top of page
  • Ảnh của tác giảEditorial Board

Hiện tượng học viên Pháp Luân Công mang tâm truy cầu những thứ siêu thường để chứng thực Đại Pháp

Đã cập nhật: 27 thg 10, 2019



học viên Pháp Luân Công mang tâm truy cầu những thứ siêu thường để chứng thực Pháp

Lời dẫn:


Việc học viên Pháp Luân Đại Pháp mang một cái tâm muốn chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp là không hề sai trái gì, ai cũng vậy, hễ thọ được lợi ích từ Đại Pháp thì thông thường theo tôi nghĩ ai ai cũng đều có mong muốn đó. Nhưng, mong muốn là một chuyện, khi làm trên thực tế lại là chuyện khác.


Nội dung:


Tôi nghĩ rằng, một người nếu là học viên Pháp Luân Công đang sống và tu luyện trong nơi xã hội con người, như vậy thì rõ ràng là cần phải tuân theo Pháp lý của cõi người mà hành xử. Trong thời kỳ đạo đức bại hoại như hiện nay, Đại Pháp được Sư Phụ truyền xuất ra nơi xã hội này theo góc nhìn của tôi thì đó là một cơ hội rất thù thắng mà có lẽ gần như không thể nào gặp lại được nữa. Dựa vào những gì được Sư Phụ giảng trong bài "Phản tu và tá công" - Chuyển Pháp Luân thì tôi thể ngộ nông cạn rằng con người tại thế gian muốn đắc Pháp thì phải dựa vào Ngộ tính của từng người chứ không thể cầu mong thấy những thứ siêu thường do Đại Pháp triển hiện thì mới tin, mới tu được. Rõ ràng là không phải ai cũng có thể bước vào trở thành một học viên đúng nghĩa là tu luyện chân chính theo những gì Sư Phụ giảng, họ không thể yêu cầu Đại Pháp phải triển hiện cho họ thấy sự siêu thường nào đó thì họ mới chịu tu theo, tôi nghĩ rằng họ phải hiểu rõ Đại Pháp vừa có mặt từ bi nhưng cũng có mặt uy nghiêm. Cõi người theo tôi thể ngộ ra rằng đây vốn là một không gian đặc thù, đó là cõi mê và Sư Phụ từng giảng rất rõ trong Chuyển Pháp Luân rằng những sinh mệnh tại không gian này không thể nhìn thấy chân tướng của vũ trụ (học viên có thể đọc lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài “Chân chính đưa con người lên cao tầng” – Chuyển Pháp Luân). Do đó, tôi có thể ngộ nông cạn, căn cứ từ lời giảng của Sư Phụ rằng họ không thể nhìn thấy không phải là do họ không nhìn thấy mà là chư Thần trong vũ trụ và Pháp lý cõi người không cho phép họ nhìn thấy.


Nếu như ở một đất nước mà nhiều người có niềm tin vào Thần và nền tảng đạo đức còn ở mức độ khá cao thì quan điểm cá nhân của tôi cho rằng nếu Thần tích xuất hiện thì họ sẽ có phản ứng không quá khích cho lắm, ít ra là phản ứng tiêu cực sẽ không nhiều vì tư tưởng của họ không chịu hạn chế và bài xích do niềm tin vào Thần vững chắc. Nhưng, nếu ở một quốc gia vô Thần, nơi mà nhiều người không tin vào Thần, thậm chí còn cho rằng những người tin vào Thần là mê tín thì nếu một ai đó nói rằng mình thấy Thần tích, giả như thực sự đó đúng là Thần tích thật thì họ có tin hay không? Rõ ràng là không! Bởi vì tư tưởng của họ chịu sự bài xích rất mạnh của quan niệm không tin vào Thần, họ sẽ sử dụng các phương pháp tư duy hậu thiên mà họ được rèn dũa từ nhỏ đến khi trưởng thành để phản bác, không chừng còn phạm vào tội bất kính với Chư Thần rồi lại tạo nghiệp lực cự đại. Như vậy sẽ xảy ra các hiện tượng như là bị chụp mũ là truyền bá mê tín, bị cho là thần kinh có vấn đề v..v. Kỳ thực, tùy tiện truyền bá những thứ siêu thường ra nơi con người mà những người đó có niềm tin vào Thần là thấp thì tôi nghĩ không khác gì là đi hại người cả, vì những người vốn đã không tin Thần sẽ vì cái tâm đó mà quay ra phỉ báng và lăng mạ, chế giễu chư Thần, cho rằng không tồn tại, là mê tín, duy tâm. Càng như thế thì trên thực tế lại càng phạm vào tội bất kính với chư Thần. Điều này làm tôi nhớ đến bài giảng của Sư Phụ trong Chuyển Pháp Luân là "Nam nữ song tu" - (Đại ý, không phải nguyên văn lời Sư Phụ giảng) là những thứ của Nam nữ song tu là khi nào người tu luyện trong Mật Tông mà đạt đến tầng rất cao thì mới sử dụng được, còn nếu truyền ra trong người thường thì do xích độ tâm tính không đủ nên hễ truyền thì thành tà ngay. (Học viên xem lại bài giảng để đọc nguyên văn lời giảng của Sư Phụ do tại đây tác giả không tiện trích dẫn toàn văn lời giảng Pháp)


Ở một góc độ khác, cá nhân tôi nghĩ rằng chư Thần sẽ không để nhiều người trong cõi mê đắc được Đại Pháp mà thông qua phương thức Thần tích, bởi nếu thế thì đâu còn gì để họ ngộ nữa? Nếu ai ai cũng thấy thì rõ ràng họ sẽ vào tu rồi, nhưng làm sao để thấy rõ đó là do Phật tính của họ xuất lai? Hay đó là Ma tính của họ ẩn giấu? Tôi nhớ Sư Phụ cũng từng giảng rất rõ trong Chuyển Pháp Luân đại ý (không phải nguyên văn) rằng nếu có một vị Phật sống rõ ràng giảng Pháp, lại còn dạy công thì những kẻ thập ác bất xá cũng đều đến học, ai ai cũng tin theo; vậy còn gì để ngộ, sẽ không tồn tại vấn đề về ngộ (học viên có thể đọc lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài “Phản tu và Tá công” – Chuyển Pháp Luân – từ khóa “thập ác bất xá”). Do đó theo thể ngộ của tôi thì không thể lấy những thứ siêu thường ra để khiến người ta Đắc Pháp hay nhìn nhận tốt về Pháp - nhất là tại các quốc gia mà niềm tin vào Thần là thấp vì sẽ dễ đẩy những người đó phạm vào tội bất kính với chư Thần. Nếu thực sự những thứ đó mà xuất lai rõ ràng thì tôi nghĩ đến ngay cả kẻ bức hại học viên tại Trung Quốc cũng phải quay ngoắt 180 độ để dừng bức hại và nói tốt cho Đại Pháp. Nhưng điều đó đâu thể xảy ra, muốn kiểm nghiệm xem đó có phải xuất phát từ Chân tâm của họ hay không thì phải ở trong mê mới thấy rõ ràng được. Tôi thể ngộ rằng đến ngay cả các khí công sư mà muốn lấy những thứ siêu thường để trị bệnh cho người trong xã hội như lập thắng địa liệu dưỡng trị bệnh khí công thì cũng bị Pháp lý cõi người ức chế xuống thấp đến bằng với kỹ thuật trị bệnh nơi cõi người, Sư Phụ giảng rõ là bởi phải duy hộ trạng thái của xã hội người thường (học viên đọc lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài “Trị bệnh ở bệnh viện và trị bệnh bằng khí công” – Chuyển Pháp Luân).


Do đó, tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam, học viên nên phải tu cho tốt. Thông qua cách hành xử, lời ăn tiếng nói, kết quả công việc tốt sau khi tu luyện cũng như lý trí và vận dụng trí huệ mà chứng thực Pháp, khiến cho người ta nhìn nhận tốt về Đại Pháp một cách thiết thực bằng những thứ mà người ta có thể lý giải được chứ không thể sử dụng các hiện tượng siêu thường được. Thực ra họ có cách nghĩ như vậy cũng là muốn đi đường tắt, không muốn thông qua thực tu mà gây dựng cái nhìn tốt đẹp của người xung quanh về Đại Pháp mà muốn ỷ lại vào những thứ siêu thường để đạt mục đích. Tuy nhiên, họ mà làm không cẩn trọng, khiến nhiều người vì không tin Thần mà quay sang mạ lỵ Đại Pháp thì tội của họ là không nhỏ đâu, bản thân họ cũng gián tiếp khiến nhiều người đắc tội, bất kính với chư Thần, hỏi họ giải quyết vấn đề đó ra sao đây?


Tất nhiên, vẫn có những báo cáo về một số Thần tích xảy ra, nhưng đó là ở phạm vi nhỏ, cục bộ ít người biết, và nó cũng chỉ là báo cáo lại từ bên trung gian. Học viên có thể tin nhưng người thường không tu thì vẫn còn cái Ngộ cho họ bởi dù sao họ cũng chỉ là nghe qua từ người thứ ba nói lại, họ có thể không tin nên cái Ngộ đó vẫn tồn tại. Tôi nhớ Sư Phụ cũng có giảng về vấn đề này rất rõ (học viên search từ khóa “trong một diện nhỏ” - Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế New York 2004). Do đó, tôi thể ngộ nông cạn rằng trừ trường hợp đặc thù và là hiện tượng cục bộ, không gây ảnh hưởng lớn đến cái Ngộ của con người nơi xã hội thì có thể những thứ siêu thường vẫn xảy ra. Nhưng tôi nghĩ rằng những hiện tượng đó dẫu có muốn xảy ra cũng cần có yêu cầu đằng sau và có sự giám sát chặt chẽ của chư Thần chứ không phải tùy tiện muốn mà xảy ra được đâu. Tôi nghĩ nếu chỉ trong phạm vi nhỏ học viên biết và nói với nhau hoặc phạm vi rất nhỏ người không tu biết, không ảnh hưởng gì đến xã hội thì tôi nghĩ có thể còn được chư Thần và Sư Phụ chấp nhận. Nếu mà đem những thứ đó ra truyền rộng nơi xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái Ngộ của họ thì đó thực tế là phá hoại trạng thái của xã hội người thường, đó là một trọng tội. Tôi có nhớ trong một bài viết chia sẻ về quá trình tu luyện của một học viên bên Trung Quốc có nói đến một vấn đề mà tôi thấy rất liên quan, xin trích dẫn lại nguyên văn một đoạn trong bài của vị học viên đó:


Đầu thập niên 80, xuất hiện rất nhiều trẻ em có công năng. Có người đọc được bằng tai, có người nhìn bằng tay hoặc bằng gáy. Tôi tin rằng quý vị hãy còn ấn tượng từ những tình thế lúc bấy giờ. Chúng tôi những người tu luyện đều biết được tính chân thực của những điều ấy, và rằng những công năng ấy không được phép biểu diễn. Vì vậy tôi đã tìm đến rất nhiều em như vậy và giải thích với cha mẹ chúng tại sao không nên đưa công năng của con mình ra biểu diễn. Kết quả là tất cả những em đó đều được bảo hộ và sau này tham gia tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Còn những em bị gia đình đưa ra biểu diễn cuối cùng sau này đều bị hư hỏng trong xã hội người thường và cũng gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bởi vì những công năng này không được phép hiển thị tuỳ ý ngoài xã hội người thường. Còn đối với việc gọi là chỉ trích công năng thì đó chẳng qua chỉ là những con rối mà chư Thần bày ra để khống chế tác hại của những hiện tượng như trên để khỏi ảnh hưởng đến xã hội người thường. Người ta càng không tin vào Thần thì lại có càng ít các công năng đặc dị mà chư Thần cho phép chứng kiến

Nguồn: Chanhkien.org


Hiện nay, tôi có thấy một số hiện tượng khá nổi cộm trong học viên. Đó là họ chụp những tấm ảnh, video mà họ cho rằng đó là trường năng lượng hay ảnh Pháp Luân, ảnh chụp Hoa Ưu Đàm v..v. Đó có thực là ảnh chụp Pháp Luân, Hoa Ưu Đàm hay không thì tôi chưa bàn đến vội, bởi xét dưới góc độ tu luyện thì đó vốn là nói đến những thứ siêu thường. Những thứ siêu thường liệu có được tùy tiện chia sẻ, truyền bá rộng rãi trong người thường? Giả sử hỏi rất nhiều người nhờ vào đó mà tu Đại Pháp thì có được cho phép? Cá nhân tôi cho rằng tuyệt đối sẽ không có chuyện đó xảy ra. Tại sao? Bởi nếu thế thì họ cần gì phải ngộ? Làm gì còn tồn tại vấn đề về Ngộ? Ai ai cũng thấy Pháp Luân thì họ đương nhiên là tu rồi đúng không? Những thứ đó mà nếu chỉ chia sẻ trong phạm vi nhỏ các học viên hoặc cục bộ rất ít người biết thì còn đỡ, nhưng nếu mà cố tình chia sẻ rộng ra khắp nơi thì đó thực tế theo tôi nghĩ là đang phá hoại trạng thái của cõi người, đã là phá hoại thì đương nhiên là hành vi bất hảo, tất nhiên sẽ phải tổn Đức theo nguyên lý của vũ trụ. Tôi nghĩ vì hành vi của họ mà chư Thần lại phải mất công sắp xếp các hiện tượng bài xích sự siêu thường đó (tương sinh tương khắc) để cân bằng lại trạng thái nơi người thường, hỏi họ có tha thứ cho người đi gây phiền toái cho họ và cho rất nhiều người khác hay không? Học viên chẳng phải đang tự chiêu mời khó nạn cho việc tu trong tương lai của mình là gì? Đức tổn mất nhiều rồi thì hỏi tu còn được nữa hay không?




Học viên tùy tiện kết luận những điều mình thấy bằng mắt thường là Pháp Luân rồi quay ra quảng bá công khai ngoài xã hội, đó chẳng phải vừa phá hoại trạng thái xã hội người thường (nếu đúng đó là Pháp Luân) vừa là mang tội bất kính với Sư Phụ (nếu đó không phải là Pháp Luân), ngoài ra những người không tu nếu vì thế mà quay ra bài xích học viên Pháp Luân Công thì thanh danh Đại Pháp ai chịu trách nhiệm vãn hồi? Đã vậy khi được học viên khác khuyên can thì họ lờ đi cho là bất Thiện ý, thậm chí còn nói là không cần giải trình gì với học viên? Quả đúng là hiện nay có một bộ phận không nhỏ học viên bước vào tu luyện nhưng không phải để chứng thực Pháp mà là để phá hoại Pháp thì đúng hơn, điều nguy hiểm là họ bề mặt thì vẫn nói tốt cho Pháp nhưng hành vi của họ thì lại gây tổn thất lớn đến thanh danh của Đại Pháp - một dạng phá hoại tinh vi trong nội bộ học viên.


Ở góc độ khác, nếu những thứ đó không phải là Pháp Luân, Hoa Ưu Đàm (mà là trứng côn trùng) mà là học viên tự nhận định do quan điểm chủ quan của mình ra thì thực tế đó lại là hành vi bất kính với Đại Pháp, bất kính với Sư Phụ. Vì sao? Bởi gán một thứ không phải là Pháp Luân và bảo rằng đó là Pháp Luân thì chẳng phải là coi Pháp Luân ngang bằng với những thứ nơi cõi người? Đó chẳng phải hành vi không tôn trọng Đại Pháp là gì? Nếu học viên lại tùy tiện chia sẻ rộng ra mà bị người không tu phản bác và ảnh hưởng đến thanh danh Đại Pháp thì tội nghiệp đó họ có gánh nổi không? Vừa bất kính với Đại Pháp vừa khiến con người đắc tội với Đại Pháp làm họ mất đi cơ hội được đắc cứu, tội đó là cực kỳ nặng!


Riêng về trường hợp của hoa Ưu Đàm, trong Pháp tôi nhớ là Sư Phụ chưa từng giảng gì đến loại hoa này cũng như không hề nói gì về mối liên hệ giữa Sư Phụ với loài hoa này. Tôi nhớ Sư Phụ từng giảng (đại ý, không phải nguyên văn) rằng ai truyền bá những điều không thuộc về Chính Pháp trong các học viên, thì người đó chính là can nhiễu đệ tử Đại Pháp, và phá hoại hình thế Chính Pháp! Tội còn to lớn hơn cả ma làm, theo cựu thế lực nói, còn hung hơn cả ma làm (học viên có thể xem lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014 - từ khóa "đa cấp"). Tôi thể ngộ nông cạn rằng ở một góc độ nào đó nó rất dễ gây ra chấp trước cho các học viên khác cũng mong nhìn thấy loại hoa đó mà không chú trọng vào thực tu tâm tính nữa, sẽ làm họ tưởng rằng cứ thấy hoa nở ở đâu thì hẳn nơi đó là “có điềm lành” rồi đem ra khoe khoang với người xung quanh một cách tùy tiện – Đó chẳng phải khiến họ tự tâm sinh Ma đó sao?


Tự bản thân học viên tùy tiện kết luận những thứ trong ảnh là Hoa Ưu Đàm (nơi xã hội phần đông cho là trứng côn trùng) rồi quảng bá ngang nhiên trên mạng xã hội.



Hình ảnh trứng côn trùng công bố bởi Đại học Ohio State, theo thể ngộ của tôi thì đây như một ví dụ mà chư Thần phải tạo ra để cân bằng lại trạng thái xã hội của người thường, không để những thứ siêu thường (dù thật hay không) can nhiễu đến cái Ngộ của người khác, bởi nếu ai ai cũng tin thì còn gì để Ngộ? Còn gì là mê để khảo nghiêm cái tâm con người nữa? Nguồn: https://ohioline.osu.edu/factsheet/ent-72


Vậy nếu Ma quỷ lợi dụng cái tâm đó mà an bài ra hoa giả (thực tế là do trứng côn trùng tạo ra) rồi học viên tu không tốt lại tưởng đó là hoa thật rồi càng làm sai quấy thêm thì tính sao? Sư Phụ chẳng đã từng giảng rất rõ trong bài "Kết luận chắc chắn" - Tinh Tấn Yếu Chỉ (đại ý, không phải nguyên văn, học viên xem lại nguyên văn bài gốc do Sư Phụ giảng trong link đính kèm ở tiêu đề bài viết "Kết luận chắc chắn" bên trên) rằng điều Sư Phụ không dạy học viên làm, học viên vĩnh viễn không được làm, tâm hiển thị cộng thêm tâm hoan hỷ là dễ bị ma tâm lợi dụng.


Do đó, nếu nói và chia sẻ trong nội bộ học viên thì thôi ở góc độ nhất định thì còn đỡ vì do phạm vi nhỏ, vẫn còn khả năng vãn hồi lại được hậu quả. Đằng đây nếu đem những thứ liên quan đến sự việc trong cao tầng đó và không có trong Pháp do Sư Phụ giảng đó ra để quảng bá tùy tiện công khai ra ngoài xã hội, đến mức mà người thường vì không lý giải được loài hoa này hoặc họ lấy cớ bài xích để viết bài tuyên truyền chụp mũ nói xấu Sư Phụ do sự tích về loài hoa này thì làm sao vãn hồi được? Học viên đừng vì thấy ai khác chia sẻ thì cũng nghĩ đó là tốt vì tình huống thực sự đằng sau đó làm sao mình biết hết được? Cái gì Sư Phụ không nhắc đến, không cho phép, không có trong Pháp mà Sư Phụ giảng hoặc bản thân không nắm rõ, không thể chứng minh dưới góc độ khoa học với lý lẽ biện chứng chắc chắn thì tốt nhất đừng có làm, đừng tùy tiện công khai nói ra miệng hoặc truyền bá ra ngoài xã hội kẻo lại mang hiểm họa cùng cực do vô tình khởi tác dụng phá hoại Đại Pháp.


Sự thực theo thể ngộ nông cạn của tôi là một người tu luyện theo Đại Pháp thì cái đích đến hiển nhiên là viên mãn, Đại Pháp vô biên có thể cho phép người đó tu thành chỉ trong một đời nếu họ tu chân chính. Nhưng nếu tu không cẩn trọng, không lý trí mà tùy tiện làm bừa, thích gì làm nấy thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đại Pháp có mặt uy nghiêm của Đại Pháp, học viên mà gây tội với Đại Pháp vũ trụ, làm tổn hại thanh danh của Đại Pháp vũ trụ thì tôi nghĩ rằng cái quy mô của nghiệp lực tạo thành sẽ không hề nhỏ đâu, chư Thần hộ Pháp cũng sẽ không để yên và Cựu Thần cũng sẽ nắm chắc cái điểm đó mà bức hại học viên gây họa loạn. Lúc đó e rằng học viên có muốn tiếp tục tu luyện cũng còn bất khả thi chứ đừng nói đến chứng thực Pháp. Sư Phụ đã giảng rất rõ trong Pháp, bản thân học viên không tu cho chính, không nghiêm túc đối đãi mà lại thuận theo Ma tâm của bản thân rồi hành xử tùy tiện thì không thể lấy lý do không nhận thức đủ Pháp lý để bao biện cho hành vi sai trái được đâu - cũng như người thường gây nghiệp chướng cũng phải chịu hậu quả chứ không thể nói là do họ không biết luật Nhân quả.


Tôi nghĩ rằng khi định làm, định nói bất cứ thứ gì mà liên quan đến Đại Pháp ra bên ngoài xã hội học viên phải thực sự đứng trên góc độ Pháp lý mà cân nhắc, đứng trên góc độ ảnh hưởng đến xã hội mà xem xét cho kỹ điều gì nên làm, nên nói và điều gì không nên làm, không nên nói. Bởi những gì mà học viên đang làm ấy là liên quan mật thiết đến thanh danh Đại Pháp và đến việc người trong xã hội có thể được cứu hay không? đó không còn là một sự việc bình thường trong phạm vi tu cá nhân nữa. Làm mà không lý trí, không suy xét kỹ, không cân nhắc hậu quả thì tôi e rằng sẽ rất dễ tạo tội nghiệp lớn do vô tình khởi tác dụng phá hoại hoặc bất kính với Đại Pháp. Ngoài ra ảnh hưởng xã hội còn rất dễ khiến rất nhiều người vì hành vi không lý trí của học viên mà mất đi tương lai được đắc cứu của họ. Tội nghiệp lúc đó sẽ đổ lên ai? Hỏi học viên có gánh nổi không?


Trên đây là một chút quan điểm của tôi dựa trên thể ngộ nông cạn từ tầng thứ sở tại. Lẽ dĩ nhiên sẽ còn rất nhiều hạn chế do nội hàm của Đại Pháp là vô biên, nếu có gì không đúng rất mong nhận được sự góp ý.

 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page