và chỉ họ tu chứ người phối ngẫu không tu. Hoàn cảnh của anh A thì bình thường, nhưng của chị B thì ông chồng hay chửi bới, đánh đập chị này. Khi chị B biết và gặp anh A tại điểm luyện công thì có được anh A chia sẻ về tu luyện. Lâu dần chị B bắt đầu cảm mến anh A, hay hẹn anh A đi coffee để chia sẻ, nhưng dần dần nội dung của các cuộc hẹn sa đà vào việc chị B phàn nàn về chồng mình và cảm thấy bản thân khổ cực ra sao. Anh A có nói về việc chị B nên nói đó là hoàn cảnh tu mà đề cao nhưng có vẻ chị B chỉ nghe nhưng không nhập tâm.


Chị B sau đó bắt đầu bạo dạn hơn, nhắn tin cho anh A rằng muốn tìm thuê nhà gần anh A để tiện chia sẻ. Anh A này thấy đó là bất bình thường, có gì đó không đúng nên đã nói thẳng với chị B về vấn đề nam nữ bất chính. Cũng may chị B này còn tỉnh ra nên sau đó đã bỏ đi ý định thuê nhà kia.


Như vậy, để thấy cái tư tưởng thôi thúc chị B tìm đến thuê nhà gần anh A để chia sẻ tu luyện, nghe qua thì tưởng hợp lý, có vẻ tinh tấn nhưng kỳ thực là che giấu cái tâm sắc dục bên dưới.


Do đó, về sau tôi kinh nghiệm rằng, ai mà có chấp trước hồi lâu không bỏ thì trên bề mặt họ thường có xu hướng lấy cớ để hợp thức hóa nó, chứ không có đối mặt và thừa nhận, rồi bài trừ nó. Chính là vì họ bị những tư tưởng bởi chính chấp trước kia phản ánh ra, nó ngụy trang điều tốt và rồi đổ vào đầu họ, hoặc nó tìm cớ để cho rằng làm thế không có gì sai cả. Bởi nếu nó không làm thế thì nó sẽ bị nhận diện rồi bị bài trừ, nó đương nhiên không muốn.


Thực hành tu luyện trong đời sống hàng ngày khiến tôi hiểu rằng tu luyện quả thực không dễ, lắm lúc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, ngã sấp mặt mới nhận ra mình sai ở đâu. Đề cao tâm tính lên không dễ, rồi thì phải nhận thức rõ Pháp để không làm sai. Tôi phải mất mấy năm mới xây dựng được một cơ sở nền móng vững chắc, nói 2 chữ tu luyện lúc này tôi mới dần hiểu và thấm được sức nặng, chứ không có mơ hồ như hồi đầu bước vào tu nữa. Khảo nghiệm đến liên tục hàng ngày, nếu tôi chỉ hơi lơ là một chút là có thể vấp ngã như thường. Đủ các loại tâm phải bỏ, tâm cầu danh, tâm tự mãn, tâm hư vinh, tâm sắc dục, tâm tà dâm, tâm tranh đấu v..v. Phải xét từng niệm đầu xuất hiện trong tâm, điều đó khiến tôi lắm lúc cảm thấy tu luyện không hề đơn giản, lắm lúc cảm thấy áp lực đến toát cả mồ hôi.


Hiểu được tu luyện là không hề dễ dàng, nên khi chứng kiến nhiều học viên mới vào tu chưa lâu đã xông pha làm đủ loại hạng mục, tôi mới không hiểu họ có dành thời gian để tu tâm tính của họ hay không? Hay họ coi làm hạng mục chính là đang tu rồi? Tôi tiếp xúc với họ, hỏi họ vài điều trong Pháp thì họ nói rất thuộc, thuộc làu làu, thậm chí còn trích cả thơ trong Hồng Ngâm ra để khoe rằng họ hiểu Pháp, nhưng khi thấy họ chạm phải mâu thuẫn thì họ lại tìm mọi cách đẩy ra, cho đó là can nhiễu, chứ bản thân họ thì không có lỗi lầm gì. Cứ thế cứ thế rồi người vào sau dẫn dắt người mới tiếp tục con đường đó thì tôi nghĩ cộng đồng người tu không loạn mới là lạ.


Tại sao? Vì nền tảng để chứng thực Pháp là tu luyện bản thân cho tốt thì tôi không thấy họ bỏ công phu đầu tư, họ cứ lao vào làm hạng mục lấy được, thậm chí đến chính hoàn cảnh xung quanh họ, gia đình họ, người thân của họ còn làm không tốt, người ta có cái nhìn không hay về Đại Pháp thì họ cũng không để tâm. Tôi qua tu luyện hiểu rằng, chỉ khi chúng ta thực tu, thì chúng ta mới có thể giúp người xung quanh thấy được sự tốt lên của chúng ta khi tu Đại Pháp, lúc đó họ mới bị cảm nhiễm bởi sự thăng hoa khi tu luyện đề cao của chúng ta, lúc đó họ mới cảm nhận được sự tốt đẹp của chúng ta bằng mắt thấy tai nghe, mới thực sự hiểu được rằng Đại Pháp là tốt, cái đó là phải qua thực tu mới làm được, chứ không tu mà chỉ đưa vài tờ rơi, nói vài câu, tặng vài cái hoa sen thì hiệu quả gần như là không có.


Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi, nếu ai đó bây giờ giới thiệu một điều gì đó và bảo chúng ta điều đó là tốt, chúng ta có tin ngay không? Hay chúng ta sẽ phải đi tìm hiểu, theo dõi, quan sát, hỏi han xung quanh chán chê rồi mới kết luận? Chúng ta cứ nói Đại Pháp là tốt mà bản thân chúng ta còn không biểu hiện ra nổi sự tốt đẹp, ai đó gây chuyện một chút là chúng ta không vừa ý, sự nghiệp thì lẹt đẹt không có phát triển, kỹ năng thì không tăng tiến, gia đình thì hay xào xáo, thì hỏi họ có tin lời chúng ta nói hay không? Bây giờ nhiều người lôi một số vị quan chức đã về hưu, người nổi tiếng lên nói tốt cho Đại Pháp, nhưng phía chính quyền thì đăng rất nhiều bài đả kích Pháp Luân Công, thậm chí còn tuyên truyền người dân không tham gia thì hỏi người ta có dám dính vào không, có tin Đại Pháp là tốt không? Bởi ngay cả những thứ xấu như đa cấp, lừa đảo tâm linh họ cũng lôi kéo không ít các vị chức sắc, người nổi tiếng tham gia quảng bá đó thôi. (Tham khảo) Chúng ta là nên tự lấy việc tu luyện bản thân ra mà chứng thực là tốt nhất, đừng nên ỷ lại vào danh tiếng ai đó để quảng bá, nhỡ sau này họ không tu luyện nữa, quay ra nói xấu hoặc bị áp lực từ chính quyền khiến họ bỏ tu thì có phải lợi bất cập hại hay không?


Có học viên còn nói rằng "Tôi không còn tâm sắc dục", "Tôi đã siêu xuất khỏi tâm danh lợi" v.v. Tôi nói đó là tự lừa mình dối người, vì sao? Vì tôi học Pháp hiểu rằng chúng ta còn ở trong cõi người thường, tức là còn bị cái tình chi phối, cái tình bao gồm tất cả các chấp trước từ cầu danh, cầu lợi, sắc dục, tà dâm, khoe khoang, tật đố [Gọi chung là các tâm tự tư] v..v. Họ nói rằng họ không còn tâm nào đó nữa thì hỏi tại sao họ vẫn còn ở đây? Không còn tâm đó chứng tỏ họ đã vượt qua khỏi cái tình, cũng đồng nghĩa họ đã ra ngoài Tam giới và không thể tiếp tục tu được nữa đúng không? Điều đó cho thấy ngay rằng vị này có lẽ là đã bị hoang tưởng, tự tâm sinh ma hoặc là họ cố tình bịa ra để làm màu với học viên khác mà thôi. Ngay cả giả sử nếu có người đã khai ngộ, tôi nghĩ họ cũng sẽ không bao giờ đi khoe khoang ra ngoài kiểu như vậy, vì nó không để làm gì cả, chỉ để thỏa mãn cái danh mà thôi; Họ [những người khai ngộ] thậm chí còn không biểu hiện gì để tỏ ra mình khác biệt để tạo sự chú ý, họ chỉ như một người rất rất bình thường trong xã hội.


Ngay cả bản thân tôi, khi ý thức được sức nặng của tu luyện, thì lo bản thân hằng ngày giải quyết tốt các khảo nghiệm gặp phải đã đủ toát mồ hôi, hơi chủ quan tự mãn về việc tu của mình một chút thôi y như rằng sẽ bị sự việc gì đó khiến bản thân sấp mặt ngay sau đó.


VD: Tôi làm việc về số liệu thông thường rất ít để xảy ra sai sót, còn các đồng nghiệp khác thì lại hay bị; Nên có lúc tôi quản tâm không kỹ, đắc ý cho rằng bản thân có bản sự, có tài năng thì y như rằng sau đó dường như có an bài; Có gì đó khiến tôi tự nhiên làm sai một lỗi rất sơ đẳng, và tôi bị sếp khiển trách. Cái "tự nhiên" đó tôi ngộ ra là Pháp thân Sư Phụ làm ra để tôi tỉnh ngộ, qua đó bỏ tâm tự mãn vào năng lực của mình.


Do đó, việc tu tôi hiểu là rất nghiêm túc, rất gian nan, lại trường kỳ thời gian dài liên tục đề cao. Tôi còn không dám chủ quan, vậy mà có vị học viên còn dám nói bản thân họ "không có/còn tâm nào đó" thì tôi biết vị này đang gặp vấn đề rồi. Nói ra câu đó ắt là đang bị tâm tự mãn, danh lợi và khoe khoang điều khiển họ nói ra mà không tự biết. Cũng có người bình thường ít dao động khi gặp nữ giới, họ tưởng là họ ít hoặc không có tâm sắc dục, kỳ thực là họ nhầm lẫn rồi. Ấy là vì họ chưa có quan khảo nghiệm cám dỗ đủ mạnh để cho họ thấy mà thôi; hoặc đơn giản là họ đã quen tu kiểu Nhẫn bề mặt, ép cảm xúc xuống [Nhịn dục] nên họ không cảm nhận được cái chấp trước sắc dục ẩn giấu sâu trong tâm họ; Trường hợp đặc biệt, là họ có thể bị vấn đề về rối loạn giới tính.


Một số học viên, khi được những người xung quanh khen ngợi, thì cũng là một dạng thức khiến gia tăng chấp trước, khiến chấp trước vào danh, vào hư vinh, tự mãn của họ càng nặng hơn. Nó càng nặng thì họ càng khó nhận ra và bài trừ vì nó kiểm soát tư tưởng người ta đã rất chặt. Một số người khi bị học viên góp ý, họ thay vì nhìn nhận bản thân, thì họ đẩy hết mâu thuẫn ra, họ nói rằng học viên can nhiễu họ, họ nói rằng học viên bôi xấu họ. Kỳ thực, chính là khi đó họ đang bị chấp trước cầu danh kia kiểm soát, nó sợ bị mất danh nên nó điều khiển tư tưởng của họ phản ánh ra câu nói "bôi xấu họ". Càng khen thì tôi hiểu chính là đang đẩy học viên xuống, càng khiến họ buông lỏng cảnh giác, càng khiến họ về sau không chịu nổi khi nghe lời phê bình do áp lực của việc bảo vệ danh tiếng.


Ảnh minh họa

Người tu cần bỏ tâm cầu danh, vậy có sợ bị bôi xấu không? Nếu vậy khi tu nơi người thường, chúng ta bị ăn chửi thẳng mặt, vậy chúng ta cũng nói là người thường bôi xấu chúng ta có phải không? Hay là chúng ta phải cảm ơn họ do họ đã giúp chúng ta bỏ đi cái tâm cầu danh? Vậy thì chúng ta tu cái gì và đó có phải là tu luyện hay không? Do đó, tôi ngẫm ra rằng, nếu ai thực sự có nền tảng tu luyện tốt, họ tu thực sự, thì khi tiếp xúc với lời phê bình, họ sẽ âm thầm xem xét thật kỹ và bỏ chấp trước trong quá trình đó; Còn ai hễ vừa góp ý, vừa nghe phê bình đã giãy nảy lên, thì thể hiện nền tảng của họ không thực sự vững, thậm chí không muốn nói là họ không có tu mấy.


Cũng có người vì tu lâu, biết được rằng phản ứng thái quá là không tốt, nên họ nhịn, và né tranh đối diện vấn đề, biểu hiện bề ngoài như là không tranh với đời. Đó theo tôi là họ mới chỉ tu ở bề mặt chứ cái tâm cầu danh ẩn sâu trong tâm họ chưa hề bị động đến. Nhiều học viên thấy biểu hiện của họ, tưởng rằng họ tu rất tốt, rất tinh tấn, nhưng sự thật nhiều khi lại không như họ nghĩ. Thành thử nhiều vị tu lâu năm có người bị bệnh chết, nhiều học viên quen biết họ rất sốc, không hiểu vì sao họ tu tốt thế lại thành như vậy, kỳ thực tôi hiểu không có gì ngẫu nhiên. Họ có thể che mắt được học viên xung quanh nhưng không thể che mắt được Pháp thân Sư Phụ và Cựu thế lực.


Một số học viên, họ thậm chí vì danh không bỏ được, họ đẻ ra các thể loại tà ngộ rằng "không ai sai cả, mỗi người một thể ngộ". Tôi qua học Pháp hiểu rằng, tu luyện là một quá trình liên tục bài trừ tâm chấp trước. Vậy nếu họ không sai gì, thì nghĩa là họ không có chấp trước phải không? Thay vì bỏ chấp trước, họ tạo một lá chắn mang khái niệm "thể ngộ". Họ làm sai, thì thay vì đối diện, thừa nhận mình có chấp trước thì họ nói họ có thể ngộ là vậy, và họ không sai. Đó cũng là một kiểu né tránh mâu thuẫn, cũng là dám không đối diện và bài trừ chấp trước.


Bản thân việc tu, nếu gọi là ngộ thì tôi hiểu có cả chính ngộ và tà ngộ. Vậy ngộ của họ là gì? Ngộ để né tránh mâu thuẫn, không muốn thừa nhận mình có vấn đề thì có phải là tà ngộ hay không? Nhiều học viên khi đối diện với lời phê bình, góp ý của người tu khác cũng lại lấy cái bình phong "thể ngộ khác nhau" ra để tự bảo vệ chính mình, để tránh không phải thừa nhận mình sai. Kỳ thực tôi hiểu khi đó họ không hề tu luyện, mà là đang tìm cách né tránh mâu thuẫn, là đang bị chấp trước bảo vệ danh lèo lái đến mê chủ nguyên thần rồi. Tôi hiểu rằng họ là do thời gian lâu giấu kín tâm chấp trước mà không tu bỏ đi, mâu thuẫn nào đến cũng tìm cớ né tránh, nhưng lại tỏ ra không tranh với đời, nên có lẽ đường đời của họ không được thay đổi, đến khi cần ra đi thì vẫn phải ra đi thôi.


Cũng vì lý do đó, có rất nhiều người tu tuy lâu năm, nhưng không có cải biến gì về tâm tính, tu rất lâu mà hành vi không khác gì người mới tu, thậm chí còn phá hoại Đại Pháp. Chúng ta không thể đo lường người tu khác về số năm tu, hay lời nói họ nói ra - Mà cần nhìn hành vi, nhìn xem trong mâu thuẫn họ biểu hiện ra sao, biểu hiện của họ trong thời gian dài có thay đổi tốt lên không? Nhận thức của họ có bám sát theo Pháp không? Nếu không thì dù trên miệng họ nói tốt cho Đại Pháp, họ nhiều khi vẫn chỉ là người thường mới đang bước vào hay đang tìm hiểu Đại Pháp. Thậm chí ngay cả đặc vụ cũng có thể giả mạo học viên học thuộc Pháp, nói ra Pháp lý làu làu như người tu tinh tấn.


Cuối bài viết, tôi xin chia sẻ một đoạn Sư Phụ giảng Pháp liên quan đến vấn đề tu tâm tính (đại ý, không nguyên văn):



Chúng ta có bao nhiêu người khi gặp rắc rối có thể thực sự suy nghĩ về bản thân?! Đương nhiên, chúng ta có rất nhiều người ở những thời kỳ khác nhau có thể [được] như vậy nhưng chư vị trong rất nhiều rất nhiều thời kỳ khác nhau cũng đều không thể được như vậy. Khi chư vị tìm thấy nguyên nhân thực sự của bản thân, khi dám nhìn thẳng nó – thừa nhận nó, chư vị sẽ phát hiện lập tức sự việc đó liền thay đổi, mâu thuẫn cũng không có nữa, đối phương không biết vì sao đột nhiên với chư vị như chưa từng xảy ra chuyện gì, như thể mâu thuẫn cũng chưa hề phát sinh vậy. Bởi vì một người tu luyện, chư vị không có bất kỳ cơ hội ngẫu nhiên nào tồn tại, cũng không cho phép bất kỳ những thứ ngẫu nhiên nào tới phá hoại con đường tu luyện này của chư vị.


Tất cả những sự tình gặp phải chính là xem chư vị có coi mình là một người tu luyện hay không, để tìm xem bản thân chư vị sai chỗ nào, không đúng chỗ nào. Chư vị có thể coi bản thân là người tu luyện mà đối đãi không, mọi người hãy nhớ kỹ câu này của tôi: Chư vị thực sự có thể coi bản thân là người tu luyện, gặp phải sự tình gì – rắc rối gì, khiến chư vị trong lòng không vui nào, bất kể trên bề mặt chư vị đúng hay không, đều phải tìm xem nguyên nhân của bản thân; có phải những vấn đề này mình có cái động cơ ấy mà rất không dễ nhận ra là sai hay không? Nếu như tu luyện mà chỉ buông bỏ được trên bề mặt, nhưng bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là lừa chính mình. Chỉ có chư vị thực sự đề cao từ nội tâm mới là đề cao thực sự. Cho nên mọi người nhất thiết phải nhớ kỹ điểm này, gặp bất cứ sự tình gì, rắc rối gì, chuyện không vui hay xảy ra xung đột với ai, nhất định phải xét chính mình, tìm chính mình thì chư vị có thể tìm được nguyên nhân khiến vấn đề không thể giải quyết được.


(Hết)


Trên đây là nhận thức hiểu biết cá nhân của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có gì cần lưu ý, rất mong nhận được đóng góp của quý độc giả.

Comments


Commenting has been turned off.
bottom of page