top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Bị những thành phần khoác áo học viên bức hại, lừa tiền thì … được Đức? Và sau đó là huề cả làng?

Đã cập nhật: 25 thg 5, 2019


[2019/04/01] MINH TRÚC


MỞ ĐẦU:

Trong cộng đồng học viên tu luyện hiện nay, có một thực trạng là đang tồn tại rất nhiều những thành phần bất hảo ẩn núp trong cộng đồng học viên. Họ không chỉ khoác áo học viên, làm cho học viên tưởng rằng họ cũng như người tu luyện, mà còn lợi dụng thân phận hay cái mác “học viên” đó mà lừa rất nhiều tiền từ những học viên khác, tất nhiên là họ - những kẻ đi lừa tiền luôn phải ngụy trang hành vi của mình bằng những thứ đẹp đẽ mà có thể qua mắt được học viên như là "cứu chúng sinh", "chứng thực Pháp", v..v. Số tiền rơi vào tay những thành phần này nhẹ thì vài trăm, vài triệu; Nặng thì đến vài chục vài trăm triệu; Thậm chí ghê hơn nữa thì đến hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ. Đã có nhiều bài học đau thương được cộng đồng nêu lên, nhưng có vẻ nhiều học viên vẫn còn bàng quang.

Có học viên tôi được biết sau khi nhận ra mình bị lừa thì cảm thấy thất vọng, có học viên cảm thấy mất niềm tin vào tu luyện, v..v nhưng nếu mà chỉ bị như vậy thì ở góc độ nào đó tôi nghĩ là còn đỡ. Có những học viên kể cả biết mình bị lừa tiền rồi, thậm chí còn biết là bị lừa một cách trắng trợn mà vẫn lý giải rằng bản thân tuy mất tiền nhưng đã được bồi thường Đức từ kẻ lừa đảo kia nên cũng không có hành động phơi bày cái sai của những kẻ bất hảo kia ra nữa. Thậm chí còn xông vào khuyên can những học viên nào khác mà đang phơi bày những thành phần đó ra rằng "đừng làm như vậy", "đừng tạo thị phi", "họ làm sai thì họ mất Đức rồi, sao còn làm um lên nữa?" v..v - Có lẽ chả có nơi nào có người bị "đồng tu" của mình lừa tiền mà bản thân vẫn im như bị thóc và ngậm bồ hòn làm ngọt như học viên tại Việt Nam cả. Đi lừa tiền một nhóm người mà cứ nhởn nhơ như không, chả sợ bị phát giác, thậm chí có bị chính nhóm người đó phát hiện ra cũng không bị tố giác, như vậy ai mà chả muốn lợi dụng nhóm người đó? Và nếu cứ làm thế chả phải sẽ khiến người không tu trong xã hội hiểu rằng cứ tu luyện Đại Pháp thì sẽ tự động trở thành người ngây ngô, bị lừa đảo dễ dàng? Nếu chuyện này mà lan ra dư luận xã hội thì hỏi có ai còn muốn bước vào tu luyện hay không? Có thể họ - những học viên bị lừa, cho rằng họ làm vậy là cao thượng. Nhưng vấn đề là sự việc nó lại không phải đơn giản là nằm trong phạm vi cá nhân của họ nữa. Nếu là người thường không tu luyện, nói họ bị lừa tiền nhưng không phản ứng gì và điều đó có nghĩa là họ cao thượng thì ở góc độ nào đó (không tuyệt đối) thì có lẽ còn được; Nhưng nếu là người tu thì nó không phải chỉ là liên quan đến việc tu của họ, mà còn liên quan đến cả bản thân Pháp tu đó nữa, đó ngược lại là một sự việc hết sức nghiêm trọng.

Ở bài viết này, tôi xin đi sâu vào trao đổi về nhóm học viên có lối lý giải “được Đức khi bị lừa tiền và sau đó mặc kệ kẻ lừa đảo” kia dưới góc độ Pháp lý. Tất nhiên, những chia sẻ về thể ngộ của tôi ắt cũng sẽ còn rất nông cạn, do đó những ý kiến nêu ra cũng chỉ để tham khảo. Học viên là phải lấy Pháp làm thầy.


NỘI DUNG CHÍNH:

Khoác áo học viên đi lừa tiền học viên - thực chất không thể coi những người đó là học viên chân chính


Một người tu luyện theo Chân - Thiện - Nhẫn thì tôi hiểu rõ ràng là họ không thể có dụng ý đi lừa người nào khác chỉ vì tư lợi của họ. Nếu họ làm như vậy trước khi họ bước vào tu rồi sau khi bước vào tu luyện họ thay đổi và không làm những điều sai trái như vậy nữa, tôi nghĩ là chuyện bình thường, cũng không cần bàn đến. Nhưng, nếu một người tu luyện, đã bước vào, học và hiểu rõ ở mức độ bề mặt nhất Pháp của Sư Phụ, mà vẫn còn dụng ý đi lừa tiền người khác; hoặc vì lý do lười nhác, không chịu tìm kiếm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống mà ăn nhờ ở đợ học viên, vô công mà thọ lộc như vậy thì rõ ràng những người này là đang làm trái với Pháp của Sư Phụ. Dựa trên bài "Người tu cần tránh" - Tinh Tấn Yếu Chỉ, những kẻ đó theo tôi hiểu không phải là người tu luyện mà chỉ là kẻ cầu tài giả tu mà thôi.

Là một người tu luyện thực sự, tôi nhớ có một ví dụ trong Chuyển Pháp Luân mà Sư Phụ có giảng về một trường hợp trong bài giảng "Đề cao tâm tính" - tôi nhớ đại ý, không nguyên văn là ở Bắc Kinh có hai bố con buổi tối sau khi ăn xong đi dạo ở Tiền Môn, gặp quầy xe bán vé số, vì đứa con trai muốn chơi nên ông bố cho cậu con một đồng để chơi. Ai ngờ đâu cậu bé này lại trúng được chiếc xe đạp cao cấp dành cho trẻ em. Ông bố này lúc đó máy động niệm đầu và nghĩ là đã làm một điều sai vì người luyện công sao lại cầu những thứ như vậy, đã lấy của cải phi nghĩa mất rồi và ông bố này sợ không biết bị mất bao nhiêu Đức cho người bán vé nữa? Do cậu con trai kiên quyết đòi lấy bằng được chiếc xe đạp nên ông bố này lúc đầu tuy có ý muốn trả lại xe nhưng sau đó đành phải dắt xe về. Vì quá khó chịu trong tâm nên về sau ông bố này đem tiền ủng hộ đơn vị.

Như vậy, việc nhận của cải phi nghĩa trong ví dụ trên mà Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân, tôi thể ngộ nông cạn rằng trong phạm vi tu luyện cá nhân - một người tu luyện Đại Pháp không thể tùy tiện nhận lợi lộc từ ai đó mà không phải bỏ công sức ra để trả lại. Nếu một người tu hiểu rằng việc bỏ tiền mua vé số trúng thưởng là sai với Pháp, là ngang với không bỏ công sức mà nhận được lợi ích, tức là bằng như phải bỏ Đức ra để bồi thường - Thì liệu người đó có thể đi lừa tiền người khác được hay không? Bỏ tiền ít mua vé số để trúng thưởng lớn với bỏ chút công sức lừa được nhiều tiền của học viên thì bản chất đâu có gì khác nhau? Còn nhiều ví dụ khác trong Pháp mà Sư Phụ giảng liên quan đến vấn đề này, tôi nhớ đại ý là có nhiều công nhân trước lấy đầu khăn tắm của nhà máy đem về nhà dùng, sau khi họ học Đại Pháp thì lại mang trả lại công ty những gì họ đã lấy mang về v..v. Tôi thể ngộ rằng là một người tu thì hành vi lừa người khác hay ăn cắp thứ gì đó để mưu lợi riêng là không thể chấp nhận được. Những người kia biết thế là sai ngay từ đầu mà vẫn bao biện rằng dó "mình còn đang tu" nên vẫn làm thì có khác gì biết quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình là sai mà do "mình còn đang tu" nên vẫn có thể vi phạm? Đó đâu phải là tu? Biết rằng trong Pháp như vậy là sai mà vẫn cố tình phạm phải thì kỳ thực tôi nghĩ đó là khinh nhờn sự từ bi của Đại Pháp! Và cũng chẳng thể nói họ là người tu vì họ đâu có hành theo Pháp?

Một người thường có cái ý nghĩ ỷ lại đó vốn đã là không đúng, những cụm từ mà người thường hay dùng để chỉ những người không làm mà hưởng đó, không lao động chân chính để có tiền mà toàn tìm kế đi lừa người khác đó rất dễ gặp như là “ăn bám”, “ngồi mát ăn bát vàng”, "ăn không, ngồi rồi" v..v. Một người tu luyện, tôi hiểu rằng đầu tiên phải đi lên từ người thường, trở thành người tốt, rồi tốt hơn nữa, đạt đến cao hơn cả người thường rồi dần đạt tiêu chuẩn người tu luyện siêu thường thì rõ ràng những thứ như “ỷ lại”, “dựa dẫm”, “vô công mà thọ lộc”, "lừa tiền" v..v kia đáng ra phải không được tồn tại. Vậy hỏi lại rằng, họ có dám nảy sinh cái ý nghĩ đi ăn nhờ ở đợ, lừa tiền học viên khác mà không chịu bồi hoàn gì không? Chứ chưa dám nói họ định làm vậy thật? Họ nói họ làm thế thì họ lấy Đức ra để bồi hoàn, nhưng vấn đề là: Một người tu chân chính, vốn phải làm tốt hơn người thường, vốn phải là một người có công ăn việc làm bình thường để tự nuôi sống bản thân, không làm phiền người khác thì sao họ lại tồn tại hành vi bất hảo đó? Chả phải đó là ngụy biện cho cái tâm vụ lợi, tâm lười biếng, không làm mà đòi hưởng thụ đó hay sao? Đó có phải hành vi nên có của một học viên hay không? Nếu thế, tôi nghĩ những người kia sao không thử đi cướp ngân hàng và sai đó cũng nói với quản lý ngân hàng là sẽ dùng Đức để bồi thường cho số tiền cướp được nên huề cả làng và rằng quản lý ngân hàng đừng có báo cảnh sát nữa, đừng làm um lên nữa? Tại sao họ không nhắm vào những người đó mà cứ chỉ nhắm vào học viên? Vì họ biết học viên có tâm Thiện nên mới lừa được còn nếu mà họ dám đi cướp ngân hàng thật thì tôi chỉ e không khéo lúc đó khi họ nói vậy, họ kiểu gì cũng bị quản lý gọi bảo vệ ngân hàng đánh cho te tua ra và thậm chí còn chế giễu rằng “chúng tôi đánh ông vậy thì chúng tôi mất Đức cho ông, vậy ổn chưa?”. Như vậy thì cũng ngang như kẻ bức hại, tra tấn học viên cũng có thể nói "chúng tôi tra tấn ông thì chúng tôi mất Đức cho ông, phải vậy không? Ông là nên ngồi im cho chúng tôi tra tấn" - Đó chẳng phải tự chiêu mời khổ nạn là gì?

Do đó, hễ ai mà tự xưng danh người tu, mà lại có hành vi kiểu như vậy, rồi lại còn bảo học viên khác phải buông bỏ tâm, rồi học viên khác sẽ được Đức để bù lại, đừng làm um lên nữa, đừng phơi bày họ ra nữa - thì tôi nghĩ người này chỉ là thành phần bất hảo, khoác áo học viên vào để lòe bịp mà thôi. Có nhiều thành phần bất hảo vô công rồi nghề trong xã hội, nhưng lại thấy học viên quá dễ lừa nên khoác áo ngụy trạng vào lừa đảo học viên, lợi dụng cái tâm Thiện của học viên. Như vậy, học viên khi đó không thể coi người kiểu dạng như trên cũng là người tu nữa vì họ đâu có tu? Họ đâu có làm theo lời dạy của Sư Phụ? Ít nhất thì lúc đó phải chấm dứt ngay, không để kẻ bất hảo kia tiếp tục thực hiện điều xấu. Học viên lúc đó có thể nói đạo lý để khuyên can nhưng nếu kẻ này không chịu phản tỉnh thì tôi nghĩ học viên cũng cần phải phơi bày thành phần này ra với các học viên khác để phòng tránh việc họ tiếp tục đi lừa phỉnh nhiều người tu mà chưa biết chuyện. Nếu sau đó kẻ này vẫn cứ ngoan cố đi làm điều xấu, ảnh hưởng đến nhiều học viên thì tôi nghĩ có lẽ phải báo họ lên công an. Đó là để giúp họ ngưng làm điều xấu bởi nếu họ lừa tiền học viên, lừa tiền người tu luyện Đại Pháp thì tôi thể ngộ rằng họ cũng ngang như can nhiễu đến và lợi dụng Đại Pháp. Liệu tội đó có còn là tội nhẹ hay không? Nơi con người họ có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc bị giam cầm, nhưng nếu phạm tội với Đại Pháp, can nhiễu học viên tu luyện thì rõ ràng hậu quả mà họ phải đối diện là không đơn giản đâu.

Bất kỳ một tổ chức hay một cá nhân nào nếu chỉ có thái độ không tốt với Đại Pháp hay học viên Đại Pháp thì điều gì xảy ra hẳn mỗi học viên tự có thể nghiệm ra được. Ở Trung Quốc trong thời kỳ bị bức hại, một người dân chỉ cần có thái độ ủng hộ Đại Pháp, ủng hộ học viên thôi đã được đắc phúc báo thì đã đủ để hiểu ra vấn đề, nhưng có thái độ không tốt thì cũng nhiều ví dụ. Chỉ với “thái độ” thôi mà đã như vậy thì liệu nếu nó mà tiến tới thành hành động, lời nói nữa thì sẽ ra sao? Lấy danh nghĩa học viên đi lừa tiền học viên - Đó chẳng phải tội nặng là gì? Đó không còn giới hạn dưới góc độ tu luyện cá nhân nữa mà đã là vấn đề liên quan đến phá hoại trong nội bộ học viên, là ngang với hành vi phá hoại Pháp từ bên trong. Do đó trong hoàn cảnh này thì là một người tu, rõ ràng cần phải thực thi việc duy hộ Pháp, làm trong sạch cộng đồng tu luyện, bởi nếu họ không làm thì họ tu luyện làm gì? Để yên cho kẻ ác lợi dụng Đại Pháp, phá hoại thanh danh của Đại Pháp và tiếp tục can nhiễu học viên chăng? Nhẹ thì có thể khuyên can và phải lấy lại hết số tiền mà người kia đã lừa được, vì nếu không trả thì kẻ lừa đảo đó mặc định là xong rồi. Nếu nặng thì buộc phải báo công an, chính quyền sở tại biết để có hành động ngăn chặn kẻ đó lại. Đó cũng là một phương thức cứu vớt họ, để họ không phạm thêm tội nghiệp với Đại Pháp thêm nữa.

Hơn nữa, hành vi lợi dụng thân phận là học viên mà đi lừa tiền học viên khác đó liệu có khác gì đặc vụ Trung Cộng đi bức hại tài chính học viên bên Trung Quốc? Vậy nếu với cái suy nghĩ “được Đức từ kẻ lừa tiền” đó thì chắc đặc vụ Trung Cộng phải mất nhiều Đức lắm? Và vì đặc vụ Trung Cộng đã bị mất Đức nên học viên không cần phải vạch trần cuộc bức hại ra làm gì nữa phải không? Nói xa hơn, vì ĐCSTQ bức hại học viên bên Trung Quốc nên ĐCSTQ đã chịu mất rất nhiều Đức nên cũng không cần phải phơi bày cuộc bức hại ra nữa đúng không? Nếu hành vi lợi dụng thân phận học viên đi lừa tiền kia mà bị người thường trong xã hội biết được, để người nhà các học viên bị lừa tiền biết được thì thanh danh Đại Pháp sẽ ra sao? Chẳng phải cần phơi bày chúng ra? Đó chẳng phải chặn đứng hành vi tà ác của những kẻ bất hảo và cũng là thực thi trách nhiệm duy hộ Pháp của học viên là gì? Như thế người ngoài không tu họ mới có thể nhận rõ ra đâu là người tu thật, đâu là kẻ trà trộn đúng không? Lúc đó chả phải họ sẽ phân biệt rõ thật giả, không đánh đồng học viên với những kẻ khoác áo ngụy trang để rồi có ý nghĩ không hay về học viên?


Bị Cựu Thế Lực đánh đồng chung một nhóm với những thành phần phá hoại Đại Pháp, bất cần biết là bản thân học viên có biết rằng bị lừa hay không? Cứ hễ chủ động đưa tiền là được xem là chung nhóm

Học viên khi bị lừa tiền dưới bất kỳ hình thức nào mà dưới danh nghĩa hạng mục hay v..v vì Đại Pháp thì kỳ thực số tiền bản thân học viên bị lừa đó trên thực tế theo những gì tôi nhớ rằng Sư Phụ giảng trong Kinh văn (đại ý, không nguyên văn) đó là học viên tuy là đưa tiền cho người khác, học viên cũng bằng như ủng hộ họ làm như vậy, học viên cũng là sai, do đó Cựu Thế Lực sẽ không coi học viên là như kẻ bị lừa dối, chúng nhìn nhận rằng học viên là cùng một nhóm, học viên là ủng hộ họ. Sư Phụ cũng giảng rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng đối với khoản tiền ủng hộ đó của học viên thì học viên nhất định phải biết rõ người khác làm gì, phải biết hết sức rõ ràng, nếu không thì không thể làm (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015).

Do đó, tôi thể ngộ rằng nếu học viên bị lừa đưa tiền cho kẻ xấu khoác áo học viên phá hoại Pháp, thì tuy học viên về lý là bị lừa dối nhưng Cựu Thế Lực vẫn nhìn nhận rằng học viên là ủng hộ những kẻ phá hoại đó (vì nếu học viên đáng lý khi đưa tiền cho ai thì phải nắm rõ họ sử dụng tiền đó vào việc gì, cái đó là trách nhiệm nhưng nhiều học viên lại lờ đi không để tâm mà cứ nhiệt tình, cả tin mà quyên tiền thì đó là lỗi của học viên). Như vậy nếu học viên bị xếp chung nhóm với những thành phần phá hoại thì kết cục đối với học viên đó sẽ ra sao? Liệu có bị bức hại hay không? Phá hoại Đại Pháp có phải tội nhỏ hay không?

Như vậy, rõ ràng nếu biết bản thân bị lừa thì ắt học viên muốn tự cứu không chỉ phải phơi bày rõ những thành phần xấu kia ra mà còn phải thanh minh công khai rằng mình bị lừa và phủ nhận hết thảy các hành vi trước đó thì may ra còn có thể thoát được sự bức hại của Cựu Thế Lực, nếu không thì chả phải học viên cứ thế mà chờ ngày chết? Học viên đáng lý phải phơi bày ra thì lại cổ xúy làm im đi mọi chuyện vì bản thân đã được Đức? Cái Đức so với số tiền bản thân học viên bị lừa đó so với lượng nghiệp lực do bị xếp chung nhóm phá hoại Đại Pháp tạo ra thì có so nổi không? Chỉ một chút Đức giả sử như tích được đó so với nghiệp lực cự đại do tiếp tay phá hoại Pháp thì tôi nghĩ có lẽ bản thân học viên lo giữ mạng mình còn không xong chứ đừng nói đến viên mãn.


Lý giải Pháp sai lệch, lấy lý giải từ việc tu cá nhân đem ra áp vào những sự việc trong thời Chính Pháp

Có học viên tôi tiếp xúc còn có cách hiểu thế này, đại ý là “Nếu mất một cái gì đó mà tâm không động thì tức là tu luyện tốt”. Như vậy, họ sẽ có thể hiểu rằng việc mất tiền do bị lừa đảo đó mà tâm họ không động thì tức là tu luyện tốt, tâm mà không động thì tức là bản thân cũng chả cần phơi bày sự việc sai trái đó ra làm gì. Thực ra, theo thể ngộ của tôi, nếu xét ở một góc độ hẹp trong tu luyện cá nhân, đối với một số tình huống nhất định thì có lẽ còn có thể tạm hiểu theo kiểu trên được, ví như bị chê cười mà tâm không động thì là tu luyện tốt, lúc đó là để bỏ đi tâm cầu Danh. Nhưng nếu mà đem cái lý đó áp vào hoàn cảnh rộng, nhất là trong thời kỳ Chính Pháp mà xét thành tuyệt đối thì tôi nghĩ có lẽ là không ổn rồi.

Chưa bàn đến việc áp dụng trong thời kỳ Chính Pháp sẽ sai lệch ra sao, mà tôi chỉ lấy một ví dụ thế này, nó vốn vẫn là thuộc về phạm vi tu cá nhân: Với một người tu thì mất đi cái tâm cầu danh, cầu lợi v..v thì rõ ràng là điều tốt nhưng không phải cứ mất bất kỳ cái gì mà tâm cũng không động cũng là tu luyện tốt. Nếu giả sử có một cô gái là học viên đi vào ngõ hẻm ít người, vô tình bắt gặp một kẻ say rượu đang đi ngược đường, kẻ này thấy cô gái xinh đẹp liên khởi ý tà dâm định xông vào cưỡng hiếp. Vậy trong tình cảnh này thì hỏi cô gái đó có chấp nhận "bất động tâm" qua đó chịu mất trinh tiết để đề cao hay sẽ la lên để tự cứu? Trong Pháp tôi nhớ Sư Phụ giảng đại ý về vấn đề hút thuốc, tôi thể ngộ rằng hút thuốc không có lợi gì cho thân thể người tu cả do đó không nên hút thuốc. Vậy việc bị cưỡng hiếp đó có lợi ích gì cho thân thể người tu hay không? Nếu không phải tình huống dù có la lên, có kháng cự lại mà vẫn không tránh được (do bị bức hại như ở Trung Quốc) thì kỳ thực nếu học viên để yên cho kẻ say rượu đó hiếp dâm mình thì cũng ngang như đồng lõa với kẻ phạm tội tà dâm vậy; Vì dù biết là mình bị hiếp dâm nhưng vẫn để yên cho kẻ ác làm điều xấu thì có khác gì hành vi mua/bán dâm đâu? hình thức thì có thể hơi khác nhưng bản chất thì không khác mấy - vì không phải là họ la lên để nhờ người khác cứu, qua đó tránh khỏi bị hiếp dâm mà là họ tự nguyện để bị hiếp dâm do họ nghĩ bị mất trinh tiết mà tâm không động thì là tu luyện tốt. Vì họ không phản kháng nên cũng không thể coi đó là hành vi bị hãm hiếp mà chỉ có thể coi là hành vi tự nguyện - tức là một hình thức mua/bán dâm không mất tiền mà thôi. Do đó, tôi nghĩ nếu lý giải Pháp không đúng, hoặc quá tuyệt đối một nhận định nào đó thì tôi chỉ e học viên rất dễ tự chuốc vạ vào thân, ở đây không phải là ai đó bức hại mà là tự học viên do lý giải Pháp không đúng mà chiêu mời đến.


Nếu xét trong thời kỳ Chính Pháp, bị đặc vụ Trung Cộng bức hại, bị ĐCSTQ dùng vụ "lửa giả" tự thiêu ở quảng trường Thiên An Môn mà tâm vẫn cứ bất động liệu có được không? Lúc đó Đại Pháp bị bôi nhọ, bị vu khống, bị phá hoại rợp trời dậy đất như vậy mà tâm vẫn "bất động" thì hỏi có xứng đang là học viên? Hay vẫn bàng quang bảo rằng bản thân "bất động tâm" để tu luyện đạt được đề cao? Nếu mà thực sự họ vẫn nghĩ như vậy, thì dù không muốn, tôi vẫn phải đưa một bài viết này ra của BBT Minh Huệ tiếng Trung để cho họ đọc, để họ hiểu họ tu sai lệch như thế nào - Link chi tiết.


Bị những kẻ ác dùi vào sơ hở do không lý giải Pháp sâu, tự biến mình từ nạn nhân trở thành đồng lõa tiếp tay với kẻ ác

Ở Trung Quốc trong thời kỳ bị bức hại, nhiều học viên đã bị những thành phần bất hảo (họ là người thường trong xã hội, thậm chí có người còn là thân nhân của chính các học viên) dùi vào sơ hở trong lý giải Pháp để bao biện cho việc bị bức hại. Đại ý họ nói rằng “là học viên đáng lý cô phải buông bỏ tiền tài, vậy sao cô còn đòi lại số tiền tôi đã giựt mất của cô? Tôi lấy mất tiền của cô thì tôi trả Đức cho cô phải không? Sao cô còn đòi lại làm gì? Sao không để yên cho tôi lấy cắp tiền?” - Thực ra, điều này không khó để phản biện lại. Tôi nhớ Sư Phụ giảng (đại ý, không nguyên văn) là tu luyện cần phải phù hợp tối đa với xã hội người thường; Tôi thể ngộ nông cạn rằng rõ ràng học viên cũng nên phải có công ăn, việc làm, nơi ở cũng như tài chính để duy trì cuộc sống sao cho giống như một người bình thường. Nếu không thì làm sao phù hợp tối đa với xã hội người thường được? học viên giả sử như trở thành người rừng hay cái bang ăn mày liệu có được gọi là phù hợp tối đa với xã hội người thường được không? người ta lúc đó đâu có xem học viên như người bình thường đâu? Gọi là kẻ lập dị khác người thì đúng hơn. Vậy nếu số tiền bị lấy cắp kia ảnh hưởng đến cuộc sống của học viên thì rõ ràng là sẽ khiến người tu không thể thực thi theo Pháp, đi ngược với Pháp đúng không? Ngoài ra, Sư Phụ cũng giảng đại ý rằng người tu luyện là “thủ Đức” chứ không “tích Đức, nên rõ ràng học viên đâu cần lấy thêm Đức của kẻ ăn cắp kia? Vì học viên không đi “tích Đức” nên rõ ràng số tiền kia không thể để kẻ cắp lấy đi mất được đúng không? Hơn nữa, nếu xét kỹ về bỏ tâm tiền tài thì tôi nhớ trong Kinh văn, Sư Phụ cũng giảng rất rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng buông bỏ tâm tiền tài không đồng nghĩa với việc học viên không có tiền tài (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998]). Tôi thể ngộ nông cạn rằng tu luyện là buông bỏ CÁI TÂM truy cầu lợi ích vật chất chứ không phải nói về việc buông bỏ lợi ích vật chất nơi người thường. Có nhiều người tu bề mặt thì là buông bỏ lợi ích nơi người thường, như là người xuất gia - buông bỏ hết thảy tiền tài, tình duyên thế gian để vào chùa tu Phật - nhưng cái tâm cầu tiền tài của họ thì không chắc là bỏ được, ví dụ: Sư sãi cầm tiền chùa hoặc tiền công đức đem sử dụng vào việc riêng, có Sư dùng tiền mua SH, có Sư dùng tiền mua túi xách Louis Vuiton, mà họ toàn là người tu hành có tiếng trong giới sư sãi chứ đâu phải vừa?


Người tu Đại Pháp tôi hiểu là không cách li khỏi thế gian, phù hợp tối đa với xã hội người thường, nên tôi thể ngộ rằng phải ngay trong hoàn cảnh lợi ích vật chất mà buông bỏ tâm đi, rằng kể cả khi tay cầm một đống tiền nhưng không có bị tiền điều khiển, tuy học viên vẫn kiếm tiền một cách công chính, công bằng đúng pháp luật nhưng không hề có tâm tham tiền như vì tiền mà bất chấp thủ đoạn, nhận tiền bất chính v..v. Điều đó thực tế làm còn khó hơn cả việc buông bỏ tiền ở bề mặt như ở phương thức xuất gia của giới Sư sãi. Nếu bảo buông bỏ tâm = buông lợi ích vật chất thì khác gì bảo học viên làm theo hình thức tu xuất gia như ở chùa? Họ vốn né tránh mâu thuẫn nơi thế gian, buông bỏ hết tiền tài tình duyên để tu mà đúng không? Nếu như thế thì đâu còn là tu theo Pháp Luân Đại Pháp nữa? Buông bỏ hết lợi ích vật chất thì lấy gì để sống, để làm việc, lấy đâu ra hoàn cảnh để tu luyện giữa đời thường? Nếu học viên nắm rõ Pháp lý thì hỏi những người kia còn ở đó mà ăn nói xằng bậy được hay không? Những kẻ bất hảo kia đâu có hiểu tu luyện Đại Pháp là gì? Thậm chí còn không phân biệt được tu luyện giữa Đại Pháp và của giới Sư sãi khác nhau ra sao thì làm gì đủ khả năng để đem mấy thứ lý luận ba xu kia lừa mị học viên?

Thực ra, những vấn đề này thực sự vốn dĩ đã được Sư Phụ giảng rất kỹ trong Pháp từ rất lâu rồi. Học viên nếu học Pháp, lý giải Pháp cho sâu thì đều có thể nhận ra được và không bị kẻ ác dùi vào sơ hở, dùng tà thuyết lừa mị như vậy. Học viên có thể đọc lại bài “Một đòn nặng”, "Tu luyện và Công tác" trong Tinh Tấn Yếu Chỉ.

Vấn đề sử dụng tiền sai mục đích, lừa quỵt tiền qua các hạng mục của học viên


Ngoài ra, về vấn đề tài chính thì tôi nghĩ các học viên cũng cần phải chú ý. Nếu số tiền mà học viên thiếu nợ lẫn nhau có liên quan trực tiếp đến hạng mục chứng thực Đại Pháp thì không phải chỉ đơn thuần là vấn đề nợ nần nữa, cũng không phải chỉ là vấn đề được hay mất Đức giữa các học viên nữa. Vì nếu một quỹ tiền hay một lượng tiền nào đó mà đã được định hay ngầm xem là sử dụng cho hạng mục Đại Pháp thì tôi thể ngộ rằng số tiền đó không thể được sử dụng vào bất kỳ một hoạt động nào khác. Qua số tiền đó mà có thể đạt được những kết quả nào đó, giúp được những việc nào đó, chứng thực được Đại Pháp là tốt ở một phạm vi nào đó trong người dân, vậy mà lại đem số tiền đó dùng vào mục đích khác thì cũng ngang với tội phá hoại Đại Pháp. Nếu quỹ tiền đó ngay từ đầu mà được định là dùng cho mục đích khác không liên quan đến Đại Pháp hay hạng mục Đại Pháp thì còn đỡ, nhưng nếu chỉ cần một niệm trong đầu học viên xuất ra là số tiền đó dùng làm việc gì đó cho hạng mục hay để chứng thực Pháp thì kể từ đó tôi thể ngộ rằng số tiền này đã bị định cứng lại. Nếu học viên mà tùy tiện đem chỉ dù một phần rất rất nhỏ trong số tiền đó mà sử dụng vào mục đích không liên quan gì đến chứng thực Pháp thì điều này có thể đã trở thành một sơ hở cực lớn để Cựu Thế Lực dùi vào bức hại. Rất nhiều trường hợp tôi biết ở bên Trung Quốc do dùng tiền sai mục đích nên bị bức hại về tài chính rất nặng, có người làm kinh doanh trường kỳ thua lỗ. (Tham khảo bài chia sẻ của học viên bên Trung Quốc - Link: Click để xem)

Ví như một hạng mục mà có trả lương, vì hạng mục đó để chứng thực Pháp nên tiền lương, chế độ tài chính phải rất minh bạch, thậm chí còn phải minh bạch rõ ràng và chặt chẽ còn hơn cả người thường. Nếu mà số tiền trong hạng mục bị một cá nhân lỡ không ý thức rõ mà dùng sai, chi sai mục đích (như dùng vào việc chi tiêu cá nhân) thì có thể cả hạng mục đó sẽ gặp vấn đề. Nếu nợ lương thì rõ ràng cần phải hẹn đúng ngày trả lương đàng hoàng chứ không thể quỵt như người thường được, vì như thế không khác gì hành vi lừa đảo. Có người tôi biết thậm chí còn nói với học viên mà làm nhân viên trong hạng mục đó rằng “nếu tôi không trả được lương thì ông được Đức từ tôi, việc gì mà phải lo” - Điều này tôi nghĩ chỉ đúng ở góc độ nếu 02 người này không phải là học viên và hoạt động công tác của 02 người đó không liên quan gì đến chứng thực Pháp (như là nợ lương khi làm kinh doanh gì đó nơi người thường, đó là vấn đề của bản thân 02 người đó) - NHƯNG là sai hoàn toàn nếu xét trên góc độ tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp. Bởi tiền dùng mà đã được các bên “định” hay ngầm hiểu là chi cho hạng mục mà lại chi sai mục đích là đã phạm tội với Đại Pháp rồi. Do đó, không phải họ nói quỵt là xong chuyện đâu, học viên nếu biết họ làm sai mà không nhắc, thậm chí cứ để mặc họ tùy tiện sử dụng trái mục đích tiền của hạng mục thì cũng ngang như tiếp tay với họ. Nếu họ mà không nghe lời khuyên can, vẫn tiếp tục làm điều sai trái thì rõ ràng cần phải phơi bày họ ra để ngăn chặn họ tiếp tục phạm phải lỗi sai. Họ hiểu quỵt thì thoát nợ nhưng với con mắt của Thần, nhất là với Cựu Thế Lực thì tôi nghĩ là hoàn toàn khác. Bởi đáng nhẽ số tiền dùng vào một việc thần thánh đó, đã được định ước đó mà lại bị thất thoát thì cũng ngang như đi ăn cắp vậy, ngang như can nhiễu đến việc thần thánh đó vậy. Họ nói quỵt nhưng tôi chỉ e từ lúc đó trở đi, họ có thể sẽ gặp rất rất nhiều vấn đề. Nếu không nhận ra sớm mà xử lý cho tốt, không khéo còn nguy hiểm đến tính mạng chứ không đùa. Tôi thể ngổ rằng một khi học viên - chỉ cần xuất ý niệm là dành số tiền nào đó cho Đại Pháp hoặc dùng cho hạng mục chứng thực Pháp thôi là có thể đã bị ghi lại rồi, thậm chí dù học viên đó chưa nói ra mồm hay xác nhận với ai thì số tiền đó khi này có lẽ cũng đã bị định cứng lại. Kể từ đó mà sử dụng, chi tiêu không đúng là rất có thể tự rước vạ vào thân.

Trên đây là một số thể ngộ của tôi về hiện tượng “bị bức hại/lừa tiền = được Đức và không phơi bày kẻ lừa đảo ra” và những vấn đề liên quan của một bộ phận học viên được chia sẻ dưới góc độ Pháp lý. Vì thể ngộ cá nhân của tôi chắc chắn có rất hữu hạn và nông cạn, và cũng vì nội hàm của Đại Pháp là vô biên. Một phần nữa cũng vì khả năng biểu đạt ý, cách dùng từ và diễn giải câu chữ có thể còn hạn chế. Do đó nếu có gì cần bổ sung hoặc sửa đổi, rất mong nhận được góp ý từ các học viên.

bottom of page