top of page

Nhận thức về một số hiện tượng công kích phỉ báng Đại Pháp của người ngoại giới hiện nay.

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019

[29/01/2018] LÊ HẠO THIÊN


Dạo gần đây, tôi có biết một số vị Sư có chức phận và mức độ nổi tiếng khá lớn tại một số ngôi chùa ở Việt Nam có đăng những bình luận tiêu cực về Pháp Luân Đại Pháp trên một số kênh mạng xã hội như Youtube và có lượt view khá cao.



Điều cần chỉ ra là những nhận định của họ khi phê phán Pháp Luân Đại Pháp làm tôi giật mình, giật mình không phải vì sự bức xúc, giật mình không phải vì hiểu biết của họ mà là giật mình vì những lời của họ phản ánh khá chính xác hiện trạng tu luyện của một bộ phận không nhỏ học viên hiện nay. Có thể nhiều học viên cho rằng trong cộng đồng học viên không có những chuyện như họ nói, nhưng qua trải nghiệm thực tế và theo phản ánh của nhiều nơi, thậm chí có trường hợp tôi đã chứng kiến tận mắt tại địa phương mà mình đang sinh sống thì thực sự là họ nói không hẳn là sai.

Tất nhiên, thân là học viên thì khi gặp những sự việc như vậy, tôi phải tự xét mình trước bởi tôi nghĩ những gì xảy ra đó không phải là ngẫu nhiên. Tôi nhớ Sư Phụ đã từng giảng đại ý rằng hết thảy những gì của xã hội nhân loại đều vì Đại Pháp mà tồn tại, vì tu luyện của đệ tử Đại Pháp mà tồn tại. Nếu ai ai cũng tu nội thì tôi nghĩ tự nhiên hoàn cảnh bên ngoài sẽ an hòa – đạo lý này Sư Phụ đã giảng rất rõ trong Tinh Tấn Yếu Chỉ rồi. Tôi thể ngộ được rằng chỉ khi chấp trước của học viên mà lớn, nó sẽ phản ánh vào hình thức của xã hội, biểu hiện là người thường sẽ bài xích với học viên Đại Pháp, sẽ không lý giải được những gì học viên đang làm, thậm chí còn đi sang phản diện, lúc đó ắt sẽ có Ma xuất hiện mà dùi vào lỗi sai với cái cớ là khảo nghiệm học viên nhưng qua đó cũng để hủy hoại người ở thế gian.

Theo thể ngộ nông cạn của tôi thì trong con mắt của bên trên thì họ muốn thông qua những hiện tượng phá hoại công kích của người ngoại giới để chỉ ra những lỗi sai, những chấp trước của bộ phận học viên mà thời gian lâu không bỏ, nên cái gốc tôi nghĩ chúng ta nên phải tự sửa mình trước, còn với họ thì nên dùng lý lẽ mà giải thích, nhưng chẳng phải họ cũng bị những hành vi do chấp trước mà học viên không bỏ gây hiểu nhầm đó sao, chính cái nút thắt này mà nếu không biết cách gỡ cho đúng thì học viên nhảy vào tranh luận với họ tôi e là sẽ đổ thêm dầu vào lửa.

Vậy cụ thể nhận định của vị Sư mà có nhận định tiêu cực về Pháp Luân Công tại chùa Ba Vàng đó là gì? Theo tôi quan sát và tìm hiểu thì có vài ý chính như sau mà liên quan trực tiếp đến hành vi của học viên Pháp Luân Công:

1 – Nhiều người tập Pháp Luân Công không còn kính lễ ai, không thờ cúng ai, cha mẹ cũng xem thường, chồng con cũng xem thường.

2 – Họ cho họ là hay nhất, họ là chư thần xuống đây. Pháp Luân Công nguy hiểm đến vậy, cho nên tại sao ở TQ ngày xưa nó bị đàn áp là như vậy.

Như vậy, liệu có đúng không khi có một bộ phận học viên khi bước vào tu luyện, không lý trí, không thực tu mà tu theo đám đông, tu theo thể ngộ của người khác, thấy người ta bảo gì thì làm nấy? Tôi biết có những trường hợp mà khi vợ đẻ họ cũng không buồn trông và còn cười nói “cần bỏ cái tình” - đó là trường hợp của thành phần phá hoại Phạm Xuân Giao - Giáo chủ Hắc Hội Thập Tam, người tự phong mình là Thần.

Có nhiều nơi học viên bị lôi kéo đi tập nghệ thuật (hình như đoàn này tên là Hồng Ân) mà bỏ bê công việc, bỏ bê gia đình. Đến ngay tại nơi tôi sống có một học viên nữ mà trước đó ra tập công thường dắt theo con mà sau này không hiểu họ tu kiểu gì mà cả chồng con họ bỏ bê, suốt ngày chỉ đi học Pháp nhóm với đi xin chữ ký, có người tôi biết trước đây vì cuồng tín theo tư tưởng của Phạm Xuân Giao mà còn định bán cả nhà để lấy tiền chi cho việc đi chứng thực Pháp tại các tỉnh.

Có nhiều trường hợp còn hâm hâm dở dở đến nỗi cực đoan trong sinh hoạt vợ chồng, có người được gia đình khuyên bảo hết lần này đến lần khác vẫn không chịu điều chỉnh cách sống sao cho giống bình thường. Còn có người thì được dặn phải tu khẩu đến mức đi đâu cũng không dám ho he một lời, gia đình hỏi cũng không nói rồi để đến mức người nhà nghi kỵ và có cái nhìn không tốt về Pháp Luân Công, có người còn đi cày game đến mức thân tàn ma dại để lấy tiền chứng thực Pháp v..v. Đó là những gì mà tôi biết, thực tế có lẽ còn kinh khủng hơn nữa.

Người mới tu thì phải tu từ người thường đi lên, tôi thể ngộ được rằng đầu tiên phải học làm người tốt rồi dần dần đề thăng lên để đạt tiêu chuẩn của người tu luyện, nó là cả một quá trình và còn phải điều chỉnh cách sống và ứng xử làm sao để người xung quanh không nhìn nhận tiêu cực, họ hiểu không đúng Pháp lý và tùy tiện nghe theo thể ngộ của học viên khác, thấy rằng bảo rằng “Đắc Pháp thì đã thành Thần”? Nhưng kỳ thực họ có hiểu thế nào là Đắc Pháp hay không? Tôi trong quá trình học Pháp có nhớ Sư Phụ có giảng rằng (đại ý, không phải nguyên văn) bộ phận mà đã đắc Pháp thì đã đạt tiêu chuẩn và bị tách ra ngay lập tức, phần còn lại là bộ phận chưa tu xong của học viên đang tu tại người thường, nên theo thể ngộ của tôi thì làm sao tự coi phần đó (phần đang tu chưa xong) là Thần được. (Giảng Pháp tại Pháp hội thủ đô Mỹ quốc [2006])(Link)

Vậy mà học viên nghe là hễ tu luyện, hễ Đắc Pháp thì tự cho bản thân mình là Thần? Mà muốn Đắc Pháp thì phải đề cao tâm tính, nhưng nhiều học viên có vẻ chỉ tu cho giống vẻ bề ngoài của học viên tu luyện chứ thực sự thì họ không hiểu tu luyện là gì? Họ nghĩ cứ đọc cho nhiều sách, đi nghe chia sẻ, đi nghe thể ngộ và làm hạng mục thì là tu luyện, cái đó đâu phải là cải biến cái tâm từ bản chất, nó toàn là chuyện bên ngoài đó chứ? Nói ra một thực tế là họ ngay đến việc tu để trở thành người tốt thôi còn chưa làm nổi, tu để người xung quanh ít nhất có thiện cảm thôi còn không xong thì mong làm Thần chả phải là vũ nhục Thần hay sao?

Rồi thì có những trường hợp tang thương như học viên làm hạng mục rất nhiệt tình nhưng bị tai nạn giao thông đụng chết, vậy mà có lẽ họ không muốn mất mặt, không muốn bị điều tiếng nên họ giữ bí mật và không nói ra ngoài. Đúng kiểu văn hóa “Tốt khoe, xấu che” của người thường. Vậy nên khi có người phê bình tiêu cực về các hiện tượng của học viên thì nhiều người cho là bịa đặt, thực tế là họ phản ánh có phần khá đúng nhưng vì người trong cuộc che đậy quá kỹ nên học viên xung quanh không biết mà thôi.

Là người tu luyện thì càng tu lên cao thì nói vui một chút là nên phải ngược lại là “Tốt che, xấu khoe”, tại sao? Vì tu theo thể ngộ của tôi là cần phải được sự an bài từ Pháp Thân của Sư Phụ để tạo mâu thuẫn nhằm hiển lộ ra bộ phận chưa tu tốt, moi nó ra bề mặt để học viên biết mà tu bỏ nó đi, do vậy học viên đương nhiên phải không được ngại sai, ngại sai thực tế là cái tâm cầu danh chưa bỏ được, sợ sai, sợ mất mặt với người ta, sợ mất mặt với các học viên đi sau nên mới dùng tâm người thường theo đúng kiểu văn hóa “tốt khoe, xấu che” mà che đậy đi. Nếu không chấp danh, không sợ sai, không sợ mất mặt mà thản nhiên đối mặt với sai lầm của bản thân thì nó mới là tiền đề cơ bản để bỏ tâm chấp trước. Bản thân một người mà đến việc tự thừa nhận mình có lỗi sai, có chấp trước không làm nổi thì tu bỏ nó đi kiểu gì? Khi mà có rất nhiều tâm chấp trước ẩn giấu rất kỹ, nó vốn đang là một phần trong cái tư tưởng thường nhật mà bản thân không nhận ra được, đến khi động chạm đến nó thì nó mới biểu hiện ra bề mặt là khó chịu, là bức xúc, là bực mình v..v. Vậy mà nhiều người có vẻ thay vì đối mặt với nó và bỏ nó đi thì họ nén nó lại, cố gắng nhẫn nhịn để không mất hình ảnh, và làm như thể bản thân bất động tâm – đó chẳng phải lừa mình dối người, bất Chân với ngay cả bản thân đúng không? không dám đối diện với sự thật là bản thân có chấp trước cần bỏ thì có đúng là không Chân với chính bản thân hay không?

Tôi thể ngộ rằng nó cũng giống như tiêu nghiệp, khi đến giai đoạn cần tiêu thì cục nghiệp đó sẽ được đẩy ra bề mặt, và biểu hiện của nó là khó chịu, nhức đầu, chân tay đau nhức v..v. Là người thường, với tâm người thường thì họ tìm thuốc để ép cái nghiệp đó quay vào thân, chỉ có người tu là để nó tự chạy xuất ra, thì cái chấp trước kia cũng vậy, thay vì để nó hiển lộ ra, bản thân tự nhận thức là mình có mà bỏ thì họ lại cố gắng Nhẫn nhịn ép nó vào bên trong, và họ bảo rằng mình tu Nhẫn, thực tế là họ không phải tu Nhẫn, cái Nhẫn đó nó là kiểu Nhẫn nhục vì lợi ích cá nhân mà thôi, vì sợ mất danh, nó khác gì một số người Nhẫn nhục luồn kéo nịnh bợ sếp để leo cao trong chính trường đâu? Thành ra họ qua giai đoạn khá lâu mà không tu, cái tâm kia họ không dám đối diện và thậm chí còn tìm cách tạo ra nhiều lớp che đậy, dần dà họ ngoài mặt đạo mạo, làm học viên hiểu nhầm là họ tu rất tốt, nhưng bên trong thì tồn trữ rất nhiều thứ xấu nhưng che đậy quá khéo. Nếu có ai đọc qua bài Kim Phật mà có bình chú của Sư Phụ thì có lẽ sẽ hiểu biết rõ hơn về kiểu tu ngược đời này.

Như vậy theo thể ngộ của tôi sau khi học Pháp thì có thể hiện nay đang tồn tại một số thứ rất là không tốt, có thể nhiều người đang cố ý bôi nhọ, phá hoại Đại Pháp, thế nhưng có lẽ chúng ta chưa từng nghĩ qua rằng mặc dù nó không tốt, mặc dù nó là biểu hiện của Ma đang bức hại và đầu độc người ta, nhưng liệu có phải nó xuất hiện ngẫu nhiên hay không? Trong hoàn cảnh học viên tu luyện loạn bậy hay bị tà ngộ và bị dụ dỗ lôi kéo làm nhiều việc cực đoan, thì có phải là bên trên đang muốn lợi dụng cái sự tình không tốt nơi xã hội kia để cho cộng đồng học viên chúng ta thấy được mặt không tốt của chính mình không?

Bởi chẳng phải hiện trạng xã hội ra sao là phản ánh tình trạng tu luyện của học viên hay sao? Chỉ có tu tốt bản thân, tỉnh táo lý trí trong chứng thực Pháp, có trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với cộng đồng tu luyện, với Đại Pháp và Sư Phụ thì mới khởi được tác dụng tốt đúng không? nên tôi nghĩ rằng cái gốc xuất phát chủ yếu là từ chúng ta, chỉ khi cái gốc đó được loại bỏ thì có lẽ sự tình hiện tại mới có sự phát sinh thay đổi một cách căn bản. Nếu không, có dùng cách gì như đi nói lý lẽ hay kiện tụng theo tôi nó chỉ có tác dụng như giải pháp tạm thời mang tính chắp vá chứ nó không giải quyết được triệt để vấn đề. Học viên nhiều người thậm chí không ý thức rõ, cứ cắm đầu vào phê phán hay khởi tâm tranh đấu không khéo còn làm sự tình thêm rối ren hơn. Theo tôi, nếu nhìn ở góc độ vi mô là việc tu của một cá nhân thì chả phải cá một cá nhân khi gặp oan khuất, bị hiểu lầm và vu khống thì thay vì tự sửa mình, lợi dụng mâu thuẫn mà đề cao tâm tính - họ lại quay ra đi tranh cãi, kiện tụng chính người gây ra mâu thuẫn cho mình đúng không? Đó chả phải tu sai lệch là gì? Đem áp vào góc độ vĩ mô là một cộng đồng học viên thì có thể nhìn ra ngay đúng không?

Thực tế mà nói, nếu học viên tu tốt, lý trí, khiến người xung quanh có ấn tượng, có thiện cảm thì đương nhiên những gì mà những người kia nói tiêu cực về Pháp thì họ không dễ dàng mà nghe theo đúng không, họ sẽ chả cho rằng "Tôi không biết những gì mà các ông nói là đúng hay không, nhưng tôi có quen biết một người họ cũng tu theo Pháp Luân Công nhưng họ không như những gì mà ông nói, họ sống rất đàng hoàng, cư xử hòa nhã, làm việc luôn đạt hiệu quả cao, gia đình hòa thuận, con cái giỏi giang, ai cũng khen, thậm chí tôi nhìn vào còn phải thấy nể phục và còn ghen tỵ v..v"? Những người muốn nói tiêu cực thì cũng không có cớ để mà nói, thậm chí họ định nói có khi còn gặp người thường vốn có thiện cảm với học viên quay sang phản đối và bênh vực, bảo vệ cho học viên. Như vậy chả phải những lúc bình thường thì người trong xã hội họ sẽ căn cứ vào chính những gì mà họ tiếp xúc bằng mắt, bằng tai từ học viên để nhận định Pháp là tốt hay xấu đúng không? Nếu học viên mà tu không tốt, khởi tác dụng phản cảm thì có phải khi những người nói lời không tốt kia hễ nói ra là họ tin theo có phải không?

Chỉ là chút hiểu biết, thể ngộ nông cạn trong tầng thứ sở tại sẽ không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được nhiều góp ý


 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

Comments


Commenting has been turned off.
bottom of page