top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Tâm tự phụ, tự mãn, tự huyễn hoặc bản thân

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019

[23/07/2018] THÀNH CHUNG

Tâm tự phụ hay tự mãn hay tự huyễn hoặc bản thân theo góc nhìn của tôi có lẽ là một trong những loại tâm nguy hiểm nhất, là căn nguyên của tự tâm sinh Ma, cũng là loại Ma tâm làm con người ta không thể hoàn toàn liễu giải được Đại Pháp trong quá trình tu luyện, hơn thế nữa trở lực mà nó tạo ra còn khiến tốc độ tu luyện của một người trở nên trì trệ đến thảm thương.

Loại tâm lý dơ bẩn này ở đâu cũng tồn tại, hễ bản thân có kiến giải nào đó trong thể ngộ từ Đại Pháp hay bản thân làm được điều gì đó, có sở trường nào đó thì đều là dễ phát triển loại tâm này nhất. Mà nguy hiểm hơn nữa, càng được khen, được tán dương thì nó lại càng phình to ra và tất nhiên nó càng khó chịu hơn khi tiếp nhận lời phê bình hay một thứ gì đó trái quan điểm. Tất yếu là tâm lý khoe khoang và cầu danh sẽ được bơm lên đến mức cực đại, cứ cái gì tốt là họ khoe ra để tạo ảnh hưởng trong học viên như thể là không có họ dẫn lối chỉ đường thì học viên sẽ đi sai lệch. Và lỗi của họ, nếu có thì cũng phải như "Ai là triệu phú" hay "hãy chọn giá đúng", tức là phải thật nan giải mới chỉ rõ ra được.

Ví như Ma ở không gian khác hay Cựu thần biết được trong tâm tôi đang có phát sinh cái tâm tự Mãn này, họ liên tìm đủ mọi cách để làm phình đại nó lên mọi lúc. Khi tôi đang luyện công thì họ đổ vào đầu tôi những ý nghĩ về những thành tựu mà tôi làm được trong quá trình chứng thực Pháp, những lần mà tôi được khen ngợi hay những lần mà tôi “trị” được người khác, làm cho người khác không nói lại được. Nó cứ đổ liên tục vào đầu trong cả quá trình lúc tôi đang luyện công hay thậm chí đang làm việc nơi xã hội. Đã có những lúc tôi không ý thức và cứ thuận theo các ý nghĩ huyễn hoặc đó trong tâm và tự cho rằng mình tu cũng “ngon lành cành đào” lắm, cái tâm tự phụ bắt đầu to dần lên, tự cho rằng mình đã nắm được cốt yếu của tu luyện là gì. Đem ra so sánh với rất nhiều học viên xung quanh còn đang quanh quẩn với lý giải Pháp ở bề mặt làm tôi bắt đầu hoan hỷ ngầm trong tâm, tự cho rằng mình rất cao minh, chỉ nhìn qua là biết vấn đề của người khác là nằm ở đâu. Cái tâm tự phụ này còn huyễn hoặc tôi lơ là việc học Pháp và luyện công, tự cho rằng mình không cần liên tục học Pháp vì tu ở thực tiễn là đang thực sự tu luyện rồi, tự cho mình là trạng thái tu “đặc biệt” của người tu lâu năm, không cần luyện công nhiều, học Pháp nhiều. Rồi cho đến một ngày tôi nhận được cái gậy “bổng hát” của Pháp Thân Sư Phụ qua nhiều phương diện, thậm chí nhiều lúc Sư Phụ đã dùng miệng của người thường nói nhiều lần để điểm hóa nhưng tôi cũng bị cái tâm đó làm "mù con mắt" nên không nhận ra. Đến tận bây giờ khi viết ra những dòng này tôi còn phải toát mồ hôi thầm biết ơn Sư Phụ rất nhiều vì đã không mất niềm tin và không buông bỏ tôi - thậm chí tôi cũng còn phải cảm ơn chính những người đã khiến tôi khó chịu vì nói lời trái ý tôi hay những người không tu luyện mà nhờ lời nói của họ (thể ngộ của tôi là do Pháp Thân của Sư Phụ an bài họ nói ra) mới khiến tôi dần nhận ra vấn đề của mình, nếu tình trạng này mà cứ tiếp diễn thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Chỉ đến khi quay đầu nhìn lại trạng thái của tôi suốt một thời gian dài và nhận ra ẩn sâu trong những hành động kia đều là cái tâm tự mãn, tự phụ, tự cho là mình tu tốt, tự cho mình hiểu biết và cao minh, nắm hết mọi vấn đề của môi trường thì tôi mới giật mình bàng hoàng, không ngờ rằng mình tu lại thảm hại đến vậy.

Thực ra tôi tự phụ với những gì trước đây mình làm trong chứng thực Pháp, những gì mà tôi làm được dù là có tác dụng chính diện đối với môi trường hay với học viên thì thực tế sự thật mà tôi ngộ ra là : Đều có Pháp Thân của Sư Phụ an bài trải thảm và tạo điều kiện ở nhiều phương diện thì tôi mới thực sự làm nổi những điều đó. Nếu không có sự bảo hộ của Pháp Thân Sư Phụ thì việc tu tự thân của tôi còn không nổi huống là chứng thực Pháp! Bề mặt nhìn thì thấy tôi làm được việc này việc kia nhưng nếu xét kỹ thì đều được Pháp Thân Sư Phụ an bài cho trải nghiệm hoặc rèn luyện trong công việc hoặc trong môi trường từ đầu, nếu không an bài hoàn cảnh thì hỏi tôi có tự làm được? Thậm chí thông tin cũng là do học viên khác cung cấp, chả phải do Pháp Thân Sư Phụ an bài tôi gặp được họ thì mới làm được đó sao? Thực ra mọi việc tôi làm trong chứng thực Pháp hay những thể ngộ, kinh nghiệm của tôi đều từ Đại Pháp mà ra, đều do Pháp Thân Sư Phụ an bài tôi mới đắc được, đó đều là công lao của Sư Phụ chứ không phải của tôi!

Ấy vậy mà tôi lại tăng trưởng cái tâm Ma tự phụ, tự mãn, tôi đã không dùng ý nghĩ chân chính hay chính niệm để bài xích nó ngay lúc nó chớm nở mà lại dung dưỡng cho nó lèo lái tôi, bắt đầu cái tâm đó mạnh dần lên khiến tôi muốn tạo ảnh hưởng trong học viên, muốn học viên khác “biết ơn” tôi, muốn học viên khác “ca tụng” tôi để rồi coi tôi là một người tu luyện xuất sắc, nổi trội nhất trong môi trường. Để rồi còn hy vọng ảo tưởng rằng khi Chính Pháp kết thúc thì công lao của tôi sẽ rất lớn để nằm trong số ít người đạt tiêu chuẩn viên mãn? Kỳ thực là Sư Phụ an bài, Sư Phụ làm, tôi lại ấu trĩ cho rằng đó là khả năng, là thành tựu, là do bản sự tu luyện của tôi mà thành. Cái tâm tự ngã phình to làm tôi bắt đầu nhìn vào lỗi sai của học viên khác nhiều hơn là lỗi sai của chính mình. Và tôi bắt đầu thậm chí tự đặt ra tiêu chuẩn của người chỉ ra lỗi sai của tôi phải là người tu lâu năm, tu tốt, khách quan, và lời nói ra phải ở trong Pháp v..v. Còn người khác chỉ ra thì tôi cứ bị cái ý nghĩ chỉ ra lỗi sai của họ che đậy đi mất, vâng, cái con Ma tâm kia nó thay vì để tôi nhìn ra cái sai của mình thì nó đổ vào đầu tôi nhiều ý nghĩ về cái sai của người chỉ ra chấp trước của bản thân, đại khái là họ không đủ tư cách để chỉ ra vấn đê của tôi vì họ tu không bằng tôi. Không biết từ khi nào mà tôi tu luyện lại còn tự đặt tiêu chuẩn cho người chỉ ra lỗi sai cho tôi, trước đây người ta làm sai tôi cũng phải tự nhận sai về mình vì đúng sai bề mặt không phải là vấn đề mà người tu luyện cần quan tâm, cái sai trong tâm do có tâm chấp trước cần bỏ kia mới là quan trọng, sự việc xảy ra mà nếu chấp vào sai đúng bề mặt thì là tôi đã tu sai đường rôi. Chính cái tâm tự mãn, tự ngã ngang bướng cho mình là nhất đó đã khiến tôi trì trệ trong tu luyện một thời gian dài, đến mức bắt đầu xuất hiện hiện tượng giải đãi trong tu luyện bản thân như lười học Pháp, lười luyện công, có những lúc tôi chính lại tâm mình nhưng sự tình lại không khá hơn, trong tâm tôi bắt đầu có sự dao động, chính là tín tâm của tôi vào Sư Phụ bắt đầu có sự dao động.

Tôi có đọc một số chia sẻ của các học viên mà thậm chí đã khai mở thiên mục, họ thậm chí còn bị tạo ra giả tướng huyễn tượng về tình trạng tu luyện của họ, hỏi tại sao họ lại bị như vậy? Có lẽ là bởi vì tín tâm vào Đại Pháp của họ không đủ, họ không thực sự tin vào những gì Sư Phụ giảng nhưng họ tin 100% vào những gì họ nhìn thấy được và thậm chí coi nó là chân lý. Học viên khác có nói khác đi hay giải thích với họ thì họ cũng không nghe, càng như thế thì giả tướng càng xuất hiện nhiều và kết quả của những học viên như vậy về sau không phải tự tâm sinh ma thì cũng bắt đầu thực hiện những hành vi phá hoại Pháp một cách vô minh. Nguyên nhân cũng chính là vì bản thân tự cho là mình đúng, chấp vào tự ngã, tự cho là mình cao minh hơn các học viên khác và mọi vấn đề xảy ra xung quanh là không có mình ở trong đó, hầu như đều là vấn đề của các học viên khác. Và bản thân mình nếu có mắc lỗi thì cũng phải là “lỗi cao siêu” mà ít người nhìn ra được, thậm chí bản thân có khi cũng lấy việc nhìn ra chấp trước cao siêu đó để khoe khoang hiển thị bản thân tu rất tốt nên mới nhìn ra được, phải viết ra để học viên khác theo mà học. Kỳ thực, toàn là lỗi ở tu luyện căn bản, chỉ là tôi tự gán nhãn cho bản thân mình “đặc biệt” nên mới tự ảo tưởng như vậy. Mà cái nhãn đó đặt ra thì phải là người tôi phục, tôi chịu ơn hay thành tích cao hơn hẳn tôi thì tôi mới nghe những gì vị đó chỉ ra, chỉ người bình thường hay học viên tu ít hơn tôi là tôi hẳn sẽ vặn lại họ rằng họ thậm chí còn không hiểu Pháp bằng tôi nên chả có tư cách phê bình cái sai của tôi. Kiểu như là “Ông A còn không hiểu gì về tâm tật đố mà lại bảo tôi có tâm tật đố” – Ý là vị đó tự cho rằng mình cao minh đến mức người khác không đủ tư cách để chỉ ra cái sai của mình, vậy hỏi người thường tạo ra mâu thuẫn đề cao thì có tư cách không? Từ bao giờ việc đề cao lại có thể gán nhãn đặt ra tiêu chuẩn người được phép phê bình như vậy? Chắc phải cỡ giáo sư hay người tu viên mãn rồi chỉ ra họ mới bình tâm mà nghe?



Cái tâm tự mãn này cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hạn chế trong việc tín Sư 100%. Hỏi ai có thể tín Sư tín Pháp 100%, cái tín tâm đó theo tôi thể ngộ được là phải qua sự tu bỏ chấp trước trường kỳ mới đạt được chứ không phải cứ nói ra miệng là tôi tin hay không. Học viên có thể miệng nói tôi xem nhẹ cái này hay cái khác hay tôi thấy thế này thế khác nhưng kỳ thực nếu đến khi có một dạng khảo nghiệm đủ mạnh để thử thách họ, nó khiến cho họ bắt đầu dao động, không còn thấy cái cảm giác kia đâu nữa thì lúc đó mới biết họ có tín tâm thật hay chỉ nói đằng miệng. Cái tâm tự mãn kia sở dĩ nó cản trở mạnh mẽ học viên tín Sư tín Pháp là vì nó tự cho thể ngộ của nó là nhất, là cao minh nhất, không ai cao minh bằng, thậm chí họ còn ngầm đánh đồng thể ngộ của họ như Pháp và lời họ giảng ra, phân tích ra không khác gì Pháp và học viên không có quyền phản biện hay có quan điểm khác. Học viên mà chỉ ra cái sơ hở trong thể ngộ của họ thì họ sẽ tìm mọi cách (bị cái tâm đó lèo lái) để trị học viên đó như thông qua các cư xử không hợp phép, cách dùng tư khi xưng hô, lời nói không trong Pháp, hay lấy số năm tu, thành tích ra để đe học viên dám “bật” mình v..v. Tức là họ tạo ra một rào chắn an toàn để phản kích lại học viên khác nếu dám động vào họ. Thường thường là để hạ thấp học viên đó xuống, để người ta thấy rằng họ cao minh và học viên khác thấp kém nên không đủ tư cách chỉ ra cái sai của họ, nếu bí quá mà rào chắn này không dùng được thì họ lôi kéo những "đồng minh" khác lao vào nói đỡ cho họ. Gọi là lấy áp lực dư luận để bịt miệng người bất đồng chính kiến, một dạng độc tài theo lối nói của người thường trong xã hội.

Tôi có biết về hoạt động khởi tố Giang Trạch Dân bên Trung Quốc vào giai đoạn 2014-2015. Thì chia ra làm 3 trường hợp mà Sư Phụ có giảng là do cảnh giới của họ quyết định, theo quan điểm của tôi cũng chính là do mức độ tín tâm của họ quyết định (hay mức độ tâm chấp trước họ buông bỏ quyết định). Trường hợp (1) là những người cho là không nên, không quan tâm là do nỗi sợ hãi về việc bị bức hại, họ lo lắng vào việc lợi ích của mình có thể bị ảnh hưởng, họ sợ ảnh hưởng đến gia đình, công việc của họ và họ xem những thứ đó còn cao hơn cả thanh danh Đại Pháp, đây chẳng phải là một cơ hội để khảo nghiệm xem học viên có buông bỏ cái tâm sợ hãi vào lợi ích, buông bỏ thậm chí cả an nguy sinh tử của bản thân đó sao? Trường hợp (2) là những người cho rằng đây là việc nên làm, họ không nề hà hay mảy may nghĩ gì cho an nguy của bản thân, họ thực sự dám xả bỏ an nguy của mình để chứng thực Pháp, để vãn hồi lại thanh danh Đại Pháp, đưa kẻ bức hại ra công lý. Trường hợp (3) là những người cũng cho rằng đây là việc nên làm, nhưng do họ đóng vài trò trọng yếu và có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề trong các hạng mục nên họ tuy gửi đơn nhưng để ẩn danh vì lý do an toàn. Và thực tế trường hợp này Sư Phụ cũng chủ trương như vậy. (Xem lại trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015 (Link)).

Như vậy tín tâm kia hay thậm chí việc một người vượt quan sinh tử hay đạt tiêu chuẩn tu luyện đều là do việc thực tu tâm tính, từ bỏ chấp trước trường kỳ thì mới đạt được, họ phải buông bỏ đi rất nhiều cái tâm về Danh, về Lợi, về những thứ tốt mà họ đạt được trong xã hội. Buông bỏ nó theo tôi nghĩ thì không có nghĩa là họ trở thành “cái bang ăn mày”, mà là ngay trong hoàn cảnh lợi ích vật chất đó họ vẫn có thể buông được khi Sư Phụ yêu cầu, tất nhiên tu trong mê nó sẽ khác với những gì nói trong lý thuyết, bởi nếu cái tâm đó mà không bỏ đi thì hễ đến lúc yêu cầu họ bỏ thì họ cũng sẽ tìm đủ lý do bao biện hay giải thích cho việc không buông bỏ của họ. Buông bỏ sinh tử phải là do bản thân tu vững chắc căn bản kiến lập nên chứ không phải nói mồm hay vượt một số quan nào đó là buông bỏ sinh tử đâu. Một số người trong tay không có gì, sống mà như chết, đau khổ quá đến mức chỉ muốn chết cho rảnh nợ thì bảo họ buông bỏ thì tôi nghĩ cũng đơn giản thôi, vì họ có gì đâu để mà buông, họ không những không sợ mà còn chủ động tìm đến cái chết cơ mà. Nhưng giờ giả sử cho họ quyền lợi, chức vị, nhiều người ca tụng họ trong xã hội mà bây giờ có thể bị tất cả quay ngoắt lại 180 độ phỉ báng họ thì mới biết họ có buông bỏ được hay không? Cho nên mới có hiện tượng trước 20/7/1999 có nhiều học viên tu lâu năm bên Trung Quốc họ chọn "ở nhà đọc sách, không đi đến Bắc Kinh" để chứng thực Pháp, số lượng đó rất nhiều. Vì chính cái lúc gay gắt nhất đó, nó ảnh hưởng đến lợi ích rõ ràng nhất đó của họ mới xem được cái tâm họ ra sao? Cũng như vậy, hoạt động khởi tố Giang Trạch Dân mà gần 100 triệu học viên lại chỉ có tới 190.000 người làm đơn, cứ cho như là số lượng học viên vì lý do an toàn chiếm khoảng vài triệu thì số lượng còn lại là học viên loại gì? Tất nhiên, đây cũng chỉ là thể ngộ của cá nhân tôi về vấn đề trên, không nhất định là đúng đắn mà chỉ là quan điểm nhìn nhận cá nhân, nhưng mà cuộc bức hại đã xảy ra 15 năm (tính đến thời điểm 2015), Sư Phụ đã cho họ rất nhiều cơ hội tu luyện cho tốt mà kết quả lại vẫn còn như vậy. Để nói là buông bỏ sinh tử nói thì dễ, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam tình thế còn buông lỏng không như ở bên Trung Quốc, chứ thực tế mà làm thì không đơn giản như vậy, vì phải tu bản thân rất chắc chắn, rất nghiêm túc mới đạt được. Thực tế trong kinh văn Sư Phụ cũng đã từng giảng rõ rằng Chính Pháp tất thành, đệ tử Đại Pháp tất sẽ viên mãn nhưng số lượng đệ tử Đại Pháp viên mãn là bao nhiêu? Sư Phụ chỉ nói đại ý là Sư Phụ không lạc quan lắm ( Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015 (Link)). Như vậy theo góc nhìn của cá nhân tôi, có thể hiểu số lượng đệ tử Đại Pháp viên mãn là không nhiều (thậm chí có thể còn rất ít).

Để lấy một số ví dụ trong cái biểu hiện tâm tự mãn của tôi trong đời sống hằng ngày, tôi xin nêu ra vài trường hợp:

- Khi tôi xem Tivi, tôi thấy nhiều người tìm mọi cách để tranh đấu để đạt thành tích nơi xã hội, như là quảng cáo uống sữa để mong đạt được sự thông minh, tôi liền cho rằng con người là đang đi sai lệch, thích chấp trước vào tranh đấu trong khi không biết mệnh họ đã được an bài. Thực tế là tôi tự cho mình là cao minh, cho rằng mình hiểu rõ vấn đề của họ lắm. Kỳ thực họ không tu nên họ là như vậy, nó là phù hợp với Pháp lý nơi cõi người, họ lựa chọn như vậy thì nó đâu có vấn đề gì? Vì họ đâu phải người tu. Tôi tự đem thể ngộ hay cái nhìn của mình ra để áp đặt người không tu và tự huyễn hoặc mình cao minh lắm, nhìn ra nhiều vấn đề của họ. Tôi dễ nhìn ra cái sai của người khác nhưng lại không biết cái tâm tự mãn, tự cao kia đang phát tác.

- Khi tôi xem Tivi, tôi cũng thấy nhiều người xem chương trình gì đó đến mức nghiện, tôi xem lại không thấy gì và cũng tự huyễn rằng “mình tu chắc cũng khá lắm” nên tôi mới “khác người thường”, bằng cách so sánh tôi không nghiện xem như họ nên tôi cho rằng tôi tu tốt lắm? Việc người tu so sánh với người không tu hay thậm chí với chính bản thân mình trước đây để biết mình tu tốt hay không chả phải là đang đi sai đường là gì? Đáng lý phải đem tiêu chuẩn nghiêm khắc hơn để yêu cầu thì tôi lại thoải mái, tự huyễn mình tu cao lắm khi xem tivi ít bị nghiện hơn so với người thường.

- Khi tôi xem một số tiết mục ảo thuật trên phương tiện truyền thông như là của David Copperfiled, tôi liền tự nhủ “Đây bất quá chỉ là công năng, có gì mà ghê gớm, chỉ lừa được người thường mà thôi”. Đại khái cái tâm lý tự cao cho rằng mình biết bản sự của người khác ra sao để rồi coi thường họ. Giờ đặt lại câu hỏi: Nếu Sư Phụ không nói ông David dùng công năng thì bản thân có biết mà đi hạ thấp ông ấy như vậy? Dù sao đó cũng là nghề nghiệp của người ta, bản thân dù biết là ông ý dùng công năng cũng phải tỏ ra tôn trọng, đó cũng là cái tâm vị tha cần rèn dũa được, phải nghĩ cho người khác, xem đặt mình vào vị trí của họ có làm được như họ hay không? Có hiểu các khó khăn của họ hay không hay cứ chỉ ngồi trước màn hình phê phán rồi nhận định bừa về họ? Bản thân chỉ biết có tí thông tin về họ qua lời giảng của Sư Phụ mà đã khoe khoang hiển thị, đó chẳng phải là ấu trĩ hay sao? Nếu không phải là Sư Phụ giảng ra thì chắc giờ gặp màn biểu diễn của họ thì kiểu gì cũng mắt chữ O mồm chữ A như người ta thôi. Ở xã hội người thường đã từng có câu nói “đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài”, còn trong Pháp Sư Phụ cũng từng giảng cần phải bỏ tâm lý hiển thị, kỳ thực tôi giờ mới hiểu đó cũng là nhắc nhở bản thân đừng có tự cao, ngạo mạn cho rằng mình hiểu biết về người khác như thế mình là bản thân họ rồi đem nó ra khoe khoang như thể bản thân cao minh lắm. Người càng biết thì người ta càng phải tôn trọng, càng biết thì càng phải như người không biết chứ không phải như phường vô học đi chế giễu người khác hay vừa có một chút hiểu biết đã tưởng mình nắm được Chân lý và đem ra khoe khoang.

- Khi tôi buổi sáng dắt xe ra đường chuẩn bị đi làm thì hay nhìn thấy quanh nhà rất nhiều bông hoa hay cây nhỏ mọc tươi tốt, mà lạ là chỉ nhà tôi mọc còn nhà khác không mọc và thế là tôi liền tự huyễn hoặc bản thân rằng “chắc là mình tu tốt lắm nên nhà mình mới mọc nhiều cây đến vậy”. Đó là một dạng tự kỷ ám thị, nhận vơ hiện tượng bề mặt đánh đồng với việc tu luyện của bản thân, một dạng hoang tưởng thần kinh. Tu luyện liệu có đem số lượng cây cối hay cây này hoa nọ mọc để đo lường tu luyện được hay không? Sau một độ tôi nhận ra cái tâm sai trái đó thì không biết thế nào một buổi sáng hôm khác tôi dắt xe ra thì chỗ đám cây mọc tốt tốt đó bị vùi dập từ bao giờ, đến thậm chí còn bật cả rễ ra.

- Khi tôi đến nhà bạn chơi, có đứa bé nhìn thấy tôi thì nó nhìn chằm chằm, thậm chí người bạn đó bế nó ra xa nó vẫn ngoái lại tôi nhìn, mắt nó cứ trợn tròn lên, điều này ngay lập tức khiến tôi sinh tâm hoang tưởng “Ây da, chắc mình tu tốt nên nó nhìn thấy mới ngạc nhiên đến vậy”. Kỳ thực đó chính là cái bẫy, tôi không cảnh giác nên không biết rằng đó chính là khảo nghiệm xem bản thân có giữ tâm chính hay không?

- Khi tôi chấp vào những thứ siêu thường để thay vì đem việc tu tốt của bản thân ra chứng minh sự tốt đẹp của Đại Pháp với gia đình hay bạn bè, tôi lại muốn “đi đường tắt”, muốn sử dụng những hiện tượng siêu thường để lấy lòng tin của người xung quanh, thế là khi tôi có cái tâm đó tôi liền vô tình thấy một số hiện tượng như là Pháp Luân, hay là Hoa Ưu Đàm nở để rồi tôi lấy những ví dụ đó để chứng minh sự huyền diệu của Đại Pháp cho người xung quanh thấy. Kỳ thực đó là một dạng tâm chấp trước khôn khéo của người thường, muốn tránh khó tìm dễ, không thông qua việc tự tu tốt của bản thân để chứng thực cái tốt đẹp của Đại Pháp cho người xung quanh một cách bền vững, động đến cái tâm của họ qua từng cử chỉ, lời nói, hành động, kết quả học tập, cách đối xử mà lại muốn nhanh chóng thông qua những thứ siêu thường để giải quyết nhanh vấn đề. Nó như là trường hợp tu luyện mà truy cầu công năng vậy, họ tu không phải để bỏ cái tâm xấu mà mong muốn có công năng để đạt được ước nguyện của họ. Như vậy, truy cầu cái mà được ngay thì có vấn đề hay không? Đương nhiên là có, vì đó rất có thể chính là Ma lợi dụng sơ hở trong tâm kia để huyễn hóa ra, bản thân khi thấy liền không thanh tỉnh lý trí nhận ra lại còn hoan hỷ đi khoe với người khác, đến khi có người nào đó chỉ ra đó không phải là Pháp Luân mà chỉ là hiện tượng khúc xạ, hay hoa Ưu Đàm chỉ là trứng côn trùng thì họ lại quay ra tranh đấu đúng sai với những người đó, thậm chí coi những người đó là “thiển cận”, “có mắt mà không thấy thái sơn”, “phàm phu tục tử” v..v. Nhưng lại không hiểu chính những người đó được an bài đến để đánh hạ cái tâm tự huyễn hoặc kia xuống. Họ không biết cảm ơn những người đó mà còn cố tình đẩy mâu thuẫn ra, như thể họ không có vấn đề gì trong đó vậy.

- Khi tôi tu luyện giai đoạn đầu có biểu hiện khỏi bệnh, tôi liền ngay lập tức muốn khoe với mọi người (kể cả học viên khác) rằng nhờ tu luyện Pháp Luân Công nên tôi mới được như vậy. Kỳ thực đó là tâm lý hiển thị, lợi dụng Đại Pháp để khoe khoảng khả năng tu luyện của bản thân, ngầm ý để người khác khen ngợi và hâm mộ mình (tâm cầu Danh). Giống như trong bài Giảng về Chu Thiên mà Sư Phụ có giảng trong Chuyển Pháp Luân (link bài giảng) (đại ý, không phải nguyên văn) về một thanh niên nếu đang ngồi thiền mà bay lên, hễ tiếng chuông công sở đổ là liên hớt hải mong muốn mọi người nhìn ra để nói " Coi tôi luyện công tốt chưa, tôi có thể bay lên được ". Thể ngộ tại tầng thứ sở tại của tôi sau khi xem bài giảng đó của Sư Phụ thì tôi hiểu rằng đó là những thứ siêu thường, đâu thể tùy tiện đem ra để khoe khoang hay nói với người không tu? Nhỡ họ tưởng thật, chỉ nghĩ đơn giản rằng đọc sách và luyện công rồi khỏi thì chả phải đang dẫn họ sang đường tà? Tu luyện để đi chữa bệnh?



- Trong công việc, khi tôi thấy cái sai của người khác và tôi thường nổi nóng khi chứng kiến những hành vi đó, tôi cho rằng “tối thiểu phải như thế này thế nọ, có đơn giản thế mà cũng làm không xong” – Một hình thức tự đặt tiêu chuẩn cao cho người xung quanh mà không hề nghĩ gì đến hoàn cảnh của họ. Thế nhưng sau khi tự bản thân mình cũng mắc phải chính lỗi sai đó như họ thì lúc đó tôi mới nhận ra mình sai trái thế nào, mới thấy mình có lỗi với người mình đã nóng giận ra sao? Chính vì cái tôi tự mãn, luôn cho mình là đúng, luôn muốn mọi việc theo ý mình và luôn đặt tiêu chuẩn cho người xung quanh phải như ý mình, không thuận theo hay đạt được thì khó chịu, nóng giận. Chỉ khi chính mình mắc phải lỗi sai y như họ tôi mới bắt đầu thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, mới bắt đầu thông cảm cho những trường hợp mà sau này cũng mắc lỗi sai đó, vì lúc đó cái tâm cao khí ngạo kia bị đánh cho te tua ra rồi.

- Một ví dụ khác nữa, đó là cái tâm tự phụ nó huyễn hoặc “vị trí xã hội” của tôi hay “đẳng cấp” của tôi. Nó khiến cho tôi ưng thuận khi được sếp giao một số việc mà tôi cho rằng công việc đó là “sang chảnh”, “hợp địa vị” như là tổng hợp dữ liệu, làm báo cáo v…v (đại khái mấy công việc đó nó làm tôn lên khả năng tư duy, yêu cầu trình độ cao v..v). Nếu sếp giao cho tôi công việc nào đó mà không phù hợp với cái tâm tự phụ kia như là pha trà rót nước, quét phòng, đi photo tài liệu, v..v thì tôi sẽ rất khó chịu, miễn cưỡng và có xu hướng muốn đổ việc đó sang cho người khác.

- Trong một lần tôi ra luyện công, thì không hiểu sao có một vị mới vào học chưa lâu (độ khoảng một năm, còn tôi thì vào lâu hơn người này vài năm) cứ nhìn chằm chằm vào tôi khi đang luyện công (tôi đứng trước còn vị đó đứng sau). Thế là đang luyện công vị đó đột nhiên đi ra chỉnh sửa động tác cho tôi, lại còn cất cao giọng như thể để người xung quanh nghe thấy. Điều đó như chạm vào cái tôi tự ái, cái tâm tự phụ rằng mình tập chuẩn, chỉ có mình đi sửa động tác cho người khác chứ người khác (nhất là mới vào) làm sao đi sửa ngược lại tôi, thế là tôi thay vì làm theo những gì người đó nói thì tôi bảo tôi là tập theo băng hình và nói người đó nên về nhà xem lại xem ai đúng ai sai. Vì cái tâm tự phụ nó nổi lên bề mặt, nó khiến tôi không muốn mất mặt, không muốn thừa nhận mình tập sai động tác nên nó đổ vào đầu tôi đủ thứ như là những lỗi sai của người dám chỉnh sửa động tác cho tôi đó hòng thuyết phục tôi rằng vị đó mới là sai còn tôi tập vẫn đúng. Kỳ thực thì nhiều khi bản thân tôi hôm đó tập đúng hay sai không phải vấn đề quan trọng, quan trọng là có hoàn cảnh moi cái tâm tự phụ, sợ mất mặt, tự cho rằng mình tu cao, tập chuẩn kia ra, cái tôi cần bỏ và sửa là cái tâm đó chứ nhiều khi không hẳn là động tác, chỉ là việc sửa động tác kia là hoàn cảnh cần có. Thành ra, sau khi nhận ra được vấn đề thì tôi lại phải quay sang cảm ơn vị đó, nếu không có vị đó “gây chuyện” thì chắc tôi không nhận ra được cái tâm đó, tất nhiên những gì vị đó chỉnh sửa tôi sau khi bỏ cái tâm kia đi thì bình tĩnh cân nhắc thấy có lý và đã tự chỉnh sửa lại động tác.

- Càng tự phụ thì tôi càng trở nên dễ nóng giận khi sự việc diễn ra không theo ý mình, vì cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ, lợi ích của mình là nhất và người khác không thể xâm phạm nên nhiều khi tôi không thể kiên nhẫn ngồi chờ một ai đó đến muộn, vì tôi cho rằng thời gian của tôi là vàng là bạc. Và bản thân tôi cũng không bao giờ muốn đi nghe người khác dạy hay làm theo mệnh lệnh ai đó (vì tự cho rằng trình độ của tôi không cần phải nghe hay làm theo lời họ). Vậy thử hỏi với những người phải mất thời gian kiên nhẫn với tôi khi tôi phải đi học hỏi, nhờ vả họ thì hỏi tôi có cảm nhận được sự khó chịu phiền toái của họ? Tôi tự cho mình cái quyền không được bị làm “tổn thương”, không được gặp “phiền phức” gì hết nhưng khi mình gây phiền toái cho người khác thì lại không nói gì đến? Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi không thể “thuận theo tự nhiên” hay thuận theo an bài của Sư Phụ, vì tôi chính là muốn mọi thứ phải xảy ra theo những gì tôi muốn hoặc lên kế hoạch từ trước, tôi chỉ muốn thuận lợi chứ không muốn gặp khó khăn. Tôi vì cái tự mãn, tự ngã, tự cho mình có cái quyền đặc biệt đó nhưng thực chất là duy hộ cho lợi ích của tự thân chứ không phải là tu luyện. Càng tự phụ thì càng chấp và cố thủ cái lợi ích của bản thân, ai đụng vào là không được.

v..v Còn có rất nhiều ví dụ thực tiễn về việc nảy sinh cái tâm tự mãn đó, kỳ thực nó tồn tại ở rất nhiều phương diện và nếu người tu không “thu cái tôi” lại thì khó mà nhìn ra mình đang bị cái tâm đó điều khiển lèo lái ra sao, tự mình khi đó còn cho rằng mình tu tốt lắm, cao minh lắm, nắm hết mọi điều và vấn đề mình mắc phải thì phải do cao nhân mới chỉ ra được, học viên bình thường không có tư cách chỉ ra, thậm chí còn coi thường cả người không tu. Dần dà tự mình cho mình ở một cái đẳng cấp khác và việc đề cao tâm tính cũng phải được đối xử “đặc biệt”, như là phải nhẹ nhàng, lời lẽ thuyết phục, khoan thai, hay uy tín của người chỉ ra sai lầm của mình khiến mình nể phục thì mới được phép phê bình họ. Cái tâm này nguy hiểm ở chỗ bản thân sẽ tự hạn chế việc tu của mình lại, rồi dần dà sẽ tự tâm sinh Ma, vấn đề sẽ càng ngày xuất hiện càng nhiều rồi thậm chí đến mức tự họ cũng không biết nguyên nhân chính dẫn đến những rắc rối đó là ở đâu nữa, vì họ tự cho rằng họ đúng nên họ không biết chính những cái đúng đó lại là nơi ẩn giấu cái sai của họ. Họ cũng không muốn thừa nhận mình sai những thứ căn bản đó nên những rắc rối kia càng lúc càng không thể giải quyết được nữa. Hậu quả theo đó về sau là gì thì có lẽ chúng ta cứ nhìn bên học viên Trung Quốc là có thể tham chiếu.

«Tây Du Ký» hồi thứ 100 “Kính hồi Đông Thổ, Ngũ thánh thành chân” có đoạn bốn thầy trò Đường Tăng được Phật Như Lai thụ phong. Khi đó Phật Như Lai nói: “Thánh tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thiền Tử. Bởi vì con không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo của ta, cho nên bị đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ”. - Nguồn Chanhkien.org. Đã nói lên một thực tế cái tâm cao ngạo, tự cho thể ngộ của mình là nhất, hiểu biết của mình là cao minh nhất đó nếu cứ phát triển tiếp thậm chí đến Pháp lý mà Sư Phụ giảng cũng có thể còn xem thường, xem nhẹ, mà tội coi thường Phật Pháp đó thì nghiệp chướng nặng ngần nào? Nó là ngang với tội bất kính còn gì? Tự cho mình là đúng, tự cho thể ngộ mình là đúng và đem ra áp đặt học viên khác đó chẳng phải đang bước dần đến cái tội khinh mạn Phật Pháp kia sao? Bài học nhãn tiền lịch sử đang tái hiện chứ có phải đâu xa? Chỉ có là tự cho hiểu biết của mình là nhất thì mới đi coi thường hiểu biết của người khác, thậm chí chế giễu, mỉa mai họ. Người xưa dạy con người phải khiêm nhu có lẽ không phải vô cớ, ấy là để con người có tâm Pháp tự ước thúc con Ma tâm tự phụ, tự cao này lại để không tự rước họa vào thân.

Trên đây là một số quan điểm của tôi về nhận biết sự nguy hiểm của cái tâm tự mãn. Thực tế theo tôi chiêm nghiệm thì càng tu lâu thì cái tâm này càng khó nhận ra, càng làm nhiều công tác chứng thực Pháp thì càng khó nhận ra nếu bản thân không nghiêm túc thực tu với sự khiêm tốn tự coi mình là người tu còn nông cạn. Nhiều người có thể tự cho rằng họ không có vấn đề gì nhưng chính vì họ “tự cho rằng” đó lại chính là vì họ tự mãn đến mức khẳng định họ “không có vấn đề gì”, người thực tu thì luôn phải cảnh giác dù với bất kỳ phản ứng nào trong tâm vì chấp trước còn rất nhiều, tự cho rằng không còn hoặc không có hoặc “kiểm soát được” thì chỉ là lời nói đầu môi, sự thật có đúng thế hay không thì Pháp thân của Sư Phụ nắm rõ nhất. Những gì tôi chia sẻ đều là những gì tôi tự mình trải nghiệm được trong quá trình tu luyện, là thể ngộ cá nhân tại tầng thứ sở tại nên tất nhiên chỉ mang tính chất tham khảo và còn nhiều hạn chế về nhận thức. Nếu có gì không đúng hoặc cần bổ sung xin mọi người đóng góp ý kiến phản hồi.

 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page