[27/03/2020] Tử Dương
Bối cảnh:
- Điều 2, Phụ Lục IV, Đại viên mãn Pháp: (Đại ý, không nguyên văn) Hễ là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì phải nghiêm khắc tuân thủ chính sách pháp luật quốc gia của mình, vi phạm và hết thảy hậu quả do đương sự tự chịu trách nhiệm.
- Nghị định sô 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG, TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ”. Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/04/2020.
(Một số nội dung chính liên quan được trích ra từ Nghị định:)
Phạt 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
- Hết trích -
- Bài viết có nhan đề “Đại Kỷ Nguyên, tinhhoa.net, trithucvn.net là những trang tin giả, bất hợp pháp tại Việt Nam” của báo VTC News.
(Một số nội dung chính liên quan được trích ra từ Bài viết:)
Toàn bộ các "trang thông tin" này đều không được cấp phép và hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam. Các trang tin Đại Kỷ Nguyên, tinhhoa.net, trithucvn.net đều không có mặt trong danh sách các báo điện tử, trang thông tin điện tử được cấp phép đăng công khai trên website của Bộ TT-TT.
Về nội dung, các thông tin được đưa trên các trang này chủ yếu theo hướng suy diễn, thiếu căn cứ, thiếu kiểm chứng hoặc tổng hợp các thông tin tiêu cực rồi diễn giải từ các nguồn báo chí chính thống. Đa phần nội dung từ các “trang thông tin” này đều mang hơi hướng cực đoan, đưa tin giả, bóp méo sự thật.
Đặc biệt, những trang tin này thường lợi dụng các sự kiện nóng để thổi phồng, đưa những thông tin dạng dự đoán, đánh vào tâm lý của người đọc. Chính vì vậy, tin, bài của những website này thường nhận được sự quan tâm lớn của người đọc và được chia sẻ rộng rãi.
- Hết trích -
Nội dung chính:
Trong khoảng thời gian từ 2014 cho đến nay, trên mạng xã hội hoặc tại các kênh thông tin khác thì nhiều học viên có chia sẻ đường dẫn từ các trang tin như Đại Kỷ Nguyên, Tinh Hoa, Trithucvn để phục vụ cho hoạt động hồng Pháp, giảng chân tướng.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 11/2018, khi Sư Phụ giảng Kinh Văn gửi học viên Việt Nam, yêu cầu (đại ý) không được giảng chân tướng quy mô lớn. Thì vẫn có rất nhiều học viên lờ đi yêu cầu trong Kinh văn của Sư Phụ, vẫn tiếp tục chia sẻ các link bài từ các trang kể trên một cách rầm rộ. Lý do nhiều học viên có nói là vì “tôi muốn làm điều tốt, giảng chân tướng chẳng lẽ là sai?”, “Kinh văn 2018 bây giờ không phù hợp nữa, phải chiểu theo Kinh văn 2019”, “Mỗi người một thể ngộ” v..v. Đã có nhiều bài viết chỉ ra sự sai trái của những lời lẽ bao biện này, học viên có thể tham khảo tại đây sau (Click), tôi xin không đi sâu vào vấn đề này nữa để tránh làm loãng chủ đề chính.
Thông thường, mạng xã hội như Facebook là một nơi khá hiệu quả để lan truyền thông tin, không như trước đây người ta phải viết thư hoặc phải đọc báo thì mới biết thông tin. Bây giờ chỉ cần một bài đăng trên Facebook thì trong vài giờ đã có thể được nhiều người dùng trên Facebook chia sẻ lan rộng với phạm vi rất lớn. Có một số nick Facebook của một số học viên tôi có tìm hiểu ít cũng phải đến vài trăm người kết bạn hoặc theo dõi, nhiều thì phải đến vài ngàn, vài chục ngàn hoặc lớn nữa. Một bài viết của họ trên Facebook chỉ cần đăng lên trên tường nhà thì tất cả những người đã kết bạn hoặc theo dõi họ đều có thể đọc được.
Do đó, đây rõ ràng là một hình thức giảng chân tướng có quy mô lớn.
Thông qua Kinh văn 2018 Sư Phụ gửi học viên Việt Nam, cá nhân tôi nhận ra một vấn đề rất rõ ràng là thái độ của chính quyền Việt Nam đang rất tiêu cực đối với Pháp Luân Công. Điều này không khó để nhận ra qua các dấu hiệu Quân đội, Công an, các Bộ Ban Ngành ra nhiều văn bản nội bộ hoặc bí mật có nội dung hạn chế sự phát triển của Pháp Luân Công.
Trong cái bối cảnh nhạy cảm như vậy, việc chính quyền để tâm hay nói đúng hơn là cho các hoạt động tại các điểm học Pháp, luyện công cũng như các hoạt động quảng bá Pháp Luân Đại Pháp trên mạng xã hội của học viên vào tầm ngắm là điều dễ hiểu.
Nghị định 15/2020 này của Chính Phủ được ban hành vào tháng 02/2020, tức là sau thời gian Kinh văn gửi học viên Việt Nam của Sư Phụ được đăng trên Minh Huệ hơn một năm. Câu hỏi đặt ra là: Nếu một bộ phận lớn học viên Việt Nam chịu nghe lời Sư Phụ, ý thức được bối cảnh đặc thù tại Việt Nam, tu tốt bản thân, làm tốt những việc quanh mình và trầm tĩnh quan sát thì liệu có sự ra đời của Nghị định đó hoặc ít nhất là những điều khoản cấm chia sẻ đường dẫn từ các trang tin kể trên hay không? Vấn đề này tôi xin nhường lại cho các học viên tự mình suy xét và tự đưa ra câu trả lời.
Kể từ ngày 15/04/2020, nếu các học viên tiếp tục chia sẻ đường dẫn từ các trang tin như Đại Kỷ Nguyên, Trithucvn, Tinh Hoa hay các trang tin khác lên mạng xã hội mà chính quyền cho là bất hợp pháp v..v thì rất dễ có khả năng sẽ vi phạm vào điều 99 của Nghị đinh 15/2020, hễ vi phạm thì sẽ bị phạt số tiền khá nặng từ 10-20 triệu đồng.
Dù muốn hay không, Sư Phụ đã yêu cầu học viên (đại ý) là phải nghiêm khắc tuân thủ pháp luật quốc gia. Nếu học viên vẫn cố tình chia sẻ, thì rõ ràng là vừa vi phạm pháp luật, vừa đi ngược lại yêu cầu của Sư Phụ. Nếu không tuân thủ pháp luật thì rõ ràng không thể nói đó là người tốt trong xã hội, và nếu không làm đúng theo yêu cầu của Sư Phụ thì liệu có thể nói đó là học viên hay không?
Không như hoàn cảnh đặc thù bên Trung Quốc mà học viên có yêu cầu là phản bức hại, do ĐCSTQ đã đàn áp công khai có chủ đích đối với các học viên Pháp Luân Công - Còn ở Việt Nam thì tôi thấy không có cái gọi là phản bức hại, đến internet còn không có kiểm duyệt, học viên từ năm 2000 vẫn luyện công học Pháp bình thường thì đâu gọi là bức hại.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đến đây là để cứu người, trong đó bao gồm cả những ai đang làm trong chính quyền. Nếu chúng ta cố tình vi phạm pháp luật, bất chấp mọi thứ chỉ để giảng chân tướng theo ý mình, thì hỏi người ta nhìn nhận chúng ta là tốt ở chỗ nào? Nếu không tuân thủ pháp luật thì chẳng phải là đang cố tình gây kích động mâu thuẫn với chính quyền, đối đầu với chính quyền, đẩy chính quyền về phía đối lập và gần hơn với ĐCSTQ hay sao? Và nếu chính quyền càng nóng mắt mà siết chặt hơn các hoạt động của học viên Pháp Luân Công trong tương lai, ra tiếp các điều khoản, luật, nghị định hạn chế như nghị định 15/2020 thì cái được so với cái mất liệu có bõ không?
Chính quyền có thể sẽ không công khai cấm Pháp Luân Công, nhưng có thể sẽ ban hành các hành lang pháp lý để hạn chế hoạt động của học viên; Nếu học viên sơ sẩy mà vi phạm thì họ sẽ xử phạt, thậm chí có thể bị cho lên báo chí để tuyên truyền. Lúc đó không ai sẽ có thể biện hộ vì chúng ta đã vi phạm pháp luật rõ ràng tại nước sở tại.
Nguồn: Baomoi
Đã không giảng được chân tướng, mà còn bị phạt vì vi phạm pháp luật, rồi có thể còn bị đăng lên báo để chính quyền tuyên truyền bài xích học viên Pháp Luân Công vi phạm pháp luật. Lúc đó thì hỏi cái được có bõ cho cái mất không?
Sư Phụ cũng từng giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng với một quốc gia có hoàn cảnh chính trị đặc thù như Việt Nam thì học viên có thể làm tốt những việc quanh mình là được, không có điều kiện thì không cần làm cố. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010).
Tôi nhận thức được rằng trong giai đoạn này, tốt nhất các học viên hãy nên bình tâm xuống, với hoàn cảnh đặc thù như ở Việt Nam và với tình hình đã bị đẩy đến mức quá phức tạp như hiện nay, thì rõ ràng không thể nào mà làm mạnh được như học viên các nước tự do khác. Thực trạng trở nên bi đát như hiện nay tôi nghĩ cũng phần lớn là vì bản thân rất nhiều học viên không chú trọng tu luyện cá nhân, nói thẳng ra là không để tâm mấy đến tu cá nhân; Trong khi việc tu cá nhân đó mới là nền tảng chính, là cái gốc của việc giảng chân tướng.
Nếu tu cá nhân không tốt, thì rất dễ là học viên sẽ mang tâm người thường với vô vàn chấp trước ẩn giấu để đi giảng chân tướng, càng bị chấp trước thôi thúc mà lờ đi cảnh báo và yêu cầu của Sư Phụ đối với tình hình Việt Nam, mà càng như thế thì càng dễ làm phức tạp thêm tình hình, càng dễ gây mâu thuẫn với chính quyền do không lý trí biết điều gì nên và không nên làm.
Nếu tu cá nhân không tốt, thì vấn đề không chỉ xuất hiện ở việc chứng thực Đại Pháp, mà còn có thể xuất hiện ở ngay chính hoàn cảnh gia đình, công việc, thậm chí cho chính bản thân các học viên nữa. Đã có nhiều ca thời gian đầu vào tu mang bệnh tuy đã thuyên giảm nhưng đến gần đây lại ra đi không ít.
Theo phản ánh của nhiều người dân xã hội thì họ không lý giải nổi hành vi, lời nói của học viên, dần dần sinh ra phản cảm và bài xích lây sang cả Đại Pháp. Mã đã như thế thì họ lại càng không tin vào những gì học viên nói, bởi họ đâu có thấy gì là tốt đẹp? Nếu chứng thực Pháp ngay tại đơn vị nhỏ nhất là gia đình mình làm còn chưa xong, thì ra ngoài giảng chân tướng hỏi mấy ai chịu nghe, mấy ai chịu tin? Nhất là trong bối cảnh có quá nhiều tà giáo cũng như các hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi như giáo phái Tân Thiên Địa bên Hàn Quốc mà báo chí trong nước đã đưa tin, cúng oan gia trái chủ ở Chùa Ba Vàng v..v thì người dân đã quá cảnh giác và đề phòng rồi.
Tất nhiên, khuyến nghị dù sao cũng chỉ là lời góp ý, nghe hay không là tùy vào các học viên, và muốn mất tiền do vi phạm Nghị định 15/2020 kể trên hay không cũng lại tùy vào ý muốn của các học viên. Tôi chỉ hy vọng rằng vào giai đoạn cuối này chúng ta nên phải lý trí hơn nữa, đừng nông nổi để tạo ra những hối hận không đáng có khi Chính Pháp kết thúc.
Những gì trên đây là chia sẻ từ hiểu biết, thể ngộ cá nhân, do tầng thứ sở tại còn nông cạn và nội hàm Đại Pháp là vô biên, nên sẽ không tránh khỏi sự sai lệch về mặt nhận thức, do đó rất mong nhận được góp ý từ các học viên.
Opmerkingen