top of page

Một số quan điểm về Đắc Pháp

Đã cập nhật: 10 thg 9, 2020

[2017/10/28] PHẠM NINH DƯƠNG


Hiện nay, có lẽ trong chúng ta vẫn còn đang mơ hồ về “Đắc Pháp là gì?”, có người suy nghĩ đơn giản là bắt đầu tu luyện thì được coi là “Đắc Pháp”, hoặc đang đọc Pháp thì gọi là đang “Đắc Pháp”, hoặc đọc sách luyện công đầy đủ thì được coi là “Đắc Pháp”, hoặc đọc càng nhiều sách, kinh văn thì được coi là “Đắc Pháp”. Kỳ thực Đắc Pháp theo thể ngộ tại tầng thứ sở tại của tôi thì nó không đơn giản như vậy. Sư Phụ đã giảng rất rõ vấn đề này trong bài "Tầng khác nhau có Pháp của tầng khác nhau" - Chuyển Pháp Luân (Link). Vậy hỏi rằng với tầng thứ của người mới bước vào tu luyện thì Đắc Pháp là đắc được toàn bộ Đại Pháp của vũ trụ? Có lẽ đây là cách hiểu sai lầm.

Nhiều người có thể cho rằng vì Đại Pháp là Pháp của vũ trụ nên hễ đọc Đại Pháp là đắc Pháp vũ trụ rồi? Hỏi người thường mới tu có đắc Đại Pháp vũ trụ được không? Thực chất Đắc Pháp có hàm nghĩa rất lớn mà kể cả tôi cũng chỉ có thể nói ra từ thể ngộ nông cạn của mình mà thôi. Nhưng tôi hiểu rằng chỉ có qua tu luyện thực sự, qua thực hành mà đề cao lên đến tầng thứ nào thì mới được Đại Pháp vũ trụ tại tầng thứ đó triển hiện, đến mức độ đó trí huệ mới được cấp và vị đó nắm được Pháp lý tại tầng vũ trụ đó nên mới có thể được coi là Đắc Pháp, người tu đến tầng nào thì Đắc Pháp đến tầng đó chứ không thể hiểu đơn giản rằng Đắc Pháp tức là đắc toàn bộ Pháp lý.

Vậy nếu một người cũng tu luyện, cũng đọc sách, luyện công, làm hạng mục rất nhiều thì có thể được coi là Đắc Pháp không? Cái đó theo tôi nghĩ thì có thể còn tùy thuộc vào việc họ có thực tu tâm tính hay không? Thực tế tôi có nghe nói có nhiều vị kể cả mới tu 1-2 năm hay tu lâu năm mà cuối cùng vẫn chết như thường mặc dù đi học Pháp nhóm, đi luyện công và làm hạng mục rất chăm chỉ, thậm chí rất phó xuất. Nhưng mà vẫn chết thì chứng tỏ đường đời của vị đó đến lúc đấy là phải rời đi và thực tế là nó chưa có sự thay đổi. Vì sao chưa có sự thay đổi? Theo tôi hiểu khi đọc Pháp thì có thể do vị đó không thay đổi từ căn bản của tâm tính, hay nói chính xác hơn là vị đó không tu, chỉ tu theo hình thức và nói vẹt theo người khác những câu chữ mà người tu luyện hay nói, nhưng bản thân người ta “giấu dốt”.


Nó giống như trường hợp một người nào đó hỏi bạn một vấn đề, bạn dù không biết nhưng không muốn mất thể diện, mất danh (tôi hiểu đó cũng là một dạng chấp trước - tâm cầu danh, muốn được vị nể, trọng vọng, đối xử tốt) nên thay vì phải buông bỏ cái tâm cầu danh đó đi và nói rõ là họ không hiểu lắm, họ vẫn thuận theo chấp trước đó mà liều nói vài câu thể hiện rằng mình biết – thực chất đây là một loại văn hóa biến dị mà rất nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi bị rất nặng, đó là một dạng thức che đậy chấp trước. Do không tu luyện chân chính, tâm chấp trước cố thủ không bỏ thời gian dài, nên tôi thể ngộ rằng Sư Phụ chưa thể thay đổi đường đổi của họ. Nếu trong quãng đời của họ đến lúc nào đó, phải bị gì đó hoặc giả ngày nào/tháng nào/năm nào/giờ nào phải ra đi thì tôi e rằng họ vẫn phải ra đi thôi, dẫu cho bề mặt học viên thấy họ có đọc sách nhiều, luyện công chăm chỉ mà tâm tính không nâng lên thì không thể phát sinh cải biến từ thực chất.

Tôi cũng có tiếp xúc với nhiều bạn trẻ mới bước vào tu luyện được vài tháng và hơn một năm. Nhưng qua quá trình trao đổi với họ, tôi có thử trao đổi và hỏi họ vài câu hỏi thì câu trả lời của họ giống nhau như một khuôn, như là học khẩu quyết vậy, không hề có nội hàm nào là từ chính kiến của họ, lý giải Pháp rất mơ hồ như là “Đắc Pháp thì tức là phải đọc Pháp cho nhiều”, “Đắc Pháp tức là phải học Pháp luyện công”, “Muốn đề cao tâm tính thì phải đọc nhiều kinh văn, phải làm nhiều hạng mục” v..v.


Theo thể ngộ tại tầng thử sở tại của tôi thì có lẽ họ đã nhầm lẫn một cách tai hại rằng đề cao tâm tính và đắc Pháp tức là đo lường qua số lần đọc và luyện công, làm hạng mục cho nhiều. Họ không bỏ công phu vào cái tâm kia, còn không biết mình có những dạng chấp trước gì, biểu hiện của nó ra sao v..v thì tôi chỉ e là họ sẽ không đắc được gì hết, thậm chí cứ nói mồm là bỏ chấp trước nhưng trong tâm không thay đổi thì cũng vẫn như không.


Nếu thực sự mà hiện trạng như vậy tôi e rằng rất nhiều học viên tại Việt Nam vẫn chưa thực sự Đắc Pháp, hay nói chính xác hơn là chưa được Sư phụ quản vì họ không tu luyện chân chính, nó rất nguy hiểm bởi yêu ma sẽ lừa đảo họ, nhiều thành phần bất hảo khoác áo học viên sẽ lợi dụng họ để kiếm lời hoặc thực hiện mục đích nào đó. Thực tế Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân cũng có nói rõ (đại ý, không phải nguyên văn) là nếu không thể tu, không thể hành được thì đừng nên tu luyện, bởi lúc đó sẽ bị yêu ma sẽ quấy nhiễu lừa đảo.


Rất nhiều học viên hiện nay quả thực không tu luyện, chưa đắc Pháp do không đề cao tâm tính, chỉ là dừng lại học tri thức qua việc đọc Pháp, đọc kinh văn mà thôi, đụng phải mâu thuẫn là tôi làm gì mặc tôi, mỗi người có một thể ngộ, đại khái là tránh né hoàn cảnh để đề cao tâm tính, chỉ thích được khen, bị chê hay góp ý phê bình là tỏ ra khó chịu, đấy mà là tu sao? Lúc bình thường họ nói Pháp lý rất hay, rất tốt, nói thậm chí vanh vách khiến người xung quanh tưởng họ tu rất tốt, nhưng hễ đụng phải mâu thuẫn, thì họ đẩy hết lỗi sang cho người khác, họ là luôn đúng, hoặc giả tìm đủ cớ để né tránh lỗi lầm, tự an ủi bản thân rằng mình vẫn tu tốt lắm v..v. Kỳ thực chấp trước của họ chưa hề bị đụng đến, nó thậm chí có thể vẫn ẩn rất sâu trong tư tưởng của họ mà họ không nhận ra, có khi nó nói gì trong đầu họ vẫn nghĩ đó là tư tưởng của chính họ (chủ nguyên thần).

Hiện nay càng ngày càng có nhiều dạng thức lừa đảo, phá hoại tinh vi, ấy vậy mà có lẽ nhiều học viên vẫn mơ mơ tỉnh tỉnh, không nhận thức ra được, thậm chí còn dùng tư tưởng người thường vốn vị kỷ “cái gì tốt với tôi thì nó là tốt, cái gì không tốt với tôi thì nó là xấu” để phán xét nhận định, thế là họ bị dính bẫy, thực tế bất kỳ phương thức lừa đảo nào thì cũng phải lấy những thứ tốt đẹp ra che đậy vỏ ngoài, cũng giống như ĐCSTQ lấy vỏ bọc phát triển kinh tế xã hội để che dấu thực trạng thối nát bên trong để mị dân.


Nếu học viên không thực tu thì Pháp sẽ không triển hiện cho họ thấy và họ chưa đắc được Pháp nào hết, có đọc sách nhiều nữa cũng chỉ thêm kiến thức cho phong phú đầu não thôi. Cá nhân tôi thấy rất nhiều vị đọc sách không phải để tìm tâm chấp trước hay tâm Ma của bản thân mà chỉ tìm ra câu trả lời cho vấn đề của mình, gặp hoàn cảnh mâu thuẫn thì lại cho rằng cựu thế lực can nhiễu, an bài phá hoại của cựu thế lực, hoặc giả học cho nhiều để thể hiện với học viên khác là mình tu tốt, biết nhiều v..v và trốn tránh hết lần này đến lần khác cái việc đề cao tâm tính qua mâu thuẫn của tự thân. Vì không vững nền tảng do thực tu nên họ vẫn là không tỉnh ra được, thậm chí bị lừa mãi mà vẫn tự huyễn hoặc rằng mình vẫn làm tốt lắm, là được cấp Đức. Bị yêu ma dắt đi hết lần này đến lần khác, hình thức nào họ cũng dính.

Rất nhiều học viên không thực tu bị dẫn đi lệch lạc đó thì tôi có cảm nhận họ đang tăng trưởng Ma tính chứ không hề bài trừ nó đi, chỉ là họ càng ngày càng gian xảo dùng các lời Sư phụ nói ra trong kinh văn để che đậy nó đi kỹ hơn. Học Pháp theo thể ngộ cá nhân của tôi là để học viên tự xét nội tâm mình, tự tìm ra lỗi sai của mình, đối diện với các dạng chấp trước trong tâm, nhận ra nó, bài xích nó rồi dần dần mà tu lên. Họ lại dùng nó để làm phong phú đầu não, lại huênh hoang cho rằng mình biết nhiều hơn người thường, từ đó coi thường người khác, cho là mình thành Thần rồi, coi người thường như sinh mệnh hạ đẳng, dần dần tỏ ra khác người, lập dị khiến người xung quanh không lý giải được, từ đó sinh phản cảm với Đại Pháp.


Họ không hiểu được họ đang cải biến đến mức còn chả bằng người thường với cái biểu hiện cực đoan, hâm hâm dở dở của mình. Theo quan điểm cá nhân của tôi thì đáng lý khi một người tu luyện là phải càng ngày càng phải bài trừ Ma tính, càng lý trí, trầm tĩnh, khiêm nhường, biết xét mình; thì họ lại càng ngày họ càng quá khích, chỉ thích nghe lời ngon ngọt, chỉ thích được các học viên tôn sùng, ai mà chỉ ra họ thì họ khó chịu nhưng không thể hiện ra mặt mà lấy Pháp ra để che đậy thậm chí công kích người chỉ ra vấn đề của họ, nó khác gì học Pháp để chứng thực bản thân?


Có người còn ngụy biện rằng càng tu lên cao thì càng có biểu hiện "lạ thường", "khó lý giải", lời ăn tiếng nói phải tỏ ra "dị dị", cách sống cũng phải "giống Thần tiên" một chút, có người không có công ăn việc làm, bỏ bê công việc, sống như trên mây, họ gọi đó là trạng thái của người tu tại cao tầng. Nhưng tôi hiểu người mà biết tu luyện thực chất, càng tu lên cao họ càng phát hiện họ có nhiều chấp trước hơn, họ phải nâng tiêu chuẩn tâm tính lên gắt gao hơn, đạo đức họ ngày càng cao thượng hơn, biết nghĩ cho người khác hơn, bớt đi cái tôi của bản thân, càng ít thể hiện, càng biết giữ mình không gây chú ý cho người xung quanh, biết giữ gìn và cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói hơn v..v. Biểu hiện bề ngoài của họ, cách cư xử, lối sống thì vẫn phải như Sư Phụ giảng (đại ý) là phải phù hợp tối đa với người thường - Tôi hiểu là vẫn phải có công ăn việc làm, sinh sống, làm việc, nói năng như người bình thường và người thường nhìn vào họ thấy học viên là người bình thường, chỉ có điều là học viên sống cao thượng, có đạo đức hơn nhiều so với mặt bằng chung hiện nay.


Vậy cứ biểu hiện "bất thường", "lập dị", "khó lý giải", bỏ bê công việc, gia đình, thì đó gọi là gì? Đó có phải là trạng thái của người tu tại cao tầng không? Cứ thích gây chú ý, cố tỏ ra bản thân khác thường đó chả phải tâm hiển thị khoe khoang là gì? Chấp trước còn đầy ra đó mà họ vẫn tự huyễn hoặc bản thân tu cao tầng lắm rồi, đó có phải là tâm lý ảo tưởng về bản thân quá đà hay không? Người thực tu tôi nghĩ họ đâu có biểu hiện như thế? Càng tu lên cao họ càng trầm tĩnh, bớt hiển thị đi, bớt ảo tưởng vào bản thân đi vì họ ý thức họ còn có nhiều chấp trước phải bỏ có phải không, càng tu lên cao tiêu chuẩn tâm tính của họ càng nghiêm khắc hơn, liệu họ có thể biểu hiện "khác thường" như trên không - Điều mà vốn do tâm hiển thị, tự mãn ảo tưởng mang đến? Thực tế, với những học viên biểu hiện "khác thường" kia tôi e rằng họ có khi còn không hiểu tu luyện là gì, nhưng vì sợ mất thể diện, tâm cầu danh không bỏ đi được nên họ lấy Pháp của Sư Phụ ra ngụy biện, nói càn để chứng thực bản thân mà thôi.


Nếu có ai học bài Kim Phật mà có bình chú của Sư phụ thì sẽ hiểu ra tại sao có người bình thường trông rất tốt nhưng khi chết và mổ bụng vị đó ra toàn thứ xú uế, tôi nghĩ là vì họ không dùng Pháp để tu cái tâm mà dùng nó để tăng cái danh của họ trong các học viên, làm nhiều, luyện công nhiều, đọc sách nhiều cốt là để lấy thành tích, để khoe khoang rằng tôi là tu rất tinh tấn, là tu vì cái danh, để người khác khen mình là chính. Kỳ thực theo quan điểm cá nhân của tôi thì họ chưa có bỏ chấp trước, mà là hữu ý cố thủ và dung dưỡng nó, vì vậy mà họ chưa đắc Pháp, và đến lúc họ đột nhiên lăn quay ra chết thì học viên xung quanh không hiểu vì sao, sao trước đây vị đó tinh tấn lắm mà? Có người là đến thời điểm tôi cho rằng là đã hết thọ mệnh thì phải ra đi, họ mà khởi tác dụng loạn Pháp do mê hoặc học viên thì có khi ra đi còn nhanh hơn.

Hỏi với các học viên mà không học Pháp thực tu đó thì hậu quả của họ sẽ ra sao? Liệu họ có viên mãn mà bay về trời với Sư phụ như một vài người mà lừa đảo họ rằng làm hạng mục truyền thông gì đó sẽ được như vậy? Họ phó xuất nhiều chỉ để đến lúc cuối cùng mà bay về trời vậy nó có phải cái tâm chấp vào viên mãn không? Nó là vấn đề tu luyện căn bản mà họ không nhận thức ra nổi thì vị trí của họ sẽ là ở đâu? Bên trên liệu có thu nhận một người mà tâm tính không đạt đến, chấp trước tích tồn mãi không bỏ nhưng lại rất giỏi che đậy, thậm chí ngay cả làm người tốt cũng không đạt chứ đừng nói là người tu luyện?


Một số học viên đáng buồn hơn là còn hùa theo những người đi lừa đảo học viên mà vẫn cho rằng việc đó không phải chuyện liên quan đến họ. Họ không quan tâm, nhưng theo góc nhìn của "bên trên" [ý là chư Thần] thì tôi e rằng họ không nghĩ vậy đâu, có thể đều là gom chung vào một lô, đều là đang đặt định vị trí dưới âm phủ rồi. Theo tôi nghĩ thì đó là cái nguy hiểm của việc bước vào tu luyện mà không Đắc Pháp, học Pháp và Đắc Pháp là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau! học Pháp theo quan điểm thể ngộ nông cạn của tôi là để tự bản thân hiểu cách nhìn ra tâm chấp trước, Ma tính của bản thân, nhận ra đâu là tư tưởng của bản thân, đâu là tư tưởng do chấp trước phản ánh ra, từ đó bài xích tư tưởng do chấp trước phát sinh rồi để bỏ nó đi qua những khảo nghiệm, đề cao thực chất tâm tính, từ đó mới được Pháp tại tầng thứ tu đến khai mở trí huệ, cho phép đề cao lên thì mới đắc được Pháp tại tầng thứ đó, còn nếu không biết cách học Pháp, không thực tu thì có lẽ rất khó nói chuyện Đắc Pháp.

Trên đây là thể ngộ nông cạn từ tầng sở tại, do Đại Pháp còn rất nhiều nội hàm cao thâm hơn nữa nên nếu thể ngộ của tôi có sai sót, hạn chế gì thì cũng rất mong nhận được góp ý từ các học viên.


 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page