top of page

Một số kinh nghiệm nhìn nhận ra tâm Đố kỵ

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019

[2017/10/29] TRÀ MY



Trong quá trình tu luyện của tôi, đã có lúc tôi thường tự cho rằng mình rất hào phóng và không có đố kỵ với ai, tôi tưởng rằng tâm đố kị của mình rất ít, nhưng thực ra không phải, sự thật hoàn toàn ngược lại, tôi có tâm đố kị quá lớn.

Tuy nhiên, cái tâm đố kị của mỗi người thì không giống nhau, theo nhìn nhận của tôi nó thường xuất phát ở những lĩnh vực mà bản thân tự cho rằng mình có năng lực, có bản sự, có hiểu biết nhất định (dù ít dù nhiều), và cái bản sự đó càng tăng thì tâm tật đố biểu hiện ra cũng càng mãnh liệt.

Ví dụ, tôi không có kỹ năng về công nghệ thông tin, khi tôi thấy nhiều vị biết lập trình, gõ mã code thì tôi thấy rất thích thú và muốn học hỏi, khi đó ai hơn tôi thì tôi trong tâm tôi cũng không có vấn đề gì, vì bản sự của tôi về lĩnh vực đó không có.

Thế nhưng nếu tôi là một người khá giỏi về công nghệ, những thứ tôi làm ra thì được nhiều người khen ngợi, ca tụng, đánh giá cao thì y như rằng cái tâm Đố kị kia của tôi cũng mạnh dần lên.

Giả sử nếu mọi việc vẫn tốt, thì chắc nó cũng không biểu hiện ra bên ngoài và tôi cũng không cảm nhận được mình có tâm Đố kị đó, nhưng khi được an bài một hoàn cảnh nhất định, giả như một vị nào đó là dân nghiệp dư mà đột nhiên sáng tạo ra một phần mềm có danh tiếng lớn, thậm chí thu nhập rất cao do lượt tải về , dù ngoài mặt tôi khen ngợi nhưng trong tâm lại thấy bất bình, vì là người tu luyện nên tôi nghĩ theo kiểu sau: “Chắc là do ông này đức nhiều nên mới kiếm nhiều tiền và được khen ngợi chứ chắc gì bản sự lớn bằng mình, nếu thử không có đức xem, thiết kế ra như vậy có người mua hay không?”. Đã có lúc sau khi vượt qua cái quan đó, tôi mới giật mình xem lại và thấy rằng mình dùng cả Pháp lý để che đậy, để lý giải biện bạch về sự yếu kém của bản thân so với người mới vào nghề mà có được thành tựu lớn hơn kia, ngoài mặt tôi lấy Pháp lý ra che đậy nhưng trong tâm tôi không phục, không muốn thừa nhận sự thật rằng tôi thua kém, tâm không cân bằng được nên lúc đó cái tâm Đố kị khiến tôi đi bới lông tìm vết, cố tìm ra được những thứ chưa được hoàn thiện trong phần mềm của họ, thay vì âm thầm góp ý với người đó để họ chỉnh sửa với lời lẽ thiện thì gặp ai tôi cũng đem ra phân tích, lời tôi vẫn rất khách quan nhưng tâm tôi là muốn dìm người mới vào nghề kia, càng phơi ra cái yếu của họ tôi càng hả hê trong tâm, có như vậy tâm tôi mới quân bình lại được nhưng có vẻ tôi không bao giờ tìm lại được cái cảm giác yên bình trong tâm như trước lúc tôi được an bài biết được vị mới vào nghề kia đạt được danh tiếng như vậy.

Sau đó một thời gian khi mà tình trạng tu luyện có nhiều dấu hiệu bất ổn và tôi nhìn thấy rất nhiều người nói xấu về người khác trước mặt mình một cách như thể được an bài để mình nhìn, tôi mới thử nhìn lại mình xem chả lẽ mình cũng có? Và tôi suy nghĩ sâu xuống, đem những sự việc gần đây lấy ra liên hệ và cuối cùng tôi mới giật mình kinh khiếp nhận ra cái tâm Đố kị đó, nó quá kinh khủng, lúc này trong tâm tôi phải thừa nhận rằng mình đã sai khi cho rằng tâm tật đố của mình là ít, và trong lòng cũng phải tự nhủ rằng mình đã làm những hành vi không tốt đối với vị mới vào nghề kia, trong tâm tôi lúc đó thực sự hối hận và muốn xin lỗi vị đó. Thật là bất ngờ khi tôi nhận thức ra được vấn đề thì y như rằng cái cảm giác yên bình trong tâm kia lại trở về, có vẻ như kể từ lúc tôi nhận ra cái tâm không tốt của mình và hối hận thực sự thì Sư phụ đã trừ bỏ nó đi giúp tôi. Qua lần trải nghiệm đó, tôi đã tự nhủ với lòng mình rằng cái tâm đó của mình còn rất nhiều, không thể chủ quan và phải thực sự nghiêm khắc với bản thân hơn nữa.

Theo thể ngộ nông cạn của tôi thì Tâm Đố kị thường xuất hiện nhất là với những ai càng có bản sự, như khi mình là nhân viên có kinh nghiệm lâu năm mà buộc phải đi làm những việc nhỏ nhặt mà đáng lẽ ra phải để những người mới học việc làm, tôi cũng khó chịu. Nó cũng liên quan đến vấn đề tuổi tác, giả như trong sở làm của tôi có một người nữ ít tuổi hơn, đáng lẽ cái việc trực nghe điện thoại đó là cô ấy phải làm (thực ra là quan niệm hậu thiên của tôi cho rằng như vậy), có vài lần người nữ này lúc không có sếp trong phòng đang mải nhắn tin, có cuộc điện thoại đến thì đáng nhẽ phải nghe nhưng lại bảo tôi “Anh ra nghe máy đi, em đang bận”, tôi trong lòng lúc đó rất khó chịu, nghĩ “nó nhỏ tuổi hơn mình, làm thì suốt ngày bị sếp mắng, đã giúp nó bao nhiêu mà bây giờ đến cái việc nghe điện thoại nó còn chây ỳ không làm”. Mặc dù vậy, do có cái tính không muốn gây mất lòng và muốn quan hệ hài hòa trong công ty nên tôi miễn cưỡng ra nghe điện thoại giúp. Kể từ lúc đó đến khi về nhà tâm tôi rất khó chịu, cái hình ảnh đó lúc nào cũng lởn vởn trong đầu, càng nghĩ càng bực mình, đến khi về nhà lấy sách ra đọc, đến bài giảng Tâm nhất định phải chính, và đọc đến đoạn “đột nhiên nói lời bất kính với chư vị” (không phải nguyên văn) thì tôi giật mình hiểu ra rằng khi đó là đang khảo nghiệm tôi, tôi vì quá chấp vào thể diện, cho rằng với kinh nghiệm của mình không nên làm những việc như vậy, phải làm việc lớn thì tôi mới vừa lòng. Cũng là tôi đố kị với người nữ nhỏ tuổi hơn kia, rằng tôi gặp bất công, đáng nhẽ phải là việc họ làm thì tôi phải làm, trong tâm thức tôi thấy không cam tâm vì bị đối xử không công bằng, thực tế sau này suy xét sâu xuống cũng là tâm đố kị khiêu dẫn đến. Bản chất là không muốn thua kém ai, nhưng cũng không muốn làm việc không xứng đang với bản sự của mình v..v. Cũng là tôi chấp trước vào tuổi tác, cho rằng mình nhiều tuổi hơn thì phải được tôn trọng, kỳ thực là tôi mong cầu được mọi người tôn trọng và đối xử tốt với mình, chả phải tâm cầu danh là gì?

Quả thực chỉ có một vấn đề nhỏ là đi nghe hộ điện thoại đó đã thể hiện ra quá nhiều tâm Ma ẩn giấu trong tôi, có cả tâm Đố kị, tâm cầu danh.

Theo kinh nghiệm của tôi có thể tạm liệt kê một số phương thức nhận biết tâm Đố kị như sau :

- Khi chúng ta càng có kiến thức, bản sự về lĩnh vực nào đó (rất nhiều lĩnh vực như ăn nói, nghệ thuật, tính toán, lập trình, lượt view, like trên facebook cao hơn v…v) hoặc có đặc điểm nào đó (đặc biệt là nữ giới: đẹp hơn, thân hình mảnh khảnh hơn v..v) và gặp phải người không cùng “đẳng cấp” mà lại được người ta tán dương họ hơn mình, hoặc thấy họ nổi tiếng quá nhanh, so với mình thì vượt trội hơn mặc dù họ thực lực kém mình thì cũng dễ khởi tâm Đố kị.

- Khi chúng ta phải chịu thiệt, chịu khổ trong hoàn cảnh mà đáng nhẽ người mà chúng ta cho rằng họ phải chịu thì họ lại được ngồi chơi.

- Khi chúng ta cho rằng tuổi tác của mình cao hơn họ nên ít nhiều kinh nghiệm của mình cũng cao hơn họ và họ cần phải tôn trọng mình.

- Khi chúng ta cùng làm với họ nhưng kết quả họ lại luôn tốt hơn mình.

v..v..................

Tất nhiên, tất cả đều phải có hoàn cảnh an bài xúc tác thì những cái tâm đó mới nổi lên và bản thân mới nhận biết mình có nó mà bỏ đi, nếu không thì rất khó nhận ra vì nó ẩn rất sâu.

Trên đây là một vài kinh nghiệm về nhận biết tâm Đố kị trong quá trình tu luyện của tôi, thực ra nó biểu hiện rất đa dạng và ở nhiều hoàn cảnh, không phải tật đố chỉ đơn giản là vì người ta hơn mình, mà nhiều khi ở hướng ngược lại vì mình chịu khổ nhiều hơn người ta cũng dẫn khởi tâm bất mãn, đố kị. Quả thực tu luyện không phải chuyện đơn giản!

Đây là chia sẻ từ thể ngộ nông cạn của cá nhân còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự đóng góp.

bottom of page