top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Sự gia tăng chóng mặt của học viên mới hiện nay liệu có bất thường?

Đã cập nhật: 3 thg 10, 2020

[20/02/2018] Đông Lai

Lời nói đầu:


Với việc số lượng người mới tham gia vào tu luyện Pháp Luân Công gia tăng đột biến trong khoảng vài năm trở lại đây đã khiến cho không ít học viên tại Việt Nam cho rằng đó là một việc rất tốt, chứng tỏ rất nhiều người có duyên với Đại Pháp; Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy? Việc học viên mới liên tục bước vào cộng đồng tu luyện hiện nay trên thực tế theo tôi thấy lại đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Như nhiều học viên đã biết, trước năm 2013 khi những hiện tượng phá hoại môi trường tu luyện tại Việt Nam còn chưa nhiều, thời điểm đó mới chỉ có một số vụ việc nổi bật như Phạm Xuân Giao, Vũ Đức Trung thì số lượng người mới tuy có tăng nhưng phải nói thẳng là không nhiều như bây giờ. Theo tôi tìm hiểu thì cảm nhận chung là học viên giai đoạn đó cũng trầm tĩnh hơn, thực tế thì nó vốn duy trì như vậy nhiều năm về trước, lúc đó cũng đã có Internet, Facebook, nhiều học viên cũng dùng các phương thức khác nhau để hồng Pháp như trên mạng xã hội, email, quảng bá tại các điểm luyện công, thậm chí nhiều nhóm cực đoan còn đi các tỉnh để phát tờ rơi nhưng số lượng không hề có sự bạo phát như vài năm trở lại đây. Chỉ khi cái hệ thống phá hoại ngầm bén rễ và ngày càng tinh vi hơn thì số lượng học viên mới vào bắt đầu tăng mạnh. Mọi người liệu có thấy sự bất thường ở đây hay không?


Nội dung chính:

Việc ai đó bước vào tu luyện tôi hiểu rằng tuyệt nhiên không phải vấn đề đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay khi cuộc bức hại không còn như giai đoạn từ 1999 cho đến vài năm sau đó. Cho nên theo thể ngộ nông cạn của tôi thì Cựu Thần rõ ràng có thể cho rằng việc các học viên bây giờ mà bước vào sẽ không có đủ khảo nghiệm lớn như vậy, để qua đó tu luyện mà gây dựng uy Đức nữa. Do đó (1) là họ sẽ ngăn chặn học viên, không cho người ta dễ dàng tu luyện, thậm chí tìm mọi cách ngăn không cho họ liễu giải nổi Pháp Luân Công là gì, (2) là họ sẽ tìm mọi cách tạo ra một dạng bức hại mới khủng khiếp không kém loại bức hại của ĐCSTQ, chỉ khi như vậy thì họ mới để yên cho học viên dễ dàng mà bước vào tu luyện.

Ở Trung Quốc việc an bài phá hoại để khảo nghiệm tín tâm và mức độ thực tu của học viên vốn đã rất khắc nghiệt, Minh Huệ tổng bộ cũng đã ra rất nhiều bài để cảnh tỉnh.

Nguồn: Minh Huệ Net - Link gốc

Còn tại Việt Nam - một quốc gia khá đặc thù thì sao? Theo thể ngộ của tôi thì hệ thống an bài khảo nghiệm của bên trên đã thiết lập một cách âm thầm từ giai đoạn sau năm 2000 đến nay, và có thể nhìn thấy khá rõ qua một số vụ việc như của Vũ Đức Trung và Phạm Xuân Giao. Và đến khi hệ thống được an bài đó đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động trơn tru thì khi đó hễ ai bước vào tu luyện tại Việt Nam đều có thể sẽ phải đối mặt với một dạng khảo nghiệm cực khó vượt qua. Điểm mấu chốt là ở chỗ, tại Trung Quốc, ĐCSTQ bức hại là có thể nhìn thấy rõ ràng, ngay cả tại một số quốc gia lân cận như Hồng Kông là cũng tương tự, biết rõ là ĐCSTQ dùng nhiều phương thức để cản trở học viên nói lên sự thật. Còn tại Việt Nam, nó lại diễn ra âm thầm và không nhìn thấy được, nó đã giăng rất nhiều loại bẫy chờ sẵn khi các học viên bắt đầu bước vào tu luyện. Họ sẽ vẫn thấy hoàn cảnh tại cộng đồng học viên rất hòa ái, bình thường và như không có chuyện gì xảy ra. Nó tinh vi đến độ học viên không dễ nhận ra con đường mình đang đi là đúng hay sai, nhưng sẽ chỉ có thể đi trên một trong hai con đường, tu lên hoặc bị đào thải. Cái khó là nó rất khó nhận ra và học viên không thể dễ dàng học được từ lịch sử bức hại của ĐCSTQ, thậm chí học viên đang đi vào lô bị đào thải mà vẫn tưởng là mình đang đi lên, nó khiến cho việc tu luyện trong cái trường khảo nghiệm này (ở một góc độ nhất định) trở nên còn khốc liệt hơn cả cuộc bức hại ở bên Trung Quốc, nơi mà khi học viên tại đó chỉ cần buông bỏ được sinh tử, buông bỏ được chấp trước thì có thể vượt qua được, còn ở Việt Nam, buông bỏ được cả 2 thứ đó vẫn có thể bị knock-out như thường bởi họ không phân biệt nổi đâu là Chính – đâu là Tà.


Ở Trung Quốc thì còn tương đối dễ nhận ra an bài phá hoại ở một mức độ nhất định vì ở đó bức hại công khai (tất nhiên cũng có những dạng phá hoại tinh vi len lỏi trong học viên để bức hại, phá hoại nhưng dù sao cũng được Minh Huệ tổng bộ liên tục cảnh báo), còn ở Việt Nam bây giờ thì không hề đơn giản, do là học viên bước vào sau giai đoạn bị bức hại lớn nhất như ở bên Trung Quốc nên khảo nghiệm tất yếu sẽ không thể dễ dàng như trước, phải trong sự mù mịt khó phân biệt rõ chính tà mà vẫn trụ được thì mới được công nhận đạt tiêu chuẩn, không giống như Minh Huệ tổng bộ vốn có trách nhiệm với học viên, liên tục chỉ ra những hiện tượng phá hoại trong cộng đồng học viên thì Minh Huệ Việt Ngữ lại gần như thờ ơ, vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là còn đồng lõa với kẻ hành ác vì thấy cái sai rõ ràng mà không hề có hành động gì

Tham khảo bài viết về sự vô trách nhiệm của Minh Huệ Việt Ngữ (Link chi tiết)


Họ theo phía Tà thì bên Tà nói rằng theo phía họ mới là Chính và đừng nên nghe phía bên Chính nói vì phía bên Chính là Tà; Họ theo phía bên Chính thì cũng tương tự, nó gần như giống hệt nhau, chỉ là một bên thì kết quả sẽ là bị đào thải còn một bên sẽ tu được lên trên (nó giống như chuyện Tôn Ngộ Không thật và giả trong Tây Du Ký).


Nói như vậy để thấy rằng tại Việt Nam chỉ thực tu không thôi cũng vẫn có thể bị đào thải như thường nếu không chú ý và cẩn trọng bởi rất nhiều thứ phá hoại lại được ngụy trang bởi vỏ bọc chứng thực Pháp hoặc bởi những người mang cái vỏ bọc học viên. Những sự tình này tôi hiểu là được an bài phá hoại từ trong nội bộ nên thông thường lúc học viên nhìn ra sẽ phải đối mặt với chính lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu quyết định phơi nó ra (do lúc trước vì không chú ý/không biết/bị lừa đã lỡ nhúng chàm tham gia góp sức quá nhiều), vậy lúc này học viên sẽ chọn lơ những cảnh báo kia đi để bảo vệ danh hay chấp nhận mất danh để phơi bày cái sai, cái ung nhọt trong nội bộ ra? Đó theo tôi hiểu, chẳng phải một loại quan khảo nghiệm rất khắt khe là gì?


Nói một cách hơi thô thiển đó là họ phải cảnh giác với ngay cả học viên xung quanh mình, trước khi tham gia một hạng mục gì họ phải tìm hiểu kỹ hoạt động, cách thức vận hành và mục đích thực sự của các học viên lập ra, chỉ có như thế may ra mới không bị lừa mà vô tình tiếp tay cho hoạt động phá hoại Đại Pháp. Nó có thể là học viên lúc mới đầu thì còn làm với mục đích trong sáng, nhưng dần dần về sau thì tâm tính bắt đầu biến chất, bắt đầu tìm cách che đậy những hành vi mà họ biết là sai trái với Pháp. Nếu ai phát hiện ra thì lúc đó cũng đã quá muộn vì cái ung nhọt đó đã phát triển quá lâu rồi, và thậm chí bản thân họ cũng có thể bị liên đới không ít.


Có người có dã tâm rất lớn, họ muốn lợi dụng các hạng mục Đại Pháp để leo lên vị trí cao để tạo thanh thế, tiếng nói trong học viên, lợi dụng uy tín và ảnh hưởng của các học viên khác để âm thầm trục lợi, kiếm tiền nhưng bề mặt họ vẫn tỏ ra là học viên tu luyện rất tốt, rất khách quan, làm gì cũng nghĩ đến người khác, nhưng kỳ thực nó chỉ là vỏ bọc che đậy cho cái tâm xấu xa của họ mà thôi.


Với cái môi trường đã được an bài tinh vi như vậy thì đương nhiên bên trên sẽ để cho học viên bước vào tu luyện dễ dàng hơn, nên việc số lượng học viên tăng đột biến lên là điều dễ hiểu bởi bên trên biết rằng hễ bước vào thì (1) là tu đến bị đào thải hoặc (2) là tu lên trên nhưng lại không hề biết là mình đang tu lên trên hay tu đến bị đào thải bởi cả 02 đều là tu trong mê.




Một ví dụ điển hình về cách thức học viên tu sai lệch hiện nay, rất quan ngại đó là hiện tượng này lại chiếm tỷ trọng khá lớn trong cộng đồng học viên, dần dà tạo thành ảnh hưởng xấu đến dư luận trong xã hội rằng học viên Pháp Luân Công toàn kiểu bỏ bê nhà cửa, bỏ bê công việc, suốt ngày đi làm công tác này nọ v..v. Một kiểu tu lầm đường lạc lối, họ không tu theo Pháp mà tu theo thần tượng, tu theo chỉ đạo của người tu lâu năm nhưng chính người tu lâu năm đó cũng lại tu sai lệch tiếp.

Môi trường khắc nghiệt như vậy thì đương nhiên ai vô thì phải chấp nhận cái rủi ro cực lớn này, không như việc các học viên bước vào trước năm 1999 tại Trung Quốc thì tôi hiểu rằng ít ra còn được cho một giai đoạn khoảng 7 năm để tu bản thân hay cách đây khoảng hơn 10 năm tại Việt Nam khi môi trường chưa loạn đến như bây giờ. Khổ một nỗi là có mấy ai ý thức được sự việc như vậy? Có mấy ai thông báo với họ? Họ lại còn khởi tâm hoan hỷ mà cho rằng tại Việt Nam số người tu đông chỉ xếp sau Trung Quốc và Đài Loan.

Tôi nhớ Sư Phụ từng giảng trong Chuyển Pháp Luân - bài "Người đại căn khí" (đại ý, không phải nguyên văn) tại sao ở Trung Quốc đông thổ thời xưa Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng tại đó xuất ra những kẻ sỹ đại đức? Sư Phụ cũng giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng chỉ có ở chỗ quần thể con người phức tạp đến thế, ở hoàn cảnh phức tạp nhất mới có thể tu lên cao công.


Tôi thể ngộ nông cạn dựa trên lời giảng (vốn có nội hàm vô biên mà tôi chỉ ngộ được một điểm rất nhỏ trong đó) của Sư Phụ rằng cơ hội để tu lên cao công của người tu luyện là rất lớn, nhưng kỳ thực rủi ro bị đào thải hoặc tu lệch sang Ma Đạo cũng tương đương, chỉ cần chệch một chút thôi là hỏng ngay. Thực ra tôi nhớ trong Pháp Sư Phụ đã từng nói rằng (đại ý, không nguyên văn) nếu cả một lô lớn học viên tới tu luyện mà trong đó không có lấy một người chân tu thì không hề khởi được tác dụng gì, thậm chí còn phá hoại Pháp (tham khảo bài giảng Pháp phụ đạo viên Trường Xuân 1998). Hỏi vào thì đông nhưng thực tu được hay nói đơn giản là hiểu rõ tu luyện là gì thì được mấy người?


Thực tế hiện nay dẫn đến một sự thật khá mỉa mai : Thà không bước vào tu trong giai đoạn này mà chỉ giữ cái ý nghĩ tốt về Pháp Luân Công rồi tiến đến giai đoạn sau có khi còn may mắn hơn. Bởi nếu bước vào tu trong giai đoạn cuối này mà tu không cẩn thận, sơ sảy một chút thì sẽ nguy hiểm cùng cực! Bên trên không hề ngăn cản gắt gao như cách đây vài năm nữa nhưng có thể sẽ khiến nhiều học viên bị đào thải mà không hiểu vì sao? Thậm chí học viên có thể vẫn còn nghĩ là mình đang tu luyện với chứng thực Pháp tốt thế cơ mà?


Chính là an bài cái ung nhọt, các thành phần phá hoại trà trộn, mọc rễ, leo cao vào hàng ngũ học viên, dần dà chúng kiểm soát các hạng mục và bắt đầu dẫn cả hạng mục đó đi lệch lạc với Pháp, học viên vẫn tưởng là mình đang duy hộ Pháp nhưng thực chất là bị lừa đi duy hộ cái hạng mục đó, thậm chí bị dẫn dắt tu sai lệch mà cũng không ý thức ra được. Lúc nhận ra thì mới biết mình thành tòng phạm từ lâu, hỏi lúc đó phải làm sao? Phơi bày hết ra rồi sẽ bị nhiều học viên khác chỉ trích giống như vạch áo cho người xem lưng, sẽ bị chê cười hay cố gắng che đậy nó đi, ấp ủ hy vọng nó sẽ tốt hơn nhưng nó lại càng ngày càng hủ bại hơn? Chả phải giống như nhiều Đảng viên ĐCSTQ hy vọng vào cái thể chế sẽ tốt hơn trong hoàn cảnh ung nhọt khắp nơi nơi trong hàng ngũ cán bộ đó sao?


Học viên rất dễ bị cho vào lô bị đào thải nếu không chú ý cẩn trọng và thực tu, chỉ dựa vào nhiệt tình công tác, nhiệt tình phó xuất vẫn có thể bị rớt như thường.

Trước đó họ vẫn cho rằng môi trường tu luyện còn tốt lắm, nhiều người vào, hết sức êm đềm vì họ nhìn xung quanh ai cũng như vậy và thấy nó là bình thường (giống như con người khi chưa bước vào tu luyện thì thấy cuộc sống nơi người thường là bình thường, chỉ khi tu luyện rồi ngoảnh đầu nhìn lại mới thấy được sự khác biệt). Như vậy, chỉ khi có thể thoát ra khỏi cái vòng tròn nhận thức kia, thoát khỏi cái hệ thống dẫn dắt tu luyện tà ngộ PĐV-LLV-ĐPV (Phụ Đạo viên 3 miền Bắc Trung Nam và thông qua hệ thống Unseen) kia, tự mình tư duy, suy xét cẩn thận chứ không nghe theo đám đông thì dần dần mới có thể thấy được sự khác biệt.


Nếu bản thân tư tưởng vẫn ở trong cái phạm vi đặc định do thiên kiến nhận định ban đầu tạo ra thì tôi e có lẽ mãi vẫn chỉ thấy mọi việc là bình thường và không thể nhận ra được sự bất thường. Thực ra rất nhiều vấn đề mà họ đều có thể tự mình phát giác ra được, cảm nhận ra được có gì đó không đúng nhưng lại vẫn nghĩ nó chỉ là vấn đề nhỏ, cục bộ, là tu luyện cá nhân nên cố tình lơ nó đi, chả phải họ dùng cái tình để đo lường nó là gì? Chính những lúc đó là cái hủ bại, ung nhọt đang phát triển trong nội bộ học viên mà họ còn không nhận biết ra được, vì nó che đậy quá kỹ, chỉ rất ít khi nó mới vô tình bộc lộ ra qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ của những học viên tu sai lệch trong đó mà thôi.


Tôi thông qua học Pháp thì hiểu ra rằng, nhiều người bước vào thì không phải ai ai cũng khởi tác dụng duy hộ, chứng thực Pháp, có thể sẽ có không ít là do ký kết với Cựu thần từ tiền sử là sẽ xuống đây phá hoại Pháp - Phạm Xuân Giao là một ví dụ, họ bị lừa là cuối cùng họ cũng được viên mãn (dù cho họ đóng vai phản diện), nhưng vì họ tưởng rằng đây chỉ là trong phạm vi một Pháp môn nào đó khi truyền xuất ra là phải chịu cái lý “tương sinh tương khắc” để tạo dựng uy đức và người tạo ra hoạt động phá hoại đó cũng sẽ được viên mãn – nhưng khổ một nỗi – tôi hiểu rằng Đại Pháp là Pháp của cả Vũ Trụ này, không phải là của một Pháp môn thông thường để mà áp dụng cái lý đó, họ mà dám động đến Pháp Vũ Trụ thì chả phải trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của Vũ Trụ là gì? Lúc này, tôi hiểu rằng họ không còn được coi là người tạo dựng uy đức nữa mà sẽ bị liệt thành Ma phá hoại Pháp Vũ Trụ, sẽ bị đào thải. Tôi thể ngộ rằng cũng vì Trí Huệ của Cựu Thần bất toàn và Pháp của Vũ trụ cũ đang trong giai đoạn "Diệt" nên mới có hiện tượng như vậy. Trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003 Sư Phụ cũng đã từng giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng Cựu Thần cứ muốn đào thải bằng được một lô; Trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015 Sư Phụ cũng từng giảng về vấn đề này, (đại ý, không nguyên văn) cựu thần an bài một số vị nhảy ra để can nhiễu gây tác dụng phụ diện.


Do đó, tôi thể ngộ nông cạn rằng có thể sẽ có nhiều vị xuống đây được an bài vào thời điểm này sẽ tiến nhập vào tu luyện, nhưng việc của họ không phải là chứng thực hay duy hộ Pháp – mà là khởi tác dụng phá hoại Đại Pháp mà không tự biết, các cơ chế để họ phá hoại có lẽ đã được an bài hết rồi và đến thời họ sẽ ra làm thôi. Thành ra rất nhiều người vào tu luyện thì hỏi tỷ lệ bao nhiêu trong số đó là để duy hộ? bao nhiêu là để phá hoại? Tất nhiên, họ phải là bị lừa phá hoại trong lúc vẫn nghĩ là họ đang duy hộ, vẫn nói tốt cho Đại Pháp, chứ họ biết rõ họ đang phá hoại thì nói làm gì nữa đúng không? Như vậy thì tôi nghĩ cái môi trường mà được bên trên an bài tinh vi để khởi tác dụng đó sẽ biến họ thành Ma phá hoại Pháp mà không tự biết, và rất có thể nhiều người sẽ góp gió thành bão trong đó – tức là ủng hộ những người được an bài thành Ma phá hoại Pháp.


Đó là thể ngộ của tôi về hiện tượng học viên tại Việt Nam mấy năm gần đây đột nhiên tăng một cách quá nhanh và mạnh. Còn hiện nay biểu hiện của họ ra sao? Đa phần tôi thấy gần như họ tu rất loạn, một số mới vào thì đã đọc kinh văn loạn hết cả lên (vấn đề thuộc về tu cá nhân thì toàn lôi Cựu Thế Lực ra để phủ nhận? Lúc cần duy hộ Pháp thì lại sợ mất đức, khởi tâm Tranh đấu? v..v); Một số thì suốt ngày tìm kiếm các điểm hóa hay các biểu hiện nào đó mà họ cho là “siêu thường” như nhìn thấy Pháp Luân, nhìn thấy cái này cái nọ (Có khi Ma huyễn họ cũng khó mà phân biệt nổi); Có người thì muốn theo các học viên Phát chính niệm khi mới tu, đặc biệt là có người vào được 01 tháng mà đã muốn phát chính niệm? v..v Đa phần tôi thấy họ chỉ loanh quanh ở bên ngoài và đang cố tìm hiểu và tiếp cận Pháp chứ chưa thực sự hiểu rõ tu luyện là gì và thực sự bước vào tu luyện thực chất. Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi mà thực tế vốn đã được Sư Phụ giảng rõ trong Chuyển Pháp Luân hay Tinh Tấn Yếu Chỉ, vậy họ hỏi để làm gì? Để thay vì tự mình tư duy, tự mình tu thì họ muốn đi đường tắt là hỏi các học viên khác, ngầm có ý mong muốn nhận được sự giải đáp, lúc tu mà chưa có biểu hiện gì thì không sao, hễ thấy có cái gì đó bất thường hay gặp khó khăn là họ sẽ có nhu cầu “chia sẻ”. Đáng lẽ họ cần phải vận dụng những gì có trong Pháp để tìm trong tâm mình cái vấn đề mà khiến cho họ gặp khó khăn thì họ lại có cái ý thôi thúc “kể lể” hoàn cảnh của mình ra để mong các học viên tu lâu chỉ ra vấn đề cho họ, nói trắng ra là để họ đỡ phải nghĩ. Dần dà họ quen với cái tư duy “khôn lỏi” đó, họ cứ gặp gì khó khăn là lại “chia sẻ” với cái lời biện bạch là “chia sẻ sẽ giúp đề cao nhanh hơn”? Nói vui một chút nếu chia sẻ giúp đề cao nhanh hơn chả phải họ đang hướng ngoại cầu, muốn tu tắt, muốn tu gấp đúng không? Chỉ là họ che đậy cái tâm “tìm dễ lánh khó” đó quá kỹ mà thôi. Tu luyện tôi hiểu là tự tu cái tâm mình thì làm sao mà giúp đề cao nhanh hơn được? Nói thẳng ra là họ muốn tìm ra đáp án nhanh hơn giống như đi học thì có quyển "dạy học tốt" để khỏi phải mất công suy nghĩ tìm ra chấp trước, họ không dám thừa nhận cái tâm đó và chỉ cố che đậy bằng lời giảo biện "chia sẻ giúp đề cao nhanh hơn". Dẫu có được thì tôi chỉ e có thể Thần và Sư Phụ cũng không tính là họ đã vượt quan đâu, là phải tu lại như thường thôi. Hơn nữa, tu theo góp ý, chia sẻ chả phải là họ đặt thể ngộ của người khác còn cao hơn sự chỉ đạo của Đại Pháp? đó chả phải tâm bất kính với Sư Phụ là gì? Tôi nghĩ làm sao mà tu luyện lại mong muốn qua chia sẻ mà đề cao? Chia sẻ tuy không phải là sai trái nhưng quá ỷ lại vào đó mà bản thân không tự nỗ lực thì rất nguy hiểm. Tôi hiểu tu luyện là cần qua việc đề cao tâm tính tự thân, qua tự tu tự ngộ, làm sao trông mong vào việc chia sẻ với học viên khác mà đề cao? Có khi họ hành luôn theo cái chia sẻ thể ngộ của học viên khác mà không tự biết, thế thì họ tu theo học viên hay tu theo Pháp? Họ quen với cái lối đi học chép bài bạn rồi? Tự họ có tu mấy đâu nên đâu được bên trên tính là đề cao? Họ tưởng dùng cái tư duy khôn lỏi của người Việt, dùng thủ đoạn ranh ma để qua mặt Thần và Sư Phụ - Nhưng họ càng như vậy thì thực tế tôi e là họ càng dễ đi vào đường tu bị đào thải, bởi rất nhiều cái bẫy được giăng ra mà phải thực tu thì mới mong vượt qua được, nếu không thực tu mà tu theo người khác thì có khi người ta đi sai mình cũng không phát hiện ra mà đi theo luôn có phải không? Đây là căn bệnh thâm căn cố đế của học viên Việt Nam – “lười tư duy, chỉ muốn ăn sẵn”. Với bất kể khó khăn nào đến với họ, họ đều đẩy sang cho học viên, không chịu dùng Pháp để tìm nguyên nhân trong tâm mà lại muốn học viên khác tìm hộ cho, người ta gọi những kiểu người tu này là “khôn nhà dại chợ” vì trong các học viên thì họ khôn khéo tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề của họ, thậm chí có những vấn đề đã giảng quá rõ trong Chuyển Pháp Luân mà họ cũng hỏi, nhiều vị biểu hiện cũng khá trịch thượng, cũng Chân tu như ai, khi chưa gặp khó khăn thì lời vị đó nói ra như người tu lâu, cũng triết lí lắm, cũng ngộ Pháp cao lắm. Nhưng khi ra đến thực tiễn gặp khảo nghiệm thì ôi thôi, bẫy nào cũng dính, đi chỗ nào cũng sứt đầu cũng mẻ trán, lúc đó họ mới lộ mặt thật ra là chưa hề biết tu là gì, vì họ từ trước đến giờ có tu đâu? Quen tu theo người khác rồi, quen tu cái vỏ bọc rồi chứ họ có tu cái tâm họ bao giờ đâu, bao nhiêu Pháp lý cao siêu họ nói ra khi đi chia sẻ thì nay thực tế khi gặp khảo nghiệm thì nó bay đi đâu mất? Vì không biết thực tu là gì nên với bất kỳ sự việc gì diễn ra họ cũng không có đủ khả năng để nhìn nhận xem nó là đúng hay sai, phản ứng của họ là nghe theo đám đông, đám đông bảo đúng thì họ cho nó là đúng, bảo sai thì họ cho nó là sai.


Hiện nay còn tồn tại một loại hiện tượng là tổ chức rất nhiều các lớp 9 ngày, họ còn bảo rằng không tham gia thì không tinh tấn hay không hưởng được lợi ích trường năng lượng? Thậm chí còn đem một số thứ như là "có kinh nguyệt trở lại", "được gắn Pháp Luân" v..v để đem ra quảng cáo dẫn dụ học viên. Vậy hỏi các học viên cách đây 10 năm thì họ tu bằng gì, các học viên tại Trung Quốc trong khoảng 2 năm sau 1992 khi Sư Phụ không đi giảng Pháp nữa thì họ học bằng gì? Họ tự ở nhà đọc sách hoặc nghe băng ghi âm Sư Phụ giảng đó thôi đúng không? Họ tự học, tự tu trong hoàn cảnh của cá nhân họ.

Sư Phụ chẳng đã từng giảng rất rõ trong Chuyển Pháp Luân - bài Các học viên Pháp Luân Đại Pháp truyền công như thế nào (đại ý, không nguyên văn) rằng nếu người tự tu đọc sách, nghe bằng tiếng, bằng hình mà có thể tự hành xử như người luyện công thì cũng sẽ đắc được những gì đáng được đắc đó sao? Tôi thể ngộ nông cạn rằng dù bản thân có tự tu đọc sách một mình mà tu chân chính thì cũng sẽ đắc được hết thảy những gì đáng được đắc, vậy việc gì cứ phải tham gia học Pháp nhóm? đây chả phải vấn đề lý giải Pháp có vững hay không? Tâm chấp trước có bỏ đi được hay không là gì?

Vậy thì tập trung cho đông để đi nghe nhiều để làm gì khi ai ai cũng có trong tay một cuốn sách hoặc đơn giản là lên mạng đọc tạm khi chưa có. Đó chả phải cái tâm thích tu theo đám đông? Thích cầu này cầu nọ dẫn động đúng không? Có người một tháng mà đi đến bốn, năm lần xen kẽ sáng chiều tối cái lớp 9 ngày! Cá nhân tôi hiểu rằng Tu là tu thẳng cái tâm thì họ đọc sách ở nhà là đủ giải quyết rồi, họ còn cố đi nhiều các lớp đó làm gì, chẳng lẽ họ thừa thời gian quá không biết làm gì nên đi cho vui? Tôi từng biết có người đã học Pháp trên 7 năm nhưng lại nói rằng sau khi đi học lớp 9 ngày về thì cơ thể họ được tịnh hóa! Vậy thì trong 7 năm về trước họ học Pháp và luyện Công không có tác dụng gì là sao? Sư Phụ đã chả từng giảng rõ trong bài Sư phụ cấp gì cho học viên - Chuyển Pháp Luân (đại ý, không nguyên văn) rằng người tự tu chân chính khi đọc Đại Pháp cũng sẽ được thanh lý thân thể đó sao? Vậy hóa ra 7 năm trước họ không có thực tu nên không dược Đại Pháp thanh lý thân thể cho họ chăng? Họ ngộ sai lệch rồi nói lung tung như vậy liệu có đáng buồn hay không. Tu mà vẫn còn chấp trước vào biểu hiện bên ngoài hay sao? Giả như nếu Ma nó tạo ra cảm giác đó để huyễn hoặc thì họ có nhận ra được không? Nó giả bộ tạo cảm giác sai là có vẻ đề cao ầm ầm, công tăng vù vù, học viên có nhận ra được không? Tôi thể ngộ rằng hễ học viên có tâm chấp trước vào cái gì thì sẽ bị Ma dùi vào cái đó. Vậy công việc, gia đình, các mối quan hệ họ phải sắp xếp và cân bằng ra sao? Việc họ thực tu tâm tính qua các mâu thuẫn đời thường họ giải quyết như thế nào? Học viên cứ tổ chức nhiều lớp như vậy liệu có đúng hay không? Tại sao không hướng học viên vào dành thời gian mà thực tu cho tốt, tự mình độc lập tư duy theo Pháp mà đề cao tâm tính mà lại cứ bỏ thời gian tổ chức nhiều lớp như vậy? Có phải người tổ chức có tâm truy cầu công đức hay không? Thậm chí có người mới vào học Pháp một thời ngắn cũng đứng ra tổ chức lớp 9 ngày. Họ có phải muốn thông qua các lớp đó để dễ bề lên danh sách, điều khiển và thao túng học viên mới đúng không? Tu luyện là tu thẳng cái tâm, vậy mà có lẽ họ lại bỏ công sức và thời gian tu theo các lớp 9 ngày, tu cái danh hão, tu theo đám đông, tu hình thức v..v. Cái cần tu thì họ không tu, cái không phải là trọng tâm tu luyện thì lại thấy họ bỏ công sức vào đó rất nhiều, đó chả phải tu uổng công là gì? Đã vậy, họ còn giảo biện bằng nhiều cái cớ như là có trường năng lượng mạnh, là Pháp của Sư Phụ nên nghe nhiều càng có lợi? Vậy sách ở nhà để làm gì? Sách của Sư Phụ cũng là Pháp có phải không? Cá nhân tôi cho rằng Pháp của Sư Phụ nghe nhiều hay đọc nhiều mà không thực tu, hữu cầu lợi ích này nọ vẫn chỉ là dùng tâm người thường mà đối đãi với Pháp, cũng là thể hiện việc không biết tu luyện là gì, tôi hiểu rằng tu thẳng cái tâm thì mới cải biến thực chất, nghe mà không tu thì uổng công thôi! Có nghe nhiều nữa cũng vậy vì cái tâm kia có cải biến đâu? Tu cái tâm mà vẫn ham cầu lợi, cầu hưởng lợi ích từ trường năng lượng, trong khi bản thân cái tâm mình không cải biến thi hưởng lợi bằng niềm tin. Tôi chỉ e là các lớp học Pháp 9 ngày đó là nơi để những thành phần giả tu dụ đỗ lèo lái dẫn dắt học viên, hoặc là để cầu công quả qua số lượng lớp tổ chức được mà thôi. Người tu thì chú trọng thực chất, giờ lại quay ra sính hình thức! Chẳng phải là cố tình dẫn dụ học viên mới tu sai lệch là gì? Tôi có nhớ Sư Phụ cũng từng giảng rõ trong Chuyển Pháp Luân - (bài Tâm lý hiển thị) rằng (đại ý, không phải nguyên văn) kể cả có xin chữ ký của Sư Phụ mà không thực tu cũng có giải quyết được gì đâu? tôi thể ngộ được rằng cho dù các học viên có ở đâu nhưng miễn là thực tu thì Sư Phụ vẫn quản.....Nếu họ thực sự hiểu tu luyện là gì thì họ sẽ không rảnh mà bỏ thời gian đi nghe nhiều như vậy, họ sẽ bỏ thời gian thực tu cái tâm kia mới đúng, chỉ có không hiểu tu luyện là gì, quen cái bệnh sính hình thức, lười thực tu nên mới có cái tâm lý hữu cầu hướng ngoại mà lấy ra bao biện thôi.



Học viên hiện nay tu như robot, chỉ làm theo lệnh chỉ đạo, hoặc theo đám đông, không hề có tu theo Pháp (mặc dù họ luôn miệng nói là lấy Pháp làm thầy), người ta gọi là căn bệnh "giấu dốt". Cứ nghe theo học viên đi trước tùy tiện, người ta bảo không xem cái gì thì không xem cái đó, không nghe cái gì thì không nghe cái đó, bảo làm gì thì làm nấy mà không có chút suy nghĩ phản biện lại hay chịu tìm hiểu sâu hơn xem lý do vì sao? Cuối cùng cũng lại tặc lưỡi mà làm theo mặc dù bản thân cảm thấy có gì đó không đúng!

Tôi nghĩ rằng để Học Pháp thì vốn có nhiều phương thức, có người theo băng tiếng, băng hình hay theo sách, ai thích hợp phương thức nào thì áp dụng cho phù hợp, miễn là sắp xếp phù hợp với điều kiện của bản thân và chú trọng ứng dụng những điều được dạy ra thực tiễn, chú trọng trừ bỏ chấp trước ra sao? Thì họ lại mãi loanh quanh giữa việc học theo băng hình, hay học theo sách, họ cứ mãi lòng vòng ở bề mặt chứ chưa hề tiến vào thực tu là gì? Vì nếu họ biết thực sự tu luyện là gì thì họ chả buồn quan tâm đến việc học theo lớp 9 ngày hay không, đơn giản ngồi nhà đọc sách là xong, vì tôi nhớ rằng Sư Phụ đã giảng rõ (đại ý, không phải nguyên văn) - (trong bài Các học viên Pháp Luân Đại Pháp truyền công như thế nào - Chuyển Pháp Luân) đọc sách của Sư Phụ, xem băng hình của Sư Phụ, hoặc nghe băng tiếng của Sư Phụ mà học Pháp học công, có thể tự hành xử như người luyện công, thì cũng sẽ đắc được những gì đáng được đắc.


Tu luyện bây giờ đã được cấp cả "giấy chứng nhận" là "Tinh Tấn" do hệ thống tu loạn bậy đặt ra, họ cho rằng ai tu theo cách của họ thì là tinh tấn, cứ tham gia lớp 9 ngày là tinh tấn (trong khi có tu tâm tính hay không thì không rõ), có tu theo Pháp hay không thì cái đó... tùy thể ngộ mỗi người và đúng sai, thật giả nó vẫn cứ mông lung như một trò đùa.

Có lẽ thay vì tập trung tu tâm tính một cách thực chất thì họ cứ cố gắng chạy loanh quanh và sáng tạo theo những cách không thể chấp nhận nổi. Một số học viên còn trời ơi đất hỡi đến nỗi tự sáng tạo ra rất nhiều thuật ngữ, nói năng lung tung, tùy tiện tuyên truyền những điều Sư Phụ chưa từng giảng (học viên có thể đọc lại lại bài "Phật tính vô lậu" - Tinh tấn yếu chỉ).


Có người bảo các tài liệu giảng chân tướng là Pháp Bảo, thậm chí còn nói "thả Pháp bảo Chân Thiện Nhẫn" - đó là đặc tính của Vũ trụ, tôi nhớ khi học Pháp có nghe Sư Phụ giảng đại ý là chỉ có hướng nội là Pháp Bảo, nhưng chưa bao giờ nghe thấy là "Chân Thiện Nhẫn là Pháp bảo" vì tôi nhớ Sư Phụ có giảng rõ (đại ý) rằng Chân Thiện Nhẫn là đặc tính của vũ trụ, ấy vậy mà họ lại có thể đem "thả" đi được; vậy họ tùy tiện hồ ngôn lộng ngữ như vậy chả phải đang công nhiên phá hoại Pháp là gì? Học viên mới sau này vào tu tưởng thế là đúng cũng lại nghe theo rồi nói thì có phải thêm loạn lên hay không? Thần sẽ nhìn vào và nhận định ra sao với những học viên đó? Có người bảo hoa sen đem tặng người ta thì hoa sen là đại biểu cho Pháp Luân Công??!! Có người thì thậm chí đi chụp ảnh thấy mấy hiện tượng quang học thì nháo nhào vào bảo đó là Pháp Luân – nó có phải là Pháp Luân hay không thì liệu là học viên có nên nói ra trong nơi người thường? Chả phải học viên định đem điều siêu thường diễn ra công khai nơi người thường? Có người còn tùy tiện đặt tên loạn bậy có gắn danh từ của Pháp Luân Đại Pháp vào như "Khỏe đẹp nhờ Chân Thiện Nhẫn", "Tinh thần Chân Thiện Nhẫn", "Nụ cười Chân Thiện Nhẫn" v..v. (Không biết sau này họ còn chế thêm cái gì nữa) v..v


Còn có cả khái niệm "Pháp bảo Chân Thiện Nhẫn"? Mà lại còn sờ nắm, và ...thả được mới thần kỳ?!!! đây chẳng phải là hành vi trộm Pháp và cải biến Đại Pháp ngay khi Sư Phụ còn tại thế?


Một trang đăng lên thế này có phải tạo chấp trước cho người ta tưởng rằng học Chân Thiện Nhẫn để khỏe đẹp? Chân Thiện Nhẫn là nguyên lý vũ trụ lại được đem ra để câu view qua tác dụng khỏe đẹp hay sao? Đó chẳng phải trộm Pháp là gì?



Không biết trong nụ cười của mấy vị trong ảnh có bao nhiêu Chân Thiện Nhẫn? Có cười thôi mà cũng phải "đính kèm" Chân, Thiện, Nhẫn? Không hiểu họ có phải Nhẫn gì để cười toe toét như vậy? không hiểu họ phải Chân cái gì để cười, hay phải cười hở hết hàm răng, hở cả lợi ra mới được coi là Chân? Cười mặt phải tươi mới được coi là Thiện? Quả thật là quá loạn bậy, cũng như bất kính với Sư Phụ và Đại Pháp!

Câu hỏi đặt ra là nếu người ta học Chân Thiện Nhẫn mà không tu, hoặc giả tu mà bị chết đi thì câu nói khỏe đẹp nhờ học Chân Thiện Nhẫn có phải là lừa đảo đúng không? Chết rồi thì khỏe đẹp làm sao được? Nếu người ta theo mà vẫn già yếu thì hỏi khỏe ở đâu? tôi hiểu rằng Đại Pháp là nghiêm túc, làm sao lại đi quảng bá biến dị lệch lạc và hạ thấp Đại Pháp như vậy? Nó có phải là trò đùa hay không?

​​


Xuân ngập tràn dây hoa sen có ghi chữ Chân Thiện Nhẫn thì được ghi là ngập tràn Chân Thiện Nhẫn? đặc tính của vũ trụ mà phải đi ngập tràn mùa xuân thì nghe không ổn rồi! Đúng là ở Việt Nam cái gì cũng bị đem ra sử dụng một cách biến dị!


Học viên thay vì chứng thực Pháp chân chính thì lại quay ra lợi dụng các hoạt động của tôn giáo khác để quảng bá trá hình


Một trang web quảng bá Pháp mà nhầm lẫn trầm trọng trong bài viết, "phản bổn quy chân" là khái niệm bên Đạo gia, vậy thì dùng vị Phật nói có phải nhầm lẫn không? Nếu không có mà nói như vậy chả phải hành vi trộm Pháp hoặc cố tình bịa đặt loạn bậy là gì? Không hiểu học viên tu luyện kiểu gì mà ngộ loạn bậy như vậy?


Không những ghi sai tên đường link Web (đúng ra phải là www.phapluan.org) thì vị học viên này còn quảng bá một cách kỳ dị nếu không muốn nói thẳng là phá hoại. Tu chính Pháp rồi thì áp tay là hết đau? Di chuyển đồ vật bằng mặt? Tôi nghĩ đó là tà Pháp chứ không phải Chính Pháp! Dám phá hoại Đại Pháp công nhiên như vậy thật hết nói nổi.


Không chỉ học viên, ngay cả người thường cũng không chịu kém cạnh khi xuất bản một cuốn sách có tiêu đề "Thực hành Chân Thiện Nhẫn", chắc họ cũng nghiên cứu Pháp Luân Công rồi nên mới biết.



Lại còn cổ xúy niệm 9 chữ sẽ tránh được bão? Trong cơn nguy nan sẽ được che chở bởi phúc lành của Thần, Phật và cả.... Thiên Chúa? Thế này khác gì cổ xúy Pháp Luân Công như một tôn giáo? Cũng niệm 9 chữ như thể cầu nguyện để hưởng phúc lành? Con người làm sai tạo nghiệp mà niệm 9 chữ cái là có phúc lành? Giới thiệu có vài dòng thì hỏi mấy ai hiểu Pháp Luân Công là gì? Vì sao Pháp Luân Công là tốt và vì sao bị bức hại? Để trả lời và khiến người ta hiểu rõ thì chỉ nói vài câu và bảo người ta niệm thì có khỏi được không?



Học viên Pháp Luân Công phải đi cày game để kiếm tiền mua tài liệu? Kiểu này chắc các hãng game ắt phải có công đức lắm đây




Những hình ảnh này được các học viên trưng đầy ở ảnh nền tường Facebook.


Website của học viên quảng bá bài trên Minhhue một cách tùy tiện, nếu người thường mà vào đọc những bài có tiêu đề như trên thì họ sẽ nghĩ sao? Cứ vào học Pháp Luân Công là có thể chữa được AIDS? Chả phải phá hoại Đại Pháp công nhiên là gì?


Thậm chí còn định in thành truyền đơn đem đi phát?! Lại còn quảng cáo là khỏi cả bệnh AIDS? Nguy hiểm cùng cực!


Thậm chí trong học viên còn kêu gọi phát chính niệm để đẩy bão, thậm chí còn giúp người nhà mới bị tai nạn để tiêu tai như đi chùa cầu an?

Liệu một ngươi chưa hiểu rõ Pháp Luân Công là tốt hay xấu, vì sao bị bức hại, rồi nhất là các ca tu loạn bậy khiến vợ chồng phải bỏ nhau vì cực đoan trong quan hệ vợ chồng, rồi bỏ bê công việc đi phát tờ rơi, đối xử với con cái và gia đình không còn bình thường như trước? Họ niệm liệu có tai qua nạn khỏi hay không? Tôi nhớ rằng Sư Phụ đã giảng về vấn đề này (đại ý, không nguyên văn) rằng học viên cần phải giảng chân tướng cho họ, để người ta minh bạch, đừng làm điều xấu nữa, thật sự khiến họ được cứu thì học viên mới đưa họ bùa hộ mệnh chứ. Cần làm thật, cứu người không phải là phát truyền đơn, đưa một tờ là một tờ đâu (học viên đọc lại trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010). Sư Phụ cũng đã giảng rõ (đại ý, không phải nguyên văn) nếu người ấy ngay trong hoàn cảnh tà ác thật sự dám niệm thế, thậm chí niệm thành tiếng, thì họ sẽ khỏi. Nhưng ở hoàn cảnh nới lỏng mà niệm thì không nhất định có tác dụng. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010).


Tôi thể ngộ nông cạn dựa trên lời giảng của Sư Phụ (nội hàm lời giảng của Sư Phụ là vô biên, tôi chỉ thể ngộ được ở tầng sở tại hữu hạn mà thôi) rằng chỉ trong hoàn cảnh ở Trung Quốc đó mà họ dám lớn tiếng nói lên 9 chữ này thì đương nhiên họ dám xả bỏ sinh tử đúng không? Chỉ có trong hoàn cảnh đó mới khởi tác dụng. Tức là niệm 9 chữ đó mà khởi tác dụng nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ngoài việc biết Pháp Luân Công là tốt ra họ còn phải dám xả bỏ sinh tử, dám hy sinh lợi ích của mình để nói lời công chính cho Đại Pháp, tôi nghĩ rằng sinh mệnh đó mới có thể được Sư Phụ giúp đỡ. Làm sao mà tùy tiện đem những thứ đó ra tuyên truyền bậy bạ như vậy?


Giả như nếu họ niệm mà không khỏi thì chả phải họ có cớ chụp mũ Pháp Luân Công là mê tín đó sao? Trong hoàn cảnh ở Việt Nam, liệu người ta có biết Pháp Luân Công là tốt chưa? Có dám xả bỏ sinh tử để ủng hộ cho Pháp Luân Công hay không? Chính quyền Việt Nam từ năm 2000 đến nay không hề công khai cấm học viên ra điểm luyện công tập, học viên vẫn tu luyện bình thường, lên internet bình thường thì làm gì giống hoàn cảnh tà ác như ở Trung Quốc? Tại sao học viên không suy nghĩ một chút? Bình thường họ luôn miệng bảo dĩ Pháp vi Sư mà? Thậm chí tôi hiểu rằng Phát Chính Niệm vốn là dùng để thanh lý tà ác ở không gian khác mà phá hoại Đại Pháp thì lại được dùng để thanh lý cả bão nơi người thường? Quả thực không còn gì để nói!


Vậy thì người thường sẽ nghĩ thế nào về nhóm người này? Theo bản năng họ sẽ cho rằng những người học Pháp Luân Công là “dở hơi”, “thần kinh dẫm phải đinh”, “truyền bá mê tín dị đoan” v..v. Thay vì thực tu và chứng thực Pháp một cách lý trí, tỉnh táo có trách nhiệm và nghĩ cho người khác trước thì trong một bộ phận không nhỏ các học viên mới tạo ra rất nhiều sự hỗn loạn. Sư Phụ từng giảng về bài học giáo huấn tại sao Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni không còn tồn tại ở Ấn Độ (học viên xem lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài "Bài học giáo huấn từ Phật giáo" - Chuyển Pháp Luân 2). Tôi thể ngộ được rằng hiện nay bài học đó đang diễn ra ngay tại Việt Nam, khi mà Sư Phụ còn tại thế mà học viên đã biến tấu như vậy thì hỏi thêm một đoạn thời gian nữa Pháp của Sư Phụ sẽ còn bị họ diễn giảng loạn bậy đến mức nào? Chả phải thân là học viên mà khởi tác dụng còn hơn cả Ma phá hoại Pháp đó sao?


Ấy vậy mà có người chỉ ra thì họ lại không chịu hướng nội, sửa sai, mà lại bảo soi mói? phá đám họ? Tôi hiểu rằng suốt quá trình tu luyện Đại Pháp thì một người khó mà có thể cái gì cũng làm đúng, cũng hoàn hảo hết được; Nên để sửa lại những điều không đúng thì học viên cần phải có khả năng nghe lời phê bình, phải xét lỗi sai để đề cao tâm tính, thấy sai còn biết mà sửa lại. Làm sai mà không muốn nghe phê bình, góp ý mà lại bảo là soi mói thì tôi xin nói thẳng đó có lẽ không phải là người tu luyện, nhiều khả năng chỉ là được an bài vào phá hoại Đại Pháp mà thôi!

Với môi trường tu luyện có thể chế đặc thù như ở Việt Nam, thì theo tôi tốt nhất chỉ nên dựa vào điểm luyện công và tâm truyền tâm, người truyền người thông qua quen biết, kiên trì làm âm thầm lặng lẽ với những người xung quanh thông qua hoàn cảnh sinh hoạt, công việc, giao tiếp là tốt nhất, nhưng cũng phải chú ý không nên mời mọc họ, mình chỉ có thể nói lợi ích khi tu luyện nhưng cũng phải trong khả năng lý giải được của người thường (bảo khỏi bệnh nan y hay thần thánh hóa lên đều là dễ khởi tác dụng phá hoại – dù cho đúng sự thực có là như vậy - vì nó không phải là điều thuộc về nơi người thường, nó là điều siêu thường), còn việc họ tu hay không là do họ tự quyết định – phải hướng họ vào nhận thức đây là Phương pháp tu luyện chân chính chứ không phải làm họ nghĩ đây là phương pháp trị bệnh.


Tôi có thể ngộ rằng Đại Pháp có thể thanh lý thân thể nhưng chỉ trong giới hạn là người tu luyện chân chính, phải giữ được sự uy nghiêm cho Pháp khi đi quảng bá chứ không thể biến Pháp thành một phương pháp trị bệnh tầm thường. Còn nếu họ muốn tìm hiểu về cuộc bức hại thì lý trí mà giải thích, một người nhiều khi phải qua vài lần giao tiếp, họ phải đích thân chứng kiến và suy nghĩ thì mới có thể giải khai được nên càng nóng vội càng dễ hỏng việc. Họ phải nhận thức rõ Pháp Luân Công là tốt thì những điều về sau khi nói về cuộc bức hại họ mới lý giải được vì sao ĐCSTQ bức hại như thế là sai! Nhưng để nhận thức được cái tốt của Pháp Luân Công thì tôi nghĩ thông thường là phải qua một quá trình nhìn nhận, theo dõi và thậm chí phải tự trải nghiệm qua hành vi, ngôn từ của học viên trong cuộc sống hàng ngày – bởi qua đó họ mới thấy rõ nhất Pháp Luân Công có tốt thật hay không?


Thực tế cho thấy nhiều học viên rất cực đoan, gặp ai cũng giới thiệu, gặp ai cũng mời chào, gặp ai cũng nói Pháp Luân Công bị bức hại thì họ thấy điểm tốt ở đâu? Họ lại dễ nhìn nhận đó là một dạng đa cấp lừa đảo, rủ rê lôi kéo, cần phải đặt bản thân vào góc độ của người không tu mà xem nên làm thế nào cho tốt, phải suy nghĩ và lấy việc tu bản thân cho tốt làm cơ sở chứ không phải sử dụng nhiệt thành trong công tác chứng thực Pháp là xong.


Thiệp chúc tết cũng ... Chân Thiện Nhẫn, họ dám lấy Pháp Vũ trụ ra cợt nhả, bất kính như vậy?


Bong bóng cũng...Chân Thiện Nhẫn? Thật quá là loạn bậy!


Lợi dụng cả hoạt động của tôn giáo khác để quảng bá trá hình Pháp Luân Công? Đây chả phải hành vi bất Chân là gì? Pháp Luân Công mà phải chui lủi nương nhờ tôn giáo khác để quảng bá hay sao? Chả lẽ học viên không thể đường đường chính chính mà thể hiện rõ mình là học viên Pháp Luân Công mà phải mượn quần áo ông già Noel- quần áo tiên nữ để đi phát hoa sen?


Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến khi video còn 29s


Phần lớn thời gian của video là nói về khả năng làm cho động vật ngủ nhờ khả năng chạm vào chúng, vậy nhưng với 12 giây cuối của video lại được lồng ghép thông điệp về quảng bá Đại Pháp?!! Một kiểu quảng bá biến dị quá kinh khủng, làm ô nhục thanh danh của Đại Pháp. Vốn là môn tu luyện chân chính thì lại phải đi nương nhờ, đi cắt ghép video để quảng bá câu view rẻ tiền như vậy hay sao? Đây lại là được biên tập bởi một trang khá đông học viên vào đọc đó là Tinhhoa.net và kênh truyền thông khác là Tinhhoa.tv.

Nhưng rất nhiều học viên lại thấy làm thế là không đủ lượng, không mạnh, thấy còn nhiều chúng sinh phải cứu và sáng tạo ra nhiều thể loại chứng thực Pháp một cách dị thường. Nào là phát bong bóng có chữ Chân Thiện Nhẫn, bánh kem có chữ Chân Thiện Nhẫn, phát hoa sen quảng bá Pháp nhân ngày lễ Noel (thử nghĩ đặt địa vị là một người chưa biết đến Pháp, lên mạng thấy quảng bá Pháp Luân Công, gặp bạn bè cũng bị quảng bá, đi đường cũng bị, rồi đi Noel cũng thấy ông già Noel và mấy vị Thần Tiên tỷ tỷ cười toe toét rồi dí vào tay cái thông điệp về Pháp Luân Công hỏi có cảm nghĩ gì? Có thấy phiền toái, có thấy phản cảm không?).


Theo tôi được biết, các học viên tại Phương Tây họ đã quảng bá Pháp thì quảng bá hẳn hoi, làm công chính, ví như ngày lễ sách thì họ dựng hẳn quầy về Pháp Luân Đại Pháp, ai quan tâm thì họ giới thiệu, ai không quan tâm thì cũng không mời mọc, họ đi diễu hành quảng bá Pháp như đoàn Thiên Quốc thì cũng ký hợp đồng đàng hoàng và làm công khai. Họ không hề sử dụng phương thức lén lút hoặc khôn lỏi lợi dụng các hoạt động tại xã hội để quảng bá Pháp bằng mọi cách mà đã làm thì xin phép chính quyền địa phương và làm đàng hoàng ngay chính. Còn ở Việt Nam thì sao? Cái gì cũng làm kiểu trá hình, đi diễn thì làm chui không có hợp đồng, quảng bá Pháp trên mạng thì lồng ghép vào các video hài tục nhảm của người thường thậm chí còn rải bom thông điệp nước mắt cô nhi ầm ầm tại tường nhà của người thường v..v. Thử hỏi bây giờ có ai thấy môi trường tu luyện tại Việt Nam bị học viên mới vài năm trở lại đây làm biến dị đến mức nào chưa? Các học viên trước đây kiên trì cách làm truyền thống, không khoa trương, tùy kỳ tự nhiên và chú trọng thực tu thì các học viên mới vào hiện nay đã làm rất nhiều việc phá hỏng đi công lao gây dựng môi trường nhiều năm của các học viên tu lâu, rất nhiều người trước có cái nhìn thiện cảm và thông cảm với Pháp Luân Công thì khi tiếp xúc với các dạng quảng bá dày đặc và biến dị trá hình như hiện nay họ phải lắc đầu ngao ngán và thậm chí còn tiếc khi trước đây từng lỡ ủng hộ Pháp Luân Công. Như vậy thì học viên vào nhiều trong vài năm trở lại đây là tốt hay xấu? Nếu chỉ suy nghĩ đến số lượng thì không thể nhìn ra được vấn đề, nó phức tạp hơn nhiều và nếu không nhận thức đúng, không chú ý thì có khi chính ngay bản thân học viên sẽ thành nạn nhân lúc nào không hay. (Tham khảo thêm bài viết sau: Link)


Với số lượng lớn học viên mới như hiện nay, nếu như không thực tu, chỉ chạy theo hình thức, ham công quả..... thì việc xuất hiện nhiều loại hình lừa đảo tinh vi bức hại tài chính, bức hại thời gian, bức hại tu luyện của học viên cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như dụ dỗ học viên bỏ tiền duy trì hạng mục, phải mua tư liệu giảng chân tướng, mua sách, kinh văn được in sẵn không cần biết là sách lậu hay sách bản quyền v..v, vì họ mất rất nhiều thời gian chạy theo hình thức mà chỉ mải “cứu độ chúng sinh” nên tất yếu phải an bài cho từng đợt “sóng” để “thanh lọc cát” thôi. Nhưng đáng buồn là rất ít người trụ qua được mà bị dính trên diện rộng, dính rồi cũng không biết. Đúng như tôi đã từng nói bên trên, họ là tu theo kiểu “khôn nhà dại chợ”, trong khi chia sẻ thì họ rất tinh tấn nhưng ra thực tiễn thì bẫy nào cũng dính. Đáng buồn là khi có ai chỉ ra vấn đề, nói ra sự thật là họ đang bị bức hại, bị lừa thì họ không tin, còn quay ra chụp mũ người chỉ ra vấn đề là soi mói, tạo thị phi, phá hoại gây chia sẻ chỉnh thể, là đặc vụ, làm ảnh hưởng đến tín tâm của học viên v..v. Có học viên ý thức được cũng không dám nói ra vì sợ bị cách li, sợ bị cô lập, sợ làm học viên khác hoảng loạn hay đơn giản là ngại đụng chạm. Nhưng trong một dạng thức an bài tinh vi và nguy hiểm cùng cực đến vậy mà không nói, không cảnh tỉnh thì chả phải tiếp tay cho việc bức hại học viên diễn ra trên diện rộng có phải không?


Sự thật thì đương nhiên sẽ phải mất lòng, thà họ biết được sự thật mà sau này có thể ý thức để tu cho tốt còn hơn là để kệ cho họ bị sao thì bị, giống như kiểu câu nói vô trách nhiệm đó là “ai sai người đó chịu trách nhiệm” – Vậy các vị tu để làm gì? Gặp cái sai các vị không đứng lên phơi bày nó ra, thấy học viên làm sai mà không nói, thấy học viên bị bức hại mà không có hành động gì mà chỉ bàng quan và lo lấy thân mình thôi đúng không? Thế thì có phải là đang đồng lõa với cái ác không?


Nếu cái tình trạng tu mà như không tu như hiện nay mà tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới thì e không còn mấy học viên có thể trụ lại chứ chưa nói đến đạt tiêu chuẩn viên mãn. Cái sự thực kinh hoàng về an bài bức hại tại Việt Nam có lẽ chỉ đến những thời khắc cuối mới lộ ra, nhưng khi phá mê cũng là lúc gần kết thúc rồi. Lúc đó không thể hối hận được nữa, chỉ có khi trong mê mà nhận ra thì mới được tính. Theo thể ngộ của tôi nếu cái gì cũng rõ ràng hết thì bên trên sẽ không để học viên bước vào tu luyện dễ dàng như bây giờ đâu, lúc đó muốn tu cũng khó vì làm gì còn khảo nghiệm nữa mà tu? Tôi có được biết trong một bài viết nào đó của học viên tại Trung Quốc có nói đại ý rằng 100 triệu người tu luyện bên Trung Quốc mà số người đạt tiêu chuẩn khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra lại quá ít, rơi rụng lả tả và bị bức hại nghiêm trọng lại chiểm tỷ lệ lớn trong các người từng là Phụ Đạo Viên, Liên Lạc viên tại các điểm luyện công, vậy thì ở Việt Nam thì sẽ thế nào? Thế để nói tu luyện không dễ đâu! Sư Phụ trong Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999] đã từng nói rằng (đại ý, không nguyên văn) Sư Phụ không quan tâm có nhiều hay có ít người tu luyện, tu luyện không thể nhìn vào số lượng nhiều hay ít người tham gia, thậm chí chỉ có 1% số người tu luyện thì những việc Sư Phụ làm cũng không hề vô ích.


Nếu thực sự chỉ có 1% số người tu luyện, tôi cũng không biết trong 1% số người thực sự tu luyện đó thì bao nhiêu là tu thành? Con số đó tôi nghĩ có thể còn ít hơn nữa! Tại Việt Nam mà cứ theo cái đà tu loạn bậy như hiện nay khi mà tỷ trọng thích “chứng thực Pháp” mà không dựa trên tu luyện tâm tính tốt làm cơ sở, dựa vào nhiệt huyết và sự sáng tạo đến biến dị của các học viên trẻ mà thậm chí nhiều khi còn chưa thực sự hiểu tu luyện căn bản là gì; Không ý thức và lý trí mà làm thì nhiều nhưng quay đầu nhìn lại thì phá cũng không ít, thì chắc số người tu đạt tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Chỉ e là đến thời điểm phán xét, khi mà một lượng rất lớn học viên Việt Nam có thể bị đào thải cùng với ĐCSTQ thì lúc đó có tỉnh ra, nhận ra hệ thống an bài phá hoại tinh vi kia cũng đã muộn rồi. Những gì mà tôi có thể làm bây giờ là viết ra, nói ra cho học viên tự chú ý mà thôi, ai có thể tỉnh ra thì tỉnh ra, ai không tỉnh ra được nữa mà vẫn cứng đầu thì cũng không còn cách nào. Chỉ là thời gian không còn lâu nữa đâu.


Trên đây là một chút hiểu biết cá nhân, thể ngộ tu luyện của tôi về hiện trạng tu luyện của học viên mới hiện nay, tất nhiên cũng có thể không hoàn toàn phản ánh đúng một cách tuyệt đối nhưng tôi cũng hy vọng nhận được góp ý nếu có gì sai sót. Tất nhiên, việc có tham gia học Pháp nhóm hay luyện công chung hay không thì tôi không có nói đó là sai hay đúng, vấn đề là khi tham gia có bị dẫn dụ tu loạn bậy hay không mà thôi, bản thân hình thức học Pháp nhóm hay luyện công chung thì rất tốt, nhưng vấn đề nó nằm ở tâm các học viên chứ không nằm ở hình thức tu luyện, đơn giản như một người khẩu Thiện nhưng Tâm thì là Ma, nếu chỉ nhìn hình thức thì rất khó nhận ra vấn đề, nếu cái tâm của học viên là chính thì điểm học Pháp đó là rất tốt, còn nếu không chính thì rất nguy hiểm, nhưng sự nguy hiểm đó thường khó nhận ra nếu chỉ nhìn hình thức bề ngoài. Tôi cũng nghĩ rằng, phàm ai thấy cái sai mà không dám phơi nó ra mà chỉ muốn che đậy nó để giữ cái danh tu tinh tấn, sợ mất mặt với các học viên khác, lúc nào cũng sợ "phơi áo cho người xem lưng" thì đó có phải là người tu luyện hay không? Sợ sai? Sợ bị phê bình? Sợ bị chỉ trích? Hay họ không dám đối diện với cái sai mà chỉ toàn đổ tội lên người nói ra là bới móc, tạo thị phi? Hay thực chất họ sợ tạo thị phi thì sẽ ảnh hưởng đến cái danh mà họ vất vả tạo dựng bấy lâu nay?

 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page