top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Đối diện hay né tránh tâm chấp trước?

Đã cập nhật: 17 thg 12, 2019

[12/12/2019] ĐÔNG LAI



Lời dẫn:


Trong quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), cá nhân tôi hiểu/ thể ngộ rằng một người tu cần phải căn cứ trên Pháp lý mà Sư Phụ đã giảng hay dựa trên sự chỉ đạo của Đại Pháp để tống khứ tâm chấp trước đi. Với một người mà có cơ điểm chân chính là đến để đồng hóa với Đại Pháp thông qua việc từ bỏ những thứ xấu trong tâm thì tôi cho rằng đó mới đang là thực sự tu luyện. Trên lý thuyết thì là như vậy, thực tế thì liệu ai ai bước vào tu luyện Đại Pháp cũng có cơ điểm đó?


Nếu một người bước vào tu luyện mà “hữu cầu” hoặc lâu ngày quên mất cơ điểm chân chính ban đầu thì rất có thể họ sẽ sử dụng chính những Pháp lý đã được học để thay vì buông bỏ chấp trước, thì họ lại tìm cớ dung túng nó, né tránh nó.


Nội dung:


Đây là bài viết với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, chỉ tập trung vào phương diện tu luyện cá nhân và chưa đề cập trong bối cảnh cần phải chứng thực Pháp (hẹn độc giả trong một bài khác), nên tôi vẫn nghĩ sẽ là không thừa khi cần phải nhấn mạnh ngay từ đầu rằng những gì được nêu ra trao đổi trong phạm vi bài viết rốt ráo cũng chỉ để tham khảo, và tất nhiên những phân tích/quan điểm được trao đổi vẫn chỉ xuất phát từ sở ngộ còn nông cạn (có thể còn tồn tại nhiều thiếu sót) của cá nhân tôi trong quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà thôi. Vì nội hàm của Đại Pháp là vô biên nên rõ ràng các học viên cuối cùng vẫn phải dựa vào Đại Pháp mà tu luyện.


Bây giờ tôi xin phép đi vào nội dung chính:


Trong quá trình một người bắt đầu bước vào tu luyện Đại Pháp, bắt đầu từ người thường trở thành người tốt, rồi người tốt hơn nữa, rồi dần dần đạt tiêu chuẩn của một người tu luyện thực sự - thì sự thăng hoa về nhận thức, về tư tưởng của họ tôi nghĩ tất yếu sẽ xảy ra dù ít hay nhiều. Cùng là một vấn đề nhưng cái cách lý giải về nó sẽ không còn như trước đây khi họ chưa bước vào tu luyện nữa. Chính là họ sẽ sử dụng Pháp lý được Sư Phụ giảng để nhìn nhận vấn đề.


Tuy nhiên, vẫn là cái cơ điểm ban đầu như tôi đã đề cập ở bên trên, việc lý giải/nhận thức vấn đề kia có thực sự được sử dụng để đề cao tâm tính? (tạm không xét đến phương diện duy hộ Pháp) Bản thân việc lý giải/nhận thức thì nó không phải là cái mà tôi muốn nhắm đến, mà điểm cốt yếu ở đây là “động cơ” đằng sau việc lý giải/nhận thức đó.


Để diễn tả ngắn gọn vấn đề, tôi chỉ đưa ra một ví dụ cụ thể như thế này:


Trong một công ty, một vị nhân viên A khi đến giờ ăn trưa, chuẩn bị bước vào thang máy thì gặp một ông lãnh đạo ở phòng ban khác cũng đang chuẩn bị đi về nghỉ trưa. Khi cả 2 tiến vào trong tháng máy, vị nhân viên A này chào hỏi ông lãnh đạo: “Trưa nay sếp đi ăn ở ngoài kia à?” (vị nhân viên A vừa hỏi vừa chỉ tay về hướng mà tập trung đông hàng quán ăn uống gần công ty, hiểu là từ trước đến nay vị nhân viên A đó không hề biết ông lãnh đạo kia hay ăn uống ở đâu). Ông lãnh đạo trả lời: “Không, tôi làm sao mà phải ra đằng đấy ăn, tôi về nhà tôi ăn”. Vị nhân viên A lại hỏi: “Thế sếp về chung cư gần công ty ăn ạ? tại em nghe đám đồng nghiệp bảo sếp vừa mới mua một căn ở khu đó”. Ông lãnh đạo phản ứng lại: “Tôi làm gì mà phải ở đó, chỗ đó tôi mua thật nhưng là cho cháu tôi nó ở, tôi về khu biệt thự mới mua để ăn trưa”. Vị nhân viên A ngạc nhiên: "Ồ, giờ em mới biết sếp mua khu biệt thự gần công ty".


Qua đoạn hội thoại ngắn rất đỗi bình thường trên trong thang máy, nếu đặt địa vị là nhân viên A thì hỏi người tu luyện Pháp Luân Công chúng ta sẽ lý giải vấn đề thế nào? Nếu bản thân nhân viên A đó về phương diện sở hữu đất đai, nhà cửa không hề bằng vị lãnh đạo kia thì hỏi biểu hiện trong tâm sẽ ra sao?


- Có thể có học viên sẽ nghĩ là “Người tu luyện không chấp vào những thứ của người thường


- Có thể có học viên sẽ nghĩ là “Chính Pháp sắp kết thúc, nhà cửa có nhiều nữa thì có ích gì, đến phút cuối rồi cũng thành tay trắng mà thôi


- Có thể có học viên sẽ nghĩ là “Ôi dào, càng nhiều gia sản thì càng phải bỏ nhiều Đức ra để trao đổi, nhu cầu của một người cũng chỉ đến thế, mua nhiều nhà nữa cũng có ở hết được đâu, họ rất dại khờ khi đáng lý nên dùng lượng Đức đó để tu luyện


v..v


Nếu chỉ xét bản thân những lý giải đó thì có thể không có vấn đề gì, thấy có vẻ rất nắm rõ Pháp lý, nhưng nếu đặt trong cái bối cảnh khi học viên nghe ai đó khoe khoang tài sản rồi nảy ra những tư tưởng lý giải như vậy – thì thực tế, theo quan điểm của tôi - nó đang không phải dùng Pháp lý để nhìn nhận vấn đề một cách chính diện rồi bỏ chấp trước, mà nó là đang dùng Pháp lý để né tránh và che đậy chính tâm chấp trước đó.


Tôi sẽ thử phân tích:


Khi một người khoe khoang tài sản cá nhân mà nhiều hơn mình, lại làm cùng công ty, thì hỏi với một người mà có điều kiện không bằng, thậm chí yếu hơn nhiều thì sẽ có biểu hiện gì trong tâm? Có khó chịu, bức bối, cảm giác tự ti không? Sự khó chịu đó nhiều người có thể sẽ cho rằng “tôi không khó chịu”, “tôi chả việc gì phải khó chịu với họ, mỗi người có cuộc sống khác nhau chứ” v..v; Nhưng thực sự theo quan điểm của tôi, họ đang tự “lừa mình”. Tôi cho rằng họ đang cố tìm cách che đậy sự tổn thương về mặt tinh thần do tâm tật đố mang lại, họ sợ bị mang tiếng ghen ăn tức ở, nhỏ mọn v..v. Không những họ cố gắng che đậy nó đi, mà họ có thể còn tìm cách “tự an ủi” chính bản thân họ. Có thể họ an ủi bản thân họ (để khiến cho cái tâm họ không bất bình khó chịu nữa) theo cái cách nhấn mạnh những thứ mà họ có mà người kia không có, có thể họ an ủi bản thân theo cái cách hạ thấp mức độ giàu sang của người kia xuống v..v. (Tham khảo)


Nếu là người không tu thì họ có thể sẽ tự an ủi mình bằng kiểu nghĩ: “Ôi giời, ông trời không cho ai hết đâu, được cái này thì mất cái kia, lắm ông bà giàu có mà con cái có ra cái gì đâu”.


Nếu là người tu luyện thì họ có thể sẽ tự an ủi mình bằng kiểu nghĩ: “Ôi giời, những thứ nơi người thường truy cầu làm gì, mình là người tu luyện, những thứ mình có thì có đem hết gia sản họ ra đánh đổi cũng không được”.


Thực chất, những cách nghĩ trên đều có một điểm chung: HẠ THẤP người mà có điểm gì đó hơn mình xuống. Bản chất những cách lý giải đó đều chỉ để bảo vệ và an ủi cho cái tâm Tật đố, loại tâm này ghét người khác hơn mình, nhưng rất thích bản thân có điểm hơn người khác. Khi tự an ủi mình như vậy, họ cảm thấy họ không thua kém mấy những người kia, cái tâm họ sẽ đỡ bất bình hơn. Chỉ có cái khác là với người tu thì nó được ngụy trang bởi chính Pháp lý được giảng trong sách.


Tâm Tật đố khi thấy người khác có điểm gì đó tốt hơn, hưởng lợi hơn mình (ảnh minh họa)
Tâm Tật đố khi thấy người khác có điểm gì đó tốt hơn, hưởng lợi hơn mình (ảnh minh họa)

Vì họ biết là họ thua kém ở những phương diện tiền tài, nhà cửa kia nên họ mới lôi vấn đề tu luyện ra để "dìm" những người mà họ thua kém kia xuống cho thỏa cái tâm tật đố; Đại ý là họ tự cho rằng những người nhiều tiền tài kia là khổ cực, rồi sau này vô minh tạo nghiệp lại ngụp lặn trong biển khổ trầm luân, còn họ tu luyện thì sẽ thoát khổ, sau này hưởng phúc lạc v..v. Ý là họ vẫn còn tốt chán so với những người thường nhiều tiền của kia. Nếu xét về nội dung những gì họ nói thì không hẳn là sai, nhưng vấn đề là "động cơ" họ nói thì rất nhiều khi là cần phải xem xét lại. Họ nói ra có vẻ như nắm rất rõ Pháp lý, không hẳn là sai nhưng thực chất theo tôi thấy nó chỉ là cái vỏ bọc che đậy cho sự khó chịu vì thấy người khác có gì đó hơn mình do tâm tật đố mang lại.


Nó giống như một số trường hợp (không phải nói tuyệt đối, là nói một bộ phận) khá phổ biến hiện nay trong xã hội mà tôi hay gặp. Đó là một người khi đang gặp thuận lợi trong công việc, tiền nhiều lương cao, có vợ đẹp con ngoan, thăng tiến nhanh trong công việc v..v thì chả mấy khi thấy họ đi xem bói, xem tử vi bao giờ cả, hoặc giả nếu có xem cũng rất ít. Nhưng hễ trong cuộc sống họ gặp khó khăn, làm nhiều nhưng tiền thu về chả tương xứng, hay bị lợi dụng, bị người yêu bỏ, con hư không nghe lời, sự nghiệp ỳ ạch bị cản trở nhiều v..v thì lúc đó lại thấy họ rất hay la cà các hội nhóm Tử vi, xem bói, hoặc là lên mạng tìm đọc những bài viết mang tính an ủi có tựa đề kiểu như "Những đặc điểm nhân tướng học của 'người ngốc có phúc báo'", "Bài Học Cuộc Sống: Kẻ Ngốc Có Phúc Của Kẻ Ngốc", "Vì sao nói ngốc nghếch lại là đại phúc?" v..v.



Lý do theo cách hiểu của tôi, thì nhiều khả năng là vì họ mang tâm bất mãn với cuộc sống, tật đố với người xung quanh, cảm thấy được đối đãi không công bằng, không tương xứng với những gì họ làm ra, thấy người khác thành công nhưng trong lòng họ không phục v..v. Họ ngay từ đầu là truy cầu hư vinh, truy cầu danh lợi nơi người thường nhưng có thể trong đời này họ không đắc được nhiều, thành ra khi họ hy vọng truy cầu mà không đạt được thì họ quay ra chán nản, tuyệt vọng, bất bình, u uất trong tâm - Nếu là người thực tu đáng lý trong những hoàn cảnh xung đột, bất công đó thì phải đối diện mà buông bỏ tâm chấp trước; Ví như khi bản thân gặp chuyện bất công, làm nhiều mà chẳng hưởng được bao nhiêu còn người khác làm ít mà lại được nhiều lợi lộc thì đáng lý họ nên nghĩ rằng "Có lẽ những sự việc này đến để nhắm vào cái tâm nào đó của mình, không có gì là ngẫu nhiên vì mình là người tu luyện mà".


Trong Pháp Sư Phụ đã từng giảng rất rõ về những dạng thức này (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999]), đại ý không nguyên văn là chúng ta cần đứng tại góc độ người luyện công; Nếu mọi người đều đối xử tốt với chúng ta như vậy thì chúng ta tu thế nào đây? Tâm của chúng ta làm thế nào bộc lộ ra được đây? Chúng ta làm sao mà đề cao đây? (Tìm tại phần hỏi đáp: Đệ tử: Ma tính rất mạnh, hoàn cảnh xung quanh lại không tốt, [nên] xử lý thế nào? )


Tôi thể ngộ rằng giả sử trong trường hợp nếu là học viên gặp khó khăn, bất mãn trong cuộc sống thì rất có thể những cái "nút thắt" trong cuộc sống kia là đang chờ họ buông bỏ chấp trước thì mới có sự cải biến, nhưng vì họ cố thủ không bỏ nên nó mới càng ngày càng thắt chặt lại, tựa như vượt quan lần một không được thì sẽ lại tiếp tục có khảo nghiệm ở mức độ cao hơn xảy đến cho tới tận khi nào chấp trước được buông bỏ mới thôi.


Tôi có biết một trường hợp có thật của một học viên nam. Anh này đi làm hồi đầu giúp đỡ mọi người rất nhiệt tình, ai nhờ gì cũng giúp, sau đó mọi người coi việc anh giúp đỡ họ thành ra như thể đó là việc tất nhiên, họ quay sang không coi trọng anh. Anh này bắt đầu thấy bất bình, khó chịu và nghĩ trong tâm "tôi giúp mọi người không công, ít ra phải có thái độ biết ơn tôi, tại sao đối xử với tôi như vậy?". Sau đó thấy anh ta làm được việc thì ai cũng nhờ vả anh ta, rồi dần dần khiến anh ta không tập trung vào công việc chính, khiến anh ta quá mệt mỏi và thậm chí yêu cầu giám đốc phải tuyển thêm người để giảm tải bớt công việc. Nhưng sự việc lại diễn ra không theo ý muốn của anh ta, giám đốc từ chối đề nghị đó. Rồi cứ thế cứ thế anh ta hàng ngày thấy mình lao động cực nhọc, làm toàn việc nặng còn đồng nghiệp ngồi chơi vểnh râu, mà lương cuối tháng thì ai cũng như nhau, cái tâm bất bình kia lại càng nổi lên cao hơn, anh ta tức giận và định viết đơn xin nghỉ việc.


Nhưng đến cái ngày trước khi định nộp đơn anh ta bình tâm lại, suy nghĩ kỹ và nhận ra rằng đúng là anh ta có rất nhiều tâm chấp trước không bỏ được, anh ta giúp người và có tâm cầu người khác phải tung hô anh ta, phải biết ơn, đó chẳng phải tâm hư vinh, tâm hiển thị bản sự? Khi bị đối xử không tốt thì anh ta khởi tâm tật đố bất bình? Lại thấy đồng nghiệp ngồi chơi còn bản thân hay phải làm việc nặng mà lương vẫn như nhau chẳng phải là tật đố là gì? Khi anh ta suy xét kỹ thì anh ta thấy ngược lại hoàn cảnh khó chịu kia hóa ra lại có lợi cho việc tu tâm đến thế, anh ta quyết định không nộp đơn nữa. Cũng rất kỳ lạ là ngay khi anh ta nhận ra sai lầm thì không hiểu sao sau đó mọi người tự nhiên lại không nhờ vả anh ta nữa, vị giám đốc cũng tự nhiên tuyển thêm một nhân viên mới khi trước đó nói là sẽ không tuyển thêm nữa. Nói đi thì cũng phải nói lại, không có hoàn cảnh tạo ra sự bất công, bất bình, không có người được an bài diễn những "vai diễn" đó thì lấy đâu ra hoàn cảnh để học viên đề cao đây? Chẳng phải ngược lại chúng ta còn phải cảm ơn họ đã khiến chúng ta phải bất bình là gì?


Nhưng vì nhiều người (trong đó có cả học viên) không chịu nổi tổn thương do tâm chấp trước mang lại, họ mới quay sang tìm kiếm những an ủi về góc độ tâm linh như tử vi, xem bói để thử xem sắp tới họ có đổi vận hay không? Hoặc tìm đọc những bài viết mà có thể "vuốt ve" tâm hồn họ, rằng thất bại trong cuộc sống như họ thì vẫn còn hơn ối kẻ thành công khác, rằng ngốc như họ thì mới có Phúc v..v. Ý nói là họ cũng không phải dạng tầm thường đâu, họ chịu thiệt, họ ngốc là vì họ thông minh hơn những người kia, họ nhìn xa trông rộng hơn. Hoặc xa nữa (nếu là người tu Pháp Luân Công) là lấy Pháp lý ra để che đậy cái thương tổn trong tâm mà họ không muốn đối diện. Bản chất những cách an ủi đó thì vẫn như nhau, chỉ là phương tiện hay công cụ trên bề mặt khác nhau mà thôi.


Những dạng thức trên có thể coi là có chút lợi ích với người thường, nhưng với người tu thì tôi e là chúng lại khởi tác dụng kìm hãm người tu, khiến họ dần nảy sinh tâm lý e ngại đối diện với thực tại cuộc sống, tránh né mâu thuẫn, chỉ thích tìm đến những lời khen, lời xu nịnh, lời nói nào tốt cho họ; Và dần dần họ cũng không chính diện đối mặt trong các xung đột lợi ích mà buông bỏ chấp trước. Với một số người mà vốn đã quen với việc thực hành tu luyện trong những mâu thuẫn đời thường, khi bị học viên khác nói xổ toẹt lỗi sai ra thì tôi hay thấy họ thường dễ giữ vững hơn (mặc dù cũng có tỏ ra bực tức), rồi sau đó trầm tĩnh suy xét kỹ lại lời góp ý của học viên kia, vì chính cái thực tiễn đã rèn cho họ khả năng đối diện với chấp trước, không ngại sai, không ngại khó chịu.


Nhưng với một số người lười thực hành, lười tư duy, lười tu thì khi nghe họ chia sẻ thì thấy rất hay, nhưng vô thực tế khi bị học viên góp ý không lọt tai cái là tôi thường thấy họ quay sang nói học viên đó "thiếu từ bi", "có tâm tranh đấu", "phán xét" v.v. Đó theo tôi cũng là một dạng thức né tránh mâu thuẫn, né tránh đối diện với chấp trước của bản thân, đẩy áp lực ngược về phía người góp ý.


Nếu thực sự là một người tu luyện với mục đích buông bỏ ở mức độ nhiều hơn các tâm chấp trước, qua đó tăng cường việc đồng hóa với Đại Pháp, thì tôi cho rằng khi nghe thấy ông lãnh đạo kia phản hồi như ví dụ bên trên, vị này có thể sẽ lý giải một cách trực diện chứ không né tránh: “Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hôm nay đi thang máy gặp ông lãnh đạo này và được ông ta khoe ra gia sản như vậy, có thể là Pháp thân Sư Phụ đang giúp/gợi ý cho mình tu bỏ chấp trước nào đó, nếu vậy đó là tâm chấp trước gì?” - Theo tôi suy nghĩ như thế mới là đánh đúng chỗ ngứa, chỗ then chốt trong đề cao tâm tính.


Khi đã đi đúng hướng, sau đó có thể vẫn cần tiếp tục suy ngẫm và đào sâu xuống, tự đặt câu hỏi và nhìn ra đó là “hoàn cảnh” để moi ra cái chấp trước tật đố của bản thân, nếu xét sâu hơn nữa thì là cái tâm tham lợi, rõ ràng là trong sâu thẳm cái tâm của vị này vẫn tồn tại cái tâm tham những thứ vật chất nơi người thường đó, vẫn truy cầu nó nhưng vì không được như người ta nên mới khởi tâm tật đố. (Xét trong bối cảnh vị nhân viên A và ông lãnh đạo phòng kia làm trong một công ty xây dựng, đều có mối quan tâm về nhà đất)


Để phân tích sâu hơn vì sao nói vị kia tồn tại cái tâm tham, tôi thử đặt giả thiết thế này:


Nếu trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm, mã cổ phiếu nào cũng mất giá, tức là đến người bình thường cũng biết đầu tư vào chứng khoán bây giờ rất nhiều rủi ro và không sinh lãi được bao nhiêu so với các kênh đầu tư khác. Như vậy, nếu có một người khoe rằng họ vừa đầu tư rất nhiều tiền vào một vài cổ phiếu nào đó, thì với địa vị là một nhà đầu tư lâu năm, thay vì khó chịu họ sẽ tỏ ra "cười thầm", họ biết rõ là giờ mà đầu tư tiền mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán là một quyết định rất dại dột, họ trong tâm còn chế giễu người khoe khoang kia là không biết gì, biểu hiện bề ngoài thậm chí còn ngầm chế nhạo theo kiểu như "Ồ, anh quả là có nhiều tiền nhàn rỗi", "Ồ, anh quả là đại gia và không thiếu gì tiền".


Cũng là một dạng biểu hiện của tâm tật đố, nhưng trong trường hợp này họ không tham mấy cái cổ phiếu trên thị trường chứng khoán kia; Vì sao họ không tham? Vì theo kinh nghiệm họ biết rõ đầu tư vào đó trong giai đoạn kinh tế khó khăn là hành động đốt tiền, ném tiền qua cửa sổ, không có lợi gì. Họ cảm thấy ở phương diện này họ đắc thế hơn, khôn ngoan hơn, người khác là kém hơn họ nên họ cảm thấy dễ chịu, thành ra quay sang chế giễu những ai dại khờ hơn họ.


Nếu những thứ đó thực sự có giá trị với họ, nó có thể sinh lời thì thay vì "chế giễu", họ có thể quay sang khó chịu với người kia, lại cũng biểu hiện như "Chẳng qua là anh ta có gia thế khủng, ngay từ đầu đã xuất phát ở vạch đích, thử cho tự bắt đầu bằng 2 bàn tay trắng xem" v..v. Tôi nghĩ rằng người ta chỉ tham những gì mà nó có thể mang lại giá trị cho họ, có người sở dĩ chưa bộc lộ rõ cái tâm tham không phải là vì họ không có cái tâm đó, mà là vì họ chưa có hoàn cảnh, điều kiện để cám dỗ, để moi cái tâm đó ra.


Cho nên nếu nói bảo một người tu luyện có tâm tham tài, tham nhà cửa, tham xe ô tô v..v thì điều đó vốn là quá hiển nhiên, tôi cho rằng nó vốn dĩ tồn tại một cách khách quan sâu trong tư tưởng của người ta. Không xét những trường hợp đặc thù, xét chung thì tôi nghĩ người tu luyện nào mà chẳng phải tu từ người thường đi lên, mà người thường thì ai chả có tâm tham? Chẳng phải quá trình tu luyện là dần dần trừ bỏ tâm tham đó sao? Nhưng nhiều người vì sợ bị chế giễu, sợ bị mất hình ảnh nên mới cố gắng chối bỏ nó, họ càng tìm cách chối bỏ sự tồn tại của nó thì tôi chỉ e lại càng khó tống khứ nó ra.


Nếu tâm chấp trước được ví dụ là con voi, thì việc người tu không thừa nhận mình có chấp trước cũng tựa như người mù cho rằng họ chỉ sờ thấy cái cột nhà, cái lá chuối hay con rắn vậy.
Nếu tâm chấp trước được ví dụ là con voi, thì việc người tu không thừa nhận mình có chấp trước cũng tựa như người mù cho rằng họ chỉ thấy cái cột nhà, cái lá chuối hay con rắn và không cho rằng đó là con voi vậy.

Có một số người thường sa đọa bị tâm tham điều khiển thì họ thẳng thừng thừa nhận họ tham thật, và họ còn muốn nhiều hơn thế, họ cho rằng hễ là người thường ai chả có tâm tham, nên việc họ có tham lam cũng là điều bình thường mà thôi, thậm chí ai ở hoàn cảnh của họ cũng đều sẽ như vậy. Nếu xét dựa trên tiêu chuẩn đạo đức của con người hiện nay, điều đó tôi nghĩ ở một góc độ nào đó thì có thể đúng NHƯNG với người tu luyện thì nó lại là SAI. Vì sao? Người tu luyện không chối bỏ sự thật là sâu trong tâm họ có những cái tâm tham đó, nhưng thay vì thỏa hiệp và dung dưỡng nó giống người thường, họ dám đối diện và tống khứ nó ra chứ không né tránh, tôi nghĩ chẳng phải đó chính là sự khác biệt giữa người tu luyện và người thường? (Tham khảo)


Thực ra những điều phân tích trên cũng là nhờ Sư Phụ giảng tôi mới dần ý thức và ngộ ra được, tôi nhớ Sư Phụ từng giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng Người tu luyện trong quá khứ đều không thực sự loại bỏ tâm chấp trước, họ chỉ là áp chế hoặc ức chế những tâm và tư tưởng không tốt đó; Chỉ có đệ tử tu luyện Đại Pháp mới thực sự đang loại bỏ triệt để hết thảy các chấp trước, bởi vì chỉ có Đại Pháp mới có thể làm được ... Vì tâm chấp trước và tư tưởng không tốt của người tu luyện không ngừng giảm bớt, trên biểu hiện cũng càng ngày càng yếu, vậy thì sự khác biệt giữa biểu hiện của người tu luyện với người thường sẽ càng ngày càng lớn. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])


Với người thường hiện nay nếu ở một hoàn cảnh dễ nảy lòng tham, dễ kiếm lợi (kiểu vị trí lãnh đạo) thì đúng là ai ngồi vào đó cũng khó mà không bị sa đọa (ít hay nhiều), bị cám dỗ - nhưng nếu là người tu thì ngược lại họ chính là phải thông qua hoàn cảnh cám dỗ đó mà bỏ cái tâm tham đi. Tất nhiên, nói thì dễ, nhưng làm được như vậy trong những hoàn cảnh kiểu đó không hề đơn giản.


Thực tế, dù bản thân một người tu có tự nói là không truy cầu những thứ nơi người thường thì những chấp trước tồn tại sâu trong tư tưởng của người tu đó vẫn truy cầu. Nó vẫn tồn tại và lèo lái âm thầm tư tưởng của họ, nó không vì người tu mồm nói là “tôi không truy cầu cái gì đó” hay "tôi không chấp trước cái gì đó" mà nó sẽ tự động chuyển hóa trở nên tốt đẹp hơn. Người tu càng nói như vậy thì ngược lại nó (tâm chấp trước) càng mừng, bởi nó sẽ không bị động tới, không bị tiêu diệt, nó vẫn cứ ở trong tối mà âm thầm tiếp tục lèo lái học viên trong khi chính học viên vẫn cho rằng bản thân không có sự tồn tại của chấp trước đó. Ở đây theo quan điểm của tôi, chúng ta cần minh xác rõ giữa chủ ý thức một cá nhân và tâm chấp trước trong tư tưởng của họ là 2 cá thể hoàn toàn khác nhau nhưng lại có sự ảnh hưởng lớn đến nhau. Đôi khi những gì mà tâm chấp trước nghĩ và phản ánh ra trong tư tưởng lại rất dễ khiến chủ ý thức của người ta nhầm lẫn là họ đang nghĩ, đang tư duy như vậy, rồi cứ thế mà làm theo.


Tôi cho rằng một người tu có thể nói “không còn truy cầu cái gì đó” khi và chỉ khi bản thân người tu đó không còn vật chất chấp trước về những thứ đó. Muốn vậy, thì phải thông qua tu luyện thực tiễn mà tu bỏ dần đi, chứ không phải chỉ qua vài lần khảo nghiệm là có thể trục hết ra được. Nếu một học viên có ảo tưởng quá nặng, rằng phương diện nào đó họ tu rất tốt, không còn tồn tại chấp trước thì thậm chí có thể còn bị Ma tạo ra cảnh giả, làm cho họ tưởng rằng họ tu cao lắm, xuất sắc lắm, rồi tự tâm sinh Ma. Có thể là họ tự thấy qua Thiên Mục hoặc qua miệng của một học viên đã khai Thiên Mục nào đó.


Đã có trường hợp tôi biết một học viên A do có người yêu cũng là người tu Đại Pháp khai thiên mục (vị học viên A thì không khai Thiên Mục). Vị học viên là người yêu kia nói rằng "thấy" vị học viên A đó có nguyên anh cũng khá to nên có vẻ đã làm cho vị học viên này dần sinh ảo tưởng, cho rằng mình tu tốt lắm rồi, nói năng dần dần cứ như thể là người cao minh nhất, đứng vượt ngoài mọi vấn đề, còn cho rằng bản thân mình không còn chấp trước nào đó. Sau đó dẫu ai góp ý, ai nói vị học viên A cũng cứ khăng khăng là bản thân mình không còn chấp trước đó nữa.


Tôi nghĩ rằng nếu một người tu luyện thực sự chân tu, họ ắt sẽ hiểu được mức độ nguy hiểm của các dạng tâm chấp trước và khả năng ngụy trang của chúng. Họ sẽ không dễ chủ quan mà sẽ cẩn trọng xét thật kỹ từng niệm đầu, họ luôn phải tự nhắc mình rằng bản thân họ có thể vẫn còn rất nhiều chấp trước chưa nhận ra được và phải nhờ Pháp thân Sư Phụ an bài hoàn cảnh họ mới có thể nhận ra và bỏ đi được. Tôi nghĩ sẽ là quá hiển nhiên khi nói rằng chỉ có Pháp thân của Sư Phụ mới có thể thấy RÕ NHẤT thực tế tu luyện của học viên và biết được học viên đó còn bao nhiêu tâm chấp trước, liệu tự bản thân học viên khi mà vẫn còn đang trong quá trình tu luyện có nhận ra được? Tôi nghĩ đó chỉ là nói vui mà thôi. Ngay cả người tu trong tiệm ngộ, bán khai ngộ tôi cũng cho rằng họ cũng không dám khẳng định chắc nịnh như vậy, dù tự tin đến mấy họ cũng vẫn phải chừa lại vài phần cẩn trọng. Do đó, nếu ai cho rằng bản thân không còn hay không có chấp trước nào đó, thì tôi e là họ có thể sắp gặp phải vấn đề không nhỏ đâu.


Quay trở lại ví dụ về vị nhân viên A và ông lãnh đạo phòng bên trên. Tôi nghĩ rằng trong quá trình tu luyện, nếu mọi tư tưởng xuất hiện trong đầu, kể cả có là dùng Pháp lý để lý giải, mà không phải vì để giúp bản thân tìm ra thêm tâm chấp trước, thay vì thế lại quay sang nhìn ra bên ngoài rồi bình luận rằng người thường vô minh thế này thế nọ v..v thì tôi nghĩ học viên cần đặc biệt cảnh giác. Học viên theo tôi thấy chỉ có thể tự sửa mình chứ không thể ép người thường tu Đại Pháp theo mình được. Khi gặp vấn đề thay vì hướng vào tìm chấp trước rồi tống khứ nó ra, họ lại quay ra nói người thường vô minh chẳng phải là đi sai đường ngay từ đầu đúng không? Chúng ta cứ nói họ vô minh thì cũng không giúp chúng ta đề cao tâm tính lên được, và họ thì cũng gần như không thể chỉ vì chúng ta nói thế mà họ bước vào tu luyện. Cá nhân tôi cho rằng bản thân tâm chấp trước cũng có thể sử dụng chính Pháp lý được Sư Phụ giảng để đem ra đánh lạc hướng học viên quay sang duy hộ chính nó, tức là thay vì tống khứ nó ra thì lại đồng tình với nó ở góc độ người thường vô minh cầu danh cầu lợi v..v rồi quên mất việc có tâm chấp trước phải bỏ, cho nó tiếp tục tồn tại trong tâm người tu.


Chủ nguyên thần người tu không cẩn thận thì rất dễ bị tâm chấp trước dắt mũi, đánh lạc hướng.
Chủ nguyên thần người tu không cẩn thận thì rất dễ bị tâm chấp trước dắt mũi, đánh lạc hướng.

Một số ca mà chấp trước quá nặng, thậm chí còn cố ý nhập nhằng Pháp lý để né tránh vấn đề; Nếu họ bị học viên chỉ ra điểm sai với Pháp thì họ lại cho rằng vì họ có tâm tốt, rằng Thần chỉ xét cái tâm, rằng học viên phải có chính niệm các kiểu. (Tham khảo) Bản chất vẫn là họ cố tìm những điểm trong Pháp mà có lợi cho việc duy hộ chấp trước đó của họ rồi bám cứng vào đó, chứ không phải dùng Pháp lý để nhận ra chấp trước và để bỏ nó đi. Do đó mới có chuyện, cùng là tu một môn, cũng đọc sách luyện công như nhau, nhưng có người tu có người không. Dám đối diện và từ bỏ chấp trước, nhắm đúng chỗ cần tu bỏ thì chỉ trong thời gian ngắn họ có thể đề cao lên rất nhanh, vì tôi nhớ Sư Phụ có giảng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (đại ý) là trực chỉ nhân tâm mà tu, coi việc đề cao tâm tính là cực kỳ quan trọng (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994]). Còn nếu họ đặt sự đầu tư không đúng chỗ, thời gian lâu mà vẫn không dám đối diện hoặc cố tình né tránh việc buông bỏ chấp trước thì có thể qua vài năm tu họ vẫn cứ dậm chân tại chỗ, không có tiến triển gì cả - Dẫu trên bề mặt họ có nói Pháp lý vach vách, biểu hiện có tinh tấn đến mấy đi chăng nữa. (Tham khảo)


Điểm gây nhầm lẫn ở đây theo quan điểm của tôi chính là trong một số hoàn cảnh, bản thân tâm chấp trước tôi cho rằng nó cũng biết dùng Pháp lý, nội dung lại thấy không có sai gì với Pháp nên dễ khiến chủ ý thức của học viên đánh đồng rằng đó là tư tưởng của chính mình, là chính họ nghĩ như vậy và nó là đúng. Vì mục đích ẩn giấu của những tư tưởng này là để duy hộ chấp trước chứ không phải là tống khứ nó đi nên có thể thấy đó là một dạng ngụy trang rất khó nhận ra, khiến học viên thậm chí còn không thừa nhận đó là có chấp trước ẩn giấu; Tôi nghĩ nó gần giống như hình thức Phật giả được Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân vậy (Bài <Khai Quang>); Tâm chấp trước kia biểu hiện ra tư tưởng nhìn thoáng qua thì vẫn là dùng Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp, nhưng mục đích thực sự là khác; Phật giả thì bề mặt thì giống như đúc với tượng Phật, nhưng tư tưởng thì lại là bất chính.


Kết luận:


Càng đi sâu vào tìm kiếm và tống khứ các tâm chấp trước thì tôi mới nhận ra sức nặng và tính nghiêm túc của tu luyện. Nếu chúng ta không chủ động tìm kiếm và cẩn trọng phân tích kỹ chính những tư tưởng nảy sinh trong đầu của chúng ta thì rất có thể chúng ta đang tự dung dưỡng cho tâm chấp trước trong khi vẫn tưởng bản thân đang tu luyện rất tốt, nắm rất rõ Pháp lý.


Giữa việc sử dụng Pháp lý để nhìn nhận vấn đề theo tôi hiểu thì nó vẫn tồn tại một khoảng cách so với thực tế; Học viên có thể hiểu và nẳm rõ Pháp lý, có thể nói ra vanh vách nhưng khi vào ứng dụng trong đời sống hàng ngày có thể lại làm rất dở. Giống như một anh sinh viên đi học, lý thuyết thầy dạy trên lớp anh ta nắm rất rõ, nhưng khi ra ngoài xã hội thử việc thì anh ta tỏ ra rất lúng túng, không biết ứng dụng như thế nào. Việc nắm rõ Pháp lý theo tôi hiểu thông qua việc học Pháp chỉ mới là điều kiện cần, quan trọng hơn là phải thông qua thực hành liên tục, va vấp liên tục, qua trải nghiệm thực tiễn thậm chí có những lúc sứt đầu mẻ trán, hay trong những hoàn cảnh bức bối, mâu thuẫn mà vẫn phải tư duy xem mình sai ở đâu, mình có vấn đề gì v..v thì mới là điều kiện đủ để bản thân người tu thực sự thấm dần được những gì Sư Phụ giảng.


Nếu chỉ học lý thuyết mà không chịu thực hành, xa rời thực tế thì có tu lâu nữa tôi chỉ e là vô ích. Ở góc độ nào đó, nó cũng giống như là biến những Pháp lý được giảng trong sách chỉ thành những tri thức/hiểu biết, thời gian tu lâu thì biến thành dạng như học vị/học hàm của người thường để chứng tỏ bản thân cao minh hơn người thường chứ không phải thành sự chỉ đạo để từ đó nhận ra và buông bỏ chấp trước.


Việc tu luyện theo tôi hiểu không nhất thiết cứ phải có mâu thuẫn, tranh cãi rõ ràng với người khác, mà đôi khi chỉ đơn giản qua vài ba câu chuyện hay giao tiếp đời thường hoặc nghe người khác nói chuyện cũng có thể khiến học viên phản ánh ra tâm chấp trước, theo tôi thấy thì đều có yếu tố tu luyện trong đó. Vấn đề là bản thân học viên có chú ý, cảnh giác và coi trọng tu luyện trong những hoàn cảnh đó hay không? Hay là chủ quan coi nhẹ rồi lờ đi? Đánh giá không đúng và coi thường các tâm chấp trước đang tồn tại trong tâm người tu thì cái giá phải trả tôi nghĩ thông thường là không hề nhẹ. Các tâm chấp trước thực sự tinh ranh và xảo quyệt hơn chúng ta nghĩ, và nếu không phải do Pháp thân Sư Phụ an bài hoàn cảnh thì gần như (thể ngộ của tôi) sẽ rất khó để người tu nhận ra được sự tồn tại của chúng.


bottom of page