top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Một số quan điểm về bình luận chuyện thời sự xã hội và những vấn đề liên quan đến Pháp Luân Đại Pháp

Đã cập nhật: 20 thg 4, 2020

[12/09/2018] LÊ DŨNG

Trong xã hội mà đạo đức đang bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay thì rõ ràng những chuyện trái tai gai mắt xảy ra là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cứu vãn sự suy đồi của cả một xã hội là rất khó khi mà chỉ thông qua một vài bình luận hoặc hành động nhỏ lẻ của một vài cá nhân đơn lẻ. Cái gốc sâu xa nhất đẩy xã hội đến tình trạng hiện nay thì có lẽ học viên chúng ta đều có kiến giải dựa trên những gì trong Pháp Sư Phụ đã giảng rồi.


Tuy vậy, tôi thể ngộ rằng mục đích chính của học viên tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp là để cứu người và chứng thực sự tốt đẹp của Đại Pháp chứ không phải mong muốn gì đó được cải biến nơi xã hội. Xã hội hiện nay trở nên như vậy theo góc độ nhìn nhận của cá nhân tôi dựa trên những gì ngộ được từ Pháp mà Sư Phụ giảng chẳng phải là một trường sở tu luyện cho các học viên đó sao? Như vậy tôi nghĩ chẳng phải những gì xảy ra trong xã hội đang nhắm thẳng vào những cái tâm mà học viên đang chưa buông bỏ được là gì? Cái gốc của những vấn đề xã hội một phần do đạo đức xuống cấp, nhưng một phần lớn trong đó chả phải dựa trên chính cái tâm của cộng đồng học viên mà biểu hiện ra đúng không? Cuộc bức hại bên Trung Quốc ở một góc độ nào đó theo thể ngộ của tôi chả phải là xem ai thực sự kiên định vào Đại Pháp, vào Sư Phụ? Ai cố thủ chấp trước không bỏ? Tạo ra các vu khống lừa dối có phải cũng nhắm thẳng vào những sơ hở trong nhận thức Pháp do tu luyện không tốt của từng học viên đó sao? Xem những người ủng hộ, nói tốt cho Đại Pháp khi tình thế lật ngược 180 độ thì họ sẽ biểu hiện ra sao? Xem ai là thực sự tu luyện còn ai là lẫn vào?


Tôi chỉ lấy ví dụ: Theo thể ngộ nông cạn của tôi thì một người đang trong quá trình tu luyện thì khi Pháp thân của Sư Phụ an bài khảo nghiệm để bỏ tâm chấp trước cho họ chẳng phải là sẽ có những chuyện không thuận ý, những chuyện phiền phức xảy ra để moi cái tâm chấp trước của người đó ra đúng không? Như vậy theo tôi nghĩ thì người tu cần hiểu rõ là những hiện tượng bên ngoài mà họ nhìn nhận là không tốt đó đang phản chiếu chính những gì mà họ đang cố thủ trong tâm không buông bỏ được.


Nhưng nếu người tu không tập trung vào bỏ tâm chấp trước cần bỏ thì cái quan kia chưa vượt qua được, như vậy thì biểu hiện bên ngoài như là phiền phức đó sẽ mãi tiếp diễn mà không dứt đi được, trừ phi người đó không tu nữa. Bởi những phiền phức đó mà họ gọi theo những gì mà tôi ngộ ra được từ Đại Pháp thì đều do chính bản thân nghiệp lực của họ tạo nên, cái đó không phải ngẫu nhiên. Như vậy, theo thể ngộ của tôi thì nếu tăng kích cỡ của một cá nhân tu luyện đó lên thành cả một cộng đồng mà đều có những chấp trước chưa bỏ được thì biểu hiện bên ngoài kia chả phải cũng sẽ được nhân lên tương ứng, nó sẽ trở thành “phiền phức” mang tính xã hội đúng không?


Theo thể ngộ cá nhân của tôi thì nếu tâm người tu càng tụ nhiều thì các thể loại phiền phức sẽ cứ thế mà phát sinh ra. Nếu một người tu không tốt mà gây phản cảm thì người trong gia đình họ sẽ biểu hiện khó chịu, không thích và chỉ trích người đó - Nếu cả một cộng đồng tu không tốt mà gây nhiều phản cảm thì xã hội sẽ bài xích, chính quyền cũng gia tăng can nhiễu.


Vấn đề là nhiều học viên khi gặp những hiện tượng phản ánh từ xã hội lại chỉ nghĩ đó là can nhiễu chứ không ý thức được cái gốc là từ chính cái tâm của cả một cộng đồng tu luyện gây nên. Nếu họ tu chính thì những hành vi cực đoan kia có xảy ra hay không? Những thành phần như Nguyễn Doãn Kiên, Phạm Xuân Giao, Võ Hoàng Vinh, Vũ Đức Trung, Phạm Đôn Nhân có đất tồn tại hay không? Chả phải gốc rễ đều do khi tu luyện lý giải Pháp không sâu, tâm bất chính chiêu mời những thứ bất hảo đến đó sao?


Tôi có để ý một số học viên bất bình về những chuyện xảy ra trong xã hội, những vấn đề đó nếu là trong phạm vi người không tu thì quả là nóng hổi, bàn tán rất nhộn nhịp. Đại khái là ông này tốt, bà kia xấu, chỗ này bất công, vị quan này tham nhũng hay đất nước kia tình hình chính trị ra sao v..v. Nhưng, là người tu thì tôi nghĩ rằng những chuyện đó chả phải đang khảo nghiệm cái tâm của mình xem còn chấp trước gì chưa bỏ được đúng không? Ví dụ như nếu mình chấp vào cái gì đó mà những thứ bên ngoài nó xảy ra không thuận ý mình thì mình khó chịu bực bội khi nói về nó đúng không? Hay bản thân cứ nhắc đến vấn đề nào đó thì thích nói như thể họ rất cao minh, có hiểu biết uyên thâm về vấn đề đó v..v.


Tôi nhớ rằng Sư Phụ đã giảng rất rõ trong bài "Luyện Tà Pháp" và "Tu khẩu" - Chuyển Pháp Luân (đại ý, không phải nguyên văn, học viên xem lại bài giảng để đọc nguyên văn lời giảng của Sư Phụ) là có những học viên bình luận từ chuyện nhà mình đến quốc gia đại sự, hễ đến chỗ nào không vừa ý họ thì càng nói càng bực mình (bài Luyện Tà Pháp); có một số việc ngoài xã hội hễ đàm luận đến liền thấy hưng phấn (bài Tu Khẩu).


Sau khi đọc xong bài "Độ nhân [là] giảng Pháp, không làm biểu diễn" - Chuyển Pháp Luân (quyển II) thì tôi có thể ngộ nông cạn dựa trên những gì Sư Phụ giảng là những an bài trong lịch sử xảy ra đôi khi không thuận ý của nhiều người bởi vì họ đo lường những vấn đề đó dưới góc độ lợi ích cá nhân họ. Đại khái tôi hiểu rằng nếu nó tốt với lợi ích của họ thì họ nhìn nhận nó là tốt, còn nếu nó ảnh hưởng đến lợi ích của họ thì cho nó là xấu. Nhưng tôi hiểu là những gì thiên thượng an bài xảy ra lại không căn cứ vào cái lợi ích của con người, đó chính là mấu chốt của vấn đề.


Nếu chỉ là chuyện xảy ra trong thời kỳ trước 20/7/1999 thì tôi nghĩ còn tạm chấp nhận vì dù sao nó cũng chỉ là phạm vi tu cá nhân của một học viên. Nhưng đã đến thời kỳ Chính Pháp thì nó không còn đơn giản như vậy nữa. Tôi nghĩ rằng con người ta thường nhìn nhận sự việc theo lợi ích của họ, theo quan niệm hậu thiên của họ. Nếu nó đúng với quan niệm đó hoặc tốt cho lợi ích của họ thì dù xã hội nói nó không tốt thì họ vẫn sẽ tìm lý do để cho rằng nó tốt hoặc không xấu lắm, nếu nó không đúng với quan niệm của họ hoặc động chạm đến lợi ích của họ thì dù nó tốt thì họ cũng sẽ tìm lý do cho rằng nó xấu hoặc không tốt lắm. Nếu ai đó không thuận theo ý họ hoặc trái quan điểm với họ thì đương nhiên là họ sẽ thuận theo cái tình mà “ghét, không thích, không ưa” người đó. Nhưng điều dở nhất đó là người ta khi ghét ai đó thì thường họ ghét cả những gì liên quan đến người đó như sở thích, bạn bè, tín ngưỡng v..v. Người ta thường nói “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng, ghét nhau ghét cả đường đi lối về”. Do đó, chả phải nếu họ biết người này tu theo Pháp Luân Công thì hỏi họ liệu có ghét luôn cả Pháp Luân Công hay không?


Do đó, vì mục đích cứu người thì tôi nghĩ tốt nhất những chuyện trong xã hội mà người dân đang bàn luận kia chúng ta không nên dính vào. Vừa khớp nó cũng là lúc để chúng ta nhìn xem mình còn tâm gì chưa bỏ được (vì nếu xã hội này tốt hết thì học viên lấy cái gì để tu, lấy mâu thuẫn ở đâu ra?), vừa cũng để tránh tạo ra những hệ lụy khôn lường không đáng có. Nếu chúng ta nói về những vấn đề thời sự đó là đúng thì những người trong xã hội không nghĩ đó là đúng sẽ phản ứng, nếu họ biết chúng ta tu theo Pháp Luân Công thì chẳng phải họ cũng sẽ có ý nghĩ không hay về Pháp Luân Công? (tất nhiên không phải tuyệt đối ai ai cũng vậy, vẫn có người lý trí nhìn nhận khách quan và không để cái tình lấn át nhưng khẳng định là những kiểu người "ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng" đó là có thể cũng không ít đâu).


Tôi nghĩ rằng chúng ta đến đây để cứu họ thì chúng ta không nên tạo ra rào cản không đáng có như vậy. Mọi chuyện trong xã hội theo thể ngộ của tôi khi học Pháp thì tôi hiểu được rằng tất thảy đều có an bài, đó là chuyện do Pháp của cõi người quản, tôi nghĩ chúng ta chỉ quản tu luyện và cứu người mà thôi. Người tu không nên bàn luận chuyện xã hội, cũng không nên bình luận tốt xấu, tôi nghĩ những vấn đề đó trong bài “Tu Khẩu” Sư Phụ cũng đã giảng rất rõ. Tất nhiên, họ có quan điểm riêng nhưng để trong đầu chứ không nói ra thì là chuyện khác.


Còn những vấn đề liên quan trực tiếp đến Đại Pháp như những hành vi mạo danh, phá hoại Đại Pháp, bức hại tài chính học viên v..v thì chúng ta có nên nói ra công khai hay không? Tôi nghĩ nếu những thành phần đó đã khuyên can rồi mà vẫn không chịu tỉnh ra để chấm dứt hành vi sai trái thì việc công khai những thành phần đó ra là nên làm. Dưới góc độ người không tu họ sẽ thấy rằng luôn có những thành phần trà trộn vào các cộng đồng tín ngưỡng để trục lợi bất chính hoặc kích động vì mục đích nào đó, giống như Sư sãi phá giới luật thì cũng bị bêu tên trên báo như bình thường. Dưới góc độ người có cái nhìn không tốt từ trước về Pháp Luân Công thì đó cũng là một cơ hội để họ hiểu hơn về những gì đang xảy ra trong cộng đồng học viên, để họ hiểu rằng không phải học viên nào cũng làm những hành vi sai trái như vậy, để họ hiểu rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cũng có nguyên tắc và môn quy chứ không phải vào thích gì làm nấy. Dưới góc độ học viên mới tu hoặc đang tìm hiểu thì cũng là để biết được hành vi lừa đảo để kịp thời tránh xa, không để cho kẻ phá hoại có thêm cơ hội làm điều ác.


Có người cho rằng đăng những thông tin đó lên trên các Group học viên hay tường của họ là tiêu cực, sẽ khiến học viên mới sợ hãi mà không vào tu – Kỳ thực, cá nhân tôi nghĩ những học viên đó lý giải Pháp không đúng. Đối với những thành phần bất hảo kia mà không phơi bày công khai thì xã hội sẽ qua những hành vi của những thành phần đó nghĩ gì về Pháp Luân Đại Pháp? Nếu không phơi bày rõ chẳng phải họ sẽ đánh đồng những hành vi sai trái đó là do học viên tu luyện Pháp Luân Công mà ra đúng không? Nếu thế thì họ chẳng phải sẽ bị đào thải trong tương lai?


Như những trường hợp mạo danh học viên mà khiến cho xã hội phản cảm thì Minh Huệ tiếng Trung cũng đã phải đăng thông cáo công khai nói rõ những thành phần đó không phải là học viên Pháp Luân Công đó sao? Ngay như trong thời kỳ mà Phạm Xuân Giao, Nguyễn Doãn Kiên khoác áo học viên đi đập lăng Ba Đình thì rất nhiều học viên đã phải đi các diễn đàn, blog, thậm chí cả lên mạng xã hội để nói rõ đấy không phải là học viên Pháp Luân Công là gì? Phơi bày những thành phần mạo danh học viên phá hoại thanh danh Đại Pháp vừa là để ức chế kẻ hành ác, không để họ tạo nghiệp thêm nữa. Vừa để vãn hồi lại cái nhìn của người trong xã hội về Pháp Luân Đại Pháp, để họ không mất đi cơ hội được đắc cứu, vừa để học viên không chịu thêm tổn thất nữa. Đó chính là để cứu người và duy hộ tính uy nghiêm của Đại Pháp.


Thế nhưng học viên lại hiểu ra thành là tạo thị phi, tranh đấu, soi mói? Thực tế việc bình luận tùy tiện những vấn đề xã hội như đã phân tích ở trên thì mới đúng là không nên làm, còn những vấn đề đã liên quan trực tiếp đến Đại Pháp mà không nói ra thì thực tế ngược lại chính là tiếp tay cho phá hoại Đại Pháp, dung dưỡng cho cái sai, khiến người trong xã hội không lý giải được các hành vi do những thành phần phá hoại ở đằng sau kích động học viên mà mất cơ hội được cứu.


Còn việc học viên mới lo sợ nên không dám bước vào tu luyện? Thực tế cũng còn phải xét xem mục đích của họ vào tu là gì? Họ vào để cầu trị bệnh? Họ vào để tìm nơi trốn tránh hiện thực xã hội? Tôi có thể ngộ nông cạn rằng Đại Pháp có tính uy nghiêm và việc có tu được hay không còn tùy thuộc ngộ tính của từng người, không phải ai cũng tu được, đó là còn chưa kể đây là thời kỳ cuối nên muốn vào còn phải do Sư Phụ cho phép chứ không phải ai muốn là vào được đâu. Nếu những hành vi sai trái kia không được phơi bày ra mà họ vào tu rồi bị hại thì còn nguy hiểm hơn.


Tôi nghĩ rằng thời kỳ hiện nay không còn như là tu trong giai đoạn trước 20/7/1999 nữa. Người dân khi tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp họ ắt sẽ phải biết sơ qua hay nghe qua về cuộc bức hại học viên Pháp Luân Đại Pháp bên Trung Quốc rồi, họ biết rõ học viên bị bức hại dã man, bị mổ cắp nội tạng mà vẫn vào tu thì mấy hành vi phá hoại này đã là cái gì? Nếu nói không phơi bày hành vi phá hoại này ra vì sợ họ không dám vào tu thì hỏi học viên có dám phơi bày cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công bên Trung Quốc ra hay không?


Cuộc bức hại đó nếu xét về quy mô, về tính chất nghiêm trọng thì nó còn hơn xa mấy phương thức phá hoại trong nội bộ, thực chất bức hại của ĐCSTQ còn có cả trong nội bộ như việc lấy một người tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn và quy đó là do học viên Pháp Luân Công làm đó sao? Họ sớm muộn gì cũng phải biết về cuộc bức hại khi tìm hiểu về Pháp Luân Công mà họ còn muốn tu luyện thì hỏi mấy chuyện phá hoại kia có làm họ sợ đến bỏ tu hay không? Mà phơi bày những thành phần phá hoại trong nội bộ kia với giảng chân tướng về cuộc bức hại, vu khống học viên Pháp Luân Công bên Trung Quốc thì bản chất có khác gì nhau? Đều chẳng phải phơi bày ra những vu khống kia là giả, những người tự thiêu ở Thiên An Môn hay những kẻ khoác áo học viên gây phản cảm trong xã hội kia không phải là học viên hay sao? Đều chẳng phải là đang giảng chân tướng về bức hại bên ngoài lẫn trong nội bộ học viên đó sao?


Theo quan điểm của tôi, học viên chúng ta chẳng phải vẫn đang giảng chân tướng trên các phương tiện truyền thông rất nhiều đúng không? Vậy mà người ta vẫn có người muốn vào tập, vậy thì họ còn sợ gì mấy phương thức phá hoại trong nội bộ học viên? Nếu nói họ sợ thì họ chỉ nghe về cuộc bức hại kia là đủ sợ rồi chứ chưa cần nói đến mấy vụ phá hoại trong nội bộ vốn nhẹ nhàng hơn nhiều.


Chỉ là tôi nghĩ có thể một số học viên vẫn muốn tạo ra một hình ảnh đẹp không tì vết gì hết để dẫn dụ người ta vào và không muốn lộ ra những hành vi sai trái trong nội bộ nên mới nói là sợ người ta bỏ tu đó thôi. Đó liệu có phải là chúng ta đang tu Chân hay không? Hay vẫn theo tập quán nơi người thường là "tốt khoe, xấu che", chúng ta đã không thừa nhận và phản đối những hành vi sai trái kia thì chúng ta còn sợ gì mà không phơi bày ra ánh sáng cho người dân biết?


Ở góc độ tu luyện tôi nghĩ đó phải chăng là chấp Danh, là lý giải Pháp không đúng, không ý thức được sự uy nghiêm của Đại Pháp, không có ý thức duy hộ Pháp mà là duy hộ công quả của bản thân nên mới suy luận sai lệch như vậy? Nếu cứ để yên che đậy hết rồi thì người mới vào tu lại bị bức hại trong khi chúng ta có thể cảnh báo từ sớm cho họ thì tội lỗi do ai? Nó khác gì bảo “tôi là tìm mọi cách chỉ giới thiệu các vị vào tập và tạo ra sự hào nhoáng tốt đẹp nhất, còn sau khi vào tập các vị bị làm sao, hay các vấn đề khuất tất trong môi trường ra sao thì tôi không quan tâm, tôi chỉ quan tâm tới số lượng học viên vào tập càng nhiều càng tốt thôi vì càng nhiều học viên thông qua tôi vào tập thì công quả của tôi càng lớn” – Tôi nghĩ chẳng phải hành vi đó là vô trách nhiệm, là tâm bất chính vào lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên cả Đại Pháp hay sao? Chẳng phải họ đang ngụy biện che đậy nỗi lo sợ tổn thất lợi ích của bản thân hơn là sợ người mới vào bỏ tu?


Trên đây là một số quan điểm cá nhân của tôi về vấn đề được nêu trên, chỉ là thể ngộ nông cạn từ Đại Pháp căn cứ theo những gì Sư Phụ giảng mà xin được chia sẻ ra, chỉ có tính tham khảo hạn cuộc nhất định; tôi hiểu rằng Đại Pháp mà Sư Phụ giảng còn có vô số nội hàm thâm sâu hơn nữa. Do đó, nếu có gì chưa đúng, rất mong nhận được sự góp ý từ phía các học viên.



bottom of page