top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Vấn đề "Tu luyện phải chuyên nhất"

Đã cập nhật: 20 thg 9, 2020

[15/10/2019] Tử Dương


Lời dẫn:


Trong quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi hiểu đươc rằng hễ là một học viên chân chính thì vấn đề “Tu luyện phải chuyên nhất” là tuyệt đối phải tuân thủ. Sư Phụ đã giảng rất rõ về vấn đề này, đại ý là: không được tu lẫn; phải vững tu theo một môn, đã theo môn pháp tu nào thì chỉ để tâm tu môn đó cho đến khi khai công khai ngộ, sau đó mới có thể chuyển sang công pháp khác tái tu lại.


Tôi đọc Chuyển Pháp Luân cũng hiểu rõ là nếu một cá nhân mà tu lẫn thì hậu quả sẽ rất kinh khủng – đại khái là học viên có thể sẽ bị lệch, sẽ làm loạn hết công của bản thân, có thể khiến Pháp Luân bị biến hình/biến dạng và tệ hại nhất - Trong Chuyển Pháp Luân Pháp giải, Sư Phụ có giảng (không nguyên văn) là nếu học viên mà làm Pháp Luân bị biến dạng, đại đa số là sẽ không thể tu được nữa. Lý do thì Sư Phụ đã giải thích rất rõ, đại ý: Họ đã làm một việc rất xấu.


Những tưởng lời giảng của Sư Phụ đã quá rõ ràng, rằng học viên sẽ biết cách mà phòng tránh để không gặp vấn đề dạng thức này trong quá trình tu luyện. Nhưng, nếu quan sát kỹ những gì đang diễn ra tại cộng đồng tu luyện tại Việt Nam - nhất là qua cách các học viên nói chuyện, chia sẻ tâm đắc thể hội v..v thì có vẻ như vấn đề “tu luyện phải chuyên nhất” này lại đang bị vi phạm một cách rất nghiêm trọng.


Nội dung:


Sư Phụ đã giảng rất rõ đại ý không nguyên văn là nếu một người tu pháp môn nào mà trong tư tưởng và ý niệm đều là những điều của pháp môn ấy, thì người đó mới có thể tu lên một cách ổn định chắc chắn và đi lên theo một con đường. Tôi thể ngộ nông cạn là việc không tu lẫn nó không chỉ phản ánh ở hành động bề mặt, tức là không đọc Kinh sách của Pháp môn khác, mà ngay cả trong tư tưởng của một người tu thì cũng phải xóa sạch.


Nếu ở phạm trù hành vi thì còn dễ nhận ra, còn có thể dễ thấy ai đó đang tu lẫn. Nếu ở phạm trù tư tưởng thì kỳ thực tôi cho rằng là rất khó.


Có người trong quá trình tu ở Pháp môn A, cái ấn tượng của họ về Pháp môn đó nó quá lớn, đến nỗi khi họ chuyển sang tu ở Pháp môn B mới thì họ vẫn vô ý hoặc hữu ý trong tiềm thức đem những hiểu biết, nhưng kinh nghiệm, thói quen, những định nghĩa trong Pháp môn cũ A ra để so sánh, để đo lường, để suy luận, áp dụng những vấn đề được giảng trong Pháp môn B. Những cái đó là một trong những dạng thức mà theo quan điểm của tôi là khó nhận ra nhất.


Như một ví dụ minh họa, tôi có biết một số học viên là trước đây từng kinh qua nhiều phương pháp tu luyện trong tôn giáo như của Thiền Tông, có người là từ Tịnh Độ v..v. Một số học viên điển hình khi từng tu bên Tịnh Độ thì tôi thấy trong quá trình chia sẻ có vẻ họ vẫn rất ấn tượng với phương thức niệm Phật hiệu, kiểu như “Nam mô….”. Khi đọc một số bài tâm đắc thể ngộ trên Minh Huệ của học viên Trung Quốc có nói về hô 9 chữ vàng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo” thì họ đặc biệt tỏ ra thích thú. Có thể là vì cách mà học viên hô 9 chữ vàng đó làm họ liên tưởng lại cái thói quen niệm Phật hiệu trong pháp môn tu trước kia.


Tất nhiên, tôi không có ý phủ nhận tác dụng của 9 chữ đó. Vấn đề mà tôi muốn đề cập ở đây là việc những học viên mà trước hay quen niệm Phật hiệu đó cũng lại bắt đầu đem những “kinh nghiệm”, “ấn tượng” trước đây quay ra áp dụng trong quá trình tu luyện hay chứng thực Đại Pháp. Họ biến 9 chữ vàng đó cũng thành ra như kiểu niệm Phật hiệu trong quá trình hồng Pháp. Có trường hợp thậm chí còn bị học viên biến 9 chữ này thành giống dạng thức như tiêu tai, giải nạn. Đây là những dạng thức mà theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu xét nghiêm túc thì là tu luyện không chuyên nhất.


Học viên treo những tấm hình này trên tường Facebook tràn lan, nhưng lại không hề có giải thích Pháp Luân Đại Pháp là gì? Vì sao lại tốt, đã thế là dùng từ "hảo" chứ không diễn là tiếng Việt nghĩa là "tốt" - vừa làm cho người ta nếu mang tâm lý bài Trung phản cảm, mà cũng dễ đánh đồng Pháp Luân Công như dạng thức tôn giáo, cũng niệm Phật hiệu v..v

Học viên không hề giới thiệu gì về Pháp Luân Đại Pháp, cũng không làm cho người ta biết vì sao Đại Pháp là tốt mà chỉ photo số lượng lớn tờ giấy trên đây rồi đem phát ra. Làm những dạng thức này rất dễ tạo ra cái nhìn phản cảm của người dân và chính quyền, khiến họ cho rằng học viên truyền bá mê tín dị đoan, lôi kéo giống như tôn giáo v..v

Xem thêm bài viết về dạng thức biến dị này (Click)

Những vấn đề ở tầng quá cao như Sáng Thể Chủ cũng được nhiều học viên đem ra hồng Pháp. Có thể do mang tâm hoan hỷ, nóng vội, không lý trí mà học viên nảy ra những cách làm hồ đồ này. Ngoài việc tạo ra một ấn tượng giống một tôn giáo ra trong mắt người thường, thì việc đem những thứ ở quá mức nhận thức của người bình thường ra cũng không khác gì một hình thức phá hoại Đại Pháp, người ta khi không lý giải được mà sinh bài xích Đại Pháp thì rất nguy hiểm.


Ngoài 9 chữ vàng ra, trong một bộ phận học viên còn có kiểu khác là nhẩm niệm Luận ngữ. Học viên cứ gặp vấn đề trong tu luyện hay chứng thực Đại Pháp thì toàn bảo nhau là cứ niệm Luận ngữ là rất tốt. Có một vụ việc khá hài hước mà tôi được biết đó là trong một đoàn học viên đi dự Pháp hội ở nước ngoài, trong khi đang bay thì máy bay gặp phải một cơn bão, bên ngoài sấm chớp gió giật làm máy bay chao đảo. Trong khi người thường trong máy bay tỏ vẻ lo lắng, thì các học viên hô hào nhau nhẩm niệm Luận ngữ để … tránh bão. Tôi khi học Pháp thì hiểu rằng hễ học viên là tu chân chính thì sẽ có Pháp thân của Sư Phụ đi theo bảo hộ. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy Sư Phụ giảng là cứ nhẩm niệm Luận ngữ thì sẽ được bảo hộ bao giờ cả?


Việc nhẩm niệm Luận ngữ để tránh bão chỉ là một hiện tượng nhỏ, có những nơi học Pháp họ còn chỉ định cứ mỗi khi bắt đầu học Pháp thì phải đọc Luận ngữ trước rồi mới bắt đầu tiếp tục đọc các bài giảng khác trong Chuyển Pháp Luân - Ví dụ như hôm qua học xong bài 1, hôm sau thay vì vào luôn bài 2 thì lại phải đọc Luận ngữ xong mới đọc bài 2. Tôi nhớ trong Pháp Sư Phụ yêu cầu đọc Chuyển Pháp Luân rất cụ thể, đại ý không nguyên văn là: đọc sách “Chuyển Pháp Luân” thì đọc từ đầu tới cuối. Nghĩa là hôm nay chưa đọc xong thì hôm sau đọc tiếp chỗ ấy và nếu lại vẫn chưa đọc xong thì hôm sau nữa lại đọc tiếp, cứ đọc như thế và không nên chọn lựa mà đọc - (Học viên tham khảo nguyên văn lời giảng của Sư Phụ tại Phần hỏi đáp: Đệ tử: Tiến độ thông đọc sách “Chuyển Pháp Luân”... - Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999]). Sư Phụ đã giảng rất rõ ràng, một số học viên lại cứ cố tình cải biến ra cách thức mới dị thường như vậy. Đấy chẳng phải loạn Pháp đó sao?


Một ví dụ về việc nhẩm niệm Luận ngữ như một hình thức biến tướng của niệm Phật hiệu

Nguồn: Click


Đây có vẻ như là những dạng biến tướng có tính cải biên những gì Sư Phụ giảng trong Đại Pháp về hình thức tu luyện, bắt đầu có dấu hiệu hoại giáo hoại Pháp giống như trường hợp mà Sư Phụ đề cập ở bên Phật giáo.


Nếu chỉ là phạm vi giữa Pháp môn và Pháp môn giống như ví dụ về niệm Phật hiệu, niệm này niệm nọ như bên trên thì còn đỡ, còn dễ nhận ra. Nếu người tu lại lấy những thứ của người thường đem lẫn vào nữa thì còn nguy hiểm hơn.


Như học viên chúng ta khi nghe Sư Phụ giảng Pháp, qua các Kinh văn đều có thể ý thức rằng những triết học Nho giáo của Khổng Tử, Đạo đức Kinh của Lão Tử, Nam hoa Kinh của Trang Tử v..v bất quá đều có mục đích là để đặt định văn hóa, để trải đường cho việc con người có thể nhận thức Đại Pháp ngày hôm nay. Tuy là những thứ tốt và tôi cũng thấy học viên làm ở kênh truyền thông quảng bá những bài viết về những thứ đó rất nhiều - Nhưng nếu chúng ta không chú ý, chúng ta rất dễ vô thức trong quá trình đọc những bài viết quảng bá văn hóa truyền thống này mà dần dần chiểu theo chính những thứ đó để tu, lấy đó để chiểu theo rồi nhìn nhận vấn đề chứ không phải dựa vào Pháp để xét vấn đề.


Không chỉ thế, hệ lụy nguy hiểm ở đây còn là bản thân học viên sử dụng chính những thứ "không chuyên nhất" đó để định nghĩa, diễn giảng loạn Pháp của Sư Phụ.


Trong Pháp thì tôi nhớ Sư Phụ chưa từng giảng chữ Thiện trong Chân Thiện Nhẫn là có cái gọi là "chữ Hiếu đứng đầu" bao giờ cả. Học viên đem những thứ bên Nho học, Cổ học rồi tùy tiện suy diễn lung tung, thậm chí định nghĩa cả Pháp - cho là chữ Hiếu đứng đầu trong chữ Thiện của Chân Thiện Nhẫn, lại còn là việc cần làm trước tiên?? quá nguy hiểm!




Nguồn: Click


Nếu chỉ là dựa vào những thứ văn hóa/tri thức/triết học đó để có thể nhận thức rõ hơn những gì mà Sư Phụ giảng thì tôi nghĩ là không có vấn đề gì, nhưng NẾU học viên nào không sắp xếp VỊ TRÍ cho đúng, thậm chí do quá ấn tượng về những thứ mà vốn để đặt định văn hóa trải đường cho Đại Pháp đó mà đem ra đo lường nội hàm của Đại Pháp thì có thể trong tư tưởng là đang vi phạm “bất nhị pháp môn” – Hay nói cách khác - Chính là việc họ đang không tu chuyên nhất. Trong ví dụ trên không chỉ là tu không chuyên nhất, mà còn là việc dám ngang nhiên định nghĩa nội hàm của Đại Pháp, làm loạn Pháp nghiêm trọng.


Hiện tượng này tôi thấy bắt đầu xuất hiện mạnh trong một vài năm trở lại đây. Tỷ lệ trích dẫn các nội dung của Nho giáo, Đạo giáo v..v trong các bài chia sẻ của học viên ngày một tăng. Thậm chí khi trao đổi vấn đề xảy ra trong môi trường tu luyện, học viên thay vì đối chiếu theo Pháp thì lại dẫn ra một vài câu chuyện, điển tích trong Nho gia để chiểu theo đó mà nhìn nhận vấn đề. Những điều xảy ra trong cộng đồng tu luyện Đại Pháp thì rõ ràng là thuộc về phạm trù phức tạp và cao hơn nhiều nếu đem những thứ vốn chỉ để giảng cho người thường nơi xã hội ra để đối chiếu, học viên là phải dùng chính Pháp lý mà Sư Phụ giảng để nhận định vấn đề thì mới giải quyết được. Nếu đem những thứ bên ngoài không thuộc Đại Pháp vào để giải quyết vấn đề trong nội bộ cộng đồng học viên thì có giải quyết được không? Tôi nghĩ sẽ chỉ thêm loạn mà thôi.


Một cộng đồng nếu đem so sánh ở một góc độ nào đó thì tôi nghĩ có thể cũng tựa như một cá nhân tu luyện vậy. Một người tu khi gặp vấn đề thì rõ ràng phải dùng Pháp lý mà Sư Phụ dạy để giải quyết thì mới giải quyết được, vì những vấn đề mà người tu đó gặp không phải ngẫu nhiên, là có an bài đúng không? Nhưng nếu người tu đó lại hướng ngoại, hoặc lại lấy Pháp lý của pháp môn, lời triết học của danh nhân nào đó ra để chiểu theo thì sẽ ra sao? Tôi nghĩ không những vấn đề không được giải quyết, mà còn gây hại cho chính người tu đó. Đem suy ngược ra thì một cộng đồng tu luyện cũng sẽ không khác mấy đâu đúng không?


Những hiện tượng manh nha này rất nguy hiểm là lại không chỉ ở cục bộ một vài học viên, mà lại xuất hiện ở một bộ phận rất lớn. Ai ai gặp vấn đề gì trong tu luyện không giải được chút là lại đem những thứ không thuộc về Đại Pháp ra để chiểu theo một cách vô thức/hữu ý. Khi học viên này bị học viên khác chỉ ra cái sai, thì cũng không dựa vào Pháp lý để suy xét mà lại đem những thứ Triết học, Nho học v..v đó ra để đối chiếu. Ngoài việc học viên thể hiện bản thân nắm không rõ Pháp lý để nhận thức hay xem xét đúng/sai, nó còn có thể là do tâm chấp trước dẫn động khiến họ bí quá phải tìm những lý lẽ từ phía Triết học/Tôn giáo khác ra mà phù hợp với cái chấp trước đó để làm bình phong che đậy vấn đề của họ.


Những thứ như triết học của Khổng Tử v..v đó theo tôi hiểu là gần với sự lý giải của người thường nhất, dễ nhận thức nhất, không cần phải ngộ vì nó là dành cho người thường. Học viên trong quá trình tu luyện nếu vì lười tu, lười thực hành mà quen kiểu tu tắt hoặc thích tìm thứ dễ nhận thức hoặc thích nổi danh; hoặc cũng có trường hợp mà theo phạm vi hiểu biết của tôi là có thể học viên đang gặp khó khăn trong cuộc sống/ tu luyện, cảm thấy bế tắc, muốn tìm những nơi giải tỏa, an ủi theo kiểu người chịu khổ thì gặp may mắn v..v - là có thể rất dễ vướng vào loại hình này; Cái tâm con người là dễ đi tìm những thứ triết lý/danh ngôn v..v nơi người thường (thay vì Đại Pháp) để tự vỗ về bản thân mình, quên đi thực tại, không muốn đối diện với khó khăn. Họ mặc dù không thừa nhận thực tế này, bề ngoài tuy tay họ vẫn đang cầm Chuyển Pháp Luân đọc vanh vách, nhưng tư tưởng của họ dường như là ưa những thứ triết học gần với người thường nhất kia hơn. Thành ra khi gặp vấn đề nào đó trong quá trình tu là theo tiềm thức họ có thể sẽ tự động đem những danh ngôn, điển tích v..v ra để đối chiếu.


Nguy hiểm hơn, là rất nhiều học viên cũng không ý thức được sự nghiêm trọng mà vẫn nhiệt tình ủng hộ, thậm chí tán đồng với những hành vi lệch lạc không chuyên nhất tu luyện như thế, có thể họ không trực tiếp viết ra, nhưng do họ tán đồng thì cũng ngang như họ đồng tình với việc tu luyện không chuyên nhất đó sao?


Sư Phụ đã cảnh báo rất rõ về việc KHÔNG ĐƯỢC lấy lời nói của bản thân rồi nói như thể đó là lời trong sách hay của Sư Phụ. Hành vi đó không khác gì là đang cải biến nội hàm của Đại Pháp, loạn Pháp một cách nghiêm trọng.

Một bài viết loạn Pháp, định nghĩa Pháp công nhiên mà hơn 200 học viên vào like và share? Quả là quá loạn bậy.

Nguồn: Link



" Kiên quyết phản đối các hành vi phá hoại nội dung của Đại Pháp; bất kể đệ tử nào cũng không được lấy điều mà ở tầng thấp của mình hay chỗ bản thân thấy được, nghe được, cảm thụ ngộ được mà giảng nói như là nội dung của Pháp Luân Đại Pháp, và thực hiện cái gọi là ‘truyền Pháp’. Ngay cả giảng ‘hành thiện’ cũng không được là bởi vì chúng không phải là Pháp mà là lời khuyến thiện của người thường và không mang theo Pháp lực độ nhân. Hết thảy những ai lấy những điều bản thân mình cảm thụ được mà ‘giảng Đạo’ thì đều là hành vi loạn Pháp nghiêm trọng; khi giảng lời mà tôi nói thì nhất định phải thêm rằng ‘Sư phụ Lý Hồng Chí đã nói …’ v.v. "


" Hết thảy các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp khi truyền Pháp thì chỉ có thể dùng “Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng…” hoặc “Sư phụ Lý Hồng Chí đã nói…”. Tuyệt đối không dùng những điều bản thân mình cảm giác hay thấy được, biết được hoặc những điều trong môn phái khác mà giảng như là Đại Pháp của Sư Phụ Lý Hồng Chí, nếu không điều truyền ra ấy không phải là Pháp Luân Đại Pháp, mà chính là phá hoại Pháp Luân Đại Pháp. "

Học viên có thể đọc lại bài "Bài học giáo huấn từ Phật giáo" - Tôi nghĩ chẳng phải bài học Phật giáo bị thất truyền bên Ấn Độ cũng đang được tái hiện trực tiếp tại Việt Nam bằng chính tay học viên hay sao?


Những ví dụ trên đã thể hiện rất rõ một bộ phận không nhỏ học viên chính là không tu chuyên nhất, bất kính với Sư Phụ và HỆ LỤY nghiêm trọng nhất là khởi tác dụng làm loạn Pháp. Nếu ai học Pháp kỹ, nghiêm khắc đối chiếu với hành vi của bản thân thì những dạng thức loạn Pháp như kể trên không khó để nhận ra. Rất nhiều học viên không chỉ tùy tiện đem nhận thức hữu hạn của mình xen lẫn với những thứ của Pháp môn khác hay triết học của danh nhân nào đó nơi người thường và nói ra như thể đó là lời của Sư Phụ mà không ghi rõ là thể ngộ ngay sau đó. Có người viết ở dưới cùng bài viết là thể ngộ, nhưng cũng không phải vì thế mà họ có thể luận giải lung tung lời nói của Sư Phụ trong Pháp nào là "Sư Phụ muốn...", "ý của Sư Phụ là ..." v..v.


Tối thiểu nhất tôi nghĩ là họ chỉ có thể trích dẫn nguyên văn hoặc đại ý lời Sư Phụ và sau đó nói rõ là thể ngộ nông cạn của họ sau đoạn giảng Pháp đó là gì, nhưng ít nhất cũng phải bám sát lời giảng bề mặt chữ nghĩa của Sư Phụ chứ không được diễn ra nghĩa khác tùy tiện. Làm sao chúng ta có thể biết Sư Phụ muốn hay có ý gì ở các tầng khác nhau? Chúng ta chỉ có thể nói lên cách hiểu/thể ngộ tại tầng sở tại của chúng ta dựa vào lời nói nguyên gốc của Sư Phụ. Nếu Sư Phụ không có nói hay giảng như vậy mà tự học viên suy ra thì tôi nghĩ còn nghiêm trọng nữa.


Một trường hợp khác cũng nói là chia sẻ thể ngộ, đăng công khai trên mạng xã hội, luận giải thậm chí còn ngược hẳn lại lời Sư Phụ, tôi nhớ Sư Phụ có giảng đại ý là những cổ thư như Hoàng Đế Nội Kinh, các sách Khí công v..v tốt nhất là không đọc, thế mà có người vẫn thể ngộ thế nào là vẫn nên đọc. Quả là quá bát nháo!

Ngoài ra, những cảm nhận, thể ngộ của bản thân tôi nghĩ không được tùy tiện đem ra để quảng bá Đại Pháp (Nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay tại Việt Nam, và cũng là trong bối cảnh bài Kinh văn gửi học viên Việt Nam 2018 của Sư Phụ), đem ra chia sẻ nội bộ thì còn khả dĩ, vì trong nội bộ học viên có thể vẫn có người nhận ra sai sót và góp ý - nhưng người thường thì họ không có khả năng đó, họ rất dễ đánh đồng những gì học viên chia sẻ (kể cả học viên có nói là thể ngộ) chính là nội hàm của Đại Pháp. Ấy thế mà vẫn họ còn tùy tiện đem những thứ đó ra để quảng bá Đại Pháp công khai trên mạng xã hội - Họ không thể trách Sư Phụ không cảnh báo, tôi nghĩ Sư Phụ đã giảng quá rõ ràng rồi, họ chỉ có thể tự trách mình tu không chính mà thôi.



Và tất nhiên, những học viên nào mà ủng hộ, share hay like những bài viết như vậy thì cũng tương đương với tiếp tay cho hành vi loạn Pháp, tội của họ tôi nghĩ cũng không nhẹ đâu.


Tôi nghĩ những hiện tượng này cũng là một dạng khảo nghiệm xem ai tu thật, ai giả tu. Không phải ngẫu nhiên mà những bài viết về Khổng Tử, Tinh Hoa cổ học, với những tiêu đề kiểu như: "phương thức nhận biết tiểu nhân/quân tử" hay những danh ngôn triết học "không tranh với đời", "bạn chỉ cần lương thiện thôi ...", "người ít nói thì ..." bla bla v..v xuất hiện nhan nhản trong cộng đồng học viên hiện nay.


Những bài viết với những tiêu đề trong ảnh rất dễ kích thích cái tâm hiếu kỳ, tò mò chuyện lạ, chuyện thần bí trong tư tưởng của học viên, tuy chúng không phải là thứ xấu nhưng chúng sẽ tạo ra rào cản trong việc thực tu Đại Pháp, nếu học viên cứ chấp trước rồi đọc những thứ này rồi thì không khéo sẽ vô thức đem chính những điều được viết trong các bài đó đem ra nhận thức vấn đề trong tu luyện/chứng thực Pháp. Một số học viên mà tôi biết do quá mải đọc những bài viết này mà dần trở thành cái gọi là "hâm dở" trong mắt người xung quanh, như kiểu họ đang ở "hành tinh khác" lạc xuống đây. Tôi nghĩ những thứ này chỉ nên đọc ít thôi, và dành cho người thường đọc là chính.

Học viên có thể cho rằng đọc những thứ đó là tốt, vì nó hướng con người đến những điều tích cực, đến điều Thiện, cảm thấy tương đồng với mục đích tu luyện. Nhưng kỳ thực theo tôi nhìn nhận, đó cũng là một dạng bài test xem học viên đối đãi ra sao? Nếu ai không tu nghiêm túc, không chú ý hoặc vẫn mang nặng tâm người thường, thích những thứ mới lạ, huyền bí nơi người thường mà đối đãi với tu luyện thì rất dễ vô thức dần dần trộn lẫn những thứ đó vào tu mà không tự biết. Nếu tình trạng trên kéo dài, thì rất có thể gần như học viên đó sẽ tu mà như không. Trong Pháp Sư Phụ có giảng về một trường hợp học viên làm biến hình Pháp Luân, chắc có lẽ chúng ta đều nhớ.


Tôi nghĩ học viên một khi đã bước vào tu luyện thì giống như Sư Phụ đã giảng rõ đại ý là tu môn nào thì chỉ đọc Kinh môn ấy - Học viên chỉ nên tập trung học Đại Pháp. Những thứ triết học, tinh hoa văn hóa kia vốn chỉ nên để người không tu đọc; Người tu Đại Pháp theo tôi nghĩ là không nên đọc quá nhiều, hồi mới bắt đầu vào tu thì có thể đọc đôi chút để tham khảo, nhưng về sau đó thì tốt nhất là không nên đọc, bởi nếu cứ đọc mãi thì học viên tu theo Đại Pháp hay là tu theo những thứ đó? Cứ đọc mãi thì hóa ra coi những thứ đó ngang hàng với Đại Pháp hay sao?


Kết luận


Sư Phụ từng giảng đại ý: Tu luyện là một việc cực kỳ gian khổ, là nghiêm túc phi thường. Nhưng để hiểu được cái sức nặng của 2 chữ “gian khổ”, “nghiêm túc” đó thì có nhiều học viên (trong đó có cả bản thân tôi) đã phải qua nhiều phen ngã sứt đầu mẻ trán mới thể nghiệm dần ra được. Tôi nghĩ trong quá trình tu luyện nếu chúng ta chỉ cần một phút lơ là, không chú ý, chủ quan xem nhẹ bất cứ một chuyện gì dù là nhỏ nhất thì cái giá phải trả là không hề nhẹ. Thực ra, trong Pháp Sư Phụ đã giảng và cảnh báo hết rồi, tôi nghĩ chỉ là học viên chúng ta có nghiêm túc dụng tâm chú ý, cẩn trọng trong quá trình thực hành tu luyện và chứng thực Đại Pháp hay không mà thôi.


Trong kinh văn gửi học viên Việt Nam của Sư Phụ năm 2018, Sư Phụ chỉ dùng 2 chữ “học viên” chứ không nói "đệ tử". Thời điểm ngay sau 27/11/2018 khi đọc bài Kinh văn đó, tôi chỉ trộm nghĩ rất có thể là có nhiều lý do về cách dùng "học viên" thay vì "đệ tử" đó mà tôi vẫn chưa hiểu rõ được. Nhưng nay chứng kiến riêng hiện tượng một bộ phận không nhỏ người tu ở Việt Nam tu luyện không chuyên nhất, diễn giảng loạn Pháp trong bài viết có lẽ cũng là một vấn đề rất đáng để suy ngẫm, nó cũng khiến tôi dần dần ý thức, thấm thía hơn nội dung bài Kinh văn gửi học viên Việt Nam của Sư Phụ - Vì tôi nghĩ, rất đơn giản, nếu tu không chuyên nhất, lại còn làm loạn Pháp môn lên như vậy thì làm sao coi là "đệ tử" được có phải không? Nói là "học viên" thì thậm chí còn phải xem xét lại. Tất nhiên, nhận định vấn đề trên ra sao thì còn tùy mọi người, đây chỉ là hiểu biết nông cạn của tôi mà thôi, chỉ để tham khảo.


Những gì được phân tích, trao đổi trong bài viết đều là xuất phát từ thể ngộ còn nông cạn của tôi trong quá trình tu luyện. Nội hàm của Đại Pháp còn thâm sâu, vô biên hơn nữa. Nếu có gì còn chưa đúng, tôi rất mong nhận được góp ý.

Comments


bottom of page