top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Bẫy trong quá trình tu luyện

Đã cập nhật: 25 thg 5, 2019

[2019/03/17] TỬ MINH




NỘI DUNG:


Tu luyện ở một góc độ nào đó theo quan điểm của tôi, cũng tựa như leo núi vậy. Càng tu lên cao thì những quan ải sẽ càng ngày càng phức tạp dần lên, khảo nghiệm về tâm tính càng ngày càng gắt gao hơn, mà nếu tu không cẩn trọng thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Cũng giống như đang leo núi, càng lên cao con đường đi càng hẹp, càng hiểm trở, càng khó đi, không khí cũng loãng hơn, mà nếu chỉ cần một giây không tập trung mà lỡ bị xảy chân rồi ngã xuống vực thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng vậy.

Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện về "Con ếch và nồi nước sôi" - Đại ý là nếu thả con ếch vào một nồi nước đang sôi ùng ục thì nó sẽ nhận ra nguy hiểm và giãy mạnh để thoát thân. Nhưng nếu ngụy trang cái nguy hiểm đó đi, không cho nó nhìn thấy ngay thì nó sẽ khó mà thoát được. Cách làm là ban đầu cứ cho nó vào nồi nước mà nước chưa sôi không hề đậy vung, đang mát lạnh. Cho nó vào lúc đó nó sẽ thấy bình thường, không phản ứng gì, rồi âm thầm người ta bật lửa đun nước phía dưới lên. Khi người ta bật lửa lên thì con ếch vì đang ở trong nồi nên không biết gì hết. Lúc đó nước trong nồi sôi lên từ từ, con ếch vì ở trong đó nên cũng thích nghi dần không cảm nhận được rõ rệt sự gia tăng nhiệt độ trong nồi, đến khi nồi nước sôi ùng ục đến một nhiệt độ cao nhất định rồi thì chỉ hơn chục giây là con ếch sẽ bị luộc chín, thời gian lúc đó quá ngắn để kịp thoát ra, dù nó lúc đó nhận ra cũng đã muộn.


Tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp này, tôi nghĩ rằng Cựu Thần sẽ để ý rất kỹ từng tâm niệm của học viên. Họ có thể không can nhiễu rõ ràng như ở Trung Quốc, nhưng với hoàn cảnh ở ngoài Trung Quốc, nơi mà buông lỏng hơn. Họ sẽ giăng bẫy với cái lý là thử khảo nghiệm, tạo ra quan ải để nhử học viên phạm lỗi, cái bẫy giăng ra nhìn bề ngoài như thể bình thường giống như câu chuyện con ếch và nồi nước sôi được kể bên trên vậy. Nếu học viên không tự coi mình là người tu, mà dùng tư tưởng người thường nhìn vấn đề thì rất khó nhận ra những thứ kia là bẫy. Khi người tu dính bẫy, thì cũng là tạo ra sơ hở, Cựu Thần lúc đó sẽ có cớ mà dùi vào, họ sẽ không buông tha cho người tu, có người thậm chí dính bẫy nặng mà bị bức hại đến mất mạng. Có những cái bẫy được dàn dựng ngầm tại chính những hạng mục chứng thực Pháp, có những cái bẫy là được dàn dựng thông quan quan hệ giữa các học viên, có những cái bẫy là ở trong hoàn cảnh công tác xã hội v..v. Dưới đây, trong phạm vi hiểu biết cũng như kinh nghiệm tu luyện còn hữu hạn của mình, tôi xin mạo muội chia sẻ đôi chút về những cái bẫy điển hình mà người tu hiện nay tại Việt Nam dễ mắc phải, cụ thể:


1. CÁI TÂM THIỆN BỊ LỢI DỤNG

Nói qua một chút về bẫy trong các hạng mục chứng thực Pháp hay trong cộng đồng học viên. Tôi được biết đã có không ít trường hợp lấy mác là "giúp đỡ học viên", "hỗ trợ người mới tu", "trợ giúp hạng mục", "hỗ trợ hoạt động chứng thực Pháp" bằng cách bán sản phẩm có liên quan đến chứng thực Pháp để kiếm lời trong học viên (từ thảm ngồi, băng đài luyện công, sách lậu, tranh thư Pháp v..v), "lấy danh nghĩa giúp người muốn tu, người cô thế" để đánh vào cái tâm Thiện của học viên từ đó quyên tiền trợ giúp rồi có thể ngầm đem một ít ra tiêu không đúng mục đích ban đầu mà chả sợ ai biết (gỉả sử như các học viên gửi 10 đồng, họ dùng chỉ 3-4 đồng thôi, còn 5-6 đồng lén đem xài riêng) v..v (những hình ảnh bên dưới là một minh chứng có thật về một trường hợp "có tiềm năng" kiểu như vậy - Nguồn: Click để xem, còn đây là link một trường hợp khác cũng có liên quan - Click để xem). Rất nhiều thứ nhìn ngoài đều khiến cho học viên tưởng là tốt, là vì người khác, nhưng sau này có thể mới vỡ lẽ ra là lợi dụng tâm Thiện của học viên, lừa họ để trục lợi về tài chính. Đã có nhiều bài học, cũng đã có nhiều cảnh báo, nhưng vẫn có những học viên dường như không biết rút kinh nghiệm hay cảnh giác hơn, lý trí hơn mà phân biệt thật giả, vẫn bị lừa và dắt mũi dễ dàng. Tôi nghĩ Thiện không thường đi kèm với ngây thơ mà quá cả tin vào một ai đó chỉ vì vẻ ngoài của họ có vẻ tốt. Ở ngoài xã hội người thường cũng không thiếu những trường hợp như vậy, có những tên sát nhân máu lạnh nhưng nhìn bề ngoài như trí thức, nhìn rất lương thiện, mặt thậm chí còn búng ra sữa, thế mà không ai dám tin người như thế có thể cầm dao giết mấy mạng người một cách bình tĩnh như không. Người tu đáng lý phải lý trí, phải minh bạch hơn thì đằng đây nhiều khi ở một góc độ nào đó có lẽ còn thua cả người thường.







Nói không ngoa khi trong giai đoạn hiện nay học viên cần phải rất cảnh giác với chính những thứ vỏ ngoài trông có vẻ đẹp đẽ như là "cứu người", "giúp người" v..v đó. Đã có nhiều trường hợp học viên cũng vì tin vào lời đường mật của những người họ tin tưởng, gọi là “đồng tu” kia mà đã bị lừa không ít tiền, có người tôi biết còn quá uất ức mà suýt nữa tìm đến cái chết vì bị lừa mất rất nhiều tiền. Rõ ràng là không ai muốn tin cái sự thật bi đát này, ai cũng muốn nghĩ người tu Chân-Thiện-Nhẫn thì chả ai dám làm vậy đâu, nhưng thực tế thì nó đã và đang xảy ra như vậy. Cái bẫy đánh thẳng vào cái tâm Thiện này của học viên tôi nghĩ cũng là một phương thức kiểm nghiệm gắt gao của Cựu Thần xem liệu học viên có thông qua Pháp lý mà Sư Phụ giảng để thực sự phân biệt được Thiện – Ác?


Nói ở một góc độ khác, chẳng phải chính qua việc phân biệt được Thiện - Ác đó cũng là một cách vừa khớp để xem ai là cát, ai là vàng hay sao? Xem ai tu thật, ai tu lúc được lúc không? Chẳng phải trong Tinh Tấn Yếu Chỉ, và các bài giảng trong Kinh văn của Sư Phụ đã chẳng từng nói về hiện tượng được an bài vào phá hoại trong nội bộ hay sao? Nếu đã gọi là phá từ nội bộ thì liệu họ có dễ dàng khiến cho học viên nhận ra họ là phá hoại hay không? Chẳng phải họ sẽ được an bài ngụy trang bằng những thứ rất đẹp đẽ để lừa học viên đó sao? Chỉ đến khi then chốt họ mới đột nhiên quay ngoắt 180 dộ khởi tác dụng xấu, nhưng lúc đó họ cũng đã lôi xuống rất nhiều học viên mà tin tưởng họ, Cựu Thần họ chính là muốn lôi ra những học viên kiểu như vậy, không tu theo Pháp mà tu theo người khác. Tuy rằng loại an bài như trên là mang tính phá hoại do tư tâm của Cựu Thần nhưng ở một góc độ nào đó, bản thân các học viên cũng cần xem lại về việc tu luyện của chính mình, bản thân có sơ hở thì mới bị dùi phải không?

Có học viên còn lẫn lộn giữa được/mất cá nhân trong quá trình tu luyện để đem ra đối đãi một cách thụ động với những hiện tượng phá hoại trong cộng đồng học viên đó. Họ xem như việc những học viên bị lừa mất tiền/lỡ ủng hộ tiền cho kẻ xấu = được Đức? Vì họ cho rằng sống ngoài xã hội cũng có lúc họ bị lừa như vậy, họ cho rằng là do học viên nợ nần nhân duyên lẫn nhau. Tôi nghĩ những học viên này nên đọc kỹ lại bài “Một đòn nặng” mà Sư Phụ đã giảng trong Tinh Tấn Yếu Chỉ - dường như họ lý giải Pháp rất lộn xộn nên mới đem việc mình bị những thành phần bất hảo trong cộng đồng học viên lừa tiền ra coi là được Đức như vậy.


Tôi nghĩ rằng nếu là sự việc con người không tu trong xã hội lừa nhau thì có thể là do vấn đề ân oán nhân duyên của con người. Nhưng nếu điều đó mà xảy ra trong giới người tu Đại Pháp thì đó chính là can nhiễu tới học viên tu luyện. Lừa tiền học viên chả ngang như bức hại tài chính học viên là gì? có khác gì giống như đặc vụ Trung Cộng vắt kiệt tài chính học viên bên Trung Quốc? Vậy chăng học viên bên Trung Quốc cũng nên để đặc vụ Trung Cộng bức hại tài chính vì sẽ được bù lại bằng Đức, thế thì cần gì phải phản bức hại? Hình thức bức hại của đặc vụ Trung Cộng đó chẳng phải chính là phá hoại Đại Pháp? học viên nếu biết mà vẫn dung dưỡng thì tôi nghĩ cũng ngang với tiếp tay cho hành vi phá hoại Pháp. Giống như thấy đặc vụ Trung Cộng bức hại học viên mà cứ bàng quan vì cho rằng đặc vụ Trung Cộng sẽ lấy Đức để bù cho học viên bị bức hại kia vậy. Liệu có thể lý giải như thế hay không? Kỳ thực tôi nghĩ nguyên nhân của hình thức lý giải lộn xộn trên là do một số học viên lẫn lộn giữa tu luyện cá nhân với tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp, họ đem việc học viên bị bức hại ra coi thành tu luyện cá nhân. Ấy thế mà có lúc chuyện chỉ là tu cá nhân thôi, thì họ cũng lại cho rằng đó là do họ bị Cựu Thần can nhiễu và phủ nhận các kiểu, thế thì chắc họ không còn chấp trước nào nữa để bỏ đi chăng?


2. TÂM SẮC DỤC

Một trong những lỗi mà bên trên xem nặng nhất, và phạm phải thì tạo nghiệp rất nhiều đó theo tôi hiểu là về phương diện sắc dục. Chính vì có thể nhiều người chủ quan, không xem trọng nó, hoặc quan niệm của họ về phương diện này vốn lại hùa theo tiêu chuẩn đạo đức bại hoại nên không thấy được vấn đề, thậm chí phạm tội rồi vẫn cho rằng đó là bình thường. Tôi thông qua học Pháp thì có biết được rằng hình thức trả nghiệp nặng nhất mà Thần áp dụng là dịch bệnh. Do đó người phạm tội sắc dục rất dễ là sẽ có thể bị bức hại bởi hình thức nghiệp bệnh. Lúc đó mà người tu vẫn tưởng rằng đó là để tiêu nghiệp thông thường thì không ổn rồi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên rất nhiều khi là do cái lỗi sắc dục kia. Có nhiều học viên trong bài chia sẻ ở Trung Quốc có nói rằng chính vì nhiều người phạm lỗi sắc dục nên mới bị Cựu Thần an bài đặc vụ đến bắt cóc và bị tra tấn, cũng có người bị nghiệp bệnh đến mức phải mất mạng. Thực ra trong Chuyển Pháp Luân và Tinh Tấn Yếu Chỉ Sư Phụ đã giảng rất nhiều rồi. Học viên có thể xem lại bài "Tâm nhất định phải chính" để hiểu rõ hơn. Những vấn đề nêu trên theo thể ngộ của tôi chính là do tâm không chính chiêu mời đến. Nhưng nó không phải ngày một ngày hai mà hình thành, mà có thể là do bị dính bẫy do tâm không chính trong cả một khoảng thời gian dài nhất định rồi mới tạo nên cớ sự đó.


Trong xã hội suy đồi về mặt đạo đức ngày nay, bẫy sắc dục là một trong những cái bẫy mà tôi nghĩ là cực kỳ nguy hiểm. Tôi biết được rằng, phụ nữ thời xưa nếu đã có chồng thì việc lộ ra đôi chân trần của họ ra cho người khác không phải là chồng của họ xem thì đã bị coi là một điều sỉ nhục. Người ngày nay kể cả có chồng rồi ra đường cũng ăn mặc hở rất bạo, hở nguyên cả đùi. Rồi nam nữ trước đây khi chưa thành hôn thì phải thụ thụ bất thân, đến cả đưa đồ vật cho nhau cũng không được đưa tay trực tiếp mà phải người nữ/nam phải để đồ xuống bàn và người nam/nữ kia cầm lên. Bây giờ thì nam nữ chưa thành hôn có thể thấy ngồi xe đi trên phố ôm ấp nhau, sờ đùi nhau, rồi hôn hít cầm tay các kiểu một cách thản nhiên, nhiều người đi xung quanh còn cảm thấy ghen tị (tất nhiên cũng có người phải che mặt đi hoặc nhìn sang chỗ khác vì quá ghê tởm). Tôi gần đây còn nghe nói một vị giáo viên còn công nhiên đi sờ đùi, sờ mông nữ sinh rồi có vị nào đó cho rằng những hành vi trên là sự thể hiện "thương yêu học sinh" - quả là hết sức loạn bậy nếu không muốn nói là họ đã quá suy đồi về mặt đạo đức nên mới có thể nói được như vậy.


Nói về độ nguy hiểm của cái bẫy sắc dục, tôi thử lấy ví dụ: Giả như một học viên nam có vợ rồi, đi làm gặp phải một nữ đồng nghiệp (cũng đã có chồng) vì hâm mộ tư cách đạo đức của học viên nam này, suốt ngày giả bộ gặp rắc rối trong công việc để tìm cớ hẹn gặp nhờ vả, qua đó có thể nói chuyện với học viên nam đó. Thực ra tôi nghĩ những trường hợp kiểu này có thể là do Cựu Thần cố ý lợi dụng nhân duyên giữa vị đồng nghiệp nữ này với vị học viên kia để qua đó lợi dụng và biến mối quan hệ của họ họ trở thành một dạng công cụ nhử học viên và vị nữ đồng nghiệp đó vi phạm sắc dục. Theo thiển ngộ của tôi, đây không hẳn là an bài của Sư Phụ, mà có thể là Cựu Thần cưỡng chế thêm vào, nhưng họ không nhất định sẽ làm lộ liễu như kiểu bức hại bên Trung Quốc mà đôi khi phải nhử học viên trước, chỉ đến khi học viên mắc bẫy họ mới động thủ vì đã nắm thóp được sơ hở, giống như trường hợp về Phụ thể mà được Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân vậy. Còn nếu học viên tu chính, bẫy có giăng ra cũng vô ích, Cựu Thần có muốn bức hại cũng không dám làm gì vì họ không có cớ, họ mà tùy tiện can nhiễu thì tôi thể ngộ họ sẽ bị Pháp Thân của Sư Phụ và Chính Thần tiêu diệt ngay, bởi vì lúc đó tôi hiểu là Pháp Thân của Sư Phụ nắm đằng chuôi (vì tâm của học viên là chính), họ mà phá hoại là họ vi phạm Pháp lý của Cựu Vũ trụ, nên họ sẽ bị tiêu diệt mà không ai dám phản đối gì.


Cái bẫy biểu hiện ra ban đầu có thể chỉ đơn giản là giao lưu tâm sự cười cười nói nói, trêu đùa nhau. Nếu học viên nam kia không khởi được chính niệm lên ngay lúc đầu, Cựu Thần có thể sẽ vì lấy cớ để khiến học viên nam kia xuất được chính niệm trong quan ải về quan hệ nam nữ, họ sẽ gia tăng chấp trước tình dục lên vị nữ đồng nghiệp kia (thậm chí rót vào đầu cả nam học viên kia những ảo tưởng rằng nữ đồng nghiệp kia thích mình, nếu chủ ý thức của học viên này không mạnh mà bài xích lại thì sẽ bị thao túng), biểu hiện bề mặt là sau đó cử chỉ bắt đầu thân mật hơn, bạo dạn hơn, chuyển qua tâm sự chuyện gia đình, làm cho vị đồng nghiệp nữ kia tỏ ra chán chồng mình và khen vị học viên nam kia, cử chỉ của vị nữ đồng nghiệp này cũng sẽ thay đổi dần - bắt đầu từ e ngại rồi tiến đến cầm tay, rồi dần dần tiến đến ngả ngốn ôm ấp đụng chạm. Nếu lúc này mà học viên nam kia vẫn chưa ý thức được, thì sẽ lại tiếp tục làm vị đồng nghiệp nữ kia bị "nặng" hơn nữa, rồi không khéo lợi dụng vị nữ đồng nghiệp đó dụ cho đến mức vượt quá giới hạn là quan hệ tình dục. Lúc đó thì vị học viên nam kia vừa mắc tội dẫn dụ ngoại tình (vợ người khác), vừa mắc tội ngoại tình (với vợ mình), vừa mắc tội tà dâm (quan hệ tình dục với người không phải là vợ mình). Nghiệp tạo ra phải nói là quá kinh khủng. Thế là vị này có thể bị bức hại đến mất mạng.


Những tư tưởng dâm dục nảy sinh trong tâm lúc đó là do tâm tà dâm tạo ra, tôi thể ngộ rằng nó vốn là một thực thể sống, nó cũng giống như nghiệp tư tưởng vậy, nhưng khác với nghiệp tư tưởng đổ vào đầu những tà niệm hay ý nghĩ thóa mạ người khác, những gì nó (tâm tà dâm) phản ánh vào tư tưởng của học viên là những thứ gợi dục, nó lấy chính những hình ảnh của những nữ nhân/hoặc nam nhân mình quen biết mà có sắc đẹp huyễn hoặc uốn éo khiêu gợi. Lúc nó nảy lên trong đầu học viên mà tưởng rằng những tư tưởng đó là mình nghĩ là xong rồi, thế nên hễ nó xuất hiện thì phải nghiêm khắc mà bài trừ, ý thức rõ nó không phải là mình nghĩ, mà là cái tâm sắc dục hay tin tức ngoại lai can nhiễu nghĩ, và bản thân phải xuất ra một niệm trong đầu bắt nó phải chết, nhưng nó là phải kiên trì bài trừ trường kỳ chứ không thể nói nó chết là nó chết hết, tôi thể ngộ rằng cần phải qua nhiều lần bài trừ như vậy trong tâm thì nó dần dần yếu đi chứ nó không thể qua một lần là bị trừ dứt hết, vì tôi thể ngộ rằng có thể con đường tu luyện của một người mà Pháp Thân của Sư Phụ an bài là phải có trình tự, có giai đoạn chứ không thể một phát xong hết được.

Còn nói về tâm sắc: Giả sử, bản thân học viên gặp một nữ nhân và có cảm giác bị vị nữ nhân này cuốn hút, hãy thử ngay lúc đó tưởng tượng rằng lắp cái đầu của một vị nữ nhân có sắc diện xú uế mà mình từng biết thay vào đầu của nữ nhân xinh đẹp kia, còn thân người thì giữ nguyên; hoặc thay thân người của nữ nhân xinh đẹp kia bằng thân hình béo ục ịch của một nữ nhân mà mình từng biết, tôi nghĩ rằng lúc đó tự nhiên bản thân có cho tiền cũng chả muốn nhìn nữa. Do đó chứng minh rằng, lúc gặp nữ nhân xinh đẹp kia thì cái tâm sắc đang cố thao túng học viên, nó cố gắng lèo lái ánh mắt của học viên hướng sang nhìn càng lâu càng tốt vào nữ nhân kia, ít nhất thì cũng khiến học viên nhìn trộm. Lúc đó nếu học viên không ý thức đang bị tâm sắc kia nó điều khiển mà phản đối nó, bài xích nó kiểu như “Là nhà người (tâm sắc) muốn nhìn chứ không phải ta muốn nhìn, ngươi không phải bản tính tiên thiên của ta, người là thứ xấu, ta bắt người phải chết” v..v. Trong tâm liên tục bài trừ nó, thì lực thao túng của nó sẽ yếu dần đi và lúc đó cái ý muốn thôi thúc bản thân nhìn nữ nhân kia sẽ ít đi, thậm chí chẳng muốn nhìn nữa. Chẳng phải lúc đó người tu đã ý thức được việc phải giữ tâm cho chính, chính niệm người tu đã xuất ra? Nhưng cũng còn xem chính niệm có kiên định không? Chứ vừa xuất ra cái mà khảo nghiệm liền chấm dứt ngay thì có lẽ tu luyện như thế quá dễ dàng.


Nếu ngay từ đầu, học viên nam trong ví dụ kể trên kia giữ tâm chính, biết rằng bản thân mình đã có vợ mà chỉ cần một ý niệm không đúng đắn nảy sinh trong đầu với người nữ khác là đã mắc tội ngoại tình rồi, nên học viên đó sẽ cảnh giác, chủ động kiên trì liên tục bài trừ những ý niệm do tâm sắc dục hay can nhiễu ngoại lai đổ vào đầu mình và tìm cách cắt đứt ngay với nữ đồng nghiệp kia hoặc nghiêm khắc nhắc nhở, lúc đó bẫy của Cựu Thần cũng phải phá sản từ trong trứng nước. Vị này sẽ biết người nữ đồng nghiệp kia không phải tự nhiên mà cứ tìm cớ hẹn gặp, đó kỳ thực là bẫy dựng lên để nhử vị này phạm lỗi sắc dục, nên vị đó liền đề cao tâm tính, bắt đầu cảnh giác và trong tâm thì bài trừ liên tục những ý nghĩ thôi thúc đi gặp nữ đồng nghiệp đó. Thế là họ có thể vượt qua được, tâm tính cũng qua đó mà có thể đề cao lên thêm. Sư Phụ đã giảng đại ý rằng Tốt xấu xuất từ một niệm. Tôi thể ngộ là nếu ngay lúc đầu học viên cảnh giác, xuất niệm ngay chính thì có thể thoát khỏi nguy cơ cái bẫy mà Cựu Thần giăng ra, nếu tâm bất chính thì có thể sẽ càng ngày càng có vấn đề.


Cổ nhân quan niệm rằng nam nữ không phải là vợ chồng mà tùy tiện đụng chạm cũng có thể bị xem là phạm tội tà dâm. Theo quan điểm của tôi thì với tiêu chuẩn một người bình thường nên phải đạt được "Nam nữ thụ thụ bất thân". Thực ra ngay cả với người Việt Nam và người á Đông trong vài thập kỷ trước đây nói chung, nam nữ vô ý chạm vào da của người khác giới thì coi như có cử chỉ không đứng đắn

Tôi xin kể một ví dụ có thật: Một vị nam học viên A quen biết một vị nữ học viên B ở điểm luyện công, cả 2 đều đã có gia đình và có con cái. Vị B sau vài lần nói chuyện, chia sẻ thì thấy hợp tính, bắt đầu cứ vài ngày lại gọi điện thoại kể lể chuyện chồng con cho vị A nghe, vị A ban đầu tưởng vị B đang vượt quan nên cứ góp ý khuyến Thiện, sau này cảm thấy cách hành xử của vị B có vấn đề, dường như vị B đó không có ý muốn giải quyết vấn đề tu luyện của mình mà chỉ cố gắng tìm cớ nói chuyện, tâm sự với vị A. Thế là trong một đêm, vị A nằm mộng thì gặp quan sắc dục, thấy vị B trần truồng đến khiêu gợi, vị A sau đó ý thức ra hành vi của vị B là không đúng, nên đã dần dần tách hẳn ra không tiếp tục mối quan hệ đó nữa. Nhưng vị B biết vị A muốn né nhưng vẫn cứ tìm cách đòi nói chuyện, chuyện gia đình từ bé đến lớn cũng cứ muốn đem ra kể lể, sau cùng còn có ý muốn tách chồng ra thuê nhà ở gần chỗ học viên A đang ở. Vị A sau đó kiên quyết chấm dứt, hạn chế nghe điện thoại nên đã thoát được cái bẫy.


Một ví dụ nữa: Cũng một vị học viên nam đã có vợ đang làm việc bán hàng, vị đó trong quá trình bán có tiếp xúc với nhiều khách hàng là nữ. Vì tính cách cởi mở, thân thiện nên nhiều khách nữ có vẻ rất quý mến học viên nam này. Ban đầu là cười nói, sau đó dần dần là hỏi số điện thoại để nhắn tin. Học viên này cũng giới thiệu về Pháp cho họ rồi nhưng có vẻ họ cũng ậm ừ cho xong chuyện, rồi sau đó lại tiếp tục hẹn cafe tâm sự chuyện chồng con, có người sau đó còn nói thẳng có thể ly dị chồng để tiến đến với học viên nam đó. Lúc đầu vị học viên này còn có ý nghĩ lợi dụng hoàn cảnh đó để giảng chân tướng thêm cho người nữ kia, cũng đã thử làm xong thấy rằng dường như có gì đó không ổn, vì giảng chân tướng cũng phải có điều kiện hay sao? Vị đó còn sợ là nếu không tiếp tục ra hẹn gặp vị nữ nhân kia thì họ sẽ vì thế mà phật ý, rồi lại nghĩ xấu về Pháp. Tôi nghĩ nếu lấy cớ là giảng chân tướng nhưng để tiện bề bị dụ dỗ quan hệ nam nữ bất chính thì rất nguy hiểm; Nếu vợ của học viên nam đó mà biết thì sẽ nghĩ sao? người ngoài họ nhìn vào sẽ thấy thế nào khi suốt ngày bị hẹn đi cafe gặp gỡ hay nghe điện thoại tâm sự từ người nữ không phải là vợ mình? Nếu thế thì còn làm ô uế thanh danh Đại Pháp hơn, còn chứng thực sự tốt đẹp của Đại Pháp làm sao được? Vị học viên nam này cũng may là cảnh giác, kiên quyết chấm dứt, cắt đứt liên lạc chứ nếu không thì không biết đường nào mà lần.


Ở góc độ khác khi nói về quan hệ nam nữ bất chính thì cũng không hẳn chỉ giới hạn ở những kiểu giao tiếp như các ví dụ bên trên. Có người đi đường cứ có ý niệm thôi thúc nhìn gái đẹp, đi làm thấy đồng nghiệp nữ/nam nào có sắc đẹp thì mắt cứ liếc trộm, nếu họ có vợ/chồng rồi mà liếc trộm người khác vì sắc đẹp của họ thì cũng bị xem như mắc tội ngoại tình vì có thể Chư Thần sẽ cho rằng hành vi đó đã đắc tội với chính vợ/chồng của họ, nếu họ không bỏ cái tâm đó đi ngay thì có thể Cựu Thần sẽ tiếp tục bày ra thêm nhiều cái bẫy như là sắp xếp nhiều người khác giới ăn mặc hở hang hơn tiếp xúc với họ thông qua công việc hay là đi đường, đi đâu cũng có thể gặp, họ có thể nghĩ sao có hôm chả thấy mấy người mà hôm nay đi đâu cũng gặp vậy? Kỳ thực theo quan điểm của tôi, không có gì là ngẫu nhiên hết.


Với những học viên nếu chưa có vợ chồng thì kể cả có tìm hiểu đối tượng nào đó để tiến tới hôn nhân cũng cần phải rất cẩn trọng, nếu chưa thành hôn mà đã tùy tiện ôm ấp, cầm tay, đụng chạm, mở lời trêu đùa chọc ghẹo, lời nói không đúng đắn và có ý gợi dục, trong tâm có ý nghĩ quan hệ tình dục, ôm ấp với họ (khi chưa thành hôn) thì cũng bằng như mắc tội gian dâm, thậm chí còn quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc sống chung như vợ chồng khi chưa đăng ký kết hôn (rất nhiều người làm hành vi này hiện nay, còn gọi là hiện tượng "Bác sỹ bảo cưới" hoặc "Sống thử") thì tuy rằng người xung quanh nói họ là tốt, là bình thường; nhưng có thể Thần nhìn họ là rất không tốt. Trong hoàn cảnh này cũng sẽ có thể có những cái bẫy mà Cựu Thần giăng ra chờ sẵn như làm cho vị nữ/nam nhân mà học viên đang có ý định hướng đến hôn nhân kia tỏ ra bạo dạn hơn, chủ động đến ôm ấp, không được đáp ứng thì liền tỏ ra khó chịu, hờn dỗi; có lúc họ có thể còn gợi ý quan hệ tình dục với họ, học viên không chú ý, không cảnh giác mà làm theo dục vọng của bản thân là có thể kết thúc ngay.


Có những học viên nữ tôi biết còn tùy tiện chụp ảnh đăng lồ lộ thân hình (tất nhiên vẫn mặc quần áo) của mình đăng lên mạng xã hội, họ có thể cho nó là đẹp nhưng kỳ thực đó không khác gì hành vi gợi dục người khác giới cả, người già cả trong thời kỳ trước đây còn dễ cho rằng đó là những kiểu con gái lẳng lơ không đứng đắn. Vì nếu không có tư tưởng sắc dục điều khiển thì hỏi họ đăng lên làm gì? Người nữ đáng lý phải giữ mình, phải che mặt mình đi, phải bảo vệ hình ảnh của mình thì họ có vẻ càng muốn phơi ra càng nhiều càng tốt. Họ cho nó là bình thường nhưng có thể Chư Thần nhìn họ không phải là bình thường nữa. Nhiều người khác giới có thể vì mê luyến sắc đẹp của họ mà hình thành tư niệm tà vạy, họ liền xông vào like và khen sắc đẹp của nữ học viên đó, như vậy chả phải học viên nữ kia đã mắc tội dẫn dụ tà dâm là gì? Thực tế càng ăn mặc hở hang, càng thích khoe thân thì họ càng dễ tạo nghiệp, tôi nghĩ chỉ là họ không tự ý thức được điều đó thôi. Học viên nữ kia mà không ý thức được, tỉnh ra sớm mà gỡ những bức ảnh đó xuống, lại thấy được nhiều like và lời khen từ người khác giới (vốn là bẫy của Cựu Thần bày ra để nhử), lại tiếp tục đăng lên những bức ảnh khác, thế thì coi như xong rồi. Người thường đăng thì đó vốn là việc của người thường, Cựu Thần có thể cũng mặc kệ chả để ý đến, nhưng người tu Đại Pháp mà đăng thì có thể sẽ là vấn đề hoàn toàn khác.


Tôi có nhớ trong một câu chuyện cổ, có một vị lương y vì chữa bệnh được cho một vị nữ nhân đã có chồng (vị này bị bệnh nặng tưởng sắp chết), vị nữ nhân này sau đó vì vừa thấy vị lương y này tuấn tú, lại y thuật cao minh, lại thấy chồng mình thua kém, nên sinh lòng mến mộ vị lương y này (tư tưởng ngoại tình). Thế là trong một lần vị nữ nhân này giả vờ bị bệnh và cho người đến báo vị lương y kia, khi vị lương y đó vừa đến thì vị nữ nhân này liền cầm tay vị đó rồi nói là muốn dùng thân mình để báo đáp ơn cứu mạng cho vị lương y kia. Vị lương y nghe được sợ toát mồ hôi, rút tay lại và chạy ra khỏi phòng. Vị nữ nhân này sau đó năm lần bảy lượt tìm đến tận nhà vị lương y cám dỗ quan hệ nam nữ bất chính, vị lương y đều kiên quyết từ chối. Chuyện này chỉ có đúng mỗi vị lương y và nữ nhân kia biết, ngoài ra không có ai biết (Kỳ thực là Trời biết, Đất biết, chỉ có người thường không biết). Sau này, một người bạn của vị lương y kia trong một lần nguyên thần bị lôi xuống âm phủ vì một lý do nào đó, thấy cảnh người nữ nhân kia đang tự rạch bụng mình ra để rửa ruột ở suối nước gần đó. Vị này không hiểu thì được lý do vì sao thì một vị Thần xuất hiện, tiến đến và nói rằng vì nữ nhân kia hành vi không đoan chính, do khởi tâm tà dâm nên bị phạt tự mổ bụng để rửa ruột của mình, tuổi thọ của vị nữ nhân này cũng bị giảm đi 12 năm. Vị lương y kia do cự tuyệt tà dâm, lại kiên định không bị cám dỗ nên tích được âm đức, được tăng tuổi thọ lên 12 năm, con cháu đời sau cứ mỗi đời có một người làm quan. Qua câu chuyện trên để thấy rằng những việc người ta làm hàng ngày Chư Thần theo dõi rất kỹ, thưởng phạt phân minh.


Ở những nước mà môi trường khá buông lỏng như Việt Nam, thì có lẽ sẽ không có kiểu khảo nghiệm như là bị tra tấn thân thể, bắt cóc v..v đối với học viên bên Trung Quốc, mà có thể sẽ là "nhử" một cách âm thầm lặng lẽ để học viên tự mắc sai lầm rồi sau đó Cựu Thần mới có cớ để gia tăng bức hại. Ở Trung Quốc thì học viên bị bức hại công khai bề mặt, bị tìm bắt, tra tấn; còn ở VN thì học viên bị bức hại âm thầm lặng lẽ, thậm chí bị dẫn vô đường tử mà vẫn không ý thức ra được,

Để nói rằng vào thời cổ đại, người ta có tiêu chuẩn đạo đức rất cao, thậm chí không phải là được học Đại Pháp như chúng ta hiện nay mà đã có thể hành xử được ngay chính như vậy, lại tích được âm đức, được Thần khen ngợi, vậy há chăng người tu Đại Pháp vĩ đại như vậy lại không làm được? Đem so sánh hành vi của người xưa với hành vi của nam nữ hiện nay thì nhìn ra ngay. Người xưa phạm tội tà dâm thì nhẹ là bị tước hết công danh, từ phú chuyển sang bần, nặng thì Đức mà tổ tông tích lại nhiều đời bị họ phá sạch, con cháu về sau chịu khổ rất nhiều, thậm chí còn bị tuyệt tự. Người tu Đại Pháp biết rõ làm thế là sai mà vẫn phạm phải, tội nghiệp tạo ra còn kinh khủng cự đại hơn nữa do Chư Thần thấy thế là sỉ nhục danh dự của học viên Đại Pháp - những người vốn đang tu luyện trở thành sinh mệnh cao cấp. Tôi thể ngộ rằng nếu không phải vì Pháp Thân của Sư Phụ từ bi giúp học viên, cho họ cơ hội tỉnh ngộ, kéo dài thời gian ra thì vốn đã bị Cựu Thần bức hại từ lâu rồi. Đến khi họ phát tác ra nghiệp bệnh hay bị vấn đề này khác là lúc thời gian được kéo dài cho họ tỉnh ngộ đã quá dài, Pháp Thân của Sư Phụ hễ buông tay là họ liền bị Cựu Thần bức hại đến chết. Có người phạm lỗi còn sợ bị chê cười nên cố tình che đậy, không dám công khai thừa nhận mình phạm lỗi sắc dục, thế thì tôi nghĩ họ có thể sẽ còn bị nó điều khiển thêm nữa. Sở dĩ nói họ cần công khai là để họ tự bỏ đi cái tảng đá áp lực do sợ bị chê cười kia xuống, thản đãng mà tu bỏ tâm sắc dục đi, nhưng họ lại tìm cách né tránh.


Nhiều người trong xã hội thời nay, họ cho rằng đàn ông khi công tác xa vợ thì việc đi tìm gái để giải tỏa nhu cầu là chính đáng, họ cho rằng đó là để "âm dương cân bằng", "có lợi cho sức khỏe", "lưu thông mạch máu". Nhiều bà vợ hiện nay thậm chí còn cho là đúng, chỉ bất quá là bảo chồng mình sử dụng biện pháp quan hệ an toàn để không lây bệnh. Thế nên mới có xu hướng hiện nay cho rằng bồ bịch mới là thời thượng, lấy vợ/chồng chỉ là để thực thi nghĩa vụ với tổ tông mà thôi. Hễ thành hôn xong thì bắt đầu mặc sức quan hệ lăng nhăng chung chạ. Họ còn cho đó là bình thường, thậm chí khi bị bắt quả tang thì còn quay ra bảo vệ cả tình nhân chứ không bảo vệ vợ. Xã hội hiện nay quả là loạn. Tôi đọc trong Pháp thì biết được rằng thân thể con người tự đã có âm dương tồn tại, vậy còn "âm dương cân bằng" làm gì? Kỳ thực tôi nghĩ rằng con Ma sắc dục kia nó đói, nó cần năng lượng, nó cần tinh huyết được tiết ra từ thân thể người. Nên nó điều khiển não và bộ phận sinh dục của người ta, nó lấy cái thống khổ do đói ăn của nó phản ánh vào đầu não của người thường, làm người ta tưởng rằng họ thống khổ do không được giải tỏa nhu cầu. Người nào không có chính niệm thì có thể bị nó khống chế càng nặng, nó thông qua bộ phận sinh dục làm tăng lửa dục thiêu đốt tâm can của người ta. Khiến người ta cứ thế bị nó điều khiển đi tìm người khác giới để giải tỏa nhu cầu, hễ tiết ra xong thì nó sẽ hấp thụ tinh huyết của người ta, khi nó đã no rồi thì nó liên buông lỏng kiểm soát, thì phía bên này người kia cũng thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn, họ cho rằng do giải tỏa nên cảm thấy nhẹ nhàng. Kỳ thực nó là một cảm giác sai tựa như hút thuốc lá vậy. Mà họ tiết ra càng nhiều thì tinh lực của họ càng yếu, thân thể càng rệu rã, thế thì khỏe ở điểm nào? Chỉ là họ tiết ra chưa đến độ để thấy hậu quả mà thôi.


Do đó, riêng về phương diện sắc dục, nếu giữa học viên và người thường hoặc giữa 2 học viên với nhau (mà khác giới tính) không ý thức rõ, không giữ mình vững vàng, không nghiêm khắc tự coi mình là người tu luyện mà đối đãi, lại cho rằng sống như người bình thường trong xã hội thời nay cũng không sai trái gì thì rất dễ sẽ dính bẫy mà Cựu Thần bày ra. Ban đầu thì có thể chỉ là gặp nhau, có thiện cảm, rồi cười nói, rồi chọc ghẹo v..v Nhưng vấn đề chính là xuất hiện ở đúng chỗ này. Chính tại thời điểm đầu này mà không ngay chính thì về sau sẽ càng có vấn đề. Thực ra giữa 2 người nam nữ mà có ý trêu đùa, chọc ghẹo hay nói lời không chính đáng thì đều là đang bị tâm sắc dục điều khiển. Chính vì họ coi nhẹ, cho rằng giữa nam nữ cần phải cởi mở, vui vẻ - nhưng Thần thì lại không thấy như vậy, họ có thể thấy đó là hành vi không chính, là bỡn cợt, sỗ sàng và thậm chí còn có ý gợi tư tình, gợi dục. Nên nếu có ai đó (khác giới với mình) tỏ vẻ cười đùa thân thiện thì ngay lúc đó bản thân học viên cần cảnh giác, vì rất có thể đó là bẫy, tâm mà không chính, trong tâm hoan hỷ lên hoặc cảm thấy tự mãn vì mình có sức hấp dẫn này nọ là xong phim rồi.


3. TÂM TỰ MÃN

Ngoài tâm sắc dục ra, còn một loại tâm nữa cũng dễ làm người tu dính bẫy - đó là tâm Tự Mãn hay nói dễ hiểu hơn là "Ảo tưởng sức mạnh". Người có tâm Tự Mãn kỳ thực theo tôi nghĩ là dễ bị dắt mũi, vì họ tự cho là mình đúng, có bản sự, cao minh hơn người khác. Thế thì cứ chỉ cần đặt ra cái bẫy làm cho họ "toại ý" là xong.


Khi bị mắc chứng "ảo tưởng sức mạnh" thì tôi nghĩ cũng là lúc khả năng nhìn nhận thực tế khách quan của bản thân một người đã dần xuất hiện sai lệch. Ngoài việc họ tự cho là mình đúng thì vấn đề khác nảy sinh đó là những trường hợp kiểu như vậy rất dễ bị lừa, dắt mũi.

Tôi thử dẫn một ví dụ thực tế ngoài xã hội như sau: Một vị nhân viên đi bán bảo hiểm nhân thọ, khi mời một vị khách là nữ đến để tư vấn mua bảo hiểm thì bao giờ cũng thường yêu cầu rủ thêm ông chồng của vị khách kia đi kèm. Trong quá trình tư vấn, vị bán bảo hiểm kia sẽ tâng bốc cả 2 vợ chồng lên mây xanh, nào là gói "bảo hiểm này em chỉ dành cho những khách hàng thượng lưu", "anh chị là khách hàng VIP nên em mới đặc biệt giới thiệu gói bảo hiểm này" v..v. Người vợ có vẻ lý trí nên tìm cách từ chối, nhưng ông chồng vì quá phởn khi tưởng rằng "mình VIP thật" nên lại quyết định mua. Sau câu chuyện này, tôi hiểu ra được một trong những cách dụ người ta mua hàng đó là đánh vào lòng tự tôn, vào cái tâm tự mãn, tự cao của họ, cứ bơm kích họ lên tận mây xanh để họ "lâng lâng", sinh ra "ảo tưởng về bản thân" rồi cứ thế mà trở thành con rối bị dụ mua hàng. Có lẽ tôi nghĩ ai đó càng ảo tưởng thì lại càng dễ trở thành đối tượng bị dắt mũi - giống như con bạc khi mới chơi lần đầu vậy, ban đầu Nhà cái cố tình cho họ thắng vài ván để họ "phởn chí", "tự ảo tưởng mình có may mắn, có tài" trước, cử mấy cô gái xinh đẹp ra ngồi cạnh phục vụ nước nôi khen rồi tung hô các kiểu. Rồi sau đó mới bắt đầu cho họ thua liên tục. Vì họ tự ảo tưởng nên càng muốn chứng minh mình có thể lấy lại số tiền - không muốn mất mặt với mấy người trước đó đã tung hô mình lên - nhất là với mấy người đẹp ngồi cạnh mình. Thế là càng lao đầu vào đánh bạc như con thiêu thân vậy, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền. Người thường là vậy, với người tu tôi nghĩ chắc cũng không phải là không có hiện tượng kiểu trên, chỉ bất quá là hình thức khác đi một chút nhưng bản chất chắc cũng tương đồng.


Ví như có một vị nữ học viên mới tu, vị này thấy có một học viên ở điểm luyện công tu rất tốt, biết rất nhiều nên mới nhờ vả học viên đó trợ giúp, chia sẻ. Vị học viên này vì nhiều người khen quá, tự cho rằng mình là tốt, cho rằng minh biết nhiều nên khi được vị học viên này nhờ vả đã rất nhiệt tình giúp chứ không nhận ra họ đang dính bẫy mà không biết. Sau đó Cựu Thần có thể phóng đại tư tình của học viên nữ kia lên, làm cho vị đó lại hâm mộ vị nam học viên này, bên kia lại phóng đại tâm tự mãn của học viên nam, làm cho học viên nam đó lại càng nhiệt tình "giúp đỡ" học viên nữ kia hơn. Kết quả là 2 bên có thể sẽ phạm lỗi sắc dục. Học viên nữ do không dựa vào Pháp, tâm bất chính muốn ỷ lại vào người khác nên dính bẫy. Học viên nam do tự mãn, coi bản thân thể ngộ của mình là cao, thậm chí cho rằng học viên nữ kia phải nhờ mình thì mới tu tốt được chứ không phải là để tự họ qua đọc sách học Pháp mà tự tu tự ngộ; ngầm coi những thể ngộ của mình còn cao hơn cả Pháp lý Sư Phụ giảng trong sách, thế nên bị dính bẫy, cả hai cuối cùng có thể còn phạm lỗi sắc dục, hoặc bị kéo ra tu sai lệch với Pháp, hoặc bị bức hại thời gian. Có người vì mải với cái lý do "giúp đỡ học viên" mà thậm chí mất rất nhiều thời gian, có vị còn dần dần bỏ bê cả việc tự mình học Pháp luyện công, rồi bỏ bê cả những chuyện trong gia đình, trong đầu họ lúc nào cũng là tìm cách "giúp đỡ" học viên mà "cần họ giúp đỡ", dần dần tạo ra những rắc rối không cần thiết, tôi nghĩ đều vì cái tâm tự mãn kia khiến họ dần dần mất cân bằng, bắt đầu thiên lệch rồi tự chiêu mời rắc rối không cần thiết. Tất nhiên, giúp đỡ, khuyến Thiện học viên là điều nên làm, nhưng nếu nó trở thành cớ che đậy cho việc dung dưỡng cái tâm Tự Mãn kia thì không khéo sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề.


Ai đó mà có tâm tự mãn thì tôi nghĩ thông thường họ có thể sẽ rất thích khoe khoang chia sẻ và "giúp đỡ" học viên khác. Họ có thể trong tiềm thức bị cái tâm tự mãn đó bơm thổi và cũng tự cho rằng mình ngộ tốt, tu tốt, muốn người khác nhờ vả mình, nghe theo mình, thậm chí còn tự huyễn hoặc Sư Phụ an bài người khác tìm đến họ để họ giúp đỡ những vị đó để chứng minh rằng mình tu tốt ra sao thông qua sự thay đổi tốt của những người mà họ giúp. Tất nhiên thì chả ai tự nhận mình là "tốt" công khai cả vì sợ bị cho là "thiếu khiêm tốn", thậm chí ai khen họ họ cũng có thể tỏ ra "khiêm nhường" - Nhưng cái tự mãn đó của họ là ngầm hiển thị qua hành vi, lời nói và cách họ nhận định sự việc. Vì trong tiềm thức họ tự cho rằng mình tu tốt nên họ thậm chí muốn người khác phải tu đúng theo ý của họ, không tu theo ý họ là họ tỏ ra khó chịu. Vì họ tự cho mình có bản sự nên họ thấy họ phải có trách nhiệm này nọ với người khác v..v. Dần dần họ quan tâm đến việc tu của người khác hơn là chính việc tu của họ, rồi họ tự cho rằng mình tu tốt rồi không vấn đề gì nữa, tự cảm thấy mình tu có vẻ ổn ổn rồi khi tự bản thân đem ra so sánh với học viên xung quanh.


Rất có thể Cựu Thần sẽ giăng ra những cái bẫy để nhắm trúng vào cái tâm đó, lý do của họ là để học viên nhận ra cái tâm tự mãn kia mà bỏ nó đi nhưng kỳ thực là họ muốn nhử học viên dính bẫy để rồi tìm cách hủy hoại họ. Nhẹ thì có thể làm học viên mất thời gian, lơ là việc tu bản thân (nếu học viên sau đó kịp thời nhận ra mình đã dính bẫy); Nặng thì có thể còn dẫn dụ học viên tự tâm sinh Ma, tự làm những việc hại mình hại người mà không tự biết. Cái Tâm này sẽ khiến họ dần dần xa rời Pháp, sẽ khiến họ bỏ nhiều thời gian cho người khác hơn là tự tu bản thân cho tốt. Tất nhiên, khuyến Thiện ai đó, giúp ai đó là điều cần làm nếu thấy họ sai, nhưng nếu họ không nghe thì cũng nên kệ họ đi thôi, dù sao vấn đề cũng đã được chỉ và phân tích ra rồi - nhưng trong một vài trường hợp nhất định khi bản thân học viên đã thấy rõ những người đó rất khó có hy vọng thì có thể Cựu Thần sẽ vẫn làm cho họ có vẻ "còn hy vọng" để nhử học viên tiếp tục bỏ thêm thời gian ra với hy vọng "hy hữu" có thể cải biến họ tốt hơn "theo ý mình". Cũng xin nhắc lại, những gì tôi đang nói đến không phải là những trường hợp đặc thù ở tại Trung Quốc như giải cứu học viên hay các sự việc khác, mà nói đến vấn đề giúp đỡ thông thường giữa các học viên tại môi trường tu luyện ở Việt Nam.


Đã có nhiều ví dụ thực tiễn trong cộng đồng học viên, có những người ban đầu chỉ đơn giản là giúp học viên khác chỉ ra cái sai và cũng có tiếng trong cộng đồng. Nhưng lâu dần không còn chú trọng học Pháp luyện công nữa, cứ dần dần xa rời Pháp. Bản thân tâm tính ngầm rơi rớt nhưng tự họ không cảm nhận ra. Có một trường hợp trong số họ cũng từng chia sẻ với tôi rằng cũng thấy được một thực trạng đó là: Dù ban đầu có dốc sức ra giúp học viên khác mà tu không tốt, cũng thấy có chút chuyển biến tích cực nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy, lại trở về như xưa (lý do tôi hiểu có thể là vì tu là việc tự thân, không ai tu giúp họ được, trợ lực bên ngoài chỉ có tác động nhất thời, không thể tạo nên thay đổi từ căn bản). Tuy họ nhận ra thực trạng này, nhưng vì do nhiều người xunh quanh cũng không thực tu mà dùng cái tình đối đãi với học viên nên cứ đem cái tâm hoan hỷ, tâm mến mộ, sùng bái cá nhân, ỷ lại dưỡng thành trong quá trình sinh sống v..v mà khen ngợi họ, nhờ vả và làm phiền họ quá đà mà không ý thức rõ là phải lấy Pháp làm thầy chứ không phải lấy thể ngộ của học viên khác làm thầy. Chính những người đó đã "góp gió thành bão", khiến tâm tự mãn học viên kia dần phình to ra, rồi khiến học viên kia tự cảm thấy họ có trách nhiệm với học viên, nếu không có họ thì học viên sẽ thế này thế khác, tâm họ không buông cái ý nghĩ giúp học viên kia ra được vì cứ lúc họ định buông thì lại có học viên tìm đến nhờ vả, rồi lại trông có vẻ như có thay đổi tích cực v..v. Cứ thế cứ thế mà rơi vào bẫy của Cựu Thần. Cựu Thần cũng có thể thông qua học viên này mà kéo xuống, hủy luôn một lô những học viên nào khác mà hâm mộ, sùng bái học viên đó.


4. CÁC LOẠI BẪY KHÁC

Thực ra còn nhiều kiểu bẫy khác, như là quá bận rộn với việc gia đình mà lơ là việc tu, quá bận rộn với công việc mà lơ là việc tu, hoặc quá cực đoan trong việc tu mà lơ là chuyện xung quanh v..v. Có người khai thiên mục thì bị huyễn cho thấy giả tướng, thế là cứ tưởng thật, khởi tâm hoan hỷ, tâm tự mãn thích chứng thực bản thân rồi đi khoe khoang chia sẻ lung tung. Có người có thể bị Cựu Thần lừa cho tưởng thấy Pháp Luân, cũng lại khiến tâm hoan hỷ khởi lên, dính bẫy rồi mang theo cái tâm khoe khoang, thích chứng thực bản thân là đặc biệt v..v đi quảng bá tùm lum, làm người thường không lý giải được và phản cảm. Rồi có những vụ việc nóng hổi trong xã hội như ông bà này ly dị, ông kia phát ngôn có vẻ như bị tâm thần hay sự thay đổi về chính trị, kinh tế trong nước v..v cũng bị Cựu Thần dẫn dụ học viên nhào vào quan tâm, lợi dụng một vài học viên tu không nghiêm túc, không chú ý tu khẩu mà vẫn thích bàn luận chuyện xã hội làm tiêu điểm để thu hút nhiều học viên khác vào bàn luận tốt xấu các kiểu mà không biết càng như thế càng mất thời gian, thậm chí không cẩn thận mà bị liên đới đến thanh danh Đại Pháp thì rất không ổn.


Càng về cuối, xã hội sẽ được tạo ra nhiều sự kiện "Hot", đúng sai rùm beng lên làm náo động bất cứ cái tâm hiếu kỳ hay chấp trước vào chuyện xã hội của các học viên, sẽ làm họ để tâm vào những việc này chứ không còn để tâm vào việc tự tu chính họ và chứng thực Pháp nữa, thời gian có vẻ buông lỏng thì cũng sẽ xuất hiện nhiều kiểu bức hại thời gian, mà thời gian dành cho tu luyện thì sắp hết, ai không đạt tiêu chuẩn thì cuối cùng có hối hận tự trách cũng không kịp nữa rồi.

Ngoài ra còn có cả những cái gọi là "thần tích", "hiện tượng siêu thường" v..v được đem ra để tăng sức thuyết phục trong quá trình một ai đó chứng thực Pháp, cho rằng họ đang đi đúng đường, đang làm tốt. Tôi nghĩ ra việc gì cũng có 2 mặt của nó, có cái là đến để tăng cường tín tâm, nhưng cũng có cái là có ý bề ngoài là tăng cường tín tâm nhưng mục đích ẩn giấu là dần dần dẫn dụ học viên chấp trước vào những hiện tượng đó rồi bước đi sai lệch. Khi đó họ rất khó nhận thức ra vì họ cho rằng những "thần tích", "hiện tượng siêu thường" kia là đúng, thì những gì họ phỏng theo, nghe theo, làm theo cũng không có gì sai.


Trong chuyện Tây Du Ký có hồi nói về Chân-Giả Mỹ Hầu Vương, đến Tôn Ngộ Không mà còn có sinh mệnh làm giả y chang, nhân lúc Tôn Ngộ Không thật đi nơi khác nó giả bộ đến đánh cả Đường Tăng, sau đó bị phát hiện vẫn còn có thể qua được mắt Bồ Tát thì hỏi mấy cái hiện tượng "thần kỳ", "siêu thường", "điểm hóa" kia Ma có làm giả được không? Chấp trước vào cái gì thì rất dễ có huyễn tượng, cảnh giả đem bày ra để xem học viên có mắc câu không?

Kỳ thực, theo thể ngộ của tôi, những thứ mà học viên cho là "thần tích" hay "hiện tượng siêu thường" đó thì Ma cũng có thể triển hiện ra được. Đến trong Tây Du Ký, còn có cả Tôn Ngộ Không thật và Tôn Ngộ Không giả, đến cả Bồ Tát cũng không phân biệt nổi, chỉ đến khi Phật Như Lai chỉ điểm thì Tôn Ngộ Không giả mới giật mình sợ hãi mà hiện nguyên hình là con khỉ 6 tai (Lục Nhĩ Mỹ Hầu) trước từng quy phục dưới trướng của Tôn Ngộ Không. Thế thì những thứ "Thần tích", "siêu thường" do học viên đồn đại hay chia sẻ cho nhau đó: tôi nghĩ là học viên cần phải cảnh giác. Nghe đâu trong chuyện Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không giả khi bưng bát nước đến dâng cho Đường Tăng uống, chỉ vì Đường Tăng từ chối và còn nạt nộ (do có mâu thuẫn với Tôn Ngộ Không thật trước đó, lúc này Ngộ Không thật đang ở chỗ Bồ Tát chứ không ở đó) nên nó lấy thiết bảng ra đánh Đường Tăng đến ngất xỉu. "Thần tích", "Siêu thường" đúng là có thể gia tăng tín tâm, nhưng quá chấp vào những thứ đó thì rất dễ mà xuất hiện những thứ như "Thần tích giả", "Siêu thường giả". Chấp vào Pháp Luân thì có thể còn xuất hiện cả "Pháp Luân giả" v..v. Thông qua bài "Phụ thể" mà Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân, tôi thể ngộ nông cạn rằng những thứ giả đó chính là nhắm vào những cái tâm truy cầu kia, hỏi học viên truy cầu thì các Đấng Giác Ngộ có cấp cho để mà nhìn không? Tôi thể ngộ nông cạn nếu họ mà cấp thì học viên chả phải sẽ tăng trưởng tâm chấp trước sao? Do đó, tôi e rằng trong những trường hợp bản thân một người nào đó truy cầu thấy cái gì đó mà lại cho thấy được - thì rất dễ đó là Ma làm ra, thông qua học Pháp tôi thể ngộ được rằng chỉ có Ma hoặc động vật ở không gian khác mới có thể làm những điều đó thôi. Nếu đó là thứ giả, học viên mà nghe theo, tin theo rồi lan truyền ra ngoài xã hội thì tôi e rằng học viên đã mắc bẫy tự đi làm việc hại mình hại người rồi. Cựu Thần ở không gian khác có thể cười khoái chí "Mấy học viên này dễ dụ thiệt, đưa ra mồi câu nào cũng mắc, cứ như thiêu thân mà lao đầu vào chỗ chết ý".


Tôi chỉ dẫn ra ví dụ có thật sau đây: Nguyễn Doãn Kiên, người sau này bị lộ mặt thật là thành phần đặc vụ do Trung Cộng đào tạo khoác áo trà trộn vào cộng đồng học viên để phá hoại, gây hiềm khích với chính quyền. Trong giai đoạn năm 2011 khi y ra phát chính niệm ở trước Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội (đợt đòi thả Vũ Đức Trung do phát sóng trái phép), y cũng nói rằng lúc y phát chính niệm, y nhìn thấy cảnh tượng "nhiều cánh tay vươn ra khỏi chấn song sắt, trông như thể đang mong chờ được cứu" - từ đó y cho rằng việc y đang làm là rất quan trọng, là đúng đắn rồi chia sẻ trong học viên, lôi kéo học viên cũng đi ra làm như y. Sau này khi có một số học viên liên kết các sự việc lại mới tá hỏa ra là Nguyễn Doãn Kiên làm vậy là có ý đồ, muốn tạo ra sự chú ý của dư luận quốc tế hướng về Việt Nam trong vấn đề Pháp Luân Công, không biết y tu kiểu gì mà tự xưng là Chính Vương, sau đó còn yêu cầu chính quyền Việt Nam giao quyền quản lý kinh tế cho y; Nếu không giao thì y xách búa đi đập lăng!


Mục đích của Nguyễn Doãn Kiên (được Trung Cộng đào tạo) là khoác áo học viên, lôi kéo học viên làm ra những hành vi cực đoan, phản cảm để từ đó khiến người dân và chính quyền tự thấy là ai học Pháp Luân Công cũng thành ra như vậy. Một kiểu phá hoại "gắp lửa bỏ tay người" điển hình. Một mặt y nói tốt cho Pháp Luân Công, tỏ ra rất tinh tấn, thông hiểu rõ những nội dung trong Kinh văn (được đào tạo từ trước) mục đích là để người dân lẫn chính học viên tưởng rằng đó cũng là người tu Pháp Luân Công, sau đó y mới đột ngột quay ngoắt 180 độ làm ra những hành vi phá hoại. Trước đây thì ĐCSTQ vì lỡ bị lộ vụ dàn dựng tự thiêu tại quảng trường Thiên An môn nên phải bưng bít truyền thông, không cho người dân Trung Quốc biết sự thật. Còn ở VN, họ đã rút kinh nghiệm, sẽ phải diễn sao cho khéo, cho khớp, để không bị lộ sơ hở, lúc đó thì chả cần bưng bít thông tin nữa, cứ thế mà để người dân nhìn thấy được những hành vi đó rồi nghĩ là do học viên Pháp Luân Công làm.

Để nói trong cái hoàn cảnh thật giả lẫn lộn này, nếu mà cứ nghe "sự thần kỳ", "hiện tượng nhìn thấy qua Thiên Mục thấy cái lọ xọ cái chai", "thần tích" nào đó để dựa vào, cho đó là đúng rồi cứ thế lao vào làm theo chứ không lý trí tuân theo Pháp, không căn cứ vào hoàn cảnh để biết cái gì nên và không nên làm thì có lẽ rất dễ bị Cựu Thần cho ăn quả lừa rồi ngậm đắng nuốt cay như chơi. Kỳ thực, đặc vụ cũng có thể tự bịa ra mấy cái "thần tích" đó, họ có thể đóng kịch ban đầu gặp khó khăn khi chứng thực Pháp sau tự nhiên lại ổn thỏa để lấy lòng tin từ học viên, rồi cứ thế kích động học viên đi ra làm những việc chứng thực Pháp cực đoan hại mình hại người vì cho rằng làm như những gì đặc vụ khoác áo học viên làm kia là đúng vì họ có ... "thần tích" xuất hiện. Thực tế, giai đoạn Nguyễn Doãn Kiên hoạt động mạnh đó thì rất nhiều học viên đã bị dính bẫy, có thể thấy sau những bản nghiêm chính thanh minh mà họ viết trên Minh Huệ Net.



Những điểm này tôi nghĩ đã có rất nhiều bài viết của các học viên khác nói đến và cũng như không ít ví dụ thực tiễn mà có thể tai nghe, mắt thấy trong cộng đồng học viên rồi nên tôi chỉ xin điểm qua đôi chút và sẽ không đề cập cụ thể hơn đến những vấn đề đó nữa. Thực tế những cái bẫy thì còn rất nhiều dạng thức chứ không chỉ gói gọn như những gì được nêu trong bài viết. Trong phạm vi bài chia sẻ này tôi chỉ muốn đi sâu một chút vào phân tích về một số cái bẫy điển hình như về tâm Sắc Dục và Tự Mãn vì tính nghiêm trọng của nó. Kỳ thực, những cái bẫy khác cũng đem đến hậu quả không kém, một số có thể không chỉ gây hại từ phía học viên mà là gây tác hại đến cả cái nhìn của những người không tu luyện trong xã hội, khiến họ có thể bị đào thải vì nghĩ xấu về Đại Pháp do phản cảm với những hành vi không lý trí của học viên.



Trên đây là một chút thể ngộ của tôi về những loại bẫy trong tu luyện. Tất nhiên, những gì tôi trình bày bên trên sẽ tồn tại những thiếu sót do thể ngộ bản thân còn nông cạn, chỉ để tham khảo. Nếu có gì cần bổ sung, chỉnh sửa thì cũng rất mong nhận được góp ý của độc giả.

bottom of page