[30/09/2019] Bạch Vân
Lời dẫn:
Trong các học viên tu luyện Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thì có lẽ ai ai cũng có ước nguyện hồng Pháp cho người khác, nhất là khi thụ ích được từ Đại Pháp thì cái mong muốn đó càng mãnh liệt hơn. Bản thân việc hồng Pháp tôi hiểu là một việc rất tốt, giúp người khác có thể bước trên con đường tu luyện Chính Pháp; Nhưng, giữa mong muốn tốt đẹp và cách thực thi ra sao thì lại là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Người còn đang trong tu luyện, thì tâm chấp trước còn rất nhiều, cho nên nếu không cẩn trọng thì rất dễ là có tâm truy cầu nào đó ẩn sâu trong quá trình đi hồng Pháp thường là với mục đích chính là để hiển thị bản thân, để thể hiện bản sự, nâng cao danh tiếng của chính họ trong cộng đồng kiểu như là: “tôi đã hồng Pháp cho bao nhiêu người rồi”, “tôi hồng Pháp toàn cho người nổi tiếng, giới chủ lưu nè” v..v.
Vì họ làm những hành động đó dưới sự sai khiến của tâm chấp trước nên thông thường nó không đi kèm với sự lý trí, không có sự cân nhắc xem xét kỹ hoàn cảnh, xem cái gì nên và không nên. Mà nếu khi hồng Pháp, chứng thực Pháp không đi kèm với sự lý trí thì rất dễ làm ra những sự việc phản tác dụng, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Có khi không cứu được người ta mà còn gây phiền toái, thậm chí còn vô tình đẩy chính người mà mình hồng Pháp đó vào cái thế nguy hiểm do nảy sinh trong tư tưởng những ý nghĩ phản cảm, bực bội vì hành vi không lý trí của học viên trước đó gây nên.
Do mục đích ẩn giấu của những học viên không lý trí kia là cầu danh cầu lợi, hiển thị bản thân nên họ chỉ tập trung vào việc khoe khoang “thành tích” của họ, hay nói đúng hơn là họ chỉ nghĩ cho lợi ích của chính họ chứ không mảy may suy xét cảm nhận hay rủi ro gặp phiền toái của chính những người mà họ đã hồng Pháp đó, nói trắng ra là họ coi những người được họ hồng Pháp chỉ là công cụ để truy cầu danh lợi, tất nhiên là bề ngoài thì họ vẫn nói những điều rất tốt đẹp như là vì người khác, nghĩ cho người khác – nhưng những thứ đó chỉ để che đậy cho lợi ích của chính họ.
Hiện nay ở Việt Nam, trong hoàn cảnh mà chính quyền đang siết chặt các hoạt động của cộng đồng tu luyện Pháp Luân Công, đang âm thầm tuyên truyền bài xích Đại Pháp từ các Ban ngành đoàn thể đến các tổ dân phố ở các khu dân cư; Trên mạng thì cũng theo dõi nhất cử nhất động của học viên v..v - Thì việc hồng Pháp/ chứng thực Pháp nếu không chú ý, cứ thích làm rầm rộ, thì thậm chí còn có thể gây tác dụng ngược lại.
Nội dung:
Vấn đề mà bài viết này đề cập đến kỳ thực không mới, nó vốn đã và đang xảy ra trong cộng đồng học viên Pháp Luân Công từ rất lâu rồi, chỉ là trong vài năm trở lại đây thì những hiện tượng này càng ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, đó là: LỢI DỤNG NGƯỜI NỔI TIẾNG ĐỂ HỒNG DƯƠNG ĐẠI PHÁP. Hay nói một cách văn học hơn là "Thấy người sang bắt quàng làm họ".
Trong xã hội, việc sử dụng hình ảnh, thương hiệu của người nổi tiếng để quảng bá cho nhãn hàng, sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó là chuyện rất đỗi bình thường. Đại khái như là họ ký hợp đồng với một ca sỹ, vận động viên thể thao, diễn viên v..v nào đó đang nổi tiếng và có nhiều người hâm mộ để quảng bá cho nhãn hàng của họ. Tuy nhiên, đây đơn thuần là hoạt động quảng cáo vì mục đích sinh lời cho doanh nghiệp, là để kinh doanh. Tôi nghĩ nó chỉ nên áp dụng nếu những thứ được quảng cáo là để phục vụ cho mục đích thương mại.
Nhưng, nếu vận dụng nó để quảng bá một tín ngưỡng, một Phương pháp tu luyện nào đó thì kỳ thực tôi cho rằng nó không phù hợp – Bởi vì nếu thế thì hóa ra người ta sẽ có thể cho rằng Phương pháp tu luyện hay tín ngưỡng kia cũng là để mời chào, thương mại hóa trá hình mà thôi. Và chính vì cái hệ lụy này mà sẽ dễ khiến người ta giảm đi sự kính trọng, tôn trọng với chính tín ngưỡng hay Phương pháp tu luyện đó. Họ có thể sẽ cho là những thứ kia quá rẻ tiền, mất chất, không ai theo tập nên mới phải đi quảng cáo, mời chào; hoặc đơn giản là họ dễ nghĩ rằng đây là đa cấp trá hình, hoặc là kiểu dạng thức giống như Hội thánh Đức chúa trời.
Nói qua đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Ở Việt Nam những năm gần đây thì hoạt động quảng cáo dựa vào người nổi tiếng này đã bị lợi dụng cho cả những tổ chức đa cấp. Có nhiều người nổi tiếng đã bị sử dụng hình ảnh/thương hiệu một cách tùy tiện để các tổ chức đa cấp thuyết phục khách hàng tham gia mạng lưới đa cấp của mình. Dưới đây là một trích đoạn ví dụ từ một bài báo:
“Sau khi hàng loạt người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Trấn Thành, Hoài Linh... đã đồng loạt lên tiếng cho rằng họ đã bị lợi dụng hình ảnh quảng bá cho đa cấp tiền ảo, sáng 11/4, đại diện công ty FNC ông Diệp Khắc Cường cũng tiếp tục khẳng định ông và các ca sĩ nổi tiếng không hề liên quan đến iFan, Pincoin và công ty Modern Tech.
Tôi, công ty chúng tôi, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ca sĩ nổi tiếng khác không hề hợp tác với iFan, không hề có hợp đồng gì và bên Modern Tech chỉ lợi dụng điều đó để kêu gọi mọi người đầu tư. Đây là khẳng định của ông Diệp Khắc Cường - Tổng Giám đốc FNC trong cuộc họp sáng 11/4. Ông cho biết ông chính là công cụ của iFan và là nạn nhân thiệt hại nặng nhất trong vụ việc này.
Tại cuộc họp này cũng đã có một số nhà đầu tư tố cáo hành vi huy động vốn của Modern Tech và cũng đã tin vào sự hiện diện của công ty FNC và các ca sĩ nổi tiếng.”
Hết trích
Nguồn: VTV.VN
Phân tích sâu hơn, có 3 vấn đề rủi ro khi sử dụng hình ảnh/thương hiệu của người nổi tiếng để quảng bá Đại Pháp trong giai đoạn hiện nay mà tôi xin được nêu ra:
- VẤN ĐỀ BẢN QUYỀN:
Học viên có thể chụp ảnh với người nổi tiếng, nhưng giữa chụp ảnh và đăng ảnh họ lên mạng lại là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Nếu chỉ là ảnh chụp chân dung thì thôi còn đỡ, nhưng nếu ảnh chụp họ cầm vật nào đó như sách, báo có thể hiện rõ một nhãn hàng hay sản phẩm kinh doanh, tín ngưỡng nào đó thì khi đăng những bức ảnh đó lên mạng – Nhất thiết – phải được sự đồng ý của họ và tất nhiên là phải nói rõ cho họ biết thứ mà họ đang cầm khi chụp ảnh đó là gì.
Cái lối nói không cần xin phép họ, cứ đăng ảnh họ lên vì làm thế họ sẽ có uy đức, đắc phúc báo tôi nghĩ đó là lối nói của phường lưu manh chứ không phải của người tu luyện Đại Pháp. Đại Pháp to lớn ngần đấy mà phải hạ mình cầu cạnh người thường quảng bá hay sao? Đại Pháp còn phải lấy uy đức, phúc báo ra để dụ dỗ người ta, mồi chài người ta đi quảng bá cho Đại Pháp hay sao? Pháp môn tu luyện nghiêm túc nhường đấy mà học viên dám đem ra để thương mại hóa? Dám bất kính đến nhường ấy?
Mọi thứ tôi nghĩ là cần phải xuất phát từ sự tự nguyện, ví dụ họ tu tập rồi, họ tự nguyện lấy bản thân ra quảng bá thì không nói, đó là bản thân họ thể hiện sự kính trọng Đại Pháp, chứ Đại Pháp đâu cần họ phải đi quảng bá dùm? Nếu không phải do họ tự nguyện, mà học viên tìm mọi cách lôi kéo họ vào quảng bá cho Đại Pháp bất chấp thủ đoạn trong khi họ không muốn hoặc thậm chí còn không biết hình ảnh của mình bị sử dụng để quảng bá thì có đúng hay không? Họ mà biết được thì có phải họ khinh dễ Đại Pháp hay không?
Nếu không xin phép mà tùy tiện đăng ảnh thì (1) là học viên dễ vi phạm pháp luật vì đăng ảnh của người khác vì mục đích nào đó mà chưa xin phép, kể cả với mục đích tốt đi chăng nữa, và (2) là dễ bị người đó kiện ngược nếu việc đăng ảnh của học viên tạo ra ảnh hưởng không tốt đến uy tín của họ. Bản thân hành vi đăng ảnh tùy tiện cũng dễ khiến chính những người nổi tiếng đánh giá thấp cộng đồng người tu luyện Đại Pháp, bởi họ thấy hành vi của học viên (1) không có sự tôn trọng tối thiểu và (2) thể hiện sự thiếu hiểu biết kiến thức xã hội (ý là học viên toàn là những người tri thức kém).
- VẤN ĐỀ AN TOÀN:
Xét trong bối cảnh khi chính quyền đang ráo riết siết chặt các hoạt động của học viên tại Việt Nam, thậm chí còn âm thầm tuyên truyền các văn bản với nội dung hạn chế, bài xích Đại Pháp trong các Ban ngành, đoàn thể v..v – Thì hỏi việc trưng ảnh những người nổi tiếng lên mạng xã hội rồi chia sẻ tùm lum có phải là hành động thiếu lý trí hay không? Chưa xét đến vấn đề bản quyền hình ảnh vì không biết người nổi tiếng kia có chấp nhận cho phép học viên đăng ảnh họ lên để quảng bá Đại Pháp hay không, mà chỉ riêng việc đăng ảnh họ lên như vậy trong bối cảnh hiện nay đã là rất nguy hiểm.
Tôi từng biết một ví dụ điển hình là ông Nguyễn Lân Dũng, ông này từng có lần được phỏng vấn mà bình luận khá khách quan và tích cực cho Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó học viên tùy tiện sử dụng hình ảnh và bình luận trong buổi phỏng vấn đó của ông mà không xin phép, đem đăng tràn lan trên các Website như Tân Sinh, Tinh Hoa và thậm chí đăng cả trên các tài liệu hồng Pháp. Điều này sau đó đã khiến chính ông Dũng gặp rắc rối từ phía chính quyền, bởi khi đó ông đang làm chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung. Đã có một học viên lâu năm ở Sài Gòn tên là Châu được ông Dũng liên hệ để phản ánh thái độ bức xúc vì ông bị liên lụy và gặp nhiều rắc rối không đáng có do học viên đem ra quảng bá tùy tiện không xin phép. (Nguồn: Link Facebook ).
Việc ông bị học viên đem ra quảng bá quá đà đã khiến phía chính quyền chú ý, tên của ông đã được cho hẳn lên bài viết có nội dung công kích, cho rằng ông "thiếu trách nhiệm". Thậm chí ông còn đã bị phía an ninh nhắn tin chất vấn yêu cầu ông phải nói về mặt trái của Pháp Luân Công để vãn hồi.
Ông Dũng từng có thái độ tích cực với Pháp Luân Công, nhưng sau những sự vụ kể trên, thì có lẽ giờ ông Dũng đã phải suy nghĩ lại, chính thái độ bực tức của ông khi liên hệ với học viên Châu đã nói lên điều đó.
Gần đây vào khoảng tháng 08/2019, có một ví dụ nữa về việc lợi dụng người có chức sắc trong giới quân đội để quảng bá Đại Pháp, việc đăng video lên có vẻ như đã được sự cho phép của bản thân người này. Đó là trường hợp của vị tướng quân đội Nguyễn Quang Thống, bên đăng tin là Đại Kỷ Nguyên Việt Nam và các Fanpage do học viên lập ra trên mạng thi nhau chia sẻ tràn lan.
Hậu quả là, phía bên an ninh phát giác và đã có ngay những bài viết chỉ trích ông Thống vì đang quảng bá cho Pháp Luân Công. Có lẽ chính bản thân ông Thống sau vụ việc này sẽ gặp không ít phiền toái. Trong bối cảnh mà chính quyền đang theo dõi sát sao và tuyên truyền âm thầm bài xích Đại Pháp, Sư Phụ cũng đã cảnh báo trong bài Kinh văn gửi học viên Việt Nam từ tháng 11/2018 thì việc đưa video quảng bá Đại Pháp của ông Thống lên là một hành động quá liều lĩnh và thiếu suy nghĩ. Nếu nói nghiêm khắc thì là hành vi cố tình làm sai lời Sư Phụ, vẫn giảng chân tướng quy mô lớn, đó có phải là loạn Pháp một cách nghiêm trọng hay không?
Không biết liệu học viên đã ý thức rõ tình hình đặc thù ở Việt Nam hiện nay chưa? Hậu quả đã nhãn tiền, đã lồ lộ đến như thế. Thế nhưng ngay sau đó không lâu (vào khoảng tầm cuối tháng 09/2019) lại có rất nhiều học viên tiếp tục đăng tải những hình ảnh của một số người nổi tiếng khác là ông Lại Văn Sâm và nghệ sỹ Thành Lộc. Tôi nói thật, chẳng lẽ một bộ phận không nhỏ các học viên cứ mãi giống như con thiêu thân thích lao vào lửa hay sao?
Nguồn: Facebook Group
Đáng chú ý, việc tặng sách Chuyển Pháp Luân cho ông Sâm với cái kích cỡ nhỏ như một cuốn sổ tay như trong hình thì đích xác là sách in lậu. Vì sách bản quyền chỉ có duy nhất một cỡ A5 và hiện nay cũng không còn bìa sách màu xanh da trời nữa mà đã chuyển sang bìa sách mới từ 2017 (hình dưới):
Nguồn: TiantiBooks.org
Ngoài ra, việc mới chỉ đưa tặng sách cho một người thì cũng không thể chắc chắn là người đó sẽ đọc hay bước vào tu luyện, việc tặng hoa sen cũng vậy. Tôi từng hồng Pháp cho khá nhiều người, thậm chí đưa họ sách và hướng dẫn rất tỉ mỉ, nhưng sau một thời gian, rất nhiều là lấy lý do bận, không có thời gian hay đơn giản là quên mất không đọc. Đằng đây học viên không tìm hiểu kỹ, mới chỉ xem ảnh ông Sâm cầm cuốn sách (do học viên tặng thì ông miễn cưỡng phải cầm thôi chứ có chắc ông ý muốn đọc hay không?) mà đã la liệt lên comment bảo "thêm một bạn đồng tu, mình thấy vui lắm”, “Pháp Luân Công được mọi tầng lớp đón nhận”, "lại thêm một sinh mệnh đã được cứu" v..v.
Xét về bản chất, đây không khác gì cái tâm lý “thấy sang bắt quàng làm họ” – Chưa gì đã ảo tưởng rồi nhận vơ những người nổi tiếng cầm sách thì đã là người tu luyện. Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều người thậm chí cầm sách, học Pháp hằng ngày, luyện công hàng ngày, thậm chí năng nổ việc thứ 3 nhưng chưa chắc đã được coi là học viên, vì họ chỉ tu trông có vẻ giống học viên chứ trong tâm họ không có thay đổi gì về bản chất hết. Vậy ông Lại Văn Sâm mới chỉ có cầm quyển sách (mà lại là sách lậu) mà đã coi ông này là học viên thì có phải quá là có vấn đề về nhận thức hay không?
Chưa xét đến việc ông Sâm và ông Lộc có đồng ý để học viên sử dụng hình ảnh của mình để quảng bá Đại Pháp hay không? Chỉ riêng sau vụ việc ông Thống thôi mà đã đăng hình 2 ông này lên thì cũng khác gì gây mất an toàn cho các ông ý? Nếu an ninh biết được và “làm việc” với 2 người đó như trường hợp của ông Nguyễn Lân Dũng thì tính sao?
Ông Sâm và ông Lộc lúc đấy mà biết được học viên lợi dụng hình ảnh của họ không xin phép để quảng bá Pháp Luân Công rồi lại gặp rắc rối với phía chính quyền, ảnh hưởng đến uy tín và công việc của họ thì dễ chừng họ không nổi điên chăng? Họ mà nổi điên lên thì không phải là vấn đề chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân họ nữa mà nó sẽ tác động đến chính những ai quen biết, thân cận với họ (nên họ mà càng nổi tiếng thì lại càng nguy hiểm - do người mà họ quen biết rất nhiều là thuộc giới chủ lưu). Vì sao? Họ sẽ đem chuyện học viên lợi dụng hình ảnh họ ra để nói, để trút giận, để dặn người quen họ sau phải cẩn thận không dính đến Pháp Luân Công nữa kẻo bị chụp trộm rồi đăng lên mạng xã hội. Lúc đó thì là học viên quảng bá Đại Pháp hay phá hoại thanh danh Đại Pháp? là cứu người hay hại người?
- VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG TU LUYỆN:
Nếu học viên sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá Đại Pháp, chỉ xét riêng tình hình hiện nay, việc làm này ắt sẽ gây sự chú ý của chính quyền và từ đó sẽ lại làm tăng thêm sự siết chặt của chính quyền hơn nữa, chính quyền sẽ lại gia tăng tuyên truyền bài xích Đại Pháp hơn nữa. Lúc đó thì chính học viên tại Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn trong quá trình chứng thực Pháp. Nói trắng ra là vấn đề giảng chân tướng sẽ không chỉ đơn giản gói gọn ở việc Trung Cộng bức hại nữa, mà sẽ là phải giải thích ra sao về các vụ việc học viên cực đoan tại Việt Nam gây phản cảm cho người dân và chính quyền, nhiêu đó thôi cũng đủ chết rồi. Vậy hành vi bên trên là nên hay không nên làm?
Ngoài ra, Sư Phụ trong kinh văn 2018 gửi học viên Việt Nam đã giảng rất rõ đại ý là không giảng chân tướng quy mô lớn. Tôi thể ngộ là bản thân trong nội dung giảng chân tướng ắt phải có giới thiệu về Đại Pháp đúng không? Vậy học viên cứ tùy tiện share bài về ông Thống, ông Sâm, ông Lộc với nội dung quảng bá Đại Pháp có phải là đang trực tiếp vi phạm yêu cầu của Sư Phụ có phải không? Đó có phải hành vi loạn Pháp hay không?
Link: Facebook
Có một số học viên tôi biết khi bị chất vấn những hành vi giảng chân tướng/hồng Pháp quy mô lớn còn dám nói những thứ như là: “Kinh văn của Sư Phụ trong năm 2018 chỉ là cho năm 2018, năm 2019 giờ tình hình khác rồi, không thể làm theo Kinh văn đó nữa”?!! Họ dám nói những thứ đó để bao biện, lại vừa bất kính quá kinh khủng với Sư Phụ. Tôi nhấn mạnh hiện tượng này hiện đang tồn tại trong rất nhiều học viên, tôi cảm giác như họ được định hướng và tuyên truyền nhận thức một cách có tổ chức trong cộng đồng chứ không phải chỉ là do một số học viên nghĩ ra.
Nguồn: Facebook
Tôi nghĩ chúng ta không phải là Sư Phụ, làm sao chúng ta biết được an bài của Sư Phụ cụ thể ra sao? Sư Phụ chưa hề giảng là Kinh văn 2018 gửi học viên Việt Nam là có thời hạn bao lâu mà học viên dám định nghĩa là kinh văn đó chỉ tác dụng trong năm 2018? Những học viên đó phải chăng tự cho chính họ là còn cao minh hơn cả Sư Phụ, đến mức cho rằng kinh văn Sư Phụ năm 2018 không phản ánh đúng tình hình năm 2019? Tôi nghĩ họ nên chuẩn bị hậu sự đi là vừa! Những thứ loạn bậy, quá bất kính như thế mà họ cũng có thể nghe và nói theo được! Họ vào tu chỉ để cho vui có phải không?
Kết luận:
Không biết các học viên khác nghĩ thế nào, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy không còn hy vọng gì vào tình hình môi trường tu luyện hiện nay ở Việt Nam. Nhìn bề mặt thì rất nhiều học viên đang năng nổ làm việc thứ 3 nhưng kỳ thực xét kỹ thì lại là đang khởi tác dụng phá hoại. Đáng buồn là khi được ai đó nhắc nhở thì các học viên này dường như đã được một hệ thống nào đó chuẩn bị kỹ những thứ tư tưởng ngụy biện để đối phó như là “mỗi người có một thể ngộ”, “tầng cao thì thấy đúng, tầng thấp thấy sai”, “con người phải có sự lựa chọn cho tương lai của họ” v..v. Đại khái là họ từ chối đối diện với cái sai của họ và quy hết mọi trách nhiệm, hậu quả nếu có cho khách quan, cho người thường và thường gặp nhất là cho … Trung Cộng và chính quyền Việt Nam.
Tu luyện tôi hiểu là quá trình thăng hoa từ người thường rồi đến người tốt, từng bước từng bước đạt tới tiêu chuẩn người tu luyện. Nhưng có một bộ phận không nhỏ người đang tự xưng là học viên ở Việt Nam hiện nay tôi phân vân không biết liệu họ làm người tốt có nổi không nữa?
Những gì trên đây đều là quan điểm cá nhân xuất phát từ thể ngộ còn hữu hạn, nếu có gì cần bổ sung, sửa chữa rất mong nhận được góp ý.
Comments