top of page
  • Ảnh của tác giảAdministrator

Một số góp ý về cách đọc và tham khảo thông tin trên trang Minhhue.net và chanhkien.org

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019


[01/11/2017] ĐÔNG LAI


Sau khi đọc một số bài viết có liên quan đến việc 3 website chính thức hiện nay bị điều khiển bởi Võ Hoàng Vinh, một người có những hành vi không tốt đẹp cho lắm trong quá khứ, cũng như nhiều đọc giả khác tôi cũng có đọc và thấy rằng các bài viết trên Minhhue.net dường như đang có định hướng học viên, mặc dù không nói từng bài cụ thể là có vấn đề, vì nó phản ánh trạng thái tu luyện của từng học viên trên thế giới, nhưng nếu lồng ghép các bài theo chủ đích thì lại là chuyện khác.

Trước tiên phải hiểu bối cảnh thành lập và tác dụng của website Minhhue.net:

Website Minhhue.net được thành lập vào ngày 25/6/1999 bắt đầu từ trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công chính thức xảy ra tại Trung Quốc vào ngày 20/7/1999, là một Website Đệ tử Đại Pháp làm, là nơi liên kết giao lưu cũng như báo cáo các tình huống bức hại tại Trung Quốc, là trực tiếp đứng từ góc độ Đệ tử Đại Pháp mà phản ánh tình huống tu luyện và bức hại, do đó Website này không phải là kênh thông tin bình thường.

Thể theo tiến trình Chính Pháp thì ngoại trừ các bài phản ánh về tình hình bức hại Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc cũng như trên thế giới thì số lượng các bài viết về chia sẻ kinh nghiệm cũng bắt đầu nhiều dần lên. Minhhue tiếng Trung (sau đó là các Trang Minh Huệ đa ngữ có tác dụng dịch các bài viết từ tiếng Trung sang ngôn ngữ của mình) vốn nguyên là có các mục dành cho người mới bắt đầu vào tu luyện và đề cao dần dần lên qua các bài chia sẻ, nhưng cũng vì vậy mà có lẫn cả các bài của học viên mới lẫn học viên tu lâu. Nếu là các học viên tu lâu năm mà thực tu thì có thể khá dễ dàng đọc và cảm nhận, không nói rằng họ đọc để xem hoàn cảnh của người viết có giống hệt mình hay không mà họ đọc để hiểu được những sai lầm, những vấn đề về chấp trước mà người viết mô tả ra như thế nào? Tức là hoàn toàn đọc để tu luyện bản thân cho tốt, để qua đó nhìn lại và thấy được các dạng tâm chấp trước của tự mình nếu đặt bản thân là họ thì có bị thế không?

Ví dụ tôi có nhớ khi đọc một bài chia sẻ, thì thấy rằng người viết (một người tu lâu tầm 10 năm ở bên Trung Quốc, còn trường hợp người mới tu thì không áp dụng) mô tả về quá trình vượt quan nghiệp bệnh, và bị bức hại là do có sơ hở bởi vì chơi chứng khoán, nhưng vị đó lại coi là mình bị bức hại nghiệp bệnh, vị đó hướng nội mãi mà không hiểu ra vì sao, cuối cùng qua miệng của bà mẹ người viết hỏi rằng “có phải do con chơi chứng khoán không?” nên anh ta nhận ra và cuối cùng bỏ cái tâm đó đi, rút hết lại tiền đầu tư và tình trạng nghiệp bệnh đó cũng dần mất đi …..(trường hợp này là của người học viên nêu trên tu tầm 10 năm). Vậy hỏi một người đọc bài viết như vậy thì họ nhận thức thế nào? Nếu là người mới đặt chân vào học mà đọc thì sẽ dễ cho rằng cựu thế lực bức hại rất lớn, rằng mình không được động đến chứng khoán, hoặc coi luôn bản thân sẽ bị cựu thế lực bức hại mà đáng lẽ người mới tu thì phải qua quá trình tịnh hóa thân thể trong giai đoạn đầu (nếu thực tu) thì lại cho rằng là do cựu thế lực bức hại do mình làm cái gì đó, đáng lẽ lúc đó cần giữ tín tâm và hiểu rằng đó là đang thanh lý và trả nợ nghiệp thì họ lại coi rằng đó là do cựu thế lực bức hại. Vì trong bài viết của vị tác giả kia đều có nói rằng Chính Pháp sắp kết thúc, cựu thế lực sẽ bức hại và thậm chí có người thân họ bảo được Sư Phụ điểm hóa phải bước ra cứu thêm người v..v. Thế là mấy vị mới vô học xem một chút là ngầm định cho rằng mình cũng phải bước ra cứu người luôn, làm như thiêu thân mà không hề cân nhắc một chút gì là làm như vậy có hợp lý không? người khác có liễu giải được hành vi của mình không? có hiệu quả không? Nói thẳng ra thì nó không khác gì tự tâm sinh ma rồi, bị cái tâm nóng vội và kích động của người thường và nhiệt huyết muốn đóng góp cho Pháp mà bị dẫn động sang cực đoan rồi.

Thật ra theo thể ngộ và kinh nghiệm tu luyện của tôi thì các bài chia sẻ của mỗi học viên ờ một góc độ nào đó có thể chỉ đúng cho học viên đó mà thôi, nếu người tu xung quanh mà thông qua những bài chia sẻ này nhằm truy cầu hành trang mong vượt quan được thì nói thẳng ra điều này có lẽ không được tính là họ tu luyện. Bởi tu là phải tự tu chính mình, tự ngộ, tự vượt quan, các chia sẻ kia theo tôi chỉ có tác dụng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tu chính bản thân, nếu mà bảo do đọc bài viết của vị nào đó mà tôi vượt được quan thì chả phải giống như đi thầy bói, bói ra được cái nạn đó, biết trước để mà vượt quan, dẫu có vượt được cũng không được tính. Làm sao có thể áp dụng theo kiểu rập khuôn như vậy được? Tu luyện là điều siêu thường làm sao giống với hình thức kinh nghiệm nơi xã hội?

Người tu lâu thì họ thông qua các bài chia sẻ để họ hiểu ra rằng họ có thể cũng có những tâm chấp trước đó và cần phải tự răn bản thân phải nghiêm khắc và cảnh giác hơn, hiểu rằng không thể coi thường những vấn đề nhỏ nhặt. Họ rút ra được bài học để tự mình thúc đẩy việc tu phải tốt hơn lên, chứ không phải là qua việc đọc các bài chia sẽ mới có thể đề cao được. Mặt khác theo tôi thể ngộ được thì quan ải của một người tu luyện là do các Giác Giả của pháp môn đó an bài, nếu như nhờ đọc và tham khảo từ một cá nhân nào đó mà có thể vượt quan được vậy năng lực của cá nhân viết bài này cao hơn các Giác Giả của pháp môn này?! Theo thể ngộ của tôi thì chỉ duy nhất trường kỳ học Pháp và tu sửa tâm tính mới có thể đề cao được mà thôi.

Tu luyện là việc nghiêm túc phi thường, giao lưu chia sẻ theo tôi nghĩ chỉ là giúp cho học viên hiểu ra tầm quan trọng của việc tu chính, rằng còn nhiều tâm chấp trước cần phải bỏ. Còn hoàn cảnh của người viết, chia sẻ là khác nhau nên không thể tùy tiện đem áp đặt vào hoàn cảnh của người đọc. Nếu là cùng tu tại Trung Quốc thì có thể còn học được kinh nghiệm về giảng chân tướng vì cùng là thuộc một hoàn cảnh đặc thù, nhưng nếu người viết và người đọc ở 2 quốc gia khác nhau thì không thể áp dụng tùy tiện, bản thân người mới học thì khó có thể nhận ra được sự khác biệt đó, nhất là những người trẻ tuổi, kiến thức xã hội chưa nhiều, ít va chạm, thiếu thực tế và nói thẳng ra là rất dễ rơi vào trạng thái “ngựa non háu đá” – trạng thái nói thì như người từng trải nhưng khi vào thực tế thì sứt đầu mẻ trán.

Đầu tiên, phải nói rằng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn có thể luyện công và chứng thực Pháp bình thường, ít nhất là qua điểm luyện công và nói chuyện với người xung quanh về Pháp, cũng có thể qua các mạng xã hội mà không hề bị cấm đoán hay kiểm duyệt internet như Trung Quốc, điều mà hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Sự khác biệt thì có thể tạm phân ra như sau:

-Giống nhau: Đều là Quốc gia ĐCS cầm quyền

-Khác nhau:

- Trung Quốc:

  • Người dân vốn đã biết Pháp Luân Công là gì.

  • Người dân bị tuyên truyền rằng Pháp Luân Công là xấu.

  • Internet bị kiểm duyệt, người dân không thể tiếp cận thông tin đa chiều về Pháp Luân Công.

  • Học viên bị chính quyền bắt bớ, tra tấn, sách nhiễu công khai và có chủ đích (tức là cả bộ máy hành chính, công quyền cũng tham gia vào), bị bức hại đến mất việc làm, không được đi học v..v.

  • Học viên phần lớn đều là người đã tu lâu (đã qua giai đoạn tu bản thân, trừ học viên mới nhưng tỷ lệ so với tổng số học viên là thấp).

  • Bị mổ cướp nội tạng.


- Việt Nam:

  • Rất nhiều nơi người dân chưa biết Pháp Luân Công là gì?

  • Internet không bị kiểm duyệt, có thể đăng tải, truy cập tài nguyên Đại Pháp hay các kênh thông tin một cách thoải mái.

  • Học viên Pháp Luân Công có thể luyện công công khai, nói chuyện về cuộc bức hại với người xung quanh (nếu không có nhóm mạo danh phá hoại thì môi trường lành mạnh và chính quyền không hiểu sai mà can nhiễu học viên ra tập) và trừ trường hợp những người làm trong công an, quân đội (yêu cầu đối với CAND thì không được tham gia tín ngưỡng hay đạo nào, …). Còn lại thì thoải mái, vẫn đi học, đi làm như thường, thậm chí công khai mà không vấn đề gì.

  • Học viên đến quá nửa là học viên mới, từ vài tháng đến một hai năm, số những học viên tu lâu (mà thực tu chân chính) lại rất ít, tu lâu nhưng giả tu hay lúc có lúc không lại tương đối nhiều hơn.


Do đó, hoàn cảnh của 2 quốc gia nếu nói một cách thẳng thắn thì rất khác nhau, chỉ là ở Việt Nam thì không được thông thoáng hoàn toàn như ở các nước Phương Tây, tức là vẫn bị ràng buộc ở các hoạt động tụ tập đông người mà công khai là hoạt động của học viên Pháp Luân Công, chưa cấp phép cho in sách Chuyển Pháp Luân… Nhưng học viên vẫn tu luyện và chứng thực Pháp bình thường.

Câu hỏi đặt ra là liệu học viên Việt Nam có thể đem nhưng hành vi của học viên tại Trung Quốc sang áp dụng tại môi trường Việt Nam? Có lẽ nhiều người cũng biết có một số học viên tại Trung Quốc mà được xuất ngoại ra định cư tại Mỹ, tuy thoát khỏi hoàn cảnh tại Trung Quốc nhưng hành vi dưỡng thành tại đó lại không bỏ được, dẫn tới việc cứ lén lén lút lút, cảnh giác vì đảm bảo an toàn, dán và phát tờ rơi, thậm chí căng banner vô tội vạ, thậm chí có trường hợp đã bị báo cảnh sát và phải trả phí phạt hành chính vì học viên căng banner tại khu vực nhà người ta mà chưa được cho phép. Vì quan niệm về chấp hành pháp luật tại Mỹ hay các quốc gia phát triển họ rất nghiêm, họ được giảng dạy ngay từ khi còn bé nên hành vi của các học viên tại Trung Quốc khiến các học viên ở Mỹ không thể nào lý giải nổi và rất khó hợp tác, thậm chí còn khiến rất nhiều người dân tại đó khó chịu vì hành vi rất không bình thường. Đã có thông cáo của Minh Huệ phản ánh một số trường hợp tại Hoa Kỳ do học viên Trung Quốc di cư sang làm gây hậu quả tương đối nghiêm trọng, bài đã có lời bình mà tôi cho là rất nghiêm khắc của Sư Phụ (xem link).

Do đó, nếu các học viên Việt Nam, hễ đọc và hình thành quan niệm và tư duy giống các học viên Trung Quốc mà áp dụng vào Việt Nam thì cái gì sẽ xảy ra? Chính là gây họa loạn không khác mấy ở bên Mỹ. Như vậy thì việc đọc các bài chia sẻ của các học viên tại Trung Quốc cần phải thận trọng, vì nếu không ý thức từ trước, không phân biệt ra rõ sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc mà cứ đọc nhiều, không lý trí thanh tỉnh mà thu hoạch theo hướng chính (để tìm ra cái sai trong tâm tính của bản thân), mà cứ rập khuôn mà chiểu theo hành vi và cách tư duy của học viên Trung Quốc thì không cẩn thận sẽ đi lệch ngay.

Có một số cách nói lưu truyền ở trong các học viên rằng “Chính Pháp sắp kết thúc, phải nhanh bước ra, phải thực thi sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp, mau bước ra cứu người …” và thậm chí trong các chia sẻ của các học viên bên Trung Quốc cũng nói như vậy. Nhưng kỳ thực những thứ đó theo tôi nghĩ thì không thể dùng tư tưởng người thường, áp dụng như cái máy hoặc không cân nhắc hoàn cảnh mà áp dụng bừa. Hoàn cảnh khác nhau, năng lực khác nhau, mức độ tu luyện khác nhau thì sẽ phải tìm ra cách thức chứng thực Pháp khác nhau, đó mới là con đường mà mỗi học viên phải tự bước đi. Nếu không cứ làm dập khuôn như cái máy, thấy ai làm mình cũng làm, chả cần suy nghĩ, chả cần cân nhắc, tu hay không cũng không quan tâm thì còn gọi gì là tu?

Bởi vậy, theo quan điểm của tôi, những học viên nào đang ảo tưởng làm nhanh và nhiều công tác, đọc nhiều bài chia sẻ và hành xử giống học viên Trung Quốc nhằm để thay thế cho việc học Pháp và tu luyện tâm tính là sai lầm. Điều mà chúng ta những người đang tu luyện có thể làm là giảng chân tướng: truyền đạt sự thật đến xung quanh nhằm giúp cho những người xung quanh hiểu được sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và khẳng định được giá trị của Pháp môn chúng ta đang tu học một cách thực chất trong xã hội, qua đó cũng dần liễu giải được sự thật về cuộc đàn áp dã man, vu khống bịa đặt của ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Đại Pháp bên Trung Quốc.

Vì lẽ đó, học viên khi mới vào thì phải ý thức ra ngay được rằng mình không thể đi tắt đón đầu, nôn nóng vội vàng mà tự coi mình giống những học viên đã có quá trình nhận thức Pháp, ứng dụng những điều học được với xung quanh cũng như trải qua nhiều quan ải. Thay vì nghĩ những thứ xa vời trong khi hoàn cảnh bản thân còn mới tu thì tốt nhất nên tu cho tốt những cái căn bản, cái căn bản mà còn không làm được lại vội vội vàng vàng nghe ai đó nói rằng Sư Phụ sắp cùng các đệ tử về trời hay sắp kết thúc v..v thì đó là tự mình đi sai đường rồi. Mà ai nói hay truyền những câu trên cũng là hữu ý hoặc vô ý khởi tác dụng phá hoại Pháp bởi nó gây ra chấp trước và làm xáo động tâm tính của học viên, khiến cho họ không thể tĩnh tại mà tu thực chất được.

Do đó, với các học viên mới hoặc tu chưa vững lắm thì tôi khuyến nghị là không nên đọc quá nhiều bài chia sẻ trên Minhhue Việt ngữ, nếu có thì nên đọc các bài chia sẻ dành riêng cho học viên mới, nhưng cũng phải tự nhắc nhở mình rằng không phải quan trọng ở đọc nhiều mà là quan trọng ở chỗ học viên đọc bài chia sẻ để làm gì? Theo tôi thì chủ yếu là để phục vụ cho việc tu tâm tính bản thân, là có tác dụng hỗ trợ (chứ không thay thế) cho việc tu học Pháp, hiểu được sức nặng và tầm quan trọng của tu luyện qua các trường hợp của học viên chia sẻ, để hiểu tu luyện là gì? tu và vượt quan có dạng thức ra sao để tham khảo. Rất nhiều người tuy nói là lên đọc tham khảo, nhưng thường là vô thức mà làm theo, chiểu theo đó mà hành, mà làm luôn. Tôi nghĩ đó là tu sai lệch, phải dựa theo Pháp. Ngoại trừ các bài Thông cáo về hành vi lừa đảo, vấn đề an toàn cần phân biệt và tránh, còn những bài chia sẻ về tu luyện, vượt quan, giảng chân tướng thì không thể tùy tiện áp dụng theo như robot, nếu thế thì học viên còn tu gì nữa?

Không cần phải suy nghĩ, không phải tư duy, không phải ngộ mà chỉ cần đọc bài chia sẻ là đề cao? Theo tôi thì nói ra chỉ là chuyện đùa thôi. Tuy nhiên, với Minhhue Việt ngữ, tôi cảm thấy rất nhiều bài đăng là có hơi hướng quá khích, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng ở Việt Nam cũng giống như tại Trung Quốc, thực tế nhiều bài đăng là do học viên tu luyện sai lệch, bị vô đồn công an do hành vi cực đoan, đến thậm chí công an hỏi để hiểu thì không ai nói gì, chỉ ngồi đó mắt lim dim PCN (tôi đã có nhiều thực tế chứng kiến những ca loạn bậy như vậy). Điều nguy hiểm là chính những người đó lại có những bài chia sẻ được đăng lên Minhhue Việt ngữ đó, nguy hiểm hơn nữa tôi còn được biết là họ còn ủng hộ nhóm Phạm Xuân Giao đi phát tờ rơi và dán banner gây kích động, hỏi cứ như vậy thì có nguy hiểm không? Rõ ràng là việc lựa và đăng các bài chia sẻ cho học viên mới là có phần không khách quan và phù hợp với môi trường tại Việt Nam. Có nhiều bài dịch về hoạt động của học viên ở nước ngoài như Mỹ, Châu Âu, Đài Loan v..v mà làm rất hoành tráng như diễu hành, phát tờ rơi, thắp nến tượng niệm v..v, về nội dung thì tôi không phản đối, thực tế thì những hoạt động đó là rất tốt - Nhưng, nếu đăng quá nhiều các bài kiểu đó ở Việt Nam thì rất dễ khiến học viên khi lên đọc sẽ bị dấy động tâm tật đố, mong muốn làm những việc kiểu đó giống như các học viên ở quốc gia khác - nhưng những hoạt động đó rất có thể lại không phù hợp nếu đem áp vào tình hình ở Việt Nam - một quốc gia Cộng sản. Các học viên khi đọc mà không lý trí, không có đủ kiến thức xã hội thì rất dễ vì nhiệt huyết nhất thời + tâm chấp trước tật đố muốn bằng bạn bằng bè can nhiễu trong tâm mà đi ra làm những việc không phù hợp, có thể dẫn tới những tổn thất không dễ gì mà vãn hồi được. Do đó, tôi nghĩ những bài đó nên lượng vừa phải mà đăng, vì đây là ở Việt Nam, chứ không phải ở các quôc gia phát triển mà ủng hộ cho các hoạt động của Pháp Luân Công. Nếu các học viên làm trong Ban Biên Tập Minhhue Việt ngữ vẫn muốn dịch đăng, thì cũng nên làm ra một cái ghi chú riêng biệt về vấn đề này để cảnh báo các học viên khi lên đọc ở một nơi dễ nhìn thấy trên giao diện Website.

Tôi không có ý phủ định công sức của Ban Biên Tập Minhhue Việt ngữ, nhưng dù sao Minh Huệ Việt Ngữ cũng chỉ là một tập hợp các học viên Việt Nam còn đang tu luyện, nếu Minhhue Việt ngữ khiếm khuyết mặt nào đó thì Minhhue Việt ngữ đã không làm tròn sứ mệnh và trách nhiệm quan trọng trong lịch sử đã phó thác với cộng đồng học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam. Nếu các bài đăng chỉ theo hướng kích động đi chứng thực Pháp cực đoan và đều chỉ là khỏi bệnh thần kỳ thì tôi cho rằng hoàn toàn không có nhiều ích lợi đối với học viên mới, thậm chí kể cả với học viên tu lâu, nếu không muốn nói là có trường hợp còn gây ra phản tác dụng, khiến họ suy nghĩ lệch lạc là dùng những điều đó là được chấp nhận vì thấy mọi người đều thế, rồi dần dần đi sang cực đoan. Học viên Việt Nam đang làm trong Ban Biên Tập Minh Huệ Việt Ngữ nên ý thức được vai trò và tầm quan trọng của mình, nếu các vị tu sai lệch mà gây ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường tu luyện tại Việt Nam, không gây được tác dụng chính diện thì tội của các vị rất là nghiêm trọng. Vì khi tham gia vào Ban Biên Tập Minh Huệ Việt Ngữ các vị ắt phải ý thức được vai trò và trách nhiệm to lớn đó.

Do đó, quan điểm của tôi là khuyến nghị học viên mới: tốt nhất khi lên Minhhue Việt ngữ đọc bài thì nên giữ tâm cho cẩn trọng, nếu không giữ vững tâm tính mà đem cái tâm nóng vội, truy cầu mới lạ, tò mò và thích hiển thị, thích mới lạ mà lên đọc thì có thể sẽ dễ đi lệch, tôi không nói bài viết là sai vì nó đúng với hoàn cảnh của người viết nhưng có thể là không phù hợp với hoàn cảnh người đọc. Nhưng nếu người đọc lại áp dụng theo không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, không phải dùng để tự bản thân tìm ra những điểm yếu trong tâm tính mà lại đem ra áp dụng luôn thì rất nguy hiểm. Học viên nên dành thời gian đọc Chuyển Pháp Luân nhiều hơn, đọc những bài chia sẻ thực tế về tu luyện của chính học viên Việt Nam thì mới đúng, rập khuôn theo hoàn cảnh Trung Quốc mà áp dụng vào Việt Nam là rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng các bài của học viên Trung Quốc chỉ đọc để tham khảo thôi. Tôi cho rằng học viên nên nhiều bỏ công phu và thời gian áp dụng những gì Sư Phụ dạy vào tu luyện bản thân thực tế trong đời sống hằng ngày, qua thực tiễn học tập, sinh hoạt, làm việc mà đề cao thực chất tâm tính, nắm rõ tu luyện căn bản là gì, thỉnh thoảng lên đọc Minhhue và luôn phải thanh tỉnh để không đi lạc. Cần phải nắm rõ hoàn cảnh tại Việt Nam là khác biệt rất lớn với ở Trung Quốc, nhưng cũng không hoàn toàn giống với các nước phát triển như Mỹ, Canada.......biết cái gì nên và không nên làm, không đi sang cực đoan, thích làm những thứ mới lạ, tùy tiện áp dụng mô hình của nước khác vô Việt Nam là rất dễ tạo ra khó nạn không đáng có.

Đối với trang web Chanhkien.org, có rất nhiều bài viết rất tốt về khoa học, về văn hóa thần truyền, về các câu chuyện tu luyện cổ xưa. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần ý thức rõ một điều, cái đó chỉ bổ trợ thêm cho việc đọc, học Chuyển Pháp Luân, hiểu rõ quy chuẩn làm người căn bản thời xưa là gì, chứ không phải theo đó mà tu, mà học theo tùy tiện, bởi các Pháp môn thời xưa là tu Phó nguyên thần chứ không phải tu Chủ nguyên thần, và họ thường tu theo lối xa cách quần thể con người sinh sống và xem rất chặt chuyện quan hệ nam nữ. Còn tu Đại Pháp theo thể ngộ của tôi là tu giữa đời thường, ngay tại nơi sinh sống, phải phù hợp, vẫn phải lấy vợ lấy chồng bình thường nhưng thuận theo quá trình đề cao sẽ dần dần xem nhẹ những dục vọng đi và biết phải cư xử thế nào cho phù hợp.

Riêng mảng tiên tri tôi nghĩ rằng học viên khi đọc, nên lý trí tỉnh táo nếu không khéo rất dễ khởi tâm hoan hỷ rất dễ bị kích động mà cuối cùng là đưa đến những biểu hiện thất thường nơi con người, trở thành cái gọi là “lơ lơ lửng lửng”, “không giống ai”, khiến xã hội không lý giải được. Những bài viết về công năng, học viên nhìn qua thiên mục ở không gian khác v..v, học viên rất thích đọc để tìm kiếm điều mới lạ, thích thú mà đọc đến phát nghiện, nhưng không hiểu được rằng những cái đó không thay thế cho học Pháp và cũng không có tác dụng đề cao tâm tính. Tất cả các bài viết đó dù có thật đi nữa, có hay thế nào thì cũng không nên lơ là việc học Pháp và đề cao tâm tính trên mọi phương diện. Hơn nữa, theo thể ngộ của tôi không phải cái gì được đăng trên Minh Huệ Việt Ngữ hay Chánh Kiến (phiên bản tiếng Việt) do dịch từ các học viên khác lúc nào cũng là 100% đúng đắn, có những cái không hẳn như vậy, có những cái không thể tùy tiện đem tuyên truyền ra ngoài, có những cái chỉ nên tham khảo chứ không nên dính tâm vào đó. Nếu đối đãi không đúng với vấn đề trên, rất có thể sẽ xuất hiện nhiều sự tình không tốt về sau.


Đôi điều chia sẻ không thể tránh khỏi sơ suất, rất mong nhận được góp ý nhằm hoàn thiện hơn. Những vấn đề mà tác giả nêu trong bài viết cũng là những sự việc mà tác giả đã đối diện, từng vấp ngã, cũng là thể ngộ tại tầng sở tại của bản thân nên sẽ không tránh khói khiếm khuyết, rất mong nhận được sự góp ý.

bottom of page