top of page

Mạn đàm về trách nhiệm duy hộ Đại Pháp của học viên Việt Nam

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019

[08/02/2018] THANH DƯƠNG




Hiện nay tôi thấy trong cộng đồng tu luyện Đại Pháp tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều thành phần trà trộn vào, có chỗ giả làm học viên phá hoại hình ảnh Đại Pháp trong mắt người thường, có chỗ vào kích động dẫn dụ học viên thực hiện hành vi phá hoại Pháp, thậm chí còn kinh doanh trái phép trong các học viên.

Tôi có nhìn thấy và biểu đạt rằng những hành vi đó là đi ngược lại với Pháp và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi cũng biết rất nhiều học viên cả lâu năm hoặc vài năm vốn nắm rõ tình hình, nhưng tự cho rằng bản thân không có khả năng diễn đạt, không có kỹ năng phân tích làm cớ thoái thác, lại bị những thành phần phá hoại kia chụp cái mũ “tu khẩu”, “phong cách ăn nói”, “tâm tranh đấu” vào làm họ bị chùn chân không dám hoặc chỉ yếu ớt cất lên tiếng nói, thành ra tự họ thiết lập cho chính mình một cái rào cản vô hình: Họ định nói thì sợ nói không đúng, định nói thì sợ tu khẩu có vấn đề, định nói thì sợ mắc tâm tranh đấu v..v. Vậy chẳng phải họ sợ mắc phải chấp trước là gì? Cái tâm lo sợ mình sai, mình mắc chấp trước đó có phải là bản chất nó cũng chính là tâm chấp trước chăng, họ thực tế không hiểu tu là gì hay là lấy cớ để trốn tránh trách nhiệm?

Theo thể ngộ nông cạn của tôi thì tu luyện là phải được Sư Phụ an bài hoàn cảnh để chấp trước lộ ra, qua đó học viên nhận biết để bỏ nó đi, đó là moi từ bên trong cái tâm của học viên ra nên trong quá trình tu học viên sẽ cảm nhận rất nhiều chấp trước được bỏ ra, đó vốn là một quá trình trường kỳ thì sao lại sợ mắc chấp trước? Tôi hiểu rằng chẳng phải nó tồn tại rất nhiều và phải moi ra căn cứ theo trình tự an bài của Sư Phụ đó sao? Nói cách khác học viên trong quá trình tu luyện thì theo cá nhân tôi hiểu là luôn có chấp trước, chỉ là chưa có hoàn cảnh để moi nó hiển lộ ra thôi. Nó luôn có thì tất nhiên phải tự ý thức là chỉ quan tâm thấy là bỏ nó đi, buông cái chấp trước đó ra, mỗi quan ải chỉ là bỏ bớt đi một phần của cái chấp trước đó thôi, nó còn rất nhiều nên tôi hiểu là phải qua trường kỳ tu luyện mới bỏ hết đi được. Suy nghĩ sợ chấp trước đó chả phải là hữu lậu hay sao?

Duy hộ Pháp là trách nhiệm, là việc học viên nên phải chủ động làm, học viên đã thọ ân độ hóa của Sư Phụ, được an bài tiêu nghiệp và đề cao tâm tính, thì khi thấy học viên khác bị bức hại, Đại Pháp bị lợi dụng hay phá hoại (tất nhiên họ không phá hoại nổi Pháp, nhưng nếu họ làm thanh danh của Pháp bị ảnh hưởng thì người thường sẽ qua đó mà bị đào thải do nhìn nhận sai về Pháp) thì đáng nhẽ họ phải dốc toàn bộ khả năng dù ít hay nhiều ra để phơi bày những hành vi sai trái trên, vừa để giảm thiểu tổn thất, vừa để ngăn chặn hành vi ác, đó là trách nhiệm chứ không phải là việc thích hay không thích. Để mặc cho kẻ ác bức hại học viên với cái lý do là "không cấp thị trường cho chúng" - cái đó chỉ đúng với học viên nào đã thanh tỉnh và nhận ra bản chất của kẻ ác, còn với học viên chưa thanh tỉnh thì làm sao làm nổi? Vậy để mặc cho kẻ ác, không cấp thị trường cho chúng, không phơi bày chúng ra chẳng phải gián tiếp góp sức giúp kẻ ác bức hại học viên là gì?

Nhưng đến khi sự việc cần họ ra làm, thì họ lại muốn an toàn cho bản thân, chỉ thích xem các học viên khác phơi bày ra và ngồi ngoài theo dõi để đỡ gặp rủi ro và đỡ nhọc công. Họ thậm chí còn thi thoảng bình phẩm, bình luận hay dở, bảo học viên chỉ ra là tranh đấu, là ăn nói thế này thế nọ không vừa ý họ, nhưng chính bản thân họ chẳng phải khôn lỏi là gì? Họ không thực thi trách nhiệm của mình nhưng lại đi chỉ trích học viên bước ra làm và ngồi ngoài phán và bình luận lỗi sai? Họ chỉ muốn an toàn cho bản thân, sợ bị chỉ trích, sợ bị mất danh, sợ tạo nghiệp, sợ dính tu khẩu (nói thẳng ra là họ sợ nói hố, sợ nói sai, sợ bị bắt lỗi), sợ bị chê là tu không tốt, sợ bị coi thường? Thậm chí ngại động chạm do cái tâm cả nể đối với học viên, ngại đối diện với mâu thuẫn - đại khái là họ chỉ thích nhẹ nhàng, thoải mái giống như nằm ghế sofa mà bật tivi lên xem học viên khác chứng thực Pháp, duy hộ Pháp ra sao?

Tôi nghĩ rằng "Biết được con đường và đi trên con đường đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau", cũng như vậy, biết được trách nhiệm phải duy hộ Pháp và bước ra duy hộ Pháp trong thực tế cũng là hai chuyện khác nhau. Nếu họ chỉ quan sát mà không hành động gì thì có phải những gì họ làm từ trước đến nay và những gì họ nói về cứu người, duy hộ Pháp tất cả chỉ là lời nói đầu môi và nếu có thì cũng vì bản thân họ đúng không? Thanh danh Đại Pháp có bị ảnh hưởng họ cũng không cần quan tâm vì họ ngụy biện rằng Đại Pháp làm sao bị phá được, cái đó là tất nhiên.

Nhưng thông qua việc lợi dụng và phá hoại Đại Pháp (mặc dù không phá được) thì rất nhiều học viên bị bức hại, bị lợi dụng, người thường thì hiểu sai về Pháp mà họ còn không có lấy một hành động thực thi trách nhiệm của họ thì hỏi họ có xứng đáng làm học viên nữa hay không? Hay họ thấy người ta chết, học viên bị bức hại là do họ tu không tốt nên vậy, và ai làm người đó chịu chứ không liên quan gì đến họ? Loại người này là loại người tu gì vậy? Chỉ quan tâm lợi ích tu cá nhân họ đúng không? Vậy hỏi Sư Phụ có cần loại học viên chỉ bo bo giữ lấy mình như vậy hay không? Nó có khác gì một bộ phận không nhỏ học viên trước đây khi Đại Pháp và Sư Phụ bị phỉ báng và bôi nhọ ở bên Trung Quốc thì họ chỉ ở nhà đọc sách và không dám bước ra nói lời công chính? Họ rốt cuộc cuối cùng không thể bỏ cái tư tâm của họ đi.

Tất nhiên, nếu là chuyện tu luyện cá nhân, không liên quan gì đến tình hình chung và việc giảng chân tướng thì tôi nghĩ chả ai rảnh thời gian để mà làm những việc này, sử dụng thời gian vào tu cá nhân và chứng thực Pháp có lẽ còn không đủ. Nhưng hiện nay sự tình đã trở nên rất nghiêm trọng mà nếu cứ để tiếp diễn thì không biết trong thời gian tới môi trường tu luyện tại Việt Nam sẽ lãnh hậu quả gì, lúc đó thì chả phải chính họ cũng sẽ phải chịu kiếp nạn chung hay sao? Đây là vấn đề đặc thù, không còn thuộc phạm vi tu luyện hay suy xét theo kiểu tư duy thông thường được nữa.

Tôi nói có lẽ cũng có phần hơi nặng, nhưng đó là cần thiết, vì nó chỉ thẳng ra cái tâm thích giữ an toàn cho bản thân, tảng lờ trách nhiệm mà một học viên chân chính đáng nhẽ phải làm, thà là họ bước ra duy hộ Pháp, có chỗ làm chưa tốt thì rút kinh nghiệm nhưng ít ra mọi người nhìn thấy cái tâm của họ là chân chính, là vì Pháp, vì học viên, vì con người mà làm, không có cái tư lợi cho bản thân. Thực ra trong chính cái quá trình duy hộ Pháp đó chẳng phải cũng là hoàn cảnh thuận tiện để họ nhìn thấy chấp trước của mình mà bỏ đó đi sao? Học viên trong thời kỳ Chính Pháp mà không khởi nổi tác dụng duy hộ Pháp thì có còn nên là học viên nữa hay không? Chẳng phải họ đang cô phụ sự khổ độ của Sư Phụ là gì?

Nói một cách hơi quá nữa, là nhiều học viên rất hăng hái đi giảng chân tướng cho người thường, nhưng trong nội bộ có kẻ phá hoại thì lại cố tình lơ đi mà không phơi bày chúng ra cho học viên khác thấy để kẻ ác kia không thể hành ác thêm được nữa. Làm ngơ trước hoạt động phá hoại Pháp, bức hại học viên thì khác gì đồng lõa với chúng? Hay học viên cho rằng giảng chân tướng cho người thường thì mới có nhiều công đức hơn? Còn phơi bày hiện tượng phá hoại trong nội bộ thì không? Lại ngại va chạm, sợ mất Đức, sợ tu khẩu, sợ mất danh? Chẳng ra mọi hành vi từ trước tới nay của một bộ phận không nhỏ học viên chẳng qua là vì lợi ích bản thân mà thôi? Khi động chạm một chút đến cái lợi ích đó thì tìm cớ để thoái thác? Nào là tôi không có tài năng nói, không có khả năng diễn đạt, hiểu biết không sâu v..v. Trong cuộc bức hại tinh vi là từ nội bộ này chẳng phải đang xem học viên lựa chọn thái độ ra sao đây? Ai cũng mang cái tâm khôn vặt của người thường chỉ muốn an toàn ngồi quan sát, lựa chọn việc nhẹ nhàng còn việc gian khổ, rủi ro thì để người khác hứng hộ. Họ thực chất biết mà không nói, không phơi bày, không cảnh báo học viên thì cũng ngang như tiếp tay cho phá hoại Pháp mà thôi. Có khác gì người dân Trung Quốc làm ngơ trước cuộc bức hại Pháp Luân Công không?

Tất nhiên, tôi chỉ đưa ra vấn đề từ góc độ tu luyện, rằng cái gì nên và không nên làm. Tôi chỉ từ thể ngộ mà phân tích ra vấn đề tại sao nên làm còn thực tế học viên lựa chọn ra sao thì là do tự thân mỗi người quyết định chứ tôi không có ý ép buộc ai hay áp đặt ai cả. Rốt cuộc, sau cùng họ vẫn phải tự mình tư duy, xem xét vấn đề theo Pháp xem những gì diễn ra có đúng như vậy hay không?

Những gì tôi nói trên đây đều là thể ngộ nông cạn của cá nhân, nếu có gì không đúng rất mong được từ bi chỉ rõ.

bottom of page