[25/01/2020] Đông Lai
Lời dẫn:
Tôi nhớ Sư Phụ đã từng giảng (đại ý, không nguyên văn) là hết thảy những gì trên thế gian con người thì đều đang vận chuyển xoay quanh Đại Pháp (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004). Ngoài ra, Sư Phụ cũng giảng (tôi nhớ đại ý, không nguyên văn) rằng trong khi chúng ta giảng chân tướng thì cũng cần phù hợp với khẩu vị của con người hiện đại để độ họ bởi vì con người hôm nay thì mức độ tin vào Thần rất thấp. (Giảng Pháp tại Pháp hội Florida ở Mỹ quốc [2001])
Hiểu biết nông cạn của cá nhân tôi từ lời giảng bên trên của Sư Phụ là: Đối với bất kỳ sự việc gì xảy ra trên bình diện bề mặt xã hội người thường, thì đều có liên hệ đến Chính Pháp. Tuy nhiên, nhận thức về những sự việc đó ra sao trong tư tưởng người tu là một chuyện - nhưng khi đem biểu hiện ra ở hành vi, lời nói, cử chỉ bên ngoài mà nếu bê nguyên xi những gì người tu nhận thức được thì tôi cho rằng rất dễ xảy ra vấn đề.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta khi chứng thực Đại Pháp tại xã hội người thường, tôi hiểu rằng cần phải đứng từ góc độ của người thường trong xã hội để lựa cách thức phù hợp với khả năng nhận thức, các đặc điểm về tập quán văn hóa và khả năng lý giải của họ v..v. Có như vậy thì những việc chúng ta làm mới có thể mong khởi được tác dụng chính diện. Nếu một học viên cứ mãi cố gắng dùng nhận thức theo góc độ của người tu luyện để ép người ta phải nhận thức, phải lý giải ở cái mức mà chỉ có người tu ý thức được - thì dù ở cục bộ, có thể, vẫn tồn tại một số ít người thường đặc thù hiểu được, nhưng phần đông theo tôi thấy là rất dễ quay sang bài xích – Chính là cái được không bõ cho cái mất.
Tôi thấy nó gần giống như ví dụ về chức năng của não bộ mà Sư Phụ giảng trong bài "Ý niệm" - Chuyển Pháp Luân vậy. Đại khái tôi hiểu được là tín tức vốn xuất phát từ chủ nguyên thần nhưng thông qua bộ não thì được chuyển đổi, gia công thành những dạng thức như cử chỉ, lời nói, ngôn ngữ bề mặt hiện nay vậy. Nếu giả sử bê nguyên tín tức đó ra để trao đổi thì người ta có thể sẽ không hiểu nội dung truyền đạt là gì, chỉ khi thông qua sự "gia công" của não bộ thì tín tức mới được chuyển hóa thành ngôn ngữ, ánh mắt, cử chỉ v..v thì lúc đó mới có thể trao đổi. Những tư tưởng mà người tu nhận thức được trong quá trình tu luyện, nếu muốn nói ra miệng hay đăng tin lên mạng để trao đổi, giảng chân tướng với người thường thì tôi nghĩ cũng cần phải qua sự "gia công" đó, sao cho sản phẩm đầu ra khiến cho người thường có thể lý giải được.
Dù ý muốn của các học viên ban đầu có thể vốn là tốt, là muốn điều tốt cho người khác, nhưng để biến cái ý muốn đó thành những thứ thiết thực, phù hợp với người khác thì cái đó tôi nghĩ cần kinh qua một quá trình suy xét cẩn thận, trầm tĩnh đánh giá mọi khía cạnh của vấn đề. Nó không đơn giản là nghĩ cái gì tốt trong đầu cái là có thể đem ra áp dụng luôn. Sự nhiệt tình là tốt nhưng nếu lại đi kèm với sự thiếu hiểu biết thì tôi chỉ e là rất nhiều khi lại khởi tác dụng không tốt.
Nội dung:
Thời gian gần đây tôi có nghe các phương tiện thông tin đại chúng báo cáo về một hiện tượng virus viêm phổi lạ xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Căn cứ theo những gì báo chí đưa tin thì tôi thấy nó dường như khá giống với nạn dịch SARS hồi 2003. Có lẽ những người tu Đại Pháp chúng ta đều nhận thức rất rõ trong đầu rằng những thứ dịch bệnh đó xảy ra là đều có nguyên do, thực tế thì trong các bài Kinh văn hồi 2003 (Pháp hội Washington DC năm 2003, Pháp hội Vancouver ở Canada năm 2003) tôi nhớ Sư Phụ cũng đã giảng rất chi tiết.
Tuy nhiên, ở góc độ chứng thực Đại Pháp, tôi nhớ Sư Phụ đã giảng rất rõ (không nguyên văn) là với người thường trong xã hội thì không được giảng cao; Sư Phụ đã giảng rất cụ thể (tôi nhớ không nguyên văn, chỉ nhớ đại ý) là nếu nói về những điều cao thâm hơn trong tu luyện Đại Pháp, thì một chút cũng không nên giảng cho người thường và đối với người thường mà nói thì chỉ có thể khởi tác dụng phụ, lý do là vì người thường không lý giải nổi. Sư Phụ cũng giảng (đại ý, không nguyên văn) là học viên sở dĩ có thể lý giải, ấy là do đã trải qua tu luyện một thời gian dài mới minh bạch ra từng chút từng điểm và nếu muốn một người thường lập tức nhận thức cao đến thế, khiến người ta lý giải không được thì cũng tương đương với đẩy người ta ra ngoài (Giảng Pháp tại Pháp hội Minh Huệ Net mười năm).
Tôi nghĩ Sư Phụ đã giảng đến mức không thể rõ hơn, cá nhân tôi thể ngộ nông cạn rằng học viên chúng ta không thể tùy tiện đem những điều tại cao tầng ra để quảng bá, chứng thực Đại Pháp (bao gồm cả những thứ như nhìn tại cõi không gian khác v..v) vì điều đó có thể rất dễ gây ra tác dụng phụ diện, khiến người thường vì không lý giải được mà quay sang bài xích Đại Pháp.
Những tưởng các học viên tại Việt Nam ai ai cũng phải ý thức rõ nhưng điểm này; Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là việc lại đang có rất nhiều học viên tại Việt Nam dường như bị “mất tự chủ” khi biết được những thông tin liên quan tới nạn dịch virus mới này. Không rõ có phải vì quá hoan hỷ hay muốn khoe khoang hiển thị sự siêu thường của người tu luyện (kiểu như không sợ dịch bệnh) hay không? Mà tôi thấy họ làm rất nhiều việc mà nếu xét kỹ - có thể thấy là đã đi ngược lại những gì mà Sư Phụ đã giảng.
Nguồn: Facebook Group
Có vẻ như bộ phận học viên đó cảm thấy rằng “Sắp kết thúc tới nơi rồi”, “Đại thẩm phán tới rồi”, “Quả báo tới rồi” v..v - Đó giống như một dạng thức của tâm hoan hỷ khi bản thân sắp thể hiện là mình đúng trước cài nhìn dè dặt, nghi ngờ bao lâu nay của người thường vậy (Kiểu "thấy tôi nói đúng chưa? ai bảo trước giờ không chịu nghe, chịu tin lời tôi nói cơ"). Tất nhiên, trong quá trình tu luyện tôi hiểu rằng không thể bắt tất cả các học viên ai ai cũng trầm tĩnh được, cái đó còn cần căn cứ vào tình trạng tu luyện của mỗi cá nhân; Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc là họ bị kích động trong tư tưởng, đứng ngồi không yên thì ở góc độ nào đó còn đỡ – Giả như họ không giữ vững mà lại đem những điều mà họ đang bị kích động do hoan hỷ trong tâm đó ra mà nói oang oang ngoài xã hội, tuyên truyền lung tung trên internet thì RẤT NGUY HIỂM.
Nguồn: Facebook Group
Nguồn: Facebook Group
Nguồn: Minh Huệ Net
*Ghi chú: bài Thông báo này của BBT Minh Huệ Tiếng Trung theo tôi được biết thì đã bị lược bỏ bớt một phần nội dung liên quan đến việc đưa cụ thể những gì mà Kinh văn giả đã viết ra (Đoạn văn thứ 2). Bên trên là ảnh gốc lúc bài Thông báo mới đăng ngày 13/02/2020, và ảnh dưới là bản đã thông qua chỉnh sửa của BBT Minh Huệ tiếng Trung (tính đến ngày 15/02/2020). Độc giả có thể vào link gốc được đính kèm bên trên để xem lại. Ở đây tôi bảo lưu đăng bản gốc có kèm link dẫn và bản đã chỉnh sửa để học viên có thể tiện tham khảo.
Nguồn: Minh Huệ Net
Nguồn: VTC
Những điều mà học viên nhận thức được trong tư tưởng dẫu là từ người mới tu hay tu lâu thì tôi hiểu – đều là những thứ trên cao tầng – Nếu muốn nói ra miệng trước người không tu thì cần suy nghĩ, tư duy, điều chỉnh hay lựa chọn cách nói sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của họ; Nhưng nếu nói toẹt ra những gì mà người tu Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) nghĩ như “Cựu thế lực”, “Chính Pháp”, “Đại đào thải”, “Thiên mục” v..v thì tôi nghĩ rất dễ, rất dễ sẽ có thể bị người xung quanh mà không tu gán cái mác “thần kinh”, “hâm dở” (có thể họ nghĩ trong đầu nhưng không tiện nói thẳng ra vì phép lịch sự) v..v; Từ đó về sau bất kỳ những gì mà các học viên nói ra sao thì họ cũng mặc định cho là “mê tín”, “tuyên truyền linh tinh”, họ sẽ không dễ mà tin nữa.
Nếu học viên tiếp xúc với những cá nhân mà mức độ nhận thức xã hội còn thấp thì có thể còn ít thấy phản ứng bài xích từ họ, nhưng nếu lỡ tiếp xúc với tầng lớp trí thức, hoặc với những người đã bị chính quyền tuyên truyền mạnh bài xích về Đại Pháp thì hậu quả tôi e là sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân người đó, mà còn có thể là những người quen của họ họ nữa. Nếu mà học viên cứ tuyên truyền tần suất lớn những thứ khiến người ta không lý giải nổi, mà gây nên định kiến không hay trong dư luận xã hội thì hỏi còn giảng chân tướng gì nữa đây?
Xét kỹ lại những trường hợp học viên đăng tin công khai trên mạng xã hội, làm những thứ như là kêu gọi người ta vào tu để tránh kiếp nạn (hoặc liên hệ giữa vụ dịch bệnh với Đại Pháp - kiểu quả báo do đàn áp học viên ở Trung Quốc);
Ở đây ý họ muốn nói là vào tu để tránh bị dính virus viêm phổi tại Vũ Hán, Trung Quốc - Nếu xét một cách nghiêm túc, ngay cả ở góc độ người tu lẫn người thường thì đều là không đúng, lý do:
Đối với người không tu: Họ làm như vậy tôi thấy không khác gì bảo người ta vào tu không phải vì để thực sự tu bỏ đi các tâm không tốt của họ một cách tự nguyện mà vào tu để kiếm “phao cứu sinh”, kiếm “bảo hiểm tính mạng” thì đúng hơn. Người ta bước vào tu luyện Đại Pháp vì những lý do trị bệnh, mang trong tư tưởng đầy cái tâm sợ bệnh tật đó liệu có phát huy tác dụng? Giả như có người mà sau đó ý thức ngộ ra được và tu chân chính thì còn đỡ; Nhưng nếu có người không ngộ được nhưng vẫn cứ biểu hiện bề ngoài là tập chăm chỉ lắm, sau đó lăn ra chết thì tính sao? Họ có lại đem những chứng cứ về việc học viên tuyên truyền cứ vào tập là tránh dịch bệnh ra hay không? Lúc đó bị người dân đăng lên mạng bài xích thì chúng ta thanh minh kiểu gì đây? Đó chẳng phải học viên không lý trí mà tự tạo khó nạn cho không đáng có cho không chỉ bản thân họ mà còn cho cả cộng đồng tu luyện Đại Pháp tại Việt Nam đúng không? Sư Phụ đã giảng rất rõ (tôi nhớ đại ý, không nguyên văn) rằng nếu như vì để chữa bệnh mà đến thì cái gì cũng không đắc được (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998]). Thông qua học Pháp, tôi hiểu và thể ngộ rằng nếu đã biết không chắc sẽ có tác dụng, và mang cái tâm tránh dịch bệnh vào tu Đại Pháp cũng là không đúng thì đừng có quảng bá kiểu đó, tại sao cứ phải lôi bệnh dịch ra để mồi chài người ta vào tu Đại Pháp? Chẳng phải là đang không lý trí trong chứng thực Pháp phải không? Nó có gì khác với cách thức phá hoại Pháp mà Sư Phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân, tôi nhớ (đại ý, không nguyên văn) là có người đi trên đường lớn cầm sách của Sư Phụ vừa đi vừa hét to lên rằng có Sư Phụ bảo hộ thì không sợ xe hơi đâm? Sư Phụ đã giảng rất rõ hành vi đó là phá hoại Đại Pháp. Vậy thì việc học viên đem vấn đề tránh bệnh dịch ra quảng bá thì có khác gì như trường hợp kể trên, chỉ khác là họ tay cầm sách của Sư Phụ vừa đi vừa hét lớn rằng có Sư Phụ bảo hộ thì không sợ mắc bệnh dịch?
Về cách lựa chọn phương thức chứng thực Pháp: Một người dân minh bạch chân tướng tôi nghĩ không nhất thiết là cứ phải bước vào tu luyện Đại Pháp. Ví như người chồng trong gia đình tu luyện tốt, biểu hiện bên ngoài rất có trách nhiệm, hòa ái đối đãi với 2 bên gia đình nội ngoại, không lăng nhăng bồ bịch mà thủy chung với vợ, trong công việc luôn tận lực làm việc mà không đòi hỏi lợi ích v..v thì liệu những người xung quanh người chồng đó có cái nhìn tốt về Đại Pháp hay không? Không nói tuyệt đối nhưng tôi cho rằng sẽ có không ít người nhận ra chính vì nhờ tu Đại Pháp nên người chồng kia mới trở nên như vậy. Họ trong tư tưởng đã có nhận thức tốt về Đại Pháp, sau đó người chồng kia lý trí lựa lúc, lựa cách giảng chân tướng một chút, để người ta hiểu ra sự gian trá, lừa đảo của ĐCSTQ thì chẳng phải là đã đạt mục đích có phải không? Người đã nhìn nhận tốt về Đại Pháp hỏi có còn cần tuyên truyền về dịch bệnh nữa hay không? Chẳng phải cách làm này vừa an toàn, vừa có tính thực tiễn hơn, bền vững hơn là tuyên truyền suông đó sao? Một số người nói về bệnh dịch tại Trung Quốc như thể đó là quả báo, dẫu có là quả báo thật hay không thì vấn đề đó vốn dĩ theo quan điểm của tôi là còn cần thông qua quá trình giảng chân tướng kỹ càng thì người ta mới lý giải nổi. Nhìn nhận dưới góc độ hiện nay của người thường thì nguồn gốc phát sinh của dịch bệnh này không phải đến từ cuộc bức hại, học viên cứ tuyên truyền là quả báo do cuộc bức hại gây nên thì có khác gì giảng cao? Vì nhận thức của người thường đâu có được như người tu mà lý giải được căn nguyên dẫn đến dịch bệnh đó? Có nhiều tờ báo có thể nói ẩn ý về cách thức ăn uống không tốt, do đạo đức người ta thấp kém thì người thường còn dễ lý giải, chứ bê nguyên xi do bức hại Pháp Luân Công vào đây thì hỏi làm sao người ta tiếp thụ được?
Đối với người tu: Bản thân một người tu luyện mà thời gian lâu không tu chân chính, tâm tính không chịu cải biến một cách thực chất mà chỉ thay đổi vỏ ngoài; Kể cả cứ cố tỏ ra như là rất tinh tấn thì tôi không chắc là sẽ tránh được dịch bệnh, có khi còn bị nghiệp bệnh trường kỳ không thoát ra nổi.
Nguồn: Facebook Group
Nguồn: Facebook Group Tôi được biết đã có nhiều ca vào tập, thời gian tu cũng đến hơn một năm, học Pháp luyện công rất chăm chỉ đều đặn, cũng tham gia nhiều hạng mục nhưng sau đó trong một hôm đến thăm nhà người quen thì đột nhiên bị trúng gió rồi ra đi luôn mà không kịp nói một lời. Trước đó thì vị này đi đâu cũng nói nhờ tu Đại Pháp nên vị đó da dẻ hồng hào, tươi trẻ hẳn lên, sau cái chết của vị này thì không chỉ người quen mà ngay chính người thân của vị đó cũng quay sang nghi ngờ Đại Pháp. Cũng có người mà tôi được biết là khá nổi tiếng ở Sài Gòn, nhất lả khi vị này tham gia vào Đại Kỷ Nguyên Việt Nam, tu ngót ngét cũng phải trên dưới 5 năm, cũng bề ngoài tỏ ra rất tinh tấn, chia sẻ thể ngộ, làm thơ các kiểu, rất nhiều học viên ca tụng v..v nhưng cũng vừa quy tiên cách đây không lâu vì tai biến (Học viên có thể tham khảo lại bài Kim Phật mà có bình chú của Sư Phụ). Có nhiều học viên tôi biết giai đoạn đầu vào tu khỏi một số bệnh, họ có vẻ hoan hỷ lắm, đi chia sẻ rất hăng hái trong cộng đồng người tu Đại Pháp về sự mầu nhiệm họ đã trải nghiệm. Nhưng sau đó một thời gian tương đối dài họ có vẻ không trường kỳ thực tu, không còn thực tâm tu luyện như thuở đầu nữa, họ dường như chỉ chú trọng đến cái sự mầu nhiệm kia (họ nghĩ là họ đặc biệt lắm, tu tốt lắm) nhưng lại quên đi cái gốc của chính sự mầu nhiệm đó là do thực tu mà ra, lâu dần nên đã lìa trần (vị này theo tôi nhớ là bị ung thư). Như vậy để nói rằng ngay cả bản thân những người tự vỗ ngực xưng là học viên như chúng ta, nếu không lo mà tu cho chính, không lo mà tu nghiêm túc mà coi đó là những gì hời hợt bề ngoài để khoe khoang, hiển thị với người thường trong xã hội rằng chúng ta là đặc biệt, là cao hơn người thường thì ở một góc độ nào đó – chính chúng ta cũng không khác gì người thường đâu, cũng vẫn như ngọn đèn treo trước gió mà thôi; Rồi thì đến lúc không khéo khi một cơ số không nhỏ học viên trước đó vốn tự nhận mình là "bách độc bất xâm" đó nếu nhỡ vì tu luyện không tốt, tu không chính, vào tu theo phong trào rồi đùng cái lăn ra chết thì hỏi liệu có bị người thường giễu cợt rồi coi Pháp Luân Đại Pháp không ra gì hay không? Nếu thanh danh Sư Phụ bị tổn hại thì hỏi lúc đó ai đi vãn hồi?
Nguồn: Facebook Group Sư Phụ đã giảng rõ (đại ý) là tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc phi thường. Như vậy, tôi hiểu rằng nếu bản thân mình lo tu cho tốt còn không xong vậy mà lại quảng bá người ta vào tập để tránh tai kiếp rồi huyên hoang khoe khoang công khai là người tu Đại Pháp không sợ bệnh dịch qua đó gián tiếp làm dư luận xã hội hiểu rằng học viên coi thường các bệnh viện, các y bác sỹ đang ngày đêm khổ cực điều trị bệnh nhân? - Thì có phải những hành vi đó là là rất thiếu lý trí hay không? Đó là chứng thực Pháp hay chứng thực bản thân, khoe khoang bản thân? Là cứu người hay là hại người?
Đối với tình hình tại Việt Nam: Chiểu theo Kinh văn 2018 Sư Phụ gửi học viên Việt Nam đã giảng rất rõ (tôi nhớ đại ý) là không giảng chân tướng quy mô lớn. Học viên ở Việt Nam, một bộ phận không nhỏ không hiểu sao không biết tuân thủ cho nghiêm khắc mà vẫn đăng tin tràn lan trên mạng xã hội? Hơn nữa, việc rất nhiều học viên đăng tin trên mạng xã hội kiểu như "niệm 9 chữ 'Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo' sẽ thoát dịch bệnh" làm tôi nhớ đến việc trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004, khi có học viên hỏi rằng trong tư liệu được phát ở Hồng Kông có câu chuyện “mặc niệm ‘Đại Pháp hảo’, bệnh tật được tiêu trừ”, khiến cho từng có du khách đến từ Đại Lục lầm cho rằng chúng ta tuyên truyền người bệnh không cần uống thuốc, mà niệm ‘Đại Pháp hảo’ là bệnh sẽ khỏi, sẽ tiêu - Sư Phụ có giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng đối với thành thị hoặc ở ngoài Trung Quốc Đại Lục thì đừng làm như thế, ngay cả ở Hồng Kông cũng không cần làm như vậy và học viên cứ đường đường chính chính giảng chân tướng là được rồi. Như vậy, với hoàn cảnh ngoài Trung Quốc, như cả với một nơi có địa giới hành chính ngay sát với Trung Quốc là Hồng Kông mà Sư Phụ đã yêu cầu là không cần tuyên truyền kiểu mặc niệm trên. Thì đem ra nhìn vào hoàn cảnh tại Việt Nam, khi mà các học viên đang thi nhau quảng bá việc niệm 9 chữ sẽ tránh/thoát dịch bệnh coronavirus - tôi thấy chẳng phải quá rõ ràng là đang đi ngược lại lời Sư Phụ là gì? Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam, chính quyền đã và đang tuyên truyền bài xích Đại Pháp rất mạnh, gần đây hẳn là đã có nhiều học viên biết được có công văn mật về Pháp Luân Công tới tận cấp Bộ. Rất nhiều nơi học viên cầm tờ rơi đi phát đã bị chính quyền bắt bớ, dùi vào và thậm chí còn cho lên báo hẳn hoi để tuyên truyền bài xích Đại Pháp, chứng tỏ tình hình hiện nay đang rất nhạy cảm.
Nguồn: Facebook Group
Thế thì cứ tuyên truyền mạnh những nội dung thiếu lý trí như trên có phải là càng dễ khiến chính quyền có cớ để ra tay mạnh hơn đúng không? Họ lấy những gì học viên đăng lên mạng xã hội và làm một bài báo có phải nguy hiểm hay không? Đã biết chính quyền đã và đang theo dõi sát sao mà cứ đăng linh tinh như thế khác gì tự mình hại mình? Chẳng phải giống như một vài người làm sai nhưng cả cộng đồng lãnh đủ hay sao?
Những gì một bộ phận không nhỏ học viên đang làm kia theo tôi thấy chính là đang đi ngược lại lời giảng của Sư Phụ và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã quá rối rắm ở Việt Nam hiện nay. Ở một góc độ khác, nếu không chiểu theo lời của Sư Phụ thì liệu có đang đi đúng theo an bài của Sư Phụ hay không? Hay là đang chiểu theo an bài của Cựu thế lực? Điều này tôi xin để các học viên thông qua học Pháp rồi tự mình suy xét cho kỹ.
Như vậy, hỏi tuyên truyền quảng bá giúp người dân phòng tránh bệnh dịch trong khi chính bản thân một bộ phận không nhỏ học viên tại Việt Nam tu luyện bản thân còn không tốt, Pháp Sư Phụ giảng còn cố tình không nghe theo rồi cứ thế mà gây ra bao nhiêu hậu quả khiến người dân và cả chính quyền có cái nhìn không tốt về Đại Pháp như vậy, liệu hỏi có tác dụng gì hay không? Cái gốc, cái nút thắt từ chính bản thân việc tu luyện của các học viên mà từ đó vốn đã khiến người dân Việt Nam nhìn nhận tiêu cực về Đại Pháp bao năm qua mãi vẫn không giải quyết được vậy mà cứ suốt ngày đi quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, quảng bá niệm 9 chữ vàng theo phương thức tránh thiên tai, quảng bá vào tu Đại Pháp để tăng sức đề kháng bệnh tật hỏi có ích lợi gì? Chẳng phải đã sai lại chồng thêm sai đó sao?
Để đưa ra một số ví dụ thực tế, thì trong thời gian gần đây, tôi có được biết tại Việt Nam có một ngôi chùa tên là Ba Vàng cũng làm nhiều hoạt động liên quan đến vụ dịch bệnh Corona ở Trung Quốc này.
Họ cũng giống như nhiều học viên trước đây rao giảng về nghiệp lực hay các vấn đề siêu thường nào đó kiểu như "công đức hóa giải virus", "quả báo" mà người trong xã hội không dễ có thể lý giải được. Và theo tôi tìm hiểu thì phía Chùa Ba Vàng đã bị chính quyền cử cán bộ xuống làm việc; Ngoài vấn đề là phía quản lý Chùa phải rút hết các thông tin đăng trên mạng về hồi hướng công đức hóa giải virus corona ở Trung Quốc vì chưa xin phép chính quyền - Chùa Ba Vàng còn nhận được không ít "gạch đá", bình luận tiêu cực của người dân về cách đăng thông tin theo kiểu "lợi dụng dịch bệnh để trục lợi", "tuyên truyền mê tín" v..v.
Và dưới đây, là một trong số rất nhiều bình luận tiêu cực từ phía dư luận xã hội dành cho hoạt động "hóa giải virus" của Chùa Ba Vàng.
Nguồn: Facebook Group
Nguồn: Facebook Group
Bản thân tôi cho rằng, một khi người dân đã hình thành trong đầu những tư tưởng phản cảm khi ai đó lợi dụng dịch bệnh để tuyên truyền một thứ gì - Thì nếu sau này bắt gặp cảnh học viên Pháp Luân Công đăng tin kiểu như bảo vào tập để tránh dịch bệnh hay như kiểu nói rằng bệnh dịch là quả báo do ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công v..v - Tôi không muốn nói quá cụ thể, nhưng có lẽ hậu quả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến thanh danh Đại Pháp thì tôi chắc mọi người tự mình có thể nhận định ra được. Cá nhân tôi cũng chỉ có thể từ góc độ Pháp lý mà Sư Phụ giảng và thực tiễn ngoài xã hội để cố gắng chỉ ra vấn đề, đưa ra lời khuyến nghị như vậy; Còn nhận định ra sao thì rõ ràng là ở bản thân các học viên chứ tôi không có ép ai nghe theo tôi cả.
Lời kết:
Một người có ý muốn tốt đẹp, nhưng phương thức làm mà không đúng thì thực tế tôi nghĩ là có thể rất dễ khởi tác dụng phụ diện. Ý muốn tốt đẹp là cái điều kiện cần có ban đầu, nhưng cần thêm điều kiện đủ là phải đi kèm với sự lý trí, cẩn trọng. Có như vậy mới hy vọng khởi được tác dụng chính diện trong quá trình chứng thực Đại Pháp. Tất nhiên, nói là lý trí và cẩn trọng, thực tế cần suy nghĩ ra sao, suy xét thế nào, cẩn trọng chỗ nào v..v thì cái đó còn cần tự các học viên kinh qua tu luyện thực tiễn mài dũa nhiều lần thì mới có thể dần làm tốt được.
Nhưng có một điều mà tôi có nghiệm được rằng, nếu một người ngay từ đầu cố thủ chấp trước nào đó mà không buông (như là hiển thị, cầu danh, thích tạo sự khác biệt, tật đố không muốn thua kém, cầu hư vinh, thích khoe khoang sự siêu thường v..v), thì rất khó để người đó có thể đạt được sự lý trí trong suy xét vấn đề, sự cẩn trọng cũng lại càng không có nữa. Nói là phải lý trí và cẩn trọng, kỳ thực theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, vấn đề mà họ cần quan tâm trước nhất là phải tống khứ những tâm chấp trước cố hữu vốn lèo lái họ làm ra những việc không lý trí nhưng lại luôn nói là vì cứu người kia đã. Có nhiều người tôi có thấy khi trao đổi thì họ luôn miệng nói là đang chứng thực Pháp, làm việc thứ 3 rất năng nổ nhưng khi đối chiếu đúng/sai với Pháp thì rất nhiều khi lại thấy điều họ làm dường như là đang chứng thực chính bản thân họ, cố tình đi ngược lại yêu cầu của Sư Phụ thì đúng hơn. Ý muốn chứng thực Pháp, giảng chân tướng tôi hiểu là không sai nhưng rõ ràng là vẫn cần phải nằm trong khuôn khổ yêu cầu của Sư Phụ, cái gì được và không được, cái gì nên và không nên chứ không phải tùy ý thích gì làm nấy. Nếu không thực tu, học Pháp qua loa không vững, hoặc cố thủ chấp trước mãi không buông thì có khi còn bị những nhóm người bất hảo kích động làm ra những sự việc vốn không nên làm thì tôi chỉ e những học viên đó càng khó thoát kiếp.
Tất cả những gì tôi đưa ra trao đổi, chia sẻ trong bài viết này đều dựa trên hiểu biết, sở ngộ còn nông cạn của bản thân tôi. Vì nội hàm của Đại Pháp là vô biên nên rõ ràng những gì tôi chia sẻ sẽ còn tồn tại nhiều thiếu sót, rất mong nhận được góp ý từ các học viên, độc giả.
Comentarios